PSO - Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025, Đức Pháp chủ GHPGVN, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã trân trọng gửi đến chư Tôn đức Tăng Ni và toàn thể đồng bào Phật tử trong nước, quốc tế thông điệp đầy ý nghĩa.
Thông điệp nhấn mạnh vai trò thiêng liêng của tinh thần đoàn kết và bao dung trong sự nghiệp kiến tạo hòa bình, hạnh phúc, và phát triển bền vững cho nhân loại. Đức Pháp chủ cũng kêu gọi toàn thể Phật tử thắp sáng tình yêu thương, thực hành từ bi, trí tuệ và lan tỏa chánh niệm trong đời sống hiện đại.
Toàn văn Thông điệp Đại lễ Phật đản PL.2569 – DL.2025
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
--------
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày mùng Một tháng Tư năm Ất Tỵ - Dương lịch 2025
THÔNG ĐIỆP
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569
CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Kính gửi:
- Chư Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni;
- Quý Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
Vào mỗi mùa hoa sen nở rộ trên đất nước Việt Nam thân yêu, là khi không chỉ những người Phật tử Việt Nam mà cả cộng đồng Phật giáo khắp năm châu hân hoan kính mừng Vesak thiêng liêng; sự kiện được Liên hợp quốc tôn vinh bởi thông điệp về tình thương, trí tuệ, bao dung và phụng sự tha nhân mà Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại.
Thời gian này, cả thế giới long trọng kỷ niệm sự kiện trọng đại ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh thị hiện ở đời vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người; ngày Đức Phật thành đạo đem đến chân lý giác ngộ khai mở con đường giải thoát khổ đau cho chúng sinh, mang đến ánh sáng của từ bi và trí tuệ cho nhân loại; ngày Đức Phật nhập Niết bàn để lại di sản vô giá làm kim chỉ nam cho các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người, sự phát triển bền vững cho xã hội.
Trong những ngày này Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ cờ hoa tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà (30/4/1975 - 30/4/2025), Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng hoan hỷ được chào đón Chư tôn cao tăng, thạc đức; Chư vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch, những vị lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, tổ chức Phật giáo; Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc ICDV, các tổ chức Phật giáo thế giới; các hệ phái, truyền thống Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quang lâm tham dự Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20.
Thay mặt Hội đồng Chứng minh, Tôi có lời chào mừng Chư tôn Trưởng lão Hội đồng Chứng minh, Chư tôn đức Hội đồng Trị sự; các Ban, Viện Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước đã vân tập về Thành phố Hồ Chí Minh với niềm hoan hỷ trong ngày lễ lịch sử và thiêng liêng này.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng vinh hạnh được đón tiếp quý vị đại biểu khách quý Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quý vị nguyên thủ các quốc gia; quan chức Liên hợp quốc và Trưởng các phái đoàn ngoại giao, đại sứ, đại biện các nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tới tham dự và phát biểu.
Đây là lần thứ Tư, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam, và là lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hân hoan chào đón hơn 1200 quý vị đại biểu quốc tế gồm Chư tôn đức Tăng Ni, các nhân sĩ trí thức Phật giáo, các nhà nghiên cứu, các học giả, Giáo sư, Tiến sĩ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới. Giáo hội vui mừng chào đón rất đông đồng bào Phật tử, Nhân dân cả nước, và kiều bào ta ở nước ngoài đã về chung vui ngày hội thiêng liêng của non sông đất nước Việt Nam và cộng đồng Phật giáo thế giới.
Trong đại lễ Vesak năm nay, chúng ta vô cùng diễm phúc được cung thỉnh Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo vật Quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng vô giá của nhân loại, là minh chứng cho khả tính giác ngộ hoàn toàn của con người; Đồng thời, chúng ta cũng có được đầy đủ nhân duyên đảnh lễ Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc sống năm 1963 tại miền Nam Việt Nam để lại xá lợi trái tim là bảo vật vô cùng quý giá. Ngài là biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, tinh thần và ý chí đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam. Đây đồng thời cũng là minh chứng sống động cho truyền thống hàng ngàn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc; ấn quyết xác lập sự tu chứng mầu nhiệm của Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), vị Bồ tát cả một đời sống vị tha, hiện hữu vì lợi ích lớn lao cho đạo pháp và dân tộc.
Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa Quý vị khách quý.
Nhân loại đang sống trong một thế giới đầy biến động khó lường và phải chịu nhiều khổ đau do tác động của biến đổi khí hậu, khủng hoảng môi trường, thiên tai, động đất, lũ lụt, dịch bệnh và nghèo đói. Chiến tranh và xung đột làm cho nhân loại vốn đã khổ đau càng thêm đau khổ, hận thù tiếp nối hận thù, con người phải sống trong nỗi bất an, sợ hãi và đối diện với nguy cơ hủy diệt sự sống của nhân loại. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng trân kính và nỗ lực thực hành những lời dạy quý báu của Đức Thế tôn và thắp sáng lên tinh thần ngọn lửa thiêng liêng của Bồ tát Thích Quảng Đức trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, nhân văn, đạo đức và phát triển bền vững vì hạnh phúc con người.
Trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Đoàn kết - Sammagga được xem là nền tảng trong sự phát triển và tồn tại của cộng đồng nhân loại. Trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Đức Phật dạy rằng một tập thể đoàn kết, không chia rẽ, biết lắng nghe và hành động trên tinh thần đồng thuận thì sẽ trường tồn và thịnh vượng. Giáo hội chúng ta và cộng đồng Phật giáo thế giới được xây dựng trên nguyên tắc sống lục hòa tạo nên một tập thể tăng đoàn thanh tịnh, một cộng đồng sống an vui và vững mạnh.
Bao dung - Ksanti hay Khanti là nhẫn nhục, tha thứ, là một biểu hiện của từ bi và trí tuệ. Phật giáo không cổ súy sự phán xét hay thù hận, mà khuyên răn con người biết tha thứ, cảm thông, thấu hiểu người khác, ngay cả khi họ sai lầm. Kinh Pháp cú số 5 dạy rằng “Lấy hận thù diệt hận thù, đời này không thể có. Lấy tình thương diệt hận thù, là điều muôn thuở đúng”.
Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói, và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu.
Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa Quý vị khách quý.
Lịch sử đã khắc sâu những đóng góp to lớn của Phật giáo trong chặng đường lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo đã hòa mình với dòng chảy văn hóa dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Triết lý đoàn kết và bao dung của Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc; Góp phần làm sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, thương nòi, lòng khoan dung, trọng nhân, trọng nghĩa, nét văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Đoàn kết là di sản vô giá, truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam; Là sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù, giành mọi thắng lợi lập nên những kỳ tích vẻ vang, rạng rỡ trong suốt chiều dài lịch sử.
Kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi gửi lời chúc mừng đại đoàn kết, đại hoan hỷ tới toàn thể đồng bào Phật tử và Nhân dân trong ngày vui mừng kỷ niệm 50 năm Tết thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) và hướng tới kỷ niệm 80 năm Tết độc lập (02/9/1945 - 02/9/2025) . Tôi kêu gọi chư Tăng Ni và quý Phật tử nhất tâm cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong trận động đất ngày 27/3 tại Myanmar và Thái Lan; cầu nguyện cho chiến tranh, xung đột đây đó trên thế giới mau chấm dứt; cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc.
Tôi tha thiết kêu gọi mỗi người Phật tử chúng ta luôn tinh tấn tu tập, thể nhập Từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sinh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng bao dung và trí tuệ. Với tất cả ý nghĩa thiêng liêng của ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh, tôi mong muốn tất cả những người con Phật trên khắp thế giới đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc thực sự.
Kính chúc Chư tôn đức Tăng Ni, quý đồng bào Phật tử đón mùa Phật đản vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các thiện sự trong ánh hào quang của Đức Thích Ca Từ Phụ.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát Ma ha tát.
PHÁP CHỦ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUẢNG