PSO - Trong 3 ngày 5,6,7/4/2024, tại Tu Viện Khánh An (p.An Phú Đông, Q.12, Tp.HCM), Ban Hoằng pháp TW GHPGVN đã tổ chức thành công Khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2024 cho hơn 500 chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử 19 tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ về tham dự.
Trong buổi lễ khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã nhấn mạnh 2 trách nhiệm của một vị Tỳ kheo – sứ giả của Như Lai đó là đại diện cho Đức Phật tuyên dương giáo pháp, và thay mặt cho GHPGVN truyền bá Đạo Phật để mọi người chuyển hóa thân tâm, đạt được sự an lạc trong cuộc sống, làm tốt đạo đẹp đời, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh và tiến bộ, giúp GHPGVN ngày càng phát triển ổn định, trang nghiêm trong lòng dân tộc.
Hoà thượng cũng nhấn mạnh, với hơn 40 năm hình thành và phát triển, Ban Hoằng pháp TW đã nỗ lực hết sức mình, hoàn thành các công tác truyền bá Phật pháp trên mọi phương diện, từ các Pháp hội đạo tràng, các khóa tu, thuyết giảng từ trực tiếp tới gián tiếp, phát triển các kênh truyền thông Phật giáo.v.v.. không những có tác dụng hữu hiệu và lợi ích trong phạm vi đất nước Việt Nam mà còn lan rộng đến các nước trên thế giới. Vì vậy, Trưởng lão Hòa thượng đã thay mặt chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN vô cùng hoan hỷ trước những thành tựu đã đạt được của Ban Hoằng pháp TW trong suốt thời gian qua. Đồng thời, bày tỏ niềm tin tưởng vào công năng và tác động vào sự nghiệp hoằng pháp của Ban Hoằng pháp TW nhiệm kỳ IX (2022 – 2027).Trưởng lão Hòa thượng mong rằng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN sẽ nỗ lực hơn nữa, làm được nhiều hoạt động ích đạo lợi đời hơn nữa, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến Tăng Ni Phật tử và đồng bào nhân dân ở nước ngoài cũng như khu vực vùng sâu vùng xa, để góp phần lan tỏa và xiển dương Phật pháp, xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN ngày càng phát triển trong lòng dân tộc.
Tiếp đó, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương nhấn mạnh: "Hãy nhớ chúng ta là người tu, công nghệ số hay chuyển đổi số đều rất có ích nhưng không vì thế mà chúng ta lạm dụng và lơi là việc học, ỷ lại vào sự hiện đại của máy móc. Hãy nỗ lực học và tu, phải học Kinh điển mới có thể trích dẫn Kinh điển vào những bài giảng, lấy giáo lý làm căn bản, có như vậy mới nói được đúng những điều mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho chúng ta. Đồng thời, muốn cảm hóa Phật tử, chỉ có sự tu hành tinh tiến của chúng ta mới là sự cảm hỏa tốt đẹp nhất". Khi bước lên pháp tòa, niệm danh hiệu Phật cầu gia hộ, lúc đó Phật hiện trong tâm, quán chiếu xuống đại chúng, từ đó giáo pháp trong tâm sẽ tự hiển lộ cho phù hợp với thính chúng, tín ngưỡng văn hóa địa phương và bối cảnh nơi diễn ra sự kiện. Hòa thượng cũng nhấn mạnh với toàn thể đại chúng tham dự khoá tập huấn: Hoằng pháp là một nghệ thuật có kỷ cương và có trách nhiệm. Nếu không có hai điều đó, chắc chắn hoằng pháp sẽ không đi sâu và in đậm vào lòng công chúng.
Gắn kết chư Tôn đức Ban Hoằng pháp các tỉnh thành
Theo Thương toạ Thích Minh Nhẫn - Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TW, Phó ban kiêm Chánh Thư ký ban Hoằng pháp TW: Nội dung của Khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp năm nay rất đa dạng và cần thiết, giúp cho chư Tôn đức Tăng Ni các tỉnh thành bồi dưỡng thêm những kinh nghiệm, xử lý tình huống trong quá trình hoằng pháp của mình.
Ngoài những nội dung đã được trình bày trong khuôn khổ của Hội thảo, thời gian tới, Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ tổ chức thêm các buổi tọa đàm, giao lưu online xoay quanh các nội dung như: Kinh nghiệm Hoằng pháp; Các kỹ năng và công tác tổ chức pháp hội đạo tràng, Pháp học – pháp hành trong công tác Hoằng pháp, phổ biến Quy tắc thuyết giảng và chuyển đổi số trong công tác hoằng pháp thời đại kỷ nguyên số…
Trong khoá tập huấn, chư Tôn đức cũng được lắng nghe Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương chia sẻ và phổ biến về "Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII có 14 chương, bao gồm lời nói đầu và 87 điều (nhiều hơn 1 chương và 16 điều so với Hiến chương hiện hành" cho chư vị Tăng Ni lãnh đạo Ban Hoằng pháp các tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ, cũng như chư vị Phân ban Ni giới TW, Ni giới Hệ phái Khất sĩ tham gia khóa tập huấn. Hòa thượng chia sẻ về những điểm mới trong Hiến chương sửa đổi lần thứ VII và việc sửa đổi Hiến chương nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng cũng cho biết thêm về độ tuổi đảm nhiệm và miễn nhiệm của chư tôn đức Tăng Ni trong hệ thống tổ chức Giáo hội; đồng thời chia sẻ về việc quản lý các cơ sở tự viện của GHPGVN, vai trò của vị Trụ trì và việc thành lập Ban quản trị tự viện theo đúng Hiến chương Giáo hội.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS đã chia sẻ sơ lược về Nghị quyết Đại hội IX nhiệm kỳ 2022 – 2027, Hiến chương GHPGVN được tu chỉnh lần thứ VII và Quy chế hoạt động của các Ban, Ngành, Viện Trung ương GHPGVN. Theo Thượng tọa, trong thời kỳ công nghệ 4.0 hiện nay, công tác Hoằng pháp trên không gian mạng qua các diễn đàn, trang web, mạng xã hội là cơ hội lớn cho ban Hoằng pháp TW GHPGVN xiển dương chính pháp. Tuy nhiên, Ban Hoằng pháp TW cũng phải kiểm soát các bài giảng chưa đúng đắn, để góp phần xây dựng Phật giáo ngày càng phát triển ổn định hơn, giữ gìn sự trong sáng trong lời dạy của Đức Phật, bảo vệ hình ảnh của Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề thành lập các điểm sinh hoạt Tôn giáo tập trung ở các địa phương để bà con Phật tử thuận tiện trong vấn đề sinh hoạt, tu học, đó cũng là cách Hoằng pháp hiệu quả. Ban Hoằng pháp TW kết hợp cùng BTS GHPGVN các tỉnh thành tổ chức khóa tu mùa hè theo đúng Thông bạch hướng dẫn tổ chức khóa tu mùa hè năm 2024 cho Thanh thiếu niên Phật tử của HĐTS ban hành vừa qua. Thượng tọa mong muốn Ban Hoằng pháp có thể tạo ra môi trường không gian và chương trình sinh hoạt hè bổ ích và vui tươi theo mục tiêu “Trải nghiệm tu học mà vui chơi bổ ích, vui chơi bổ ích mà trải nghiệm tu học”... Đây là cơ hội tốt, duyên lành để giới trẻ Phật tử có môi trường tốt gieo duyên với Phật pháp và hành trì lời dạy của Đức Phật xây dựng thiện nghiệp cho tương lai. Bên cạnh các công tác Hoằng pháp trong nước, Ban Hoằng pháp Trung ương quan tâm đến các cơ sở tự viện, các điểm Niệm Phật Đường ở nước ngoài bởi trên thế giới có hơn 600 tự viện của Phật giáo Việt Nam với hàng trăm nghìn tín đồ Phật tử.
Thượng toạ Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư Ký HĐTS, Chánh Văn phòng 2 TƯ GHPGVN đã có buổi chia sẻ chuyên đề “Nghị quyết đại hội và quản trị hành chính” đến chư Tôn đức Tăng Ni tại khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp khu vực miền Đông và Tây Nam bộ. Thượng tọa thông qua 12 điểm của Nghị quyết tại Đại hội đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 tại thủ đô Hà Nội, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thứ 2 trong 12 mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX: "Nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội, đặc biệt là quản trị trong sứ mạng hoằng pháp". Thượng tọa đã khái quát sơ lược về khái niệm “Quản trị”: tức là hệ thống các giải pháp để nhằm mục tiêu tối đa trên một nguồn lực hữu hạn. Người quản trị tốt thì có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc trong các vấn đề sinh hoạt của giáo hội cũng như xã hội. Trong công tác Phật sự, theo từng cấp của Giáo hội, người lãnh đạo phải có kế hoạch, phương hướng hoạt động ngắn hạn, dài hạn cụ thể; tổ chức nhân sự phù hợp với từng công việc, vụ việc và định hướng nhân lực lâu dài; phân bổ thời gian làm việc hợp lý; Hệ thống kỹ năng làm việc, quản lý trong các Phật sự; quản lý khả năng tư duy của bản thân, tư duy kinh nghiệm lấy đó làm tinh hoa để làm việc; tư duy khả năng để thấy năng lực của người khác mà điều hành. Một vị tu sĩ Phật giáo phải tuân thủ Pháp luật, Giới luật và Giáo luật, có như vậy mới phát triển giá trị bản thân và làm cho tập thể Tăng đoàn thanh tịnh. Như vậy người “quản trị” là người biết hoạch định kế hoạch, tổ chức nhân sự, hệ thống kỹ năng và hệ thống tuân thủ để đạt đến mục tiêu nhất định trong cuộc sống.
Chia sẻ về “Công tác Hoằng pháp Phật giáo Nam Tông Khmer”, Hòa thượng Danh Lung - Ủy viên thư ký HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TW GHPGVN chia sẻ về những tiêu chuẩn và những nguyên tắc vàng để vị giảng sư thành công khi làm nhiệm vụ truyền bá chính pháp của Đức Thế Tôn. Hòa thượng đã đưa ra 3 nguyên tắc người tu sĩ Hoằng pháp cần phải có: Thứ nhất là Nghệ thuật để hoằng pháp: lấy công chúng làm trọng tâm, trung tâm để người Giảng sư hướng đến. Đối với Phật giáo Nam Tông Khmer, khi xuất gia tu tập và hành đạo, để trở thành một vị Pháp sư, chư Tăng dù không được tham dự bất kì lớp tập huấn nào cũng phải tự trở thành một vị Pháp sư lỗi lạc để hướng dẫn Phât tử tu tập, thể hiện qua việc biết điều tiết giọng nói, âm điệu và ngôn từ sao cho phù hợp với ngữ cảnh thuyết giảng để đi vào lòng người, tạo được niềm tin và sự hoan hỷ với công chúng. Hơn nữa, vị Pháp sư khi ngồi trên pháp tòa phải có sự trang nghiêm, thanh tịnh. Bởi người Hoằng pháp không chỉ hoằng pháp bằng ngôn từ mà còn phải bằng hình ảnh. Đó cũng là một nghệ thuật để truyền bá Giáo pháp tới quần chúng nhân dân. Người Hoằng pháp cần rải những hạt giống tốt lành để những cây quả tốt tươi sẽ đâm chồi nảy lộc, đừng để cỏ dại có cơ hội mọc lên; Thứ hai là Hoằng pháp phải có kỷ cương: Người tu sĩ khi xuất gia, khoác trên mình chiếc áo cà sa thì cần phải giữ tác phong chuẩn chỉnh, oai nghi tế hạnh. Đó chính là kỷ cương, giảng pháp cần có tuần tự, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà thuyết pháp, để ý tới những yếu tố ngoại cảnh (thời tiết, không gian, văn hóa địa phương) để khéo léo thuyết giảng, đặc biệt phải lấy giáo lý làm căn bản và cốt lõi để giúp Phật tử rời mê khai ngộ. Đối với Phật giáo Nam Tông Khmer, chư Tổ đã dạy “Các vị phải học nghe nhìn. Nghĩa là nhìn vào Pháp hội, cảm nhận không khí Pháp hội đó như thế nào, đối tượng nghe pháp là ai, để từ đó chọn ngôn từ giảng dạy cho phù hợp với đối tượng nghe pháp”. Thứ ba là người Hoằng pháp phải có trách nhiệm với bản thân, với Giáo hội và với Ban Hoằng pháp TW, người tu sĩ khi đã xuất gia thì phải gắn trách nhiệm bản thân với hình ảnh của Đức Phật, với hình ảnh của GHPGVN. Khi chúng ta nói hay làm bất cứ điều gì, hãy nghĩ tới việc điều đó có gây ảnh hưởng tới hình ảnh Tăng đoàn không? Có ảnh hưởng tới GHPGVN nói chung và Ban Hoằng pháp Trung ương nói riêng hay không?
Và trong buổi sáng ngày thứ 2 của khoá tập huấn (06/04), Thượng toạ Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó văn phòng 2 TW, Phó ban kiêm Chánh Thư ký ban Hoằng pháp TW có buổi chia sẻ về 2 chủ đề “Quy tắc của một giảng sư” và “Hoằng pháp trong thời đại công nghệ số”. Thượng tọa giảng sư giới thiệu về công nghệ số hay còn gọi là chuyển đổi số, là quá trình thay đổi từ phương thức thủ công truyền thông sang áp dụng công nghệ với các trụ cột là big data, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây. Chuyển đổi số (CDS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số (2020 là năm khởi động CDS, 2021 là năm tổng diễn tập CDS, 2022 là tổng tiến công về CDS, 2023 là năm CDS đem lại những giá trị thực chất). Chuyển đổi số của Phật giáo giúp nâng cao chất lượng hoạt động, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng cường sự kết nối và tương tác, CDS giúp cho việc cung cấp thông tin và kiến thức về Phật giáo (công tác hoằng pháp) trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn, giúp cho đại đa số công chúng có thể tiếp cận với các tài liệu tư liệu và thông tin liên quan đến Phật giáo một cách thuận tiện nhanh chóng.Thượng tọa cho rằng: “Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của chúng ta”, vì đó là quá trình phát triển chung của nhân loại. Nó cũng giúp chúng ta quản lý hành chính nhân sự tiện lợi và hiệu quả. Trong công cuộc hoằng pháp ngày nay, nếu chúng ta biết ứng dụng kỹ thuật số thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Trong đời sống tu tập, nếu chư Tăng Ni không biết điều tiết sẽ dẫn đến “nghiện” làm mất thời gian thực tập các thời khóa của thiền môn. Dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân và các thông tin bảo mật, gây ra một số hệ lụy đáng tiếc về sau.
Mục tiêu của chương trình là nâng cao kỹ năng và kiến thức cho Tăng Ni giảng sư trong công tác Hoàng Pháp cũng như giới thiệu những thành tựu và chương trình hoạt động trọng yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. Thượng tọa hy vọng sau khóa tập huấn, Thường trực BTS GHPGVN các tỉnh thành sẽ quan tâm đến vấn đề giảng pháp online của các vị giảng sư, để có thể kiểm soát được nội dung bài giảng cũng như hình ảnh giảng sư, giảm bớt được những bài giảng mang tính chất đả phá, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo, Tăng đoàn. Thượng tọa mong muốn chư Tôn đức thành viên ban Hoằng pháp thực hiện tốt câu nói “Trồng hoa thơm lấn át cỏ dại” của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN để xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Tiếp đó là những bài chia sẻ kinh nghiệp Hoằng pháp của Hoà thượng Thích Huệ Phước; Hoà thượng Thích Minh Thiện; Hoà thượng Thích Bửu Chánh; Thượng toạ Thích Trí Chơn về Pháp học và Pháp hành trên con đường Hoằng pháp. Và buổi tọa đàm với chủ đề “Hoằng pháp thời đại công nghệ số - thuận lợi và thách thức” nhằm tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho đồng bào Phật tử, những người cảm tình với đạo Phật, những người mới bắt đầu tìm hiểu về tinh thần học Phật và để trả lời cho những người chưa hiểu về Phật giáo Việt Nam, chưa thông cảm với những nỗi khó khăn nhất định của chư Tôn đức Tăng Ni trước những sự cố xảy ra.
Áp dụng cách nhìn mới mẻ và hiện đại vào trong công tác hoằng pháp
Trong khuôn khổ của chương trình Khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2024, đêm đầu tiên của khoá tập huấn, ngày 5/4, chư Tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp TW cùng chư Tăng Ni tham dự khóa tập huấn đã có một đêm thiền trà ấm áp tình pháp lữ mang tên "Hương vị chánh pháp" với cái nhìn mới mẻ và hiện đại. Xen lẫn trong đêm thiền trà là những bài thiền ca và những lời chia sẻ về sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, về những trắc trở gian nan khi hành đạo của chư Tôn đức Ban Hoằng pháp. “Người xuất gia có 3 việc lớn; việc sinh tử của chính mình, cống hiến, phụng sự cho Tam bảo và cho Giáo hội, thuyết pháp độ sinh. Người làm công tác hoằng pháp cần chú trọng đến việc tu tập của chính mình, thể hiện tứ oai nghi để mọi người nhìn thấy mình là một người xuất gia thực thụ, lời nói phải ôn hòa nhã nhặn thì mọi người xung quanh mới có thể đồng thuận với mình" - Thượng tọa Thích Phước Nghiêm - Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Chánh VP 2 TƯGH, Phó Ban Hoằng pháp TW chia sẻ.
Và trong khoảnh khắc ấy, mọi vất vả của đời tu sĩ đều tựa như áng phù vân khi được chia sẻ lại dưới góc nhìn thảnh thơi thanh thản của Thiền quán. Cuối cùng Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ mong muốn chư Tôn đức giảng sư phải thuyết giảng tùy theo căn cơ của mỗi người, hãy đưa những lời dạy của Đức Phật vào từng tình huống tiếp thu của mỗi người mà thuyết giảng. Mong Ban Hoằng pháp sẽ ngày càng phát triển hơn nữa dưới sự cống hiến của mỗi người - vì sự nghiệp Hoằng pháp độ sinh của chư Phật, chư Tổ đã dạy.
Tham gia trọn vẹn 3 ngày của Hội thảo, Đại đức Thích Trí Định – Phó Trưởng Phân ban Hoằng pháp thanh Thiếu niên Trung ương chia sẻ: “Dù hôm nay là ngày cuối cùng nhưng Tôi vẫn cảm nhận được không khí học tập sôi nổi. Nhờ những lời dạy, chia sẻ kinh nghiệm từ chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Ban Hoằng pháp Trung ương mà Tôi cùng với quý huynh đệ tham dự được hiểu hơn về kỹ năng hoằng pháp, kỹ năng xử lý tình huống….để dần dần định hướng và lựa chọn những nội dung tốt nhất khi hoằng pháp đến với quần chúng nhân dân”.
Trong những ngày tổ chức Khoá tập huấn, Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều sự đóng góp tài vật, tịnh vật của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, Đạo tràng Tu viện Khánh An; chùa Đức Nguyên cúng dường nước và các bữa ăn, quà tặng; Doanh nghiệp tinh dầu gió Tam Nguyên đã thành kính cúng dường tinh dầu gió Tam Nguyên thiên nhiên được chiết xuất từ tinh dầu bạc hà, menthol, tinh dầu quế, long não…với hương thơm mát, giúp cho người dùng có tinh thần sảng khoái, tâm bình an, đón nhận những kiến thức, kinh nghiệm hoằng pháp của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội truyền trao để trở về địa phương áp dụng vào trong quá trình hoằng pháp của mình.
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, hoàn thành các nội dung đề ra, Hội thảo hoằng pháp năm 2024 đã thành công rực rỡ. Hội thảo lần này được tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni đến từ 19 tỉnh thành khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Chư Tôn đức lãnh đạo giáo hội đã đề cập đến các vấn đề khác nhau xoay quanh chủ đề của Hội thảo Hoằng pháp là Kinh nghiệm Hoằng pháp; Triển khai các văn kiện có liên quan đến đại hội Phật giáo toàn quốcnhiệm kỳ IX 2022 – 2027 đã được tu chỉnh; Các kỹ năng và công tác tổ chức pháp hội đạo tràng, Pháp học – pháp hành trong công tác Hoằng pháp, phổ biến Quy tắc thuyết giảng và chuyển đổi số trong công tác hoằng pháp thời đại kỷ nguyên số.
Phát biểu bế mạc Hoà thượng Thích Huệ Phước – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức chia sẻ với hơn 500 đại biểu tham dự và mong rằng mỗi vị giảng sư thành viên Ban Hoằng pháp luôn luôn ý thức rằng chúng ta phải nuôi dưỡng tâm từ bi đến muôn loài, đến với cộng đồng, xã hội.
Mong rằng chư Tôn đức Tăng Ni lan toả tinh thần truyền bá Đạo Phật khi hoằng pháp để mọi người chuyển hóa thân tâm, đạt được sự an lạc trong cuộc sống. Đặc biệt đây cũng là trách nhiệm, mong ước của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội mong muốn để xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển ổn định, trang nghiêm trong lòng dân tộc.
Diệu Tâm