Vu lan trong tim con - Viết - Võ Thị Thu Hiền (Pháp danh: Thích Nữ Ngọc Trang)

VU LAN TRONG TIM CON

 

Những cơn mưa bất chợt những ngày đầu tháng bảy cũng là những ngày cuối mùa an cư kiết hạ của Chư Tăng Ni.. báo hiệu một mùa Vu Lan nữa lại về. Thấm thoát đã là năm thứ 6 con đón Vu Lan tại mái chùa thân yêu. Còn nhớ những ngày đầu tháng 7 của 6 năm trước, một cô gái tuổi 26 từ bỏ “ khung trời tuổi mộng” bước vào chùa để quyết chí đi theo chí nguyện ấp ủ 2 năm trước đó. Ngày đó với tình yêu đạo thôi thúc mỗi ngày, dù đang có công việc ổn định, dù gia đình chưa đồng ý nhưng cô ấy đã quyết tâm bắt chuyến xe rời quê hương để về mái già lam Thiên Quang – nơi mong nhớ mỗi ngày và đã từ lâu xem như ngôi nhà thứ 2 của mình, như được “ trở về”.

 

Đêm nay, ngồi bên khung cửa sổ dưới ánh trăng lòng bồi hồi nhớ nghĩ đến hai đấng sinh thành – Người cho con thân mạng và Người sinh con ra trong ngôi nhà Phật Pháp là Sư Phụ.

 

Cây có cội mới đâm chồi nẩy lá

Nước có nguồn mới chảy khắp rạch sông

Sinh thân con do ơn cha mẹ

Dưỡng huệ mạng chính là ân Thầy Tổ

 

Thật vậy, Vu Lan – mùa của sự tri ân và báo ân, là lúc con nhớ nghĩ đến tất cả công ơn để có mình ở hiện tại.

 

Ơn nghĩa sinh thành..

 

“ Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”

 

Cha mẹ cho ta hình hài, công ơn sinh thành dưỡng dục từ những ngày ấu thơ đến lúc trưởng thành thật không gì đền đáp được. Những năm tháng tuổi thơ trải qua êm đềm dù rằng cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng may mắn thay cô gái Út luôn được sự quan tâm, yêu thương và che chở của Cha Mẹ và các anh chị em trong nhà. Vẫn không quên những ngày mưa gió vì thương con Bố tạm gác công việc để về chở con đi học dù lúc đó con đã học cấp 3, hay những đêm con sốt Cha Mẹ ngồi cạnh đắp chăn, lau người cho con. Rồi bất chấp những đêm mưa to, Cha Mẹ vẫn cố đi làm để lo kinh tế gia đình và lo cho con đi học.

 

Vẫn còn đó những kỉ niệm hạnh phúc bên nhau, cả nhà cùng xem cải lương, bóng đá,.. hay những bữa cơm đầm ấm sum họp gia đình hơn 20 người ( kể con, cháu, dâu rể ). Những năm tháng êm đềm trôi qua đến khi con vào Đại học, Bố Mẹ  là động lực lớn để con vượt qua những cám dỗ của thị thành xa hoa hay những cuộc vui vô bổ. 

 

Nhưng rồi không có hạnh phúc nào mãi mãi bởi bản chất cuộc sống là vô thường. Một trưa những ngày cận kề kì thi học kỳ năm cuối cũng là những ngày gần cuối năm, người con thương yêu nhất đã ra đi trong một tai nạn giao thông. Cả thế giới như sụp đổ dưới chân con, hai tiếng “ Mẹ ơi ! ” trong cơn gào thét, đôi chân nặng trĩu tìm lối trở về. Mùa xuân ấy trong con chẳng còn nụ cười, nước mắt chảy ngược vào tim, con lặng thinh gần như trầm cảm, hờn trách số phận đã cướp mất Mẹ khi con chưa kịp làm gì để báo hiếu cho người. Con thấy mình là người bất hạnh, nhiều câu hỏi tại sao đặt ra trong đầu “ mình là ai, sống để làm gì, chết sẽ về đâu..?”. May mắn thay giữa lúc ấy Phật Pháp đã cứu đời con đứng dậy giữa màn đêm đen tối, những chân lý cuộc sống dần hé mở. Có một vị Sư đã nói với con rằng “ đời là vô thường, không có gì là mãi mãi, ai rồi cũng theo nghiệp của mình mà sanh tử”. Chỉ bấy nhiêu thôi, điều mà 22 năm trên cuộc đời vì kém phước duyên con chưa từng nghe, lúc ấy con như bừng tỉnh tìm ra chân lý cuộc đời và những hạt giống bồ đề bắt đầu nảy mầm. Con tìm về chùa xin quy y, tập ăn chay, bắt đầu những chuyến thiện nguyện ở các vùng quê để thấy mình còn may mắn và để yêu thêm cuộc sống này. Song song đó, thường xuyên dự các khóa tu, nghe pháp, công quả, tụng kinh, học kinh,.. thân tâm đã chuyển hóa rất nhiều để rồi đến lúc hạt giống bồ đề tăng trưởng, con hiểu rằng chỉ có con đường thanh cao mới thực sự là lý tưởng của mình, mong muốn được phụng sự chúng sanh và giải thoát khỏi luân hồi.

 

Mùa Vu Lan nữa đi qua, lòng con vẫn không quên hình ảnh người mẹ hiền tảo tần sớm hơn lo cho đàn con “ 9 tháng cưu mang, 3 năm ẵm bồng”. Sự ra đi quá đột ngột là nỗi đau khó nguôi cho người ở lại. Với con, dù rằng mất Mẹ là mất cả bầu trời nhưng chính người đã gieo duyên Phật Pháp cho con để có ngày hôm nay. Con tin rằng ở nơi phương xa nào đó Mẹ đã an tâm về con và cùng con tu tập để được về cảnh giới lành vì con hiểu được rằng nghiệp chướng gia đình mình rất nặng nề nên Mẹ phải ra đi như thế - nhân quả công bằng.

 

Cha – người không ngọt ngào, tình thương của Cha bằng hành động và cách dạy dỗ từ thưở ấu thơ đến trưởng thành. Khi Mẹ mất, Cha đã khóc rất nhiều.. và đã cố gắng bù đắp tình thương cho đứa con gái Út duy nhất chưa lập gia đình trong nhà và cũng là niềm trăn trở của Mẹ khi ra đi. Tuy vậy, Cha lại đi thêm bước nữa khá sớm. Vì chưa hiểu được Cha nên đã có lúc con từng không muốn nói chuyện và quan tâm gì nữa. Khi đã biết Phật Pháp, đã hiểu được Cha cũng là lúc tóc Cha đã bạc nhiều, mắt đã kém đi, những căn bệnh người già xuất hiện. Dù rất thương Cha nhưng khi đã hiểu được rằng “ xuất gia là đại báo hiếu” thì đây là lần duy nhất con quyết định cho cuộc đời mình mà cãi lại Cha. Dù những năm qua Cha đã chấp nhận con đường của con, cũng ăn chay 2 ngày/ tháng, sống thiện lành hơn nhưng Cha vẫn  chưa hoàn toàn quy kính Tam Bảo. Con biết mình phải tinh tấn hơn gấp nhiều lần mới có thể Phật hóa gia đình chuyển hóa nghề nghiệp sát sinh và Cha phát tâm bồ đề, quy y Tam Bảo để đường sinh tử được nhẹ nhàng.

 

Giờ đây, khi nhìn lại chặng đường đã đi qua dù không hề dễ dàng nhưng con vẫn luôn hạnh phúc với con đường mình chọn. Năm nay là mùa Vu Lan thứ 9 con không còn được cài hoa hồng đỏ, đó cũng là lời nhắc nhở con cố gắng từng ngày để dâng đóa hoa tâm đến hai đấng sinh thành bằng công đức tu tập của mình. Nguyện đem công đức xuất gia tu tập hằng ngày cầu nguyện cho Mẹ quá thế được siêu sanh Cực Lạc. Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho Cha hiện tiền tăng long phước thọ, phát tâm bồ đề, tin sâu nhân quả và sớm quy y Tam Bảo.

 

Công Ơn Thầy Tổ

 

Vu Lan này cũng là kỷ niệm 6 năm con ở chùa. Thật đại phước duyên khi con được làm con của Sư Phụ. Người là ngọn đuốc sáng soi dẫn đường chúng con đi, Người đã giúp cho bao chúng sanh vượt qua đau khổ đến bờ an lạc.

 

Tổ Quy Sơn có dạy: “ Phụ mẫu hữu sanh thân chi ân, Sư hữu thành lập chi đức, sở dĩ văn tư ngộ nhập, trưởng thành pháp thân, thiệt do Sư hữu chi lực dã”. Nghĩa là: “Cha mẹ có ân sanh thân ta, Thầy bạn có đức làm nên ta. Sở dĩ nghe nhớ, ngộ nhập thêm lớn pháp thân, thực nhờ ơn lực của Thầy bạn vậy”. Theo quan niệm Phật giáo, Tổ Thầy là người hiện thân của Người lái đò, trong sắc áo màu giải thoát đưa tha nhân đến bờ an lạc. Trong suốt quãng đường ấy, để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, Thầy phải vượt qua bao gian nan vất vả, dùng hết tâm lực – sức lực, vững mái tay chèo, để chống chọi với phong ba bão táp, mặc cho tháng năm dầu dãi nắng mưa, Thầy vẫn không nản lòng. 

Sư Phụ - Nhà hoằng pháp

 

Thật vậy, những bước chân không mệt mỏi trên bước đường hoằng pháp của Sư Phụ kể cả ngày lẫn đêm trên xe hay máy bay để đem ánh sáng Phật Pháp đến với mọi miền Đất nước. Vào những mùa Vu Lan hay Phật đản, Sư Phụ đi liên tục, sức khỏe có phần bị giảm sút, chúng con thưa rằng: “ Sư Phụ đi ít lại để khỏe hơn rồi đi tiếp ạ”. Người bảo rằng: “ bà con nơi đó đang mong Sư Phụ từ năm ngoái rồi con.. đó là sứ mệnh Sư Phụ phải đi”. Với mong muốn đưa ánh sáng Phật Pháp vào đời để mọi người sống đạo đức, sống thiện lành, tin nhân quả, biết tu tập để chuyển hóa bản thân đã là sứ mệnh của người hoằng pháp.

Nhà giáo dục

 

Ngoài sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, Sư Phụ còn là nhà giáo dục, Giảng viên – Giáo thọ Sư Học Viện Phật Giáo Việt Nam TPHCM. Biết bao thế hệ Tăng Ni sinh được Người dẫn dắt về cả tri thức và còn tiếp thêm lý tưởng sống trên con đường tu tập của mình.

Nhà từ thiện

 

Tại trú xứ già lam Thiên Quang, với phương châm “hoằng pháp kết hợp với từ thiện”, mỗi tháng Sư Phụ đều tạo điều kiện cho người khiếm thị khắp nơi về nghe pháp và chia sẻ phần nào khó khăn qua những phần quà yêu thương. Bằng tất cả tình thương dành cho các người khiếm thị hơn 10 năm qua, các bài pháp thực tế đã giúp họ “ mắt mù nhưng tâm không mù”, sống lạc quan hơn, hiểu tất cả đều nhân quả nhiều đời nhiều kiếp đã tạo và biết tu tập để chuyển hóa nghiệp của mình. Vì vậy, nơi đây được họ gọi là “ Tổ đình của người khiếm thị”. Song song đó, rất nhiều các hoạt động từ thiện từ các vùng quê xa xôi như: xây cầu đường, tặng nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo, tặng học bổng cho học sinh,… đã được Sư Phụ và các nhà hảo tâm thực hiện. 

 

Bằng tất cả lòng từ bi và trí tuệ của mình, Sư Phụ là tấm gương cho chúng con noi theo và là động lực để chúng con cố gắng trên con đường “ phước huệ song tu” đến bờ giải thoát. Dù bận rất nhiều Phật sự và những trách nhiệm bên ngoài nhưng con biết rằng niềm trăn trở lớn nhất của Sư Phụ là đàn con thơ dại này, tuổi đời – tuổi đạo còn non trẻ, nghiệp chướng sâu dày… Gần 60 người, mỗi người mỗi nghiệp, chưa kể nghiệp của gia đình từng người, thế mà Người đã gánh bớt để chúng con được nhẹ nhàng tu. Sư Phụ đã lo lắng hết mọi thứ từ việc xây chùa, lo chỗ ở, ăn uống hằng ngày,.. cho chúng con, bao khổ cực Người gánh chịu trên đôi vai của mình chỉ mong đàn con trẻ rán tu để xứng đáng làm con gái Như Lai. Thế mà do tập khí và nghiệp chướng sâu dày, nhiều lần chúng con làm Sư Phụ buồn lòng. 

 

 “ Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa Ân Sư muôn kiếp khó đáp đền

 

Tuy Người không sinh con ra nhưng là Người dạy dỗ, che chở, yêu thương con trong ngôi nhà Phật Pháp, cho con Giới thân huệ mạng. Bốn năm trôi qua, con “hạnh phúc bây giờ và ở đây” dù rằng con đường không hề dễ dàng. Từng bước chân chúng con được Người nâng đỡ, những lần rày la nghiêm khắc khi phạm lỗi, biết bao bài học quý giá được Người chỉ bảo không chỉ bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo. Đôi lúc  để chúng con chuyển hóa mỗi ngày và vững niềm tin vào lý tưởng mình chọn, tu hành đúng Chánh Pháp của đức Như Lai.

 

Với rất nhiều sứ mệnh trên đôi vai, giờ nhìn lại đôi mắt Người đã thâm nhiều vì những đêm bên trang giáo án, đọc những bài Kinh để soạn những bài giảng làm lợi chúng sanh, đôi chân ấy cũng gần yếu hơn…khi nhận ra những điều ấy, chúng con biết rằng mình phải lớn lên để Người bớt vất vả lo cho chúng sanh và chúng con.

 

Kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Sư Phụ luôn được pháp thể khinh an, thế thọ tăng long, đạo thọ miên trường, trí tuệ minh đăng, mãi là cây đại thụ để che mát và dẫn dắt chúng con cùng chúng sanh trên bước đường tu nhân học Phật cho đến ngày viên mãn.
 

Kính lạy Thầy ! Ân Sư chí trọng

Dạy cho con biết hiểu và thương

Sống một đời giản dị, khiêm nhường

Niềm an lạc, đạo phong khả kính

Kính lạy Thầy ! Truyền đăng tục diệm

Uy đức Người, tướng mạo trang nghiêm

Pháp Như Lai, nghiên cứu kiếm tìm

Dạy đệ tử, nghiêm thân hành đạo.
 

Thành kính đảnh lễ Người bằng cả tấm lòng tri ân ! Nguyện sẽ sống xứng đáng để  báo đáp ơn Chư Phật, ơn Thầy Tổ, làm tròn sứ mệnh Sứ giả của Như Lai theo bước chân Sư phụ. 

 

Download Android Download iOS
Tiểu sử Hoà thượng Thích Chơn Minh (1956 - 2024)

Hòa thượng Thích Chơn Minh, thế danh Trần Bạch Mai, sinh năm Bính Thân 1956 tại quận Sa Đéc, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nối dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40 pháp huý Hồng Hoa, pháp tự Huệ Quang.

TP.HCM: Chùa Giác Tánh tưởng niệm cố TT.Thích Thiện Ngộ và trao quà cho người dân khó khăn

Sáng ngày 7-9-2024 (nhằm ngày 5-8-Giáp Thìn), môn đồ tứ chúng đã trang nghiêm tưởng niệm lễ húy kỵ lần thứ 12 cố Thượng tọa Thích Thiện Ngộ - Nguyên Trụ trì chùa Giác Tánh và trao 200 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Hội Từ Thiện Chùa Tường Nguyên khởi động chương trình "Trung thu cho em 2024"

Với tinh thần sẻ chia và yêu thương, Hội từ thiện Chùa Tường Nguyên (quận 4, TP.HCM) dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Minh Phú - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Từ thiện - Xã hội GHPGVN TP.HCM, Chủ tịch Hội từ thiện Chùa Tường Nguyên đã khởi động chương trình "Trung thu cho em 2024" nhằm mang đến niềm vui cho các em thiếu nhi có

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online