PSO - Chiều ngày 18/7/2024 (nhằm ngày 13/6 năm Giáp Thìn), tại hội trường Hoa Sen Học viện PGVN tại Huế (phường An Tây, Tp. Huế), Hội đồng Điều hành Học viện đã trang nghiêm cung đón Đức đệ tứ Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quảng quang lâm đến thăm, đồng thời trao học bổng Đức Nhuận và sách tấn đến toàn thể Tăng Ni sinh viên Học viện.
Tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện của chư Tôn Giáo phẩm HĐCM: Trưởng lão Hoà thượng Thích Giác Quang – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Trưởng lão Hoà thượng Thích Đức Thanh – UVTT HĐCM GHPGVN; Trưởng lão Hoà thượng Thích Chơn Tế, Trưởng lão Hoà thượng Thích Quang Nhuận, Trưởng lão Hoà thượng Thích Chơn Hương – đồng Thành viên HĐCM GHPGVN; chư Tôn Giáo phẩm HĐTS GHPGVN: HT. Thích Khế Chơn – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT-Huế; HT. Thích Lệ Trang – UVTT HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Hồ Chí Minh; HT. Thích Hải Ấn - UVTT HĐTS, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế; chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT-Huế.
Tại đây, Hoà thượng Viện trưởng Học viện - Thích Hải Ấn đã dâng lời cung đón Đức Pháp chủ GHPGVN: “Sự hiện diện tôn quý của quý Ngài hôm nay, không chỉ nói lên lòng bi mẫn và đạo tình thắm thiết mà Đức Pháp chủ và chư Tôn đức Trưởng lão HĐCM GHPGVN dành cho Học viện, mà trên hết, chính là thể hiện sự ưu tư, trăn trở của quý Ngài trước tiền đồ của Đạo pháp nước nhà, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo các thế hệ Tăng Ni trẻ trong tình hình quá nhiều nhiễu động như hiện nay”.
Ban huấn từ tại buổi lễ, Đức đệ tứ Pháp chủ nhắc lại công đức to lớn của Đức Đệ nhất Pháp chủ - cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận với các đề đạt quan trọng lên Chính phủ, đặc biệt trong đó có việc xin mở các trường đại học đào tạo Tăng Ni ở ba miền. Ngài đã dạy rằng: “Sau khi kết tập kinh điển lần thứ I thành tựu, Đức đệ nhất Tổ Ca Diếp giao lại trọng trách cho Ngài Ananda, bậc Đa văn đệ nhất, với ẩn ý rằng, việc trau dồi trí tuệ và thông thuộc kinh văn là quan trọng đối với hàng đệ tử xuất gia trong việc xiển dương chánh pháp, lợi lạc chúng sanh. Sự ra đời của trường Đại học Phật giáo đầu tiên tại quê hương ngài Xá-lợi-phất là Đại học Na-lan-đà, nhằm hệ thống hoá tư tưởng triết học Phật giáo, truyền bá giáo lý Đức Phật một cách có khoa học và phù hợp với tư tưởng xã hội đương thời. Sau khi thành lập GHPGVN năm 1981, nhu cầu mở trường để đào tạo Tăng Ni là cấp thiết và cũng là tâm nguyện thiết tha của Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN - cố Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận. Nếu Tăng Ni không được đào tạo đầy đủ kiến thức của nội điển lẫn ngoại điển thì khi ra hoằng pháp và giáo hoá thì dễ đưa đến sự sai lạc cho số đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Tăng già và làm mất sự trang nghiêm của Giáo hội.”
Đức Pháp chủ cũng điểm lại thành tựu giáo dục của Giáo hội sau hơn bốn thập kỷ, với hệ thống 4 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và TP.Cần Thơ. Ngài cho biết trong Đại nghị lần thứ nhất của Hội đồng Chứng minh, chư tôn trưởng lão đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo Tăng Ni theo mô hình Phật học viện vừa học vừa tu, do đó đã cùng thống nhất việc thành lập Quỹ học bổng mang phương danh của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN.
Đức Pháp chủ khuyến tấn Tăng Ni sinh cần nêu cao tinh thần tỉnh giác trước mọi sự hấp dẫn của lạc thú, để có thể giải thoát mọi ràng buộc của khổ đau, hướng đến con đường Thánh quả.
Thượng toạ Thích Nguyên Thành, Phó Viện trưởng Thường trực và chư Tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện đã đối trước Đức Pháp chủ và chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh thành kính đảnh lễ niệm ân sâu sắc trước tâm nguyện cao quý mà Đức Pháp chủ và chư Tôn đức Trưởng lão HĐCM gửi gắm qua chuyến viếng thăm Học viện hết sức ý nghĩa và vô cùng thiết yếu lần này.
Dịp này, Đức Pháp chủ đã trao học bổng đến Tăng Ni sinh Học viện. Học bổng mang tôn hiệu của Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN - cố Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận, bậc long tượng của PGVN thời hiện đại. Đây là tình cảm đặc biệt mà Đức Pháp chủ ưu ái dành cho Học viện và Tăng Ni sinh, nhằm động viên khích lệ tinh thần tu học và phụng sự đạo pháp ngày một tốt đẹp và trang nghiêm.
Diệu Tường