PSO - Sáng ngày 13/7/2023, ngày cuối cùng của khóa tu 5 ngày tại chùa Phước Thới, hơn 500 tu sinh Tuổi trẻ với Đạo Phật lần thứ VII được lắng đọng tâm tư, chăm chú lắng nghe lời thuyết giảng của Thượng tọa Thích Nhuận Đức - Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang với chủ đề “Bóng Cả Đời Con”.
Mở đầu bài thuyết giảng là tiết mục múa Cây Đa Quán Dốc do các tu sinh biểu diễn cúng dường Thượng tọa Giảng sư.
Thượng tọa gửi những lời chúc tốt đẹp, sách tấn tinh thần tu học, rèn luyện nhiều các kỹ năng sống là hành trang tốt đẹp sau này. Thượng tọa khuyên các bạn nên nhớ ơn, biết ơn chư Tôn đức trong Ban Tổ chức khóa tu, các an chị Tình Nguyện viên và các bà, các cô nấu bếp, hậu cần bằng một tràng pháo hoa thật lớn.
Những trải nghiệm trong khóa tu mùa hè là một sự trưởng thành hơn với chính bản thân, các bạn có sự may mắn khi nhiều năm được tham dự khóa tu mùa hè. Để cùng nhau thực tập, tụng Kinh, thiền hành, trò chơi, trải lòng biết ơn cha mẹ qua những đêm thắp nến tri ân và viết thư gửi cha mẹ.
Thân có được hay cuộc sống này cũng do cha mẹ, từ điều đó các con có ý niệm từ thân mạng, vật chất, tập sách... Tất cả, đều do cha mẹ ban cho. Do vậy, câu nói “cây cao bóng cả” chỉ cho bậc lớn hơn mình, “bóng cả” là cha và mẹ. Các con phải có suy nghĩ, làm gì đó cho cha mẹ; mặc dù tuổi nhỏ nhưng nếu chịu làm sẽ giúp ích cho cha mẹ nhiều lắm.
Trò chơi lớn “vượt chướng ngại mâm cơm hiếu đạo” phải vượt qua nhiều gian lao để các con có rau, củ, quả… mà nấu cơm. Để có mâm cơm, các con trải qua các trò chơi đầy gian nan, thử thách và khoảng thời gian nấu bửa cơm rất là “cực”. “Cực” là cố gắng hết mình hoàn thành nhiều chướng ngại của các phần thi: có tiền, đi chợ, nấu cơm, làm thức ăn… Tự làm mâm cơm, các con cảm nhận sự vất vả, gian lao để sống biết suy nghĩ và thương cha mẹ. Trước giờ, mình chỉ biết nhõng nhẽo, hưởng thụ…và có bao giờ nghĩ tiền các con tiêu xài từ đâu mà có hay không.
Trong các con, có ai từng hỏi: Cha mẹ đi làm về có mệt không? Cha mẹ có khỏe không? Đã dùng cơm chưa?. Khi các con bệnh thì ai nấu cháo cho các con? Có bạn bè nào giúp con không? Tụi con có thể giúp cha mẹ những công việc nhà, buôn bán, dọn hàng, quét dẹp…từ những việc nhỏ nhặt. Có đôi khi, các con vô tâm và quên việc phải phụ giúp cha mẹ. Các con đi đâu, về đâu phải báo cho cha mẹ được yên tâm. Các con có quan sát: khi nào cha khóc? Mẹ khóc? Vì sao? Vì đó là sự bất hiếu của các con. Do vậy, các con đừng bao giờ làm cho cha mẹ khóc:
“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.
Cha mẹ thậm chí “nói dối” để dành phần ăn ngon, phần áo lành lặng cho các con; đó chính là sự “hy sinh” vô cùng tận. Vì vậy, lòng thương yêu, lo lắng của cha mẹ để con không thua kém bạn bè. Nếu các con, không nhớ “bóng cả” này đã che chở thì các con sẽ là người con bất hiếu. Cha có thể nghiêm nghị nhưng “sau lưng” là sự hy sinh cho các con một cách lặng lẽ, vì cha lúc nào cũng mạnh mẽ và là lá chắn bảo vệ cho con.
Khi con bị bệnh nằm bệnh viện, người cha bán hết tài sản, ruộng vườn mà vẫn không đủ và treo bảng: “ai đi ngang cứ đánh tôi 1 đấm và cho tôi tiền”. Đó là chịu đựng của cha, miễn sao có tiền lo cho con; người cha trong chuyện kể không khác gì tấm lòng bao người cha khác trong cuộc sống.
Còn mẹ? Mẹ chịu nhiều đắng cay như trong Kinh Vu Lan Báo Hiếu đã khắc họa rất rõ. Mẹ sẳn sàng “hy sinh” cả một đời thanh xuân để lo cho con mình khôn lớn trưởng thành. Ở Việt Nam, câu chuyện vào năm 2012 tại TP.HCM cảm động về tình mẹ, khi mang thai 5 tháng, phát hiện mẹ bị bệnh ung thư. Nếu xạ trị sẽ ảnh hưởng thai nhi, nên người mẹ không đồng ý vô hóa chất để bảo vệ thai nhi. Cuối cùng, bác sĩ đưa ra giải pháp mổ bắt con và cứu mẹ, mẹ nhìn con sinh ra trong sự mãn nguyện và vài hôm sau mẹ nhắm mắt ra đi. Đó là câu chuyện cảm động nhất, “con phải sống”; mẹ hy sinh cả bản thân mình và đến hơi thở cuối cùng.
Cũng như chuyện kể, sự hy sinh một mắt của mẹ, mẹ chịu mù để con được sáng; nhưng người con không hiểu khi thốt lên không muốn mẹ đến trường vì sợ chúng bạn chê cười. Cậu con trai này học rất giỏi và khi quen bạn gái nói rằng anh mồ côi mẹ. Và khi mẹ lên thăm, anh đã không nhận mẹ. Sau ngày ra về đó, mẹ đã bệnh và mất và viết thư gửi lại con: mắt của con là do mẹ hy sinh và toàn bộ gia tài này để lại cho con, kể cả đồng tiền con gửi về. Do vậy, con hãy dạy các con của con hiếu thảo với con, đừng để khi cha mẹ qua đời mới nhớ thương.
Cuối buổi thuyết giảng, Thượng tọa đã đặt nhiều câu hỏi giao lưu với chủ đề trên và có thưởng để khích lệ tinh thần các em. Tu sinh luôn sẳn sàng giơ tay phát biểu trong không khí vui vẻ, thân thiện và đoàn kết.
Kết thúc bài giảng, TT.Thích Nhuận Đức nhắn nhủ các tu sinh về tinh thần hiếu đạo bởi “Đạo hiếu là đạo Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, làm con đạo hiếu phải lo cho tròn đó là những lời gửi gắm chân tình mà Thượng tọa Giảng sư chia sẻ. Đây là bài giảng cuối cùng trong khóa tu nhưng cũng là bài giảng tạo nên nhiều sự sâu lắng với các cung bậc cảm xúc, lấy được giọt nước mắt tri ân đấng sinh thành. Đây là một dấu ấn thành công trong khóa tu mùa hè do Ban HDPT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo huyện Cái Bè tổ chức trong mùa hè năm 2023.
Một số ảnh tại buổi thuyết giảng:
Tin, ảnh: SC.Liên Hiền