PSO - Chiều ngày 20/4/2024, Khóa đào tạo Người dẫn Chương trình Phật giáo tiếp tục được diễn ra do TT.Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, Trưởng BTC giảng dạy. Đây cũng là buổi học cuối và Thượng tọa dành thời gian chia sẻ, giải đáp những thắc mắc của học viên về chuyên môn dẫn chương trình Phật giáo.
Mở đầu, Thượng tọa Trưởng ban hướng dẫn đại chúng thực tập phép quán niệm hơi thở, trở về an trú trong giây phút hiện tại. Sau đó Thượng tọa nhấn mạnh sự quan trọng của hơi thở và sự thực tập 16 phép quán niệm hơi thở. Người dẫn chương trình Phật giáo dù nắm vững rất nhiều kỹ năng về hình thể, ngôn ngữ, kiểm soát khán phòng, chuẩn bị tốt kịch bản, làm chủ cảm xúc,.. nhưng cốt lõi phải toát ra được phong thái, uy nghi đĩnh đạc của một người tu sĩ, mà quán niệm hơi thở chính là “chìa khoá” quan trọng nhất để đưa đến thành công.
Tiếp đó, Thượng tọa giải thích những thuật ngữ Hán Việt cần phải hiểu rõ nội hàm tránh sai lệch hay không phù hợp bối cảnh như các từ: “đại lao”, “bất từ bì quyện”,.. Cùng với đó, phân tích thứ tự, cấp bậc ban viện trong các cấp giáo hội để học viên nắm vững cách giới thiệu trong các chương trình Phật giáo.
Hai tiết sau, buổi học diễn ra sôi nổi với phần đặt câu hỏi, các học viên chia sẻ những thắc mắc, khó khăn xung quanh các vấn đề như: (1) Bố cục chung cho các chương trình từ đó linh hoạt biên tập cho phù hợp từng chương trình cụ thể. (2) Cách kiểm soát cảm xúc và linh hoạt thay đổi giọng điệu, phong cách ngôn ngữ. (3) Cách soạn lời dẫn, tuyên bố lý do để không bị lặp lại dẫn đến nhàm chán, đơn điệu,..
Thượng tọa đã có những giải đáp chuyên sâu để học viên nắm bắt, Thượng tọa nhấn mạnh phải nâng cấp vốn từ, văn phong và bằng việc kết hợp hài hoà các yếu tố lịch sử đưa đến câu chuyện hiện tại, từ luân lý đạo đức căn bản đi sâu vào đạo đức tâm linh, làm mới câu chuyện nhưng không xa rời ý nghĩa chính để có một lời dẫn thu hút.
Cuối buổi học, các học viên gửi lời tri ân tới chư Tôn đức Ban Văn hoá Phật giáo TP; Tăng chúng, Phật tử Tu viện Khánh An đã tâm huyết tổ chức khoá đào tạo không những có chất lượng chuyên môn từ các giảng viên mà còn chu đáo về công tác ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, với lòng kính ngưỡng và mong muốn được tiếp nhận giáo pháp từ người thầy khả kính bấy lâu, phút giây của buổi học cuối cùng đọng lại trong giọt nước mắt của người học trò và ánh mắt đong đầy tình thương của người thầy.
An Thiền Vân