Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Nguyên Từ
- Thân thế:
Hòa thượng Thích Nguyên Từ họ Ngô, nhưng sau này khi làm giấy tờ lúc Hòa thượng vào chùa đã lấy họ Nguyễn, theo họ của Ngài Kim An nên có tên là Nguyễn Nhơn, sinh ngày11/06/1941 (Tân Tỵ), quê quán tại Sông Cầu, Phú Yên. Thân phụ là cụ Ngô Phẻ và thân mẫu là Đặng Thị Ít, Ngài sinh ra trong một gia đình nhà nông, thuần lương chất phát và tôn kính đạo Phật. Ngài là người con thứ năm trong gia đình.
- Thời kỳ xuất gia tu học:
Lúc thiếu thời Hòa thượng theo Ngài Kim An, huý Như Quảng trụ trì chùa Bảo Lâm, thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, TP.Tuy Hoà để hành điệu.
- Năm 1960, trải qua một thời gian hành điệu, công phu, công quả để tạo những nền tảng phước duyên, học tập hai thời công phu và những giáo lý cơ bản để có thể vừa áp dụng tu hành đồng thời là bước đệm ban đầu cho con đường hoằng pháp cho bối cảnh hiện tại và tương lai, Ngài chính thức được Bổn sư cho thọ phương trượng Sa Di tại chùa Thiền Sơn với Hoà thượng Từ Thạnh - Tâm Thân. Cũng trong nhân duyên này Ngài được đặt pháp danh là Nguyên Từ, hiệu Thiện Quang. Sau khi thọ phương trượng và tu học tại đây một thời gian, Ngài trở về tu học tại chùa Bảo Lâm.
- Năm 1963, Ngài cùng các huynh đệ đồng môn của mình là Hòa thượng Nguyên Phẩm và Hòa thượng Tâm Thuỷ vào thọ giáo với Hoà thượng Hành Trụ đang ở chùa Chánh Giác và được cho pháp tự là Văn Tu.
- Ngày 14 tháng 12 năm 1969, Ngài chính thức được thọ giới Tỳ kheo tại giới đàn Phật học viện Huệ Nghiêm, Gia Định, Hồ Chí Minh - do Hoà thượng Thích Hải Tràng làm đàn đầu. Sau đó, Ngài ngụ tại chùa Thập Phương ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, trú tại đây tu học cho đến khi Ngài trở về quê hương trụ tại chùa Bảo Lâm, TP.Tuy Hòa.
- Thời kỳ hành Đạo :
a/ Xây dựng Cơ sở Giáo hội.
- Năm 1974, sau thời gian hơn 10 năm tu học, Ngài trở về chùa Bảo Lâm chăm sóc Bổn sư lúc đó đã tuổi cao sức yếu, sau đó 5 năm thì Bổn sư viện tịch.
- Năm 1979, Ngài kế thế Bổn sư trụ trì chùa Bảo Lâm đến bây giờ.
Đến nay, trải qua hơn 40 năm kể từ khi tiếp nối trụ trì ngôi già lam Bảo Lâm, Ngài đã từng bước kiến thiết lại ngôi Bảo tự để đến ngày hôm nay chùa Bảo Lâm là một trong những ngôi chùa đẹp, khang trang, với những công trình đồ sộ, nguy nga trở thành điểm son khi nhắc đến những ngôi chùa ở Phú Yên.
Bên cạnh kiến thiết chùa Bảo Lâm, Ngài đã cùng Hoà thượng Nguyên Phẩm cũng là sư đệ của Ngài trùng tu, phụng dựng lại một ngôi chùa cực kỳ quan trọng là Cổ Lâm Hội Tôn, nơi sản sinh ra tổ Liễu Quán - bậc Thánh Tăng thời cận đại, khai sinh ra một Thiền phái thuần Việt mang tên Liễu Quán và được truyền thừa rộng rãi cho đến ngày nay.
Nói về quá trình kiến thiết chùa Bảo Lâm và quá trình hành đạo. Ngay sau khi Ngài từ Sài Gòn trở về Phú Yên năm 1974, Ngài đã bắt tay trùng tu chùa Bảo Lâm, với công việc đầu tiên là dời chùa về địa điểm cũ để xây lại ngôi Chánh điện và Hậu tổ có diện tích 64m2, ngôi chùa với kiến trúc cổ lầu hiện đại và được xem là ngôi chùa đầu tiên ở Phú Yên với lối kiến trúc này. (Năm 1949 chùa bị một cơn bão lớn làm sập toàn bộ, chưa kịp sửa sang thì những năm sau đó Pháp bắn phá ác liệt nên chùa bị hư hại nặng dường như không còn gì, Hoà thượng bấy giờ đã cùng Tăng chúng mang theo đại hồng chung lên thôn Minh Đức tạm trú nơi một am thất của cụ Lương Bộ Ngưu, đến năm 1955 thì trở về. Thấy chùa cũ đã hoang tàn nên đã chọn một địa điểm mới cách địa điểm cũ 500m để xây dựng có tên gọi là chùa Bửu Liên).
Năm 1995, Ngài vận động xây dựng nhà Tây chùa Bảo Lâm, TP.Tuy Hòa.
Năm 1996, nối nghiệp giảng đường Bảo Lâm Phật học hội 1945. Ngài đã cùng chư tôn đức trong tỉnh xin phép và xây dựng Trường Trung cấp Phật học Liễu Quán. Trường đặt tại chùa Bảo Lâm sử dụng đoàn quán Gia đình Phật tử làm nơi giảng dạy, xây dựng Tăng xá cho Tăng sinh nội trú tu học.
Năm 1998 xây dựng tiếp Thích Ca Phật đài cao 18m và khánh thành 1 năm sau đó.
Năm 1999 xây nhà Đông chùa Bảo Lâm, TP.Tuy Hòa.
Năm 2004 xây tháp chuông và đúc đại hồng chung đồng nặng 1.500 ký.
Năm 2006 trùng tu lại ngôi Chánh điện chùa Bảo Lâm, TP.Tuy Hòa.
b/ Tiếp Tăng độ Chúng :
Với hạnh nguyện: “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức” Ngài đã tiếp độ các vị đệ tử xuất gia như: Thượng tọa Thích Quảng Đạo, Thượng tọa Thích Quảng Đại, Đại đức Thích Quảng Lạc, Đại đức Thích Quảng Sĩ, Đại đứcThích Quảng Huệ, Đại đức Thích Quảng Thạnh, Đại đức Thích Quảng Tiến, Đại đức Thích Quảng Bá, Đại đức Thích Quảng Dũng, Đại đức Thích Quảng Trí, Đại đức Thích Quảng Thạch, Đại đức Thích Quảng Thục, Đại đức Thích Quảng Lộc, Đại đức Thích Quảng Thành, Sư cô Thích Nữ Trung Kính, Sư cô Thích Nữ Trung Ấn, Sư cô Thích Nữ Trung Hội, Sư cô Thích Nữ Diệu Huệ.
Đến nay đã có Ngài đã có hàng sư cháu là chữ Nhuận như: Đại đức Thích Nhuận Thông, Đại đức Thích Nhuận Bảo, Đại đức Thích Nhuận Quang, Đại đức Thích Nhuận Anh, Đại đức Thích Nhuận Việt, Đại đức Thích Nhuận Thức, Đại đức Thích Nhuận Viên, Đại đức Thích Nhuận Thống ...vv. Ngoài ra Ngài đã cho quy y hơn ba nghìn Phật tử tại gia.
c/ Tích cực đóng góp Phật sự cho tỉnh nhà:
Trong quá trình hành đạo Ngài đã kinh qua các chức vụ trong Giáo hội và hoàn thành công tác Giáo hội giao cho như:
+ Từ năm 1996 đến nay, Ngài là Giám viện kiêm Trưởng ban bảo trợ Trường Trung cấp Phật học Liễu Quán tỉnh Phú Yên.
+ Trưởng ban Nghi lễ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên hai nhiệm kỳ IV, V .
+ Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên ba nhiệm kỳ VI ,VII, VIII .
+ Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Tuy An.
+ Ban Trị sự tỉnh công cử Ngài trực tiếp vận động, xây dựng chùa Cổ Lâm Hội Tôn từ năm 2015 - 2020.
Tại chùa Bảo Lâm, hằng năm Ngài đều mở các khóa An cư Kiết hạ cho chư Tăng tại bổn trường, theo đó Ngài cũng mở các khóa tu Bát quan trai cho quý Phật tử tu học.
Ngài luôn khuyến khích, vận động Tăng tín đồ Phật tử bổn tự phát tâm làm từ thiện, quan tâm đến bà con đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.
- Thời kỳ viên tịch:
Dù mang trong mình trái tim thiết tha với Đạo pháp, còn nhiều hoài bão tương lai với cơ sở Phật giáo tỉnh nhà, muốn tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhưng thân tứ đại của Hòa thượng vẫn phải bị chi phối bởi định luật vô thường sanh, lão, bệnh, tử. Lúc 07 giờ 30 phút, ngày 03 tháng 7 năm 2022 (nhằm ngày 05 tháng 6 năm Nhâm Dần), Ngài đã thu thần nhập tịch trong niềm thương tiếc vô hạn của hàng hậu học và học trò đệ tử. Trụ thế: 82 năm; Hạ lạp: 54 năm.
Ngài đã trải qua bao gian nan, thử thách trong những giai đoạn khó khăn chung của lịch sử dân tộc, xuyên suốt các quá trình học đạo và hành đạo của Ngài, đó là chất liệu sống và kinh nghiệm tu tập quý giá, Ngài kết tinh lại và truyền trao cho hàng hậu học. Kiến giải của Ngài đã dành cho các học trò và đệ tử của Ngài những vốn liếng hành trang căn bản nhất là nguồn sống bất tận, hun đúc những vị ấy trở thành những nhân tố đóng góp tích cực cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và cho chương trình giáo dục Phật giáo Việt Nam trong hiện tại cũng như hoằng dương Phật Pháp khắp nơi nơi. Công đức, hành hoạt và những cống hiến của Ngài là nét son quý giá cho sự chuyển mình, kế thừa, phát triển của Phật giáo Phú Yên nói riêng và Phật Giáo Việt Nam nói chung. Ngài vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức của đàn hậu học, nêu tấm gương xán lạn của một bậc xuất trần thượng sỹ vững chãi, thảnh thơi, giản dị, khiêm cung, tinh tấn tu học, tận tụy trong Giáo hội và sứ mệnh Hoằng Pháp độ sinh, thật là :
“Nguyên Tâm Học Đạo Từ Tuế Độ;
Thiện Như Liên Trì Bảo Lâm Quang.”
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TỨ THẾ, BẢO LÂM – CỔ LÂM HỘI TÔN TỰ ĐƯỜNG THƯỢNG, thượng NGUYÊN hạ TỪ, hiệu THIỆN QUANG, HÒA THƯỢNG GIÁC LINH
Phật lịch 2566 Ngày 05/6 năm Nhâm Dần (Ngày 03/7/2022)
Môn Đồ Pháp Quyến Cung Soạn