Bình Dương: Lễ Truy niệm và phụng tống kim quan HT. Thích Thiện Châu

Nghe đọc bài:

PSO - Chiều ngày 14/4/2024 (nhằm mùng 6/3/ năm Giáp Thìn), Ban Tổ chức Tang lễ cùng môn đồ Pháp quyến đã trang nghiêm cử hành Lễ truy niệm và phụng tống kim quan Hòa thượng Thích Thiện Châu - Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Viện chủ chùa Phước An đến Đài hỏa táng Nghĩa trang Hoa viên Chánh Phú Hòa để trà-tỳ.

Quang lâm chứng minh và hộ niệm có: HT. Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương. Tham gia chứng minh và chú nguyện có: HT. Thích Thường Quang - Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT. Thích Minh Nghĩa - Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; TT. Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Chí - Trưởng ban Nghi lễ PG tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Thủ Dầu Một; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; chư Tôn đức Tăng Ni thành viên BTS, chư Tôn đức các BTS huyện, thị, thành phố trong tỉnh, cùng môn đồ pháp quyến - thế quyến, quý nam nữ Phật tử xa gần đồng tham dự. Buổi lễ đã đón tiếp sự tham dự của Ông Trần Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương.  

Thượng tọa Thích Minh Chí đã cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Thích Thiện Châu. Hội chúng cùng lắng lòng thanh tịnh, ôn lại hành trạng của Hòa thượng lúc sanh tiền. 

TT. Thích Minh Chí - Trưởng ban Nghi lễ PG tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Thủ Dầu Một cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Thích Thiện Châu

Hòa thượng thế danh Đoàn Tấn Long sinh năm Kỷ Mão (1939), tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Dung, thân mẫu là cụ bà Đoàn Thị Phận, sau này xuất  gia tu học với đạo hiệu là Cố Ni sư Thích nữ Diệu An. Hòa thượng sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em; Hòa thượng là người con thứ 5 trong gia đình.

Di ảnh cố Hòa thượng Thích Thiện Châu

Hòa thượng được sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhơn từ, có nề nếp đạo đức vững chắc và kính tin Tam bảo. Thân phụ mất khi Ngài còn nhỏ, Ngài sống với các anh chị em và học hết chương trình Tiểu học Pháp tại tỉnh nhà rồi sang học trường Bá Nghệ Bình Dương, với nhiều năng khiếu bẩm sinh như mộc, điêu khắc, hội họa.

Nhờ gieo căn lành từ nhiều kiếp, sớm giác ngộ cõi đời là hư huyễn, thế sự phù du, nên khi đến tuổi trung niên Hòa thượng xin phép Bổn sư là Hòa thượng Thích Thiện Lễ - Trụ trì Chùa Phước Hưng thị xã Tân An, tỉnh Sông Bé cho phép xuất gia, ban pháp húy là Chúc Long, hiệu Thiện Châu, tự Lệ Ngọc, tiếp nối dòng pháp Lâm Tế Chánh Tông  đời thứ 43.

Năm 1988, Hòa thượng đăng đàn thọ Sa-di giới tại chùa Hội Khánh do Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Sông Bé tổ chức (Hòa thượng đàn đầu HT. Thích Trí Tấn; Yết-ma A-xà-lê TT. Thích Minh Thành; Giáo thọ A-xà-lê ĐĐ. Thích Nhuận Thanh). 

Năm 1990, Hòa thượng đăng đàn thọ Tỳ-kheo giới tại chùa Hội Khánh do Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Sông Bé tổ chức (Hòa thượng đàn đầu HT. Thích Trí Tấn; Yết-ma A-xà-lê HT. Thích Huệ Hải; Giáo thọ A-xà-lê HT. Thích Diệu Tâm).

Sau khi xuất gia, ngay trong giai đoạn nền kinh tế thời kỳ bao cấp còn khó khăn, đời sống đàn việt còn nhiều gian khó, ngôi Già lam mục nát xiêu vẹo do vết tích của chiến tranh và thời gian để lại. Hòa thượng ngoài việc tu học còn phải lo trang trải cuộc sống cho Tăng chúng nhà chùa, tu bổ ngôi già lam thoát khỏi cảnh hoang tàn, trống lạnh. Để có kinh phí trang trải việc tu học, ngoài việc canh tác ruộng vườn của nhà chùa, Hòa thượng còn sử dụng nghề tay trái của mình là sơn vẽ để duy trì ngôi Tam bảo có thể tồn tại và ngày càng hưng thịnh. Hòa thượng có năng khiếu đặc biệt là hội họa, thư pháp về chữ Hán, Nôm, nên những bút tích tại ngôi Già lam Phước An đâu đâu cũng có ít nhiều kỷ niệm do Hòa thượng lưu lại, được thể hiện qua các phù điêu, tranh ảnh, thư pháp trong chánh điện, nhà giảng, Tổ đường, bảo tháp Phước An, hàng rào chùa và cổng tam quan. Không những Hòa thượng thực hiện tại Bổn tự mà các tự viện tại địa phương thỉnh cầu Hòa thượng vẫn vui vẻ nhận lời thực hiện. Trong những năm thập niên 90, khi nền công nghiệp mỹ thuật chưa phát triển, mỗi khi Tỉnh hội có sự kiện, tổ chức trường hạ, làm lễ đài, xe hoa….thì Ngài chính là người chịu trách nhiệm chính về việc làm trang trí cho các sự kiện này trong suốt cả quá trình dài cho đến khi nền công nghiệp in ấn phát triển thì Hòa thượng mới thôi không đảm nhiệm nữa.

Sau khi thọ Tỳ-kheo giới, bằng sự nỗ lực và phấn đấu của mình, Hòa thượng được bạn đồng tu và lãnh đạo Phật giáo Tỉnh nhà hết sức tin tưởng, trao cho nhiều trọng trách quan trọng trong việc điều hành hành chính Phật sự trong địa bàn TP. Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Điều đó được ghi nhận qua những bằng tuyên dương công đức, bằng khen của HĐTS và Tỉnh Hội PG Bình Dương đã trao cho Hòa thượng trong thời gian dài hành đạo.

Tại các hạ trường do Tổ đình Hội Khánh tổ chức hàng năm, Hòa thượng cũng được công cử vào Ban chức sự nhằm làm gương để cho Tăng chúng noi theo tu học. Ngoài ra, Hòa thượng còn được cung thỉnh vào hàng Thất chứng đàn Sa-di tại các Đại Giới đàn do Phật giáo Bình Dương tổ chức như Đại giới đàn Trí Tịnh, Đạo Trung Thiện Hiếu, Minh Thiện, Thiện An.

Tại đạo tràng Phước An tự, trong thời gian đầu tiếp quản số lượng Phật tử còn hạn chế, bằng đức độ cảm hóa của mình cho đến hiện nay số lượng Phật tử đến chùa ngày càng đông đúc. Khi còn khỏe và không bận việc Phật sự, ngày nào Hòa thượng cũng đều đặn hướng dẫn Phật tử công phu bái sám, tụng kinh, không bỏ sót buổi nào. Ngoài ra các ngày Rằm lớn, Đại lễ Phật Đản, Vu lan,  đạo tràng Phước An luôn được tiếp đón đông đảo số lượng Phật tử gần xa, quý chính quyền các cấp,  đến để tham quan, chiêm ngưỡng và tham dự Đại lễ.

Về phương diện ngoại giao, Hòa thượng được các cấp địa phương chính quyền, tôn giáo bạn hết sức tin tưởng và quý mến. Đặc biệt khi còn tại vị tại vai trò Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.Thủ Dầu Một, Hòa thượng rất xông xáo và nhiệt huyết trong công tác từ thiện, xã hội, công tác dân vận tại địa phương…. Công lao của Ngài được ghi nhận qua những bằng khen của UBND TP.TDM, UBND các phường xã trên địa bàn, Hội chữ Thập đỏ tỉnh Bình Dương…trong việc cống hiến không mệt mỏi cho nhân sinh. 

Các vai trò trong thời gian hoạt động Phật sự của Hòa thượng:

Năm 1991, Chánh Thư ký Ban Đại diện PG thị xã Thủ Dầu Một; Năm 1995, Phó ban Đại diện PG thị xã Thủ Dầu Một; Năm 1997 – 2002, Ủy viên BTS Phật giáo tỉnh Sông Bé kiêm Trưởng ban Đại diện PG TX. Thủ Dầu Một.

Năm 2002 – 2007, Phó Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Sông Bé, Trưởng ban Đại diện PG TX. Thủ Dầu Một; Năm 2007 – 2012, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Sông Bé, Trưởng ban Đại diện PG TX. Thủ Dầu Một; Năm 2013 – 2016, Trưởng ban Đại diện PG TX. Thủ Dầu Một; Năm 2017 đến nay, Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương. 

Có thể nói rằng, khi nhận lại ngôi Già lam Phước An do đời trụ trì trước để lại – lúc ấy ngoài ngôi chánh điện còn tạm sử dụng được, thì còn lại tất cả các hạng mục khác của nhà chùa đều xuống cấp một cách trầm trọng. Chùa không cổng tam quan, giảng đường dột nát, Đông lang, Tây lang lúc đó chỉ là vách đất tạm bợ xiêu vẹo, nơi lưu giữ di ảnh, di cốt của bá tánh được để tại nhà giảng không được trang nghiêm và hết sức xô bồ….và còn nhiều thiếu thốn khác mà không thể tả xiết. Với sự thiết tha cống hiến vì ngôi Tam bảo, Hòa thượng đã phát tâm cùng đàn việt từng ngày, từng ngày cố gắng xây dựng ngôi già lam hưng thịnh như ngày hôm nay.

Từ năm 2020, do niên cao lạp trưởng, Hòa thượng trao lại quyền trụ trì cho TT. Thích Thiện Ân để tiếp tục sự nghiệp điều hành Phật sự, duy trì và xây dựng ngôi Tam bảo. Với 86 năm trụ thế và 35 năm tuổi đạo, cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời cho hàng hậu tấn noi theo trên bước đường tu học và phụng sự đạo pháp.

Thay lời Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, HT. Thích Huệ Thông đã có bài điếu văn, dâng lời tưởng niệm lên Giác linh Hòa thượng và phân ưu cùng môn nhân pháp tử. Qua đó, tán thán những công hạnh trong cuộc đời thân giáo của Hòa thượng, đó là những bài học vô giá, là tấm gương sáng về đạo đức, là bậc mô phạm xứng đáng cho hàng hậu học noi theo. 

HT. Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương đọc điếu văn, dâng lời tưởng niệm lên Giác linh Hòa thượng 

Cung đối trước chư Tôn đức, TT. Thích Thiện Ân đã đại diện môn đồ pháp quyến trước giây phút tiễn biệt nhục thân Hòa thượng đế nơi trà-tỳ dâng lời cảm niệm, ôn lại kỷ niệm Thầy trò, sám hối với Thầy những lỗi lầm từ lúc xuất gia hành điệu đến ngày nay, và phát nguyện trước Giác linh Hòa thượng sẽ tiếp tục tích cực phát triển ngôi Già lam Phước An ngày càng hưng thịnh, hướng dẫn Phật tử tu tập đúng chánh pháp. 

TT. Thích Thiện Ân đại diện môn đồ pháp quyến dâng lời cảm niệm

Sau giây phút tưởng niệm Giác linh, TT. Thích Thiện Trí dâng lời cảm tạ, tri ân chư Tôn giáo phẩm đã quang lâm cùng nói lên lời tiễn biệt sau cùng đối với Giác linh Hòa thượng Thích Thiện Châu và chỉ dạy để tang lễ thành tựu viên mãn; tri ân chư Tôn đức Ban Trị sự các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; chư Tôn đức trụ trì các tự viện, quý thiện tín Phật tử đã nhiệt tâm hỗ trợ góp phần cho tang lễ được thành tựu.

TT. Thích Thiện Trí - Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP. Thủ Dầu Một dâng lời cảm tạ

Sau lễ truy niệm, Ban Nghi lễ đã trang nghiêm cung thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Thông đương vi sám chủ tang lễ tuyên pháp ngữ, thực hiện nghi thức phất trần. Cuối cùng môn đồ pháp quyến với sự hướng dẫn của chư Tôn đức đã cung thỉnh lư hương, long vị, y bát và di ảnh, phụng thỉnh kim quan Hòa thượng di quan đến nơi trà-tỳ tại Nghĩa trang Hoa viên Chánh Phú Hòa (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát), trong tiếng niệm Phật của Tăng Ni, Phật tử và âm vang trầm hùng của chuông trống Bát-nhã liên hồi hòa cùng nhạc lễ. Sau đó, Giác linh được nhập bảo tháp tại chùa Phước An.

Ban TT-TT PG Bình Dương

Download Android Download iOS
Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Thiểu dục tri túc - Một góc nhìn về chủ nghĩa tiêu thụ và bảo vệ môi trường của Phật giáo

PSO - Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý.

TP.HCM: Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện 2024 chính thức khai mạc với gần 6.000 thí sinh tham dự

Sáng ngày 17/11/2024, Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện đã chính thức khai mạc đồng loạt tại 21 điểm thi trên địa bàn TP.HCM, thu hút sự tham gia của 5.956 thí sinh là Phật tử từ 15 tuổi trở lên. Đây là sự kiện quan trọng nhằm khơi dậy tinh thần học tập và tu dưỡng giáo lý trong cộng đồng Phật tử.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online