PSO - Sáng ngày 02/4/2024, các học viên khoá Bồi dưỡng Chuyên ngành Thông tin Truyền thông năm 2024 do Ban TT-TT Phật giáo tỉnh Tiền Giang tổ chức, vô cùng hân hoan được cung đón Đại đức Thích Huệ Phát – Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang thuyết trình chuyên đề: “Vai trò Quản lý của Giáo hội đối với Thông tin Truyền thông”.
Tham dự buổi học sáng nay, có Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Tổ chức Khoá Bồi dưỡng và hơn 140 học viên cùng lắng nghe và tham dự.
Buổi thuyết trình xoay quanh 3 vấn đề chính:
Thông tin Truyền thông.
Chánh niệm tỉnh giác khi tham gia.
Vai trò Quản lý của Giáo hội về Thông tin Truyền thông.
Bắt đầu buổi học, Đại đức nhắc lại các cuộc cách mạng công nghiệp từ việc chế tạo và sử dùng lửa, máy hơi nước, phát minh ra điện, điện tử, máy tính, ... Đến nay, nhân loại lại tiếp cận đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thú tư, với sự phát triển vượt trội của công nghệ đã nâng cao chất lượng sống con người trong thời đại.
Đồng thời, Đại đức cũng đưa một số tác động của kỹ thuật số vào đời sống con người như:
Thứ nhất được ví như “Đại Hồng thuỷ Kỹ thuật số”, kỹ thuật số làm cho con người choáng ngợp và chết chìm trong biển thông tin. Trung bình lượng người thông tin tiêu thụ nhiều gấp 3 lần so với những năm 1960. Và gấp nhiều lần so với các ký nguyên trước đó. Đại đứccũng nhắc lại cho quý học viên về Nội san “Đất Phật Định Tường”trước đây, tuy tuổi thọ không dài nhưng những giá trị thực của nó để lại, nhất là việc giới thiệu về các ngôi chùa cổ xưa trên mãnh đất Sông Tiền đã để lại cho chúng ta những tư liệu quý giá, điều đó đáng để cho chúng ta trân quý và học hỏi.
Thứ hai, sự xao nhãng Kỹ thuật số, nó sẽ khiến cho chúng ta gặp khó khăn khi tương tác với bạn bè và gia đình, mất tập trung khi làm việc và bất an khi bị ngắt kết nối. Khi chúng ta chạy theo những lượt like trên mạng xã hội hay tin nhắn thì lượng dopamine trong cơ thể tăng và thay đổi não bộ.
Thứ ba, Chứng Mất trí nhớ Kỹ thuật số, một khi con người bị phụ thuộc nhiều vào máy móc hay các thiết bị thông minh sẽ làm cho mình không còn tự chủ ghi nhớ.
Thứ tư, thói suy luận Kỹ thuật số, khi chúng ta ngại tư duy mà thay vào đó là những lần nhấp chuột hay lướt ngón tay. Vì thế, chúng ta nên rèn luyện và sử dụng bộ não có trí tuệ.
Tiếp theo, Đại đức hướng dẫn đại chúng cách tiếp cận TT-TT một cách đúng đắn có hiệu quả trên nền tảng Chánh niệm tỉnh giác của người học Phật. Đại đức Thích Huệ Phát khẳng định: “Mục đích của truyền thông là để truyền tải thông tin, ý tưởng và giá trị từ một người hoặc nhóm người đến một người hoặc nhóm người khác. Truyền thông có thể được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm lời nói, viết, hình ảnh, video, âm thanh, ...”
Ngày nay, trước sự phát triển của TT-TT, đối với người xuất gia với chí nguyện độ sanh, thực hành giáo pháp nhưng chúng ta lại không có nhiều thời gian để hành trì tu tập vì sự thu hút của mạng xã hội. Thế nên, người xuất gia cần chánh niệm trong từng sát na, như trong kinh Tăng chi bộ Anguttara Nikaya, Chương Một Pháp, Phẩm Thiền định: “Tu tập niệm Phật … tu tập niệm Pháp … tu tập niệm Tăng … tu tập niệm Giới … tu tập niệm Thí … tu tập niệm Thiên … tu tập niệm Hơi thở vô, Hơi thở ra … tu tập niệm Chết … tu tập Thân niệm … tu tập An tịnh niệm …”
Theo Thiền sư Ajahn Chah: “Bạn có thời gian để thở hay không, nếu bạn có thời gian để thở thì bạn có thể tu tập thiền”
Chánh niệm trong từng hơi thở, trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh giúp chúng ta nhận thấy rõ những gì đang diễn ra, quay về và sống với thực tại. Đây là cơ hội để chúng ta quay về với tự thân, tìm cho mình hạnh phúc thực sự đúng nghĩa. Có chánh niệm sẽ không còn nương tựa, dựa dẫm nơi ai, tự mình làm hòn đảo soi sáng cho chính mình. Chỉ cần chúng ta thực hành chánh niệm thì sẽ thành tựu ngay trong đời này, giáo pháp nhiệm mầu sẽ thay đổi đám mây vô minh đang che lấp chân lý.
Cuối cùng, về vai trò quản lý của Giáo hội, Đại đức Thích Huệ Phát cho rằng người làm truyền thông phải biết ai là vai trò Phát ngôn của Giáo hội hay của tập thể Ban Trị sự. Phải tuyệt đối tuân thủ với sự chỉ đạo của Giáo hội và đơn vị lãnh đạo.
Người làm truyền thông Phật giáo có trách nhiệm giáo dục những giá trị Chân, Thiện, Mỹ và truyền bá giáo Pháp an vui giải thoát của Đức Phật đến với cộng đồng; phải ẩn ác dương thiện.“Lấy hoa thơm để che cỏ dại” để làm tốt truyền thông trên tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha và mang lợi ích của tập thể đứng trên lợi ích của cá nhân.
Kết thúc buổi học, Ni sư Diệu Tâm bày tỏ lòng tri ân khi Đại đức đã dành thời quang lâm hướng dẫn và cung cấp cho quý học viên nhiều kiến thức bổ ích để kịp thời điều chỉnh cách thức làm việc, nắm vững đường lối để làm tốt công tác truyền thông trong thời đại mới.
Vạn Nguyên - Thiện Nguyễn