PSO - Nhân duyên đưa tôi đến với đạo pháp là do truyền thống gia đình. Mẹ tôi có niềm tin tâm linh mãnh liệt. Lớn lên, tôi mới biết mẹ mình là một Phật tử. Lúc đó, tôi mong muốn tìm đến một đạo pháp để tu tập, vì tôi tin rằng vũ trụ này chắc chắn tồn tại sự giao hòa mà mình chưa được biết. Nhờ vậy mà tôi có nhân duyên đến được với đạo Phật. Và tôi biết ơn tổ tiên tâm linh, tổ tiên gia đình đã gieo trồng hạt giống đó trong tôi.
Nguyên là Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (là chi nhánh lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thời điểm bấy giờ), tôi luôn học, thực tập và ứng dụng nguồn sức mạnh tâm linh từ Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ. Đồng thời, tôi tu sửa bản thân để thực hành Tam Đức: buông xả, từ bi và trí tuệ vào vai trò làm gương trong lãnh đạo, điều hành nhằm dẫn dắt đội ngũ, khơi nguồn sáng tạo trong việc thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn chung của Vietcombank nói riêng, của ngành ngân hàng nói chung trong xây dựng phát triển đất nước.
Tôi tâm niệm phải làm sao khích lệ mỗi nhân viên từ tận trái tim họ, để họ tận tụy trong kinh doanh, nhất là khi đứng trước các thách thức và môi trường đầy biến động. Bên cạnh đó, còn phải làm sao giao quyền và tăng năng lực cho người khác mà hạn chế được rủi ro kinh doanh, rủi ro pháp lý, rủi ro con người và làm sao để nhu cầu mỗi người được đánh giá đúng và hiệu quả trong công việc. Đây chính là bài toán lớn nhất được đặt ra cho tôi trong vai trò quản lý, điều hành.
Được tiếp nối, thừa kế văn hoá nhân văn và thiện lành của Vietcombank hơn 50 năm, cũng như chữ Tín trên thị trường tài chính quốc tế, bản thân tôi không ngừng học hỏi, phát triển và rút ra bài học từ những trải nghiệm để hòa hợp giá trị cá nhân với giá trị chung của tổ chức.
Buông xả trong vai trò lãnh đạo, quản lý chính là dám đặt niềm tin vào mọi người. Muốn làm được việc này, đầu tiên, tôi cần phát triển nội lực vững vàng để không câu chấp vào quyền lực. Sau đó mới đến tập hợp, xây dựng, phát triển và trao quyền đội ngũ.
Trong hàng nghìn nhân viên, mỗi người mỗi việc, tôi có niềm tin ai cũng giỏi, ai cũng là một viên kim cương, mài giũa như thế nào tùy thuộc vào tính chính trực và khách quan của cách thức lãnh đạo, điều hành.
Từ bi trong vai trò lãnh đạo, quản lý là sự thấu hiểu, yêu thương, và chấp nhận chính mình, chấp nhận đội ngũ lãnh đạo các cấp cũng như nhân viên trong mối quan hệ công việc và cuộc sống. Chúng ta cần hiểu được tâm lý cũng như khả năng và hạn chế của mỗi người để giao đúng người, đúng việc nhằm đạt được hiệu suất công việc theo kế hoạch mục tiêu. Bên cạnh đó, việc định hướng cho nhân viên thấu hiểu khách hàng và chia sẻ cộng đồng là một trong những thông điệp quan trọng để phát triển lòng từ bi ở mỗi con người. Đây chính là hạt mầm được gieo trồng tốt nhất trong môi trường kinh doanh.
Trí tuệ trong vai trò lãnh đạo, quản lý chính là khả năng nhìn xa trông rộng và khả năng tu sửa bản thân của người lãnh đạo. Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành, mỗi cá nhân cần phải rèn luyện bản thân, phát huy ưu điểm và đặt lợi ích tổ chức lên trên nhu cầu của bản thân. Nhờ đó, chúng ta sẽ tập hợp được những sáng tạo cống hiến cho tổ chức nói riêng cũng như đất nước nói chung.
Từ khi ứng dụng đạo pháp, tôi ngày càng thấu hiểu và kết nối với bản thân mình từ bên trong. Đó là cơ sở giúp tôi kết nối với người thân gia đình một cách sâu sắc và học được cách sống bình an với chính mình. Những hạt giống tâm linh gieo trồng trong nhiều năm qua đã và đang bắt đầu vươn mầm nảy nở. Tôi biết ơn những vị thầy, biết ơn đất nước, biết ơn những nhân duyên tôi có được trong cuộc sống này. Và tôi xem việc chia sẻ là tái tạo năng lượng để học hỏi, phát triển và gieo những hạt mầm mới trong tương lai.
Trương Thị Thúy Nga
Nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam