Sáng nay, ngày 4/12, nhân ngày huý kỵ cố Hoà thượng khai sơn Thích Tâm Giác, Tông phong Hệ phái Vĩnh Nghiêm đã long trọng tổ chức đại lễ khánh thành Tu viện Vĩnh Nghiêm (toạ lạc tại Đường HT 31, Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) sau 10 năm đại trùng tu.
Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh của Trưởng lão HT.Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp Chủ HĐCM, Tông trưởng hệ phái Vĩnh Nghiêm; HT.Thích Như Niệm – Uỷ viên Thường trực HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHGPVN; HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS; HT. Yoshimizu Daichi – Nguyên Hội trưởng Tịnh độ tông Nhật Bản; chư Tôn Hoà thượng Phó Chủ tịch HĐTS, HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Bảo Nghiêm. HT.Đào Như; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS TT.Thích Đức Thiện; cùng chư Tôn đức HĐTS, Văn phòng 1, văn phòng 2 TƯ, Trụ trì các tự viện thuộc hệ phái Vĩnh Nghiêm trên cả nước. Tham dự buổi lễ còn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính quyền các cấp TP.HCM.
Tại đây, chư Tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, quan khách chính quyền, Tăng Ni, Phật tử các giới đã quang lâm về Đại hùng bảo điện Tu viện Vĩnh Nghiêm để dâng hương tưởng niệm cố Hoà thượng khai sơn Thích Tâm Giác. Nhân lễ lạc thành cũng đồng cầu nguyện Phật nhựt tăng huy, pháp luân thường chuyển, tông phong vĩnh chấn tổ ấn trùng quang, Phật giáo trường tồn.
Tu viện Vĩnh Nghiêm ngày đầu do Hòa thượng Thích Tâm Giác mua 12 hecta đất tại xã Tân Thới Hiệp, tổng Bình Thạnh Trung, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 12, TP.HCM) để xây dựng và làm nghĩa trang Vĩnh Nghiêm. Công việc đang tiến hành, vô thường chợt đến, ngày 20/10 năm Quý Sửu (14/11/1973), Hòa thượng viên tịch. Thể theo di nguyện của Ngài, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000), đồng khai sơn và Trụ trì đời thứ hai của Tổ đình Vĩnh Nghiêm tiếp tục xin giấy phép xây dựng. Sau năm 1975, chùa đã hiến một phần lớn đất cho chính quyền địa phương để xây dựng trường học nên diện tích còn lại 20.000 m2, đến 2009 lại mở rộng đường thì diện tích còn lại là 17.000m2.
Khi Hoà thượng Thanh Kiểm viên tịch năm 2000, nhằm kế tiếp đèn Thiền, thực hiện di nguyện của Thầy Tổ, chư Tăng thuộc Tông phong tiếp tục trông coi và canh tác trên phần đất chùa. Đến 2009, TT.Thích Thanh Phong (Trụ trì đời thức 3 Tổ đình Vĩnh Nghiêm) cùng với TT.Thích Giác Dũng (Trụ trì Tu viện hiện tại) thống nhất xây dựng một ngôi tự viện mang dấu ấn văn hóa Đại Việt đặt tên Tu viện Vĩnh Nghiêm để đền đáp công ơn của Thầy Tổ.
Qua 10 năm thăng trầm, được sự trợ duyên của gia đình Thượng toạ trụ trì, cùng huynh đệ Tông phong, Tăng Ni, Phật tử gần xa, Tu viện cũng đã hoàn thành với các hạng mục: Phật điện, Tổ đường, giảng đường, trai đường, Tăng xá và một khu tháp Tổ khai sơn. Bao quát cả Tu viện được xây dựng theo lối chùa miền Bắc hết sức tỉ mỉ, chu đáo với những hoa văn chạm trổ đậm chất truyền thống pha nét hiện đại. Theo đó, từ tôn tượng Phật Bổn Sư, Bồ-tát, La-hán, đến chư vị Hộ pháp cũng được đúc theo khuôn mẫu hình tượng Việt Nam; cùng đó những hoành phi, câu đối cũng được cân nhắc kỹ lưỡng giữa chữ Hán và chữ Việt, giữa truyền thống và hiện đại.
Như được biết, Tu viện Vĩnh Nghiêm cũng là cơ sở 3 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Khoa Luật học Phật giáo sẽ chính thức hoạt động vào tháng 12/2020 và Tăng sinh khoa này cũng nội trú tại Tu viện.
TT.Thích Giác Dũng chia sẻ “Tôi hằng mong mỏi tạo ra ngôi chùa thuần Việt và do chính người Việt tạo nên. Năm năm, mười năm hay trăm, nghìn năm sau, chắc chắn những người dân Việt sẽ mãi tự hào về công trình văn hóa Phật giáo mang tâm hồn Việt.”
Đăng Huy