Mùa Hiếu Hạnh đang về trên khắp nẻo đường Tổ Quốc, khắp nơi rợp cờ hoa mừng đón kỷ niệm ngày lễ Tự Tứ sắp đến. Đây là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, đánh dấu sự kết thúc của ba tháng An cư. Ngày Tự Tứ còn được gọi là ngày Chư Phật hoan hỷ. Bởi sau ba tháng tu học, rèn luyện, thúc liễm thân tâm, chư Tăng thu thúc lục căn, kiểm điểm giới đức, soi sáng cho nhau để cùng tiến bộ hơn.
Cũng xuất phát từ điển tích của tôn giả Mục Kiền Liên cứu Mẹ mà truyền thống này tiếp tục được truyền thừa đến ngày nay. Vì xót thương thân mẫu bị đọa đày trong cảnh Ngạ quỷ, vâng lời Đức Phật, vào ngày chư Tăng tự tứ, Tôn giả Thần thông Đệ Nhất đã thiết đại lễ cúng dường Trai Tăng, thỉnh chư Tăng chú nguyện hồi hướng công đức phước báu cho Mẹ. Nhờ đó mà bà Thanh Đề thoát cảnh khổ, được sinh về Thiên giới.
Với ý nghĩa cao thượng đó, ngày 18/8/2024 (nhằm ngày 15/7 năm Giáp Thìn), Chùa Pháp Tạng đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu Lan cùng những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm mùa Hiếu Hạnh với sự tham dự của đông đảo quý thiện nam tín nữ gần xa tề tựu về ngôi bổn tự.
Cùng hòa chung sự kiện đặc biệt này, về phía chính quyền địa phương, vinh dự chào đón sự có mặt của: bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Lê Minh Xuân; bà Phùng Kim Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã; cùng với các ban ngành đoàn thể xã, cán bộ công chức đồng tham dự.
Mở đầu chương trình, hoạt động Phóng sanh, đưa các loài thủy tộc, lưỡng cư, chim muông về chốn an vui đã được cử hành bởi sự chứng minh của Đại đức Thích Trí Huệ - Trụ trì chùa Pháp Tạng cùng chư Tôn đức và đông đảo quý Phật tử gần xa.
Lời Kinh vang vọng khắp vùng trời, với lời nguyện cầu bình an đến muôn loài, gieo trồng hạt giống thiện lành nơi tự thân.
Sau những giờ phút cứu vớt sinh mạng các loài vật bên con kênh xanh mát của khu vườn Thiền, đạo tràng được ổn định và lắng đọng trong thời pháp thoại sâu sắc với chủ đề ‘Sự Báo Hiếu của Các Bậc Thánh Nhân’ được sự thuyết giảng của Đại đức Thích Trí Huệ – UVTT Ban Hoằng Pháp TƯ – Trụ trì Chùa Pháp Tạng.
Ngược dòng lịch sử, ôn lại những sự kiện Hiếu Nghĩa trong thời Phật còn tại thế. Chúng ta cảm nhận thấy một sự thiêng liêng về Đạo Cao Thượng mà đức Thế Tôn đã truyền giao và ban bố khắp thế gian. Cuộc đời Đức Phật, tuy Ngài đã chứng đạo quả vô thượng Bồ Đề, Chánh đẳng Chánh giác, ở vị thế cao tột của vũ trụ, nhưng Ngài vẫn luôn đề cao chữ Hiếu và luôn răn dạy các vị đệ tử của mình “Hiếu nghĩa vi tiên”. Trong điển tích vẫn ghi lại những lần Ngài về thăm và chăm sóc vua cha hay việc Ngài lên tận cung trời Đao Lợi để thuyết pháp độ cho Mẫu thân,… Như tấm gương Tôn giả Mục Kiền Liên nhờ oai lực của chư Tăng để cứu mẹ thoát khỏi địa ngục đớn đau. Hoặc cả gương hạnh báo hiếu của Tôn giả Đệ nhất Trí Tuệ - Ngài Xá Lợi Phất cũng đã giúp Mẹ thoát khỏi Tam giới – đặt chân vào dòng Thánh Đạo trước lúc Ngài nhập Niết Bàn Đại định…
Từ Kinh điển cho đến đời sống thường nhật, những mẫu chuyện ý nghĩa và sâu sắc đã được Đại đức Giảng sư truyền tải đi vào lòng người, lấy của đại chúng biết bao giọt nước mắt khi nhắc đến những tình cảm thiêng liêng đó. Bởi tình cảm Cha Mẹ dành cho con cái là vô tận.
Lại thấm thía hơn bao giờ hết trong khoảnh khắc Vu Lan Thắng Hội là thời khắc lễ cài hoa hồng. Hạnh phúc biết bao cho những ai được cài hoa hồng đỏ. Bên cạnh đó là nỗi mất mác không bao giờ bù đắp được cho những ai phải cài đóa hồng hường hay hồng trắng.
Qua đây, Đại đức cũng sách tấn đến hàng Phật tử phải luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân. Cuộc sống là vô thường, luôn chứa đầy bất trắc, hãy là người con hiếu kính như lời đức Từ Phụ đã chỉ dạy, hãy góp phần làm cho thế gian thêm nở hoa bằng cách trở thành những người khó tìm được ở đời. Không chỉ nhớ tới công ơn của cha mẹ trong hiện tại, mà còn phải nhớ và nghĩ tới công ơn cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, để từ đó tinh tiến trên con đường tu tập, làm nhiều việc thiện lành, đem công đức lành ấy hồi hướng cho Tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá vãng được siêu sinh Tịnh Độ, cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long và luôn phải nhớ rằng “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Các Phật tử đã thực hiện nghi thức cài hoa hồng vàng kính dâng đến chư Tăng Ni, hoa hồng đỏ trao về ai còn đấng sinh thành, hoa hồng trắng trao đến ai đã khuất bóng Mẹ Cha.
Sau những thời pháp nhũ sâu sắc của Đại đức Giảng sư, ngoài tinh thần tri ân và báo ân lên đấng sinh thành trong mùa Vu Lan, hàng Phật tử còn tưởng niệm đến ân đức của các bậc Thầy khả kính.
Cũng nhân mùa Vu Lan này, sau ba tháng an cư kiết hạ, các hàng Phật tử đã phát tâm sắm sanh phẩm vật tịnh tài trước dâng lên cúng dường thập phương Thường trụ Tam Bảo, sau dâng cúng hiện tiền chư Tôn đức chứng minh.
Trước lúc kết thúc chương trình Vu Lan Báo Hiếu, gần 200 thiện nam tín nữ gần xa đã phát tâm quy y Tam Bảo, trở thành người con Phật trong dịp lễ đặc biệt này.
Sư Phụ trụ trì truyền trao ngũ giới cho quý Phật tử và suất quà quy y cho mọi người nắm bắt rõ bổn phận của người con Phật.
Cùng ngày, Chùa Pháp Tạng đã tổ chức khóa tu Một Ngày An Lạc cho quý đạo hữu Phật tử gần xa đồng phát nguyện tu tập, cũng như nhắc nhở đại chúng lắng lòng thệ nguyện thực hiện lời dạy của chư Phật, cũng như noi theo gương hiếu hạnh của các bậc Thánh đã từng làm.
Mùa Báo Hiếu là phương tiện tốt đẹp nhắc nhở lòng trắc ẩn trong lòng mỗi chúng ta: “Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc, đừng để buồn trên mắt Mẹ nghe không!” Không phải chỉ là tháng Bảy hay ngày của Cha, ngày của Mẹ thì chúng ta mới nhớ đến ân nghĩa sinh thành, mà bất cứ ngày nào, chúng ta có hiếu kính, nhớ thương Cha Mẹ thì tất thảy đều là ngày Vu Lan. Hãy trở thành những người con hiếu nghĩa, biết tri ân và đền ân, đó là Thánh Hạnh để chúng ta vượt lên những điều tầm thường của thế gian.
Dẫu con đi trọn kiếp người,
Cũng không đi hết những lời Mẹ ru.
Ầu ơ ... tháng bảy vào thu,
Nhành hoa trên áo nguyện tu đáp đền.
Trước lúc kết thúc chương trình Mùa Hiếu Hạnh, quỹ Từ thiện Chùa Pháp Tạng đã trao tặng 210 suất quà nghĩa tình đến bà con khó khăn trị giá 420 ngàn đồng và 100 em học sinh trên địa bàn huyện Bình Chánh với trị giá 300 ngàn đồng mỗi phần.
Phần quà bao gồm: 10 kg gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn... Và bao thư trị giá 118.200.000 đồng.
Chương trình đã khép lại trong không khí ấm tình Đạo vị cùng bữa cơm thân mật tại bổn tự.
Hiếu nghĩa Cha Mẹ là một nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của người con. Cho nên, truyền thống tri ân, báo ân trở thành một lễ hội văn hóa sâu sắc mang sức sống tâm linh mãnh liệt ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt Nam cũng như những người con Phật trên toàn thế giới.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Là người Phật tử, chúng ta cần có trách nhiệm học – hành – hoằng – hộ Pháp để Chánh Pháp luôn được trường tồn tại thế gian, làm lợi ích cho tự thân và tha nhân. Tam Bảo là ba ngôi báu quý giá nhất nơi trần thế, dẫu ngọc ngà châu báu có chất cao như núi, nhưng không thể nào đánh đổi với cơ hội để chúng ta được gặp Chánh Pháp, nương tựa và hành trì Pháp sâu mầu.
Sau đây là những hình ảnh được ghi nhận:
Tin & ảnh: BAN TT-TT Chùa Pháp Tạng