Hòa cùng niềm vui đón năm mới xuân Giáp Thìn năm 2024 trong cả nước với ngày hội Sớt bát tại Thiền viện Phước Sơn diễn ra vào những ngày đầu năm. Sáng ngày 10/2/2024 (tức mùng 1 tết âm lịch năm Giáp Thìn) hơn 2000 chư Tăng, Tu nữ đã vân tập về Thiền viện Phước Sơn dự lễ sớt bát đầu xuân, đến tham dự và giảng thời pháp thoại đầu năm có Hòa thượng Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉmh Đồng Nai, Trụ trì Thiền viện.
Sớt bát là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo Nam tông Kinh, không quy theo ngày tháng nhất định, chỉ tổ chức dựa vào các ngày lễ lớn trong năm. Đặc biệt thời gian khoảng nhiều năm trở lại đây các chùa Phật giáo Nam tông Kinh thường tổ chức Ngày hội Sớt bát đầu năm mới nhằm tạo điều kiện để đồng bào Phật tử được bố thí cúng dường ba la mật trong chánh niệm, hưởng lộc đầu xuân, đã tạo nên một bước nhấn quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.
Theo truyền thống của Phật giáo Nam tông Kinh, trong sự nghiệp tu hành cứu khổ, nhà sư phải nuôi thân bằng hình thức ôm chiếc bình bát đi trì bình khất thực, Phật tử dâng gì dùng nấy, miễn sao phù hợp với đạo pháp. Hiện nay, truyền thống ấy vẫn được duy trì, với hình ảnh các sư ôm bát đi khất thực buổi sớm mai. Đó chính là hình thức khất thực theo Phật giáo nguyên thủy, còn ngày nay hình thức khất thực này đã được phát triển thành “ngày hội sớt bát đầu năm”. Nghi thức tổ chức khá đơn giản: Đầu tiên là chư Tăng, Tu nữ và Phật tử lễ bái Tam bảo trong ngôi Chánh điện; bước tiếp theo là các nhà sư đi trì bình Sớt bát, Phật tử dâng với tâm kính tín thực phẩm trong sạch được chuẩn bị trước đến chư Tăng, Tu nữ; sau cùng là chư Tăng mở khóa Kinh chúc phúc đầu năm đến toàn thể Phật tử.
Năm nay, Ngày hội Sớt bát ở các Thiền viện, chùa trong thành phố Biên Hòa được tổ chức vào ngày mùng một đến rằm tháng giêng, trong không khí vui tươi, tập hợp được đông đảo đồng bào Phật tử, không chỉ dân tộc Kinh, mà còn có Phật tử dân tộc khmer, trong và ngoài tỉnh, từ đó đã góp phần tích cực tạo nên sự giao thoa về văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc trên cả nước. Ngày hội sớt bát đầu năm mới còn có sự tham gia của 1000 vị sư đến từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Tuy có nhiều thế hệ, thành phần dân tộc, Tôn giáo khác nhau nhưng mọi người đều có chung một điều ước là mong sao nhân loại luôn sống trong hòa bình, không dịch bệnh, yên vui và an lạc.
Hơn 2.500 năm qua, những lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn mang lại ý nghĩa sâu sắc. Việc tổ chức lễ hội Sớt bát hằng năm là dịp để phật tử vững tin vào giáo lý của đạo Phật, đồng thời phát huy tinh thần đạo đức Phật giáo, đoàn kết, từ bi của Phật Pháp",Hòa thượng Bửu Chánh- Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Thiền viện Phước Sơn, khẳng định như vậy.
Ngày hội sớt bát đầu xuân Giáp Thìn năm 2024, không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của Phật giáo Nguyên thủy, Ngày hội Sớt bát còn góp phần tô đậm thêm tình đoàn kết tương thân tương ái giữa cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Bởi tham gia ngày hội sớt bát ngoài Phật tử địa phương còn có nhiều dân tộc anh em khác đến dự, cúng dường.
Phân ban TTTT Phật giáo Nam tông Kinh T.Ư. GJPGVN