PSO – Theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức khóa An cư Kiết hạ Phật lịch 2567, năm nay Hòa thượng Thích Giác Nhân - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang chia sẻ với chư hành giả An cư tại hai trường hạ chùa Vĩnh Tràng và chùa Thiên Phước về nội dung Kinh Tăng Chi.
Sáng thứ Ba, ngày 13/6/2023 (26/4 năm Quý Mão) Hòa thượng Thích Giác Nhân đã đến chia sẻ nội dung Kinh Tăng Chi cho chư Ni hành giả an cư tại Hạ trường chùa Thiên Phước, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Kinh Anguttara Nikàya, dịch là Kinh Tăng Chi Bộ, là bộ thứ tư trong năm bộ kinh tạng Pali: Dìgha Nikàya (Kinh Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Kinh Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Kinh Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Kinh Tiểu Bộ).
Bộ kinh nầy được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali sang Việt ngữ năm 1976-1977, và được Viện Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn, ấn hành năm 1980-1981. Trong chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam, bộ kinh được hiệu đính thành 4 tập và tái bản năm 1996, qua số thứ tự 21, 22, 23, và 24.
Kinh Tăng Chi Bộ là một bộ kinh được sắp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành 11 chương (nipàtas). Mỗi chương lại chia thành nhiều phẩm (vaggas). Chương Một Pháp (Ekaka Nipàta) gồm các kinh đề cập đến một pháp. Chương Hai Pháp (Duka Nipàta) gồm các kinh có liên quan đến hai pháp, v.v... và tuần tự như thế đến Chương Mười Một Pháp (Ekàdasaka Nipata) gồm các kinh có đề cập đến 11 pháp. Tổng cộng số kinh được ghi nhận là 2,308 bài kinh, nhưng con số này không thống nhất vì số kinh phân biệt không được rõ ràng, và có học giả tính theo số đoạn, tổng cộng là 7,557.
Kinh Tăng Chi Bộ của tạng Pali có bộ chữ Hán tương đương là Kinh Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-Agama) do ngài Tăng-già Ðề-bà (Sanghadeva) dịch từ bộ chữ Sanskrit năm 397 TL, trong đời nhà Tiền Tần, và đã được quí ngài Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Thích Thanh Từ dịch sang Việt văn (Ðại tạng kinh Việt Nam, số 25, 26, 27).
Sáng nay, bắt đầu phẩm Một Pháp, Hòa thượng đã nói về tác hại của Sắc (Nữ Sắc) và Những pháp đoạn trừ và nuôi dưỡng năm Triền cái.
Nói về "Sắc", trong kinh chép: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
1. Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
- Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
3-5.Ta không thấy một hương... một vị... một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương... vị... xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.
- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.
7-10. Ta không thấy một tiếng... một hương... một vị... một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng... hương... vị... xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.
Như vậy, hành giả tu tập là Nam giới đối với “Nữ Sắc” và Nữ giới đối với “Nam Sắc” là hết sức cẩn trọng; vì nếu như chúng ta dín mắc vào những điều này sẽ không còn thời gian để tu tập. Tâm không thể vắng lặng để quán chiếu các thiện pháp và sẽ không được an tịnh trong đời tu.
Năm triền cái là gì? Đó là những chướng ngại, trở ngại phát xuất từ bên trong con người làm ngăn cản con người hướng đến một liệu trình đạt đích của hành giả tu tập. Năm triền cái bao gồm: Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử và Nghi ngờ.
Trong kinh chép: “Ta không thấy một phép nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại….:
Như vậy đối với việc “đoạn trừ và nuôi dưỡng năm Triền cái”, Đức Phật dạy người hành giả phải biết “Như lý tác ý” để tránh những lậu hoặc sinh khởi và làm tăng trưởng các thiện pháp.
Kết thúc buổi thuyết giảng, Hòa thượng đã đem lại nhiều hỷ lạc từ Pháp mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, làm tăng thêm niềm tin và sự tinh tấn cho chư Ni hành giả đang cấm túc An cư tại Hạ trường chùa Thiên Phước năm nay.