Sáng nay, 18/8 (nhằm ngày 22/7/Nhâm Dần), lễ cầu siêu “Hộ quốc nhân vương thủy lục phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng” đã trang nghiêm diễn ra lễ khai mạc tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM).
Tham dự đại lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và chư tôn Trưởng lão Hòa thượng trong HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN và chư tôn đức Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử.
Đại diện chính quyền các cấp có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Ngô Minh Châu, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP cùng các vị đại diện lãnh đạo chính quyền TP, sở ngành, quận 10 sở tại; thân nhân các hương linh đã về tham dự, nhất tâm cầu nguyện.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, trong phát biểu khai mạc bày tỏ, Đại lễ “Hộ quốc Nhân vương phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng” là cơ hội để tất cả đạo tràng ngồi lại dưới bóng Phật đại, lắng lòng thanh tịnh, thắp sáng hiện hữu, chuyển tải đến pháp giới, tác động đến những người chẳng may bị qua đời trong đại dịch Covid-19. Qua đó, bày tỏ lòng tri ân những người đã nằm xuống cho đất nước rạng rỡ, quang vinh như hôm nay
Theo Hòa thượng, sự hiện diện của chư tôn giáo phẩm, lãnh đạo chính quyền sẽ tô đậm nét son hiếu hạnh, góp thêm năng lượng từ bi - trí tuệ cho đại lễ… Hòa thượng tin tưởng rằng, chính năng lượng này sẽ chuyển hóa được khổ đau, lo lắng; hóa giải oán kết; chính năng lượng đó sẽ đem lại bình an cho đất nước…
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM phát biểu xúc động nhìn lại một giai đoạn khó khăn của TP, với những mất mát hi sinh của đồng bào, lực lượng tuyến đầu. Qua đó, bà Hương cho biết, hôm nay TP và cả nước thích ứng linh hoạt, bình thường mới sau đại dịch có sự đóng góp to lớn từ các ngành các giới, trong đó có sự đồng hành của Phật giáo TP.
Theo bà Thanh Hương cho rằng, đại lễ lần này là một hoạt động nhân văn, ý nghĩa, giúp mất mát đau thương được chuyển hóa, xoa dịu nỗi đau, hướng tới cuộc sống an vui hơn. Bà thay mặt chính quyền TP tri ân Phật giáo TP; dành lời chia sẻ với những gia đình có người thân mất trong đại dịch; cùng cầu nguyện đất nước hòa bình…
Ban đạo từ, Đức Quyền Pháp chủ cho biết, không phải hôm nay chúng ta mới tưởng niệm người đã khuất do Covid và ghi nhận công đức của các chiến trên tuyến đầu chống dịch.
Theo Trưởng lão Hòa thượng, trải qua một năm, TP đã có thay đổi, có phát triển, tuy nhiên, còn những người chưa giải tỏa được khi phải ra đi trong đại dịch, qua đại trai đàn này có thể giả tỏa được, về cảnh tịnh, tái sinh trở lại trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn, cùng xây dựng TP, đất nước giàu đẹp…
Dịp này, Ban Tổ chức cũng đã cử hành nghi lễ sái tịnh an vị bia đá tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19 và trao tặng 1.000 phần quà (trị giá 1,2 tỉ đồng) đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao đến Quỹ Vì người nghèo của UBMTTQVN TP 1 tỉ đồng.
Ngay sau đó, nghi thức tưởng niệm đã trang nghiêm diễn ra dưới sự chủ trì của Đức Quyền Pháp chủ; TT.Thích Quảng Chơn, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP xướng lễ trong không khí thanh tịnh.
Theo chương trình đại lễ, sau lễ khai mạc, chiều và tối nay, cho đến hết ngày mai, 19/8, còn có nhiều khóa lễ tâm linh cầu nguyện chư hương linh nương bóng Từ quang của Tam bảo, siêu thoát thế giới an lành; cùng các buổi thuyết pháp do chư tôn tịnh đức ban Hoằng pháp đảm trách.
Trước đó, từ 6h30 sáng 18/8, chư tôn đức Ban Trị sự TP.Thủ Đức và 21 quận huyện cũng đã tiến hành lễ rước linh vị nạn nhân Covid tại địa phương về an vị tại đàn tràng Việt Nam Quốc Tự.
Cùng thời gian này, năm ngoái (2021), đại dịch Covid-19 đã diễn biến nghiêm trọng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, cướp đi sinh mạng của trên 20.000 người, trong đó có lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Cụ thể, tính đến hết ngày 16/11/2021, theo thống kê, số tử vong do Covid-19 của cả nước là 23.270 trường hợp. Trong đó, TP.HCM có 17.263 người tử vong, chiếm 74% trên tổng số ca tử vong do Covid của cả nước.
Cầu siêu chư hương linh tử vong do dịch bệnh theo nghi thức truyền thống nhà Phật, thể hiện lòng Từ bi của Phật giáo tới muôn loài, qua đó, an ủi tinh thần người còn, nhất là thân nhân các nạn nhân.
Về ý nghĩa đại lễ, theo Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP, cụm từ “Hộ quốc nhân vương” lấy từ tên của bản kinh Hộ quốc nhân vương Bát-nhã Ba-la-mật. Nội dung kinh này do Đức Phật thuyết pháp cho vua Ba-tư-nặc về việc dùng trí tuệ Bát-nhã để giúp cho nhà vua, các quan nhân thấy rõ thực tướng của các pháp. Phần nhiều, chúng ta chỉ dừng lại ở việc thấy qua âm thanh, sắc tướng, vì vậy chúng ta hay bị các ảo tưởng lôi kéo, không thấy được thực tướng của các pháp vốn dĩ không có sanh nên cũng không có diệt. Sanh diệt là đứng về hiện tượng chứ về thể tính không có sanh diệt.
Còn “Thủy lục phổ độ” tức nội dung trai đàn không dừng lại ở một vùng, miền nào mà từ “thủy lục phi không”, tất cả các chúng hữu tình nếu còn bị nghiệp lực luân chuyển trong thế giới khổ đau đều được nương về pháp hội này, để hiểu lời Phật dạy và từ đó hóa giải khổ đau.
Một số hình ảnh Đàn tràng kỳ siêu tại Việt Nam Quốc TựĐình Long
ảnh: Đăng Huy