Bên cạnh những nghi lễ tâm linh Phật giáo, trong ngày qua của Đại lễ Vu Lan PL.2566 DL.2022, chùa Minh Đạo đã tổ chức nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc đậm truyền thống dân tộc, kèm với chương trình chăm lo đời sống cho người yếu thế tại địa phương. Qua đó đã tạo được nét riêng trong chuổi hoạt động mừng Vu Lan của chùa sau 2 năm dừng tổ chức do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chùa Minh Đạo tọa lạc tại phường 9, quận 3, TP.HCM. Đây là trú xứ của Đức Chủ tịch HĐTS GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Viện chủ chùa. Tại đây vào những ngày lễ lớn của Phật giáo, Hòa thượng Viện chủ luôn có sự quan tâm đặc biệt để chỉ đạo cho chương trình của Đại lễ, trong đó lễ Vu Lan Báo Hiếu không những là ngày lễ Phật giáo mà nó còn gắn liền với dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Ngày để tất cả mọi người, từ xuất gia đến tại gia có dịp bày tỏ tấm lòng tri ân và báo ân như đúng lời dạy của Đức Phật – tinh thần “Tứ Trọng Ân”. Từ ngày mùng 1 tháng 7, nghi lễ tâm linh được chư Tăng thực hiện đều đặn vào mỗi buổi tối gồm: Khai kinh Vu Lan Bồn, dâng sớ cầu siêu cho người đã khất, cầu an cho người còn sống... Theo đó hoạt động thuyết giảng về ý nghĩa đạo hiếu cũng được thực hiện song song. Sau nghi thức dâng pháp y cúng dường trong lễ Tự tứ của chư Tăng và lễ cài hoa hồng Vu Lan vào ngày 12 tháng 7 âm lịch. Lễ thắp nến tri ân vào đêm ngày 14 tháng 7 đã mang lại niềm xúc động khó tả cho những người tham dự. Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, Hòa thượng Viện chủ đã quang lâm dâng hương bạch Phật, lễ bái Tam bảo và thực hiện nghi thức truyền đăng mầu nhiệm. Ngọn nến mang ánh sáng trí tuệ từ bằng Phật được thỉnh truyền xuống chư Tăng và đến tay Phật tử như sự tiếp nối chánh pháp, kế thừa mạng mạch Phật pháp không cho gián đoạn, đó chính là “Truyền đăng tục diệm”. Sau nghi thức truyền đăng, nối tiếp đó là dâng đèn cầu nguyện cha mẹ hiện tiền được phước thọ thăng long, cửu huyền thất tổ nhiều đời được siêu sinh tịnh độ. Đồng thời dùng hết tâm thành, chí kính cầu nguyện cho đồng bào tử vọng và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Hòa vào những lời hát du dương, lời cảm niệm về ân đức, công lao dưỡng dục của Cha Mẹ được chính người con bày tỏ trong buổi lễ đã khơi dạy lòng hiếu đạo, đánh thức sự hối lỗi của những người làm con, hôm nay đã được vỡ ào, xin một phút được nghĩ về Cha Mẹ, theo đó mà có người đang hạnh phúc và cũng có người đang ngậm ngùi. Tiếp nối chuỗi lễ hội Vu lan tại chùa Minh đạo, sáng ngày rằm tháng 7 âm lịch, chùa Minh Đạo đã khai mạc chức phiên chợ quê hương với nhiều gian hàng ẩm thực chay đặc sắc mang đậm hương vị tình thương. Buổi tối cùng ngày là chương trình văn nghệ và mạn đàm với chủ đề “Vu lan văn hóa tình người”. Trong khi văn nghệ là được các ca sĩ dùng lời ca tiếng hát để ca ngợi ân sinh dưỡng của cha mẹ, thì Mạn đàn là thời gian dành để chia sẻ quý giá về ý nghĩa của ngày lễ Vu lan từ Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban TT ban HDPT TƯ, dưới sự dẫn chuyện của Đại đức Thích Minh Ân, Trụ trì chùa Minh Đạo, đại chúng đã lắng lòng lại với những phút giây cảm động từ những câu chuyện về nổi đau chia ly, mất mát người thân trong đại dịch Covid-19. Mỗi câu chuyện là những bài học đắt giá giúp cho tự thân mỗi người con Phật sẽ biết quý trọng cuộc sống và trân trọng những người thân bên cạnh khi còn có thể. Với mục đích san sẻ bớt những khó khăn vất vả của bà con và động viên bà con cố gắng vươn lên trong cuộc sống, cũng như góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình có người thân ra đi mãi mãi trong cơn đại dịch vừa qua. Chùa Minh Đạo kết hợp cùng Ủy ban MTTQVN phường 9 đã trao những phần quà gồm tiền mặt, gạo mì và các nhu yếu phẩm đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Được biết, từ ngày 15 đến cuối tháng 7 âm lịch chùa Minh Đạo sẽ phát hơn 1000 phần quà đến cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên của người dân Việt, mang đậm triết lý nhân văn trên tinh thần "Tứ Trọng Ân".
Đăng Huy - Công Minh