PSO – Theo thông lệ hàng năm, sáng ngày 30/01/2024 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Quý Mão), Thượng tọa Thích Phước Nghiêm - Trụ trì tổ đình Phước Lâm (ấp Phú Lợi, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã trang nghiêm tổ chức lễ Tảo tháp tưởng niệm lịch đại Tổ sư khai sơn truyền giáo tại Tổ đình.
Tổ đình Phước Lâm là một trong những ngôi cổ tự có mặt từ rất sớm (1819) trên mảnh đất Sông Tiền, là nơi hành đạo của nhiều vì Cao Tăng như cụ Tổ Thanh Lợi, Tổ Minh Trử (Trừng Trử), Tổ Như Huy (Khánh Huy), … Nơi đây còn nhiều Bảo Tháp lưu giữ nhục thân của chư Tổ và chư Hòa thượng tiền bối sau khi viên tịch.
Từ sáng tinh sương, chư Tôn đức Tăng Ni thuộc Tông phong của Tổ đình đã vân tập về để chưng bày nhang, đèn, trà, bánh … nơi các Bảo tháp chuẩn bị cho nghi thức Tảo tháp. Sau đó toàn thể đạo tràng cung đối trước Tổ đường nguyện hương, đảnh lễ chư Tổ và kinh hành niệm Phật nhiễu Tháp – tưởng niệm công đức lịch đại tiền bối Tổ sư đã dày công kiến tạo, trùng hưng ngôi phạm vũ Phước Lâm để hôm nay hàng hậu học có nơi trang nghiêm tu tập và hành đạo; làm đạo tràng thanh tịnh để quý Phật tử gần xa quy tụ tu học Phật pháp.
Lễ Tảo Tháp (thế gian gọi là Tảo Mộ) là phong tục để thể hiện sự thành kính, lòng biết ơn của hàng hậu bối đối với tổ tiên vào dịp cuối năm. Thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của đệ tử đối với Tổ Thầy, của con cháu với ông bà, tổ tiên; nhắc nhở chúng ta về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, "chim có tổ, người có tông".
Tảo Tháp hay Tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người Việt nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng mỗi khi Tết đến xuân về. Vì vậy dù có đi xa nhưng vào mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng phần mộ của người đã khuất. Các chùa tổ chức kinh hành nhiễu tháp chư Tổ và cùng nhau ôn lại những lời dạy vàng son của các bậc tiền nhân, từ đó tiếp thêm hành trang trên bước đường phụng sự đạo pháp.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Thích Nhuận Huệ