Kính gửi:
- Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An nhận được Công văn số 115/HĐTS-VP1 ngày 14/5/2021 của Hội đồng Trị sự GHPGVN, về việc Bộ Tài chính xin ý kiến các Bộ, ngành TW và UBND các tỉnh, thành phố về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích và hoạt động lễ hội; có đính kèm dự thảo Thông tư.
Sau khi nghiên cứu nội dung Thông tư cũng như xem xét thực tiễn hoạt động, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An có ý kiến như sau:
Về cơ bản, thống nhất việc ban hành Thông tư là cần thiết để thực hiện Điều 19, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, qua đó đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích trong công tác tổ chức lễ hội, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Kết cấu và bố cục của dự thảo Thông tư đã tiếp thu, chỉnh sửa tương đối phù hợp với các nội dung tổ chức lễ hội và quản lý di tích được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về chính sách tôn giáo, cũng như thực hiện đồng bộ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước chấp thuận, đặc biệt là tính khả thi và sự ảnh hưởng của Thông tư tới hoạt động, cuộc sống của người dân. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, xin có một số ý kiến như sau:
- Cần nghiên cứu, xem xét thêm một số vấn đề để khi đưa vào quy định nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện (đặc biệt trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện):
Ví dụ:
+ Việc thẩm định giá cho hiện vật là kim loại quý, đá quý (tại khoản c Điều 5): trong trường hợp người dân đưa những tượng, đồ thờ, pháp khí (tượng cổ, tượng giải thiêng…) vào chùa thì việc định giá thường xuyên sẽ gặp nhiều khó khăn (cần phải có chuyên gia có chuyên môn, kinh phí tổ chức…) bởi việc định giá cho loại hình tài sản này không chỉ xét dưới góc độ kinh tế.
+ Về đối tượng: cần cụ thể hóa đối tượng di tích, lễ hội (tiêu chí, phân loại di tích, lễ hội truyền thống?). Bởi trên thực tế, có nhiều công trình thờ tự xây dựng mới nhưng trên nền di tích cũ, hoặc có nhiều công trình/cơ sở thờ tự xứng đáng là di tích nhưng chưa được công nhận/không được đề nghị công nhận di tích; có những lễ hội mới được phục hồi trên cơ sở lễ hội truyền thống v.v…
+ Việc giao quản lý di tích là cơ sở tôn giáo hiện nay còn nhiều bất cập trong phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với cá nhân/tổ chức quản lý hoạt động tại các cơ sở tôn giáo (đặc biệt là đối với những cơ sở tôn giáo là di tích), vì vậy việc xem xét, quy trách nhiệm còn gặp khó khăn v.v…
Để Thông tư mang tính khả thi và quản lý hiệu quả, đi vào cuộc sống, rất cần giải quyết căn nguyên các vấn đề cốt lõi về thực tiễn hoạt động, thực trạng phối hợp quản lý, xử lý, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và những vi phạm, chế tài xử lý vi phạm… Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, nếu không được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ dẫn tới không khả thi trong việc áp dụng, quản lý mà còn tác động làm biến tướng những giá trị văn hóa truyền thống.
Vì vậy GHPGVN tỉnh Nghệ An đề nghị Hội Đồng Trị Sự GHPGVN cần có sự trao đổi, làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính nhằm cùng nhau bàn bạc, thống nhất đảm bảo Thông tư được ban hành mang tính khả thi cao, quản lý hiệu quả, đi vào cuộc sống.
Trân trọng!