Ngày 20/11/2022 (nhằm ngày 27/10 năm Nhâm Dần), Khóa tu Một Ngày An Lạc đã được diễn ra nơi khuôn viên chùa Pháp Tạng (C3/8 Lê Đình Chi, ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) với sự tham dự đông đảo của gần 500 thiện nam tín nữ gần xa.
Từ sáng sớm, quý Phật tử đã huân tập về chùa dùng điểm tâm.
Tiếp đến, khóa lễ sám hối và phát nguyện tu học một ngày An Lạc với sự hướng dẫn tu tập của chư Tôn Thiền Đức bổn tự.
Trong tiếng Niệm Phật trầm hùng linh thiêng, đại chúng đồng phát nguyện 12 lời nguyện tu tập:
- Thường Niệm Danh Hiệu Phật, hôm nay và mãi mãi
- Cho trí sáng tâm khai
- Sống an vui tự tại
- Không ác ý với ai
- Luôn nói lời từ ái
- Không gây khổ cho ai
- Hành trì trai giữ giới
- Luôn nhẫn nại khoan dung
- Sắc tài không đắm nhiễm
- Trừ phiền não trái oan
- Trải lòng thương muôn loại
- Chí vãng sanh không phai
Cũng nhân đó, để hành giả tham dự khóa tu được thấu hiểu và thực hành trọn vẹn những lời nguyện ấy, Đại đức Giảng Sư Thích Trí Huệ – UVTT Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN – Trưởng Ban tổ chức – Trụ trì chùa Pháp Tạng đã thuyết giảng đề tài: “12 công đức tiêu trừ nghiệp chướng”.
Đại đức đã giảng dạy rõ từng lời nguyện với những mẫu chuyện vui tươi, hấp dẫn khiến cho cả Đạo Tràng vô cùng hân hoan.
Lời đức Phật chỉ dạy không ngoài mục đích giúp chúng sanh thoát khổ trong hiện tại và thoát khổ trong vạn nẻo sanh tử luân hồi (Giác ngộ, giải thoát). Cho nên, khóa tu là môi trường, là tiền đề cho quý hành giả thực tập 12 lời nguyện, từ đó làm hành trang để tiếp tục sự nghiệp tu tập tại nhà hay chốn công sở. Hãy thực tập mọi lúc, mọi nơi, có như vậy thì ý nghĩa của lời nguyện mới trở thành công đức giúp cho chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng.
Sau thời khóa thuyết giảng, hành giả được Đại đức Thích Trí Huệ trực tiếp hướng dẫn niệm Phật, đi Kinh hành.
Nghi thức cúng Ngọ và cúng Quá Đường
Buổi trưa lễ Quy y Tam bảo trang nghiêm diễn ra vơi nhiều thiện nam tín nữ đã phát tâm trở thành người đệ tử Phật, nguyện sống đời tỉnh thức để có được an lạc đời này và nhiều đời sau. Ban tổ chức đã gửi tặng những suất quà kèm chứng điệp quy y để mọi người rõ biết cách thực hành, làm sao để trở thành người đệ tử Phật chân chánh.
Buổi chiều, chương trình tu học được tiếp tục với thời khóa niệm Phật – kinh hành.
Mỗi hành giả tham dự được hòa âm trong tiếng niệm Phật trầm hùng vang vọng, từng bước chân thanh thản nhẹ nhàng, thả trôi bao muộn phiền để cùng thực tập nhiếp tâm, thực tập buông xả.
Cùng ngày, khóa tu trùng dịp đặc biệt là Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11. “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn Sư trọng Đạo” vốn là truyền thống tốt đẹp, đạo lý cao cả, thiêng liêng, thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ ở đời sống thường nhật, mà khi đi vào Đạo, nét đẹp đó còn sâu sắc hơn bao giờ hết. Đó là nét đẹp của tinh thần TỨ TRỌNG ÂN. Thật vậy, mái chùa xưa hay nay, dù ở nơi đất Tổ hay trời phương ngoại vẫn là nơi hội tụ của muôn ngàn người dân đất Việt chung dòng máu Lạc Hồng, chung một truyền thống đạo lý.
Đò Trí tuệ tháng ngày đưa rước khách
Người sang sông muôn kiếp mãi tri ân
Với ý nghĩa đó, chư Tôn Thiền Đức Chùa Pháp Tạng và quý Phật tử gần xa đã long trọng tổ chức khóa lễ Tri Ân nhân sự kiện này.
Sau khi dâng lời tác bạch lên Đại đức Giảng Sư, gửi lời tri ân về bậc Thầy cao quý, Đại đức đã có những lời nhắn nhủ chân tình, tha thiết đến đại chúng:
Trong ngày lễ Tri Ân này, đối với mỗi chúng ta, ngoài hai người Thầy đặc biệt có công sinh ta ra, nuôi dưỡng ta khôn lớn - là các đấng Sinh Thành, chúng ta còn có những người Thầy dạy dỗ ta khi còn trên ghế nhà trường.
Vào nhà tâm linh, chúng ta có một bậc Thầy vĩ đại của Tam Thiên – Đại Thiên thế giới, chính là đức Phật. Ngài đã bắt đầu “sự nghiệp giáo dục” của mình ngay sau khi thành đạo với bài Pháp đầu tiên cho nhóm năm anh em Kiều Trần Như, đánh dấu một thời kỳ đổi mới trong tư tưởng nhân loại về con đường tu tập giải thoát, định hình lại lối mòn hằn sâu trong suy nghĩ hàng ngàn năm ở Ấn Độ về giai cấp con người, mở ra một con đường cao thượng giúp chúng sanh thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau, về bến an vui vĩnh hằng.
Do vậy, Đức Phật là bậc Thầy cao quý nhất. Nguồn mưa pháp của Ngài có công năng khai mở trí tuệ, khai mở tâm linh, hóa giải nỗi khổ niềm đau nơi kiếp sống phù sinh, mang ánh sáng yêu thương đến với muôn loài.
Người Phật tử chúng ta hãy hướng tâm tu tập, trên nhớ ân đức chư Phật, long thiên Hộ Pháp, kế đến là lòng biết ơn tổ tiên ông bà. Bởi lòng biết ơn, nhớ ơn, báo ơn là nhân cách đạo đức, là phẩm chất của một vị Thánh, không có một bậc Thánh nào vô ơn mà có thể thành tựu đạo quả. Như Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật từng dạy rằng, có 4 hạng người khó gặp trên đời. Đó là:
- Người biết và hiểu Phật Pháp
- Người truyền bá Chánh Pháp
- Người biết tu theo Chánh Pháp
- Người biết ơn và biết trả ơn.
Quan trọng nhất là sự giác ngộ. Chúng ta cần nỗ lực học pháp, hành pháp để thoát khổ trong hiện tại, thoát khổ trong bước đường sanh tử luân hồi. Đó mới là cách đền Bốn Ơn lớn thiết thực nhất.
Chiếc bánh kem, những lẵng hoa quà đã được gửi tặng đến vị Ân Sư tôn kính. Đại chúng hân hoan trao gửi nhau những nụ cười từ ái.
Những tấm hình lưu niệm đã được ghi lại khoảnh khắc này, cầu nguyện cho người người luôn thương mến nhau, ai ai cũng biết Đạo mà tu hành, giác ngộ, dứt sạch khổ đau.
Khóa lễ đã khép lại bằng bữa cơm thân mật, mọi người ra về cùng những cành hoa tươi thắm được bổn tự gửi tặng.
Tin & Ảnh: Ban TT-TT chùa Pháp Tạng