PSO - Sáng nay, ngày 05/11 (nhằm mùng 9/10 năm kỷ hợi), sau 3 năm kiết thiết trùng tu, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã trang nghiêm và long trọng tổ chức Lễ lạc thành và an vị Phật chùa Thanh Tâm (hay còn gọi là chùa Phật Cô Đơn). Buổi lễ có sự quang lâm của chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, cùng các cấp chính quyền Thành phố và địa phương đồng tham dự.
Chư Tôn Hoà thượng chứng minh
Chứng minh buổi lễ có: HT.Thích Trí Quảng – phó Pháp Chủ kiêm giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự Phật Giáo TP.HCM, Trưởng ban kiến thiết và quản trị chùa Thanh Tâm; HT.Thích Đức Nghiệp, phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh; HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Như Niệm – đồng Uỷ viên Thường Trực Hội đồng Chứng minh; HT.Thích Như Tín, HT.Thích Tịnh Hạnh, HT.Thích Giác Hà – đồng thành viên Hội đồng Chứng minh; HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự; HT.Thích Thiện Pháp – phó Chủ tịch TT Hội đồng Trị sự kiêm trưởng Ban Tăng sự TƯ; HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Tánh – đồng phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; cùng chư Tôn đức Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Phật Giáo TP.HCM, các quận huyện đồng tham dự.
TT.Thích Thiện Quý phát biểu khai mạc
Toàn cảnh buổi lễ
TT.Thích Quang Thạnh báo cáo quá trình xây dựng
Tại buổi lễ, thay mặt Ban tổ chức, TT.Thích Thiện Quý – phó ban kiêm chánh Thư ký Ban Trị sự đã phát biểu khai mạc buổi lễ và chào mừng chư Tôn đức chứng minh cùng quan khách tham dự. Tiếp đó, thay mặt ban kiến thiết và quản trị chùa Thanh Tâm, TT.Thích Quang Thạnh – phó thư ký kiêm chánh Văn phòng Ban Trị sự, thông qua báo cáo tiến trình xây dựng chùa trong 3 năm qua.
chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) trong ngày khánh thành
2 Toà nhà Tây- Đông Lang
Nơi nội trú cho Tăng Ni sinh tu học
Theo đó, chùa Thanh Tâm (dân gian thường gọi thân thiện là Phật Cô Đơn hay là Bát Bửu Phật Đài) có tổng diện tích hơn 46.000 m2 toạ lạc tại số 1, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, được xây dựng vào năm 1955. Vài năm sau đó, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền – Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam đã phát tâm hỷ cúng tôn tượng đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 4,8m, nặng 4 tấn để tôn thờ trên bảo đài chùa Thanh Tâm.
Tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn uy nghi an vị nơi chùa Thanh Tâm qua bao năm tháng
Sẽ trở thành nơi đào tạo Tăng tài cho Giáo hội
Vào năm 1988, chùa Thanh Tâm được Ban Trị sự Phật Giáo TP.HCM tiếp quản, để từng bước chỉnh trang lại ngôi cổ tự, sau bao năm chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại Tôn tượng Đức Phật an nhiên nơi vùng đất hiu quạnh. Đến 3/2017, dưới sự chỉ đạo của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Ban Trị sự Phật Giáo TP.HCM đã thành lập ban kiến thiết để tiến hành trùng tu xây dựng toàn bộ ngôi chùa Thanh Tâm, trở thành quần thể giáo dục của Phật giáo TP.HCM nhằm tổ chức nội trú và đào tạo cho các Tăng Ni thành phố và các tỉnh/thành lân cận ở các cấp hội: Trung cấp, Cao đẳng và Đại hội Phật Giáo.
Tôn tượng Tam Thế Phật
Hậu Tổ, nơi thờ tôn tượng 18 vị La-hán
Sau 3 năm trùng tu trong tổng diện tích 46.429 m2 với kinh phí gần 100 tỷ đồng, chùa Thanh Tâm đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như: Chánh điện cao 41,5m, với diện tích 1.716 m2; 02 Toà Đông lang và Tây lang cao 4 tầng, diện tích 920 m2, Tháp thờ tro cốt cao 5 tầng, diện tích 1.439 m2, cùng các phối cảnh và cây xanh xung quanh chùa.
Nhằm tán thán công đức của Ban kiến thiết và Tăng Ni Phật tử gần xa cùng chung tay xây dựng chùa Thanh Tâm được uy nghi như ngày hôm nay, HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự, đã thay mặt cho Trung ương Giáo hội có đôi lời phát biểu tại buổi lễ.
Hoà thượng Chủ tịch HĐTS tán thán công đức Ban kiến thiết chùa Thanh Tâm
Hoà thượng nhấn mạnh lại Kinh Đại Bát Niết Bàn “Đức Phật dạy: ở thế gian này, người giữ gìn những gì đã có và xây dựng những gì chưa có là 2 hạng người đệ tử tối thắng của Đức Như Lai”. Theo Hoà thượng Chủ tịch, Đức Trưởng lão phó Pháp chủ kiêm giám luật Hội đồng Chứng minh xứng đáng là trưởng tử Đức Như Lai, Người có tầm nhìn xa trong rộng đã cho kiến tạo chùa Thanh Tâm làm nơi đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, từ đó góp phần phát triển ngôi nhà chung của Giáo hội, đúng như tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử cả nước mong đợi.
Trong không khí trang nghiêm nơi hội trường, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã có lời đạo từ gởi đến đại chúng tham dự. Với kinh nghiệm tu tập và hành đạo của mình, Hoà thượng nhắc nhở, người Tu sĩ nên hãy nhìn mọi việc bằng “chánh niệm và chánh định” thì sẽ thấy rõ nhiều điều bằng con mắt trí tuệ thông qua thiền định.
Hoà thượng phó Pháp Chủ kiêm giám luật HĐCM
Hoà thượng cho biết, Chùa Thanh Tâm ra đời mang ý nghĩa của tâm trong sáng, thanh tịnh, do Ni sư Pháp Quang kiến tạo từ một thảo am để trì Kinh Pháp Hoa. Nếu nhìn xa và sâu chúng ta sẽ thấy được hiện tượng của chùa lúc khai sơn tuy đơn giản, nhưng chứa đựng sức sống bên trong vô cùng mãnh liệt. Đặc biệt là tôn tượng Đức Bổn Sư uy nghi và vững chãi, an vị nơi pháp đài chùa Thanh Tâm đã che chở cho tâm hồn của quần chúng Phật được an lành, thanh tịnh. Vì thế, Hoà thượng khẳng định “nếp sống thật sự của Phật giáo là bề ngoài có vẻ đơn sơ, nhưng bên trong là một sức sống vô cùng mãnh liệt”
Cử hành nghi thức sái tịnh và an vị Phật
Sáng cùng ngày, trước khi làm lễ hành chánh, chư Tôn đức ban thường trực Ban Trị sự Phật Giáo TP.HCM và chư Tôn đức 24 quận huyện đã quang lâm đại hùng bảo điện chùa Thanh Tâm để cử hành nghi thức sái tịnh và an vị tôn tượng tam thế Phật.
Tâm Giao, ảnh: Đăng Huy