Trung ương GHPGVN kính viếng Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trưa ngày 24/1/2021, phái đoàn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) làm trưởng đoàn đã thân lâm về Tổ đình Từ Hiếu để dâng hương tưởng niệm Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư. Đồng thời bày tỏ phân ưu cùng môn đồ pháp quyến.

Đi cùng Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự có Trưởng lão Thích Giác Quang, Phó Thư ký HĐCM; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm chánh Văn phòng 2 Trung ương; Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng chư Tôn đức HĐTS, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nơi Giác linh đài trầm hương quyện tỏa, đối trước di ảnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, chư Tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội thành kính dâng nén tâm hương cúng dường, và cung kính đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng như lời tri ân công đức mà Ngài đã dành trọn đời mình tận tụy cống hiến vì lợi ích tha nhân, vì sự trường tồn của đạo pháp.

Sau khi dâng hương tưởng niệm, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS và chư Tôn đức giáo phẩm cùng thọ tâm tang và hữu nhiều kim quan để tiễn biệt người pháp lữ

Trước đó, khi hay tin Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào lúc 1 giờ 15 phút, ngày 22/1/2021 tại Tổ đình Từ Hiếu. Hòa thượng Chủ tịch đã ban hành công văn đặc biệt số 016/HĐTS của Trung ương Giáo hội để chỉ đạo về việc tổ chức Tang Lễ Trưởng lão Hòa thượng theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện theo di nguyện tâm tang của Ngài.

Để bày tỏ niềm kính tiếc trước sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đã lưu đôi dòng tưởng niệm trong sổ tang.

Lời tưởng niệm có ghi.

“Đường xưa ở lại, hoài mong đợi,

Mây trắng bay đi, tự tại cười”

Toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam và thế giới bùi ngùi thương tiếc vì sự ra đi của một bậc tôn túc khả kính – Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Nhà hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn lao với cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới, một Tăng sĩ Việt Nam thời cận hiện đại đã dành trọn đời mình tận tụy cống hiến vì lợi ích tha nhân, vì sự trường tồn của đạo pháp.

Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ nguyện lực độ sinh mà ra đời, ngài đã gánh vác trên vai sứ mạng tiếp nối tuệ đăng, khơi mở dòng thiền tiếp hiện bằng tỉnh thức và chánh niệm.

Nói đến sự nghiệp hoằng pháp cao cả của Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, phải nói đến dấu ấn mà ngài đã góp phần đáng kể vào việc sùng hưng dòng thiền Liễu Quán tại Việt Nam, đồng thời là một Tăng sĩ của Phật giáo Việt Nam có công rất lớn trong việc truyền bá Phật pháp tại trời Tây bằng dòng thiền tiếp hiện, các khóa tu tỉnh thức và chánh niệm do ngài khởi xướng, lãnh đạo, điều hành tại các nước Âu, Mỹ đã quy tập được nhiều thành phần xã hội và nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, mang đến cho người học Phật khắp nơi trên thế giới sự trải nghiệm về thực tại tỉnh thức giác ngộ, giúp cho họ có được  một đời sống an lạc và hạnh phúc. Thế giới ngày nay ghi nhận Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy hướng dẫn đời sống tâm linh cho nhân loại, vượt ra ngoài không gian Phật giáo, ngài còn được tôn vinh là một nhà hoạt động hòa bình, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, sử gia, học giả, qua đó, lịch sử đã ghi nhận Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhân tài uyên bác lỗi lạc, một bậc Tăng tài trí tuệ xuất chúng, ngài đã mang lại niềm vinh dự, tự hào cho Phật giáo Việt Nam và cho cả hình ảnh con người và đất nước Việt Nam. 

Hòa thượng là minh chứng sinh động cho giá trị nhân bản của Phật giáo đương đại trong đời sống nhân loại. Ngài đã cống hiến trọn vẹn một cuộc đời không ngừng nghỉ, hoằng hóa Thiền tỉnh thức và có sức ảnh hưởng sâu dày khắp nơi trên thế giới. Với trí tuệ và tri thức uyên nguyên, cao viễn, Ngài là một trong những người tiên phong mang đạo Phật đến với xã hội phương Tây, khai mở và hướng dẫn nhân loại tìm đến con đường đúng đắn về đời sống hạnh phúc, giải quyết các vấn đề của xã hội đương thời, góp phần xây dựng hòa bình trên thế giới theo triết lý Phật giáo.

Sự ra đi của Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh là sự mất mát to lớn của Phật giáo Việt Nam, kể từ đây Phật giáo đồ Việt Nam vắng bóng bậc thạch trụ tòng lâm, mãi mãi rời xa một bậc tôn sư trí tuệ, tài năng, uyên bác. Song, ngài đã để lại cho chúng ta một gia tài phong phú về kho tàng trước tác văn chương học thuật, về tấm gương sáng ngời ý chí tu hành, về tâm huyết và sứ mạng hoằng pháp lợi sanh...

Dẫu biết đời sống vô thường, hữu sanh hữu diệt, hợp rồi tan, đến rồi đi vốn là quy luật tất yếu của tạo hóa, thế nhưng, sự ra đi của một bậc tôn túc, trong tâm hồn chúng tôi và những người con Phật lại dấy lên ngập tràn niềm tiếc thương, đau buồn, mất mát... Trong sự kính ngưỡng và tiếc thương vô hạn đó, tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni Phật tử thành tâm ghi đôi dòng tưởng niệm, thành thật chia buồn cùng môn đồ pháp quyến Tổ đình Từ Hiếu. Kính cẩn nguyện cầu giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Vị đăng thượng phẩm, quả chứng nhị nghiêm, ngộ sắc không bất dị sắc không, liễu sanh diệt diệc phi sanh diệt. Thị nhập Ta bà, tái hiện đàm hoa, khứ lai tự tại./.

Trừng Quang tục diệm, Từ Hiếu Tổ đình, hoằng dương Tứ đế, ngộ sắc không bất dị sắc không.

Nhất Hạnh truyền đăng, Việt Nam Phật giáo, xán lạng Năm châu, liễu sanh diệt diệc phi sanh diệt.

Như đã đưa tin, Trưởng lão Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh do niên cao lạp trưởng đã thu thần thị tịch hồi 01 giờ 15 phút ngày 22/01/2022 (nhằm ngày 20 tháng 12 năm Tân Sửu), tại Tổ đình Từ Hiếu, trụ thế 97 năm, 71 hạ lạp.

Vào lúc 8h00 ngày 23/1, môn đồ đệ tử đã cung thỉnh nhục thân của Trưởng lão Hòa thượng nhập kim quan và an trí tại Tổ đình Từ Hiếu. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Tang lễ được tổ chức theo nghi thức Tâm Tang trong 7 ngày.

Đến 7h00 ngày 29/1, Tông môn tổ đình Từ Hiếu sẽ trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm, sau đó làm lễ Trà tỳ nhục thân. Xá lợi của Trưởng lão Hòa thượng sẽ được an vị tại Tổ đình và đạo tràng Làng Mai khắp nơi trên thế giới.

Minh Ân, Đăng Huy

Download Android Download iOS
Kỷ niệm 30 năm Lớp Sơ cấp Phật học Quận 3 - Hành trình ba thập kỷ truyền đăng tục diệm

Sáng ngày 24/11/2024, tại chùa Phước Hòa (Quận 3, TP.HCM), buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Lớp Sơ cấp Phật học Quận 3 đã diễn ra trang trọng, đánh dấu hành trình ba thập kỷ phụng sự giáo dục Phật học và đào tạo Tăng Ni sinh.

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online