PSO - Ngày 21/7/2024 (nhằm ngày 16/6 năm Giáp Thìn), Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM tổ chức khóa tu một ngày an lạc tại chùa Phổ Quang, với chủ đề “Những thống khổ do ác nghiệp tạo nên” cùng hàng trăm Phật tử về tham dự.
Khổ đau là một sự thật trên cuộc đời mà ai cũng phải nếm trải. Và đó là kết quả từ những suy nghĩ, lời nói, hành động sai lầm của mình. Qúa khứ đúng thì không có khổ đau, khổ đau là do quá khứ đã sai lầm, vậy khổ đau chính là để bạn nhận ra sai lầm của mình trong quá khứ, nếu không có sai thì làm sao có đúng, nên khổ đau là một hiện tượng bình thường, và sai lầm là bản chất của con người, quan trọng là từ trong khổ đau mà nhận ra sai lầm của mình, để học ra bài học cho chính mình.
Qua hai thời pháp của nhị vị giảng sư, Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh và Thượng tọa Thích Giác Tín đã thuyết giảng cho đại chúng hiểu rõ về Thống khổ do ác nghiệp tạo lên, “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo tốt đẹp, còn làm các điều xấu xa tội lỗi bị quả báo khổ đau. Mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo tương xứng khác nhau. Ai làm mười điều ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo nghiệp ác nhẹ hơn, sẽ bị tái sinh vào loài quỷ đói và các loài súc vật để chịu khổ báo. Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, mà làm người thấp kém và tiếp tục bị thọ các quả báo xấu còn xót lại. Qua những vĩ dụ dẫn chứng thiết thực và lời Phật dạy hàng phật tử nghe pháp đã hiểu được nguyên nhân có sự thống khổ, qua đó chúng ta luôn luôn có Thân ý, khẩu ý, hành động đúng chánh pháp để không tạo ra ác nghiệp.
Sau hai thời pháp, buổi chiều cùng ngày với Pháp đàm giúp cho từng câu hỏi của Phật tử được thấu hiểu chủ đề của khóa tu, đồng thời đưa ra cách vượt qua thống khổ, qua những lời kinh lời Phật dạy. Giáo lý của Đức Phật được diễn tả súc tích nhất trong Tứ diệu đế là 4 chân lý quí giá, một “công thức” rất phổ biến trong Đạo Phật. Những chân lý này, nói về khổ và sự chấm dứt khổ, phản ánh nội dung giác ngộ của Phật. Theo kinh sách, Ngài đã thuyết pháp “Tứ diệu đế” cho 5 vị cùng tu khổ hạnh trước kia ở Lộc uyển. Bài thuyết pháp này được gọi là “Chuyển pháp luân” và tạo nên một trong những giáo lý cơ bản nhất của Đạo Phật. Ngày nay hàng Phật tử chúng ta phải nên tịnh hóa tam nghiệp, tức tu sửa, thanh lọc Thân Khẩu Ý, dần dần trở nên an lạc, thuần phác. Phải diệt trừ 10 ác nghiệp, tu tập 10 thiện nghiệp, tạo thành các phương pháp tịnh hóa tam nghiệp, như vậy mới giúp chúng sinh tu tập tâm tính, thoát khỏi tam giới chịu nhiều đau khổ, rời xa cõi sinh tử luân hồi.
Thực hiện: Tổ TT-TT Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM