PSO - Để tạo duyên lành cho Phật tử có cơ duyên trở về tu tập, sáng ngày mùng 01/8/Giáp Thìn (nhằm ngày 03/9/2024), Ni trưởng Thích Nữ Viên Liên - Trụ trì Tổ đình Ngọc Phương tổ chức khóa tu Bát quan trai giới thường kỳ hàng mỗi tháng một ngày, tại tịnh xá Ngọc Phương (498/1 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp).
Buổi sáng, Phật tử đồng tề tựu nơi đạo tràng tịnh xá Ngọc Phương tu Bát quan trai giới do Ni sư Thích Nữ Nguyện Liên - Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Giảng sư Ni giới Khất sĩ hướng dẫn cho 62 Phật tử gần xa tham dự.
Khóa tu Bát quan trai được hoạch định chương trình như sau:
● 7:30 giờ: Tác bạch thỉnh Giáo thọ sư, sám hối lục căn, thực hành nghi thức truyền giới & thọ trì Bát quan trai giới, Kinh hành niệm Phật và thiền tọa.
● 9:00 - 10:30 giờ: Thính pháp hoặc Pháp đàm.
● 10:40 giờ : Thọ trai.
● 12:00 giờ : Chỉ tịnh.
● 13:30 giờ : Thính pháp.
● 15:00 giờ : Tụng kinh Pháp Cú.
● 16:00 giờ : Hồi hướng hoàn mãn.
Thời pháp thoại, Ni sư Nguyện Liên đã chia sẻ cho tất cả Phật tử hiện diện tại đạo tràng khóa tu với chủ đề “Sự hình thành Đạo Phật Khất sĩ và Giáo lý Hệ phái Khất sĩ.” Qua thời Pháp thoại buổi sáng, các Phật tử có thể hiểu rõ nguồn gốc của Đạo Phật Khất sĩ và biết được tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang mà Ni sư Nguyện Liên đã trình bày khái lược.
“…Trãi qua 8 năm tiếp Tăng độ Chúng bằng phương tiện Tam-y, Nhất-bát hóa duyên độ chúng với tinh thần luôn kêu gọi Tăng tín đồ nên sống đúng với giới luật, phải duy trì và làm phát triển mạng mạch Phật pháp, góp phần khôi phục ngôi nhà chánh pháp của Như Lai, làm chỗ tựa tinh thần cho sanh chúng, giúp họ được sống yên vui, tịnh lạc của Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngài dạy: “Tăng chúng phải đủ giới luật để quy hợp cư gia, để gắn liền tông giáo, hầu vẹt bóng mê tín, đem cõi đời trở lại ban ngày y như Phật hồi xưa trước kia”.... Tổ sư còn cho rằng tu sĩ cần phải thực hiện những gì mà Đức Phật đã dạy, Ngài đã nhắc lại: “Khi xưa Phật Tăng tu là để cầu đạo quả.” Ngài để lại bộ Chơn Lý là gia tài Pháp bảo cho Tăng Ni Khất sĩ hậu thế.
Đầu giờ chiều, Phật tử khóa tu tiếp tục thính pháp tiếp theo “Chơn lý”. Ni sư giảng liên tiếp 3 bài như: “Chánh Đẳng Chánh Giác”, “Trên Mặt Nước”, “Đạo Phật Khất Sĩ.”
Đặc biệt trong ý pháp trên là chư Phật ba đời đều đi qua bằng con đường khất sĩ để đến quả Phật giác chơn. Vị khất sĩ phải đi xin, thực hiện hạnh đức cao đẹp, vì lợi lạc cho tự thân và tha nhân. Đi xin để làm gương răn nhắc chúng sanh biết phát tâm tu hành, tập sống chia sẻ, dưỡng nuôi bậc Thánh để cứu giúp cho đời. Nhờ gương sáng này mà nhân loại biết bố thí, sống hướng thiện, quên mình để lo cho nhân sinh.
Tổ sư dạy rằng, đi xin để nhắc mình và người hiểu rõ sự sống của muôn loài đều đang vay mượn, qua đó biết được lý vô ngã, duyên sanh; làm vị Khất sĩ theo đúng với truyền thống của chư Phật, ngày ngày lo trau tâm, dồi trí, dưỡng nuôi phẩm đức, chẳng bận lòng với thế sự tranh đua, hơn thua, được mất, chấp ngã, tham sân.... Chính do tâm nguyện này, nên người Khất sĩ mới sống đời đi xin để trang bị phạm hạnh cho mình và gần gũi răn dạy nhân sinh. Đó là tinh thần đi xin của Đạo Phật.
Buổi tu tập được khép lại sau thời tụng kinh Pháp Cú.
Ban TT-TT NGKS
Diệu Hoa