PSO - Trời vừa hừng sáng, không gian vẫn còn đọng lại chút mơ màng sau giấc ngủ say, tiếng chuông chùa vang vọng, đánh tan đi màn đêm u tịch cũng là lúc hơn 300 hành giả của khóa “Huân tu Chánh niệm” rải bước nhẹ nhàng “Hỷ lạc qua từng bước đi” đón chào ngày mới sau mái già lam tổ đình Vĩnh Tràng.
“Rực rỡ tươi màu buổi sớm mai, Vàng gieo sợi nắng những tua dài, Đỉnh tháp lung linh hào quang tỏa, Mây thấp lửng lơ trắng cánh nhài, Lạnh lẽo màn đêm giờ khánh tận, Huy hoàng ánh sáng phút trùng lai, Những bước chân đi niềm hỷ lạc, Bình minh nở hé vạn lâu đài.”
Những tiếng chim khoe tiếng hót thanh thót trên các ngọn cây. Làn khói trắng của những nhà dân bên bếp lửa để chuẩn bị cho bữa ăn sáng. Màn sương lặng mình nhường chỗ cho ánh nắng buổi sớm mai bắt đầu tỏa chiếu. Những bước chân an lạc của chư Tôn đức cùng hành giả Khóa “Huân tu Chánh niệm” bước từng bước thực tập thiền hành trong từng cử chỉ. Bước đi trong sự tỉnh thức, có mặt trong giây phút hiện tại, cả thân và tâm đều an trú ngay bây giờ và ở đây.
Người thực tập thiền hành bước những bước khoan thai, chậm rãi, ung dung, môi nở nụ cười hàm tiếu và lòng cảm thấy an lạc. Bước từng bước chân thật vững chãi, thật thảnh thơi, bỏ lại những ưu tư, muộn phiền sau lưng, mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước chân là an lạc.
Trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta) đức Thế Tôn đã dạy về pháp niệm hơi thở (anapana sati) như sau: “Chú tâm hay biết, vị ấy thở vô; hay biết, vị ấy thở ra. Thở vô một hơi dài, vị ấy hay biết: Tôi đang thở vô một hơi dài. Thở ra một hơi dài, vị ấy hay biết: Tôi đang thở ra một hơi dài. Thở vô một hơi ngắn, vị ấy hay biết: Tôi đang thở vô một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, vị ấy hay biết: Tôi đang thở ra một hơi ngắn.”
Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình của hơi thở, vị ấy luyện tập như vậy. Hành giả nỗ lực khắc phục mọi luyến ái bám víu vào dục vọng. Điều này không có nghĩa là phải hoàn toàn từ bỏ mọi niềm vui vật chất nhưng không nên làm nô lệ cho các ham muốn trần tục ấy.
Khi đang đi, vị hành giả hiểu biết: "Tôi đang đi"; khi đứng, hiểu biết: "Tôi đang đứng"; khi ngồi, hiểu biết: "Tôi đang ngồi"; khi nằm, hiểu biết: "Tôi đang nằm". Vị ấy hiểu biết rõ mọi oai nghi của thân mình.
Trong quyển “Thiền hành Yếu chỉ” chỉ ra mục đích của thiền hành là sự tỉnh thức và sự an lạc. Tỉnh thức và an lạc được liên tục. Vì vậy ta sử dụng tới hơi thở, bước chân, con số và nụ cười. Sự phối hợp của bốn yếu tố này tạo nên niệm lực và định lực. Niệm là sự tỉnh táo, sự không quên lãng, sự có mặt của ý thức và sự nhớ biết. Chữ niệm vốn dược dịch từ Phạn ngữ “smrti” tiếng Pali là “sati” còn “định” là sự ngưng tụ, tập trung, trạng thái không tán loại và không đi lạc của tâm thức. Thiền hành tạo ra niệm, định và sự an lạc.
Thiền hành là một trong những phương pháp tiếp xúc với đất mẹ. Bước những bước đi thanh thản và an lạc trên mặt đất, đó là một phép mầu nhiệm. Từng bước chân của hành giả khóa tu đang được bước trên đất Tổ Vĩnh Tràng, là một trong những cái nôi của Phật giáo Miền Nam, được hưởng từ trường an lạc của các bậc Tổ đã dày công xây dựng nơi này qua bao thế hệ. Là những Phật tử kính tin ngôi Tam bảo, mỗi hành giả của khóa tu xin nguyện là một vị Hộ pháp tiếp nối mạng mạch của chư Tổ, cùng chư Tăng Ni tiếp tục kế thừa và xây dựng đạo pháp tỉnh nhà ngày một phát triển.
Sau đây là một số hình ảnh thiền hành sáng ngày thứ ba (18/4/2023) của Khóa “Huân tu Chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023 do Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Vĩnh Tràng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho):
Thiện Nguyễn - Ban TTTT Khóa tu