Cội nguồn hạnh phúc - Viết - Nguyễn Thị Hương Mai (Pháp danh: Diệu Tri)

Nghe đọc bài:

CỘI NGUỒN HẠNH PHÚC

 

        Con thật là hối tiếc khi trước đây con không từng biết đi chùa , không từng biết đến ngày lễ Vu Lan thiêng liêng như thế nào, để con được tôn vinh công ơn trời biển của Ba Má, để con được cài lên ngực áo cánh hoa hồng đỏ thắm màu máu tim , để con được dâng lên hai đấng sanh thành chén cơm ly nước, dù là chén cơm lạt , ly nước lạt tại chùa, nhưng ít ra cũng tượng trưng được tấm lòng hiếu hạnh của con hầu làm ấm lòng Ba Má nơi chốn tôn nghiêm dưới sự chứng minh của ba ngôi Tam Bảo khi Cha Mẹ còn sanh tiền. Cho dù con rất chu toàn bổn phận trong việc cơm dâng nước rót , miếng ăn giấc ngủ, thuốc men bệnh hoạn cho Ba Má nhưng con đã bỏ quên và để cho phần tâm linh của Ba Má lạnh lẽo bó hẹp trong phạm vi gia đình nhỏ bé của mình .Cho đến khi Ba Má không còn trên cõi đời nầy nữa thì mỗi mùa trong năm đều là mùa Vu Lan day dứt  lòng con, mỗi mùa mưa tháng bảy là mùa nước mắt chảy tràn trong lòng con, mỗi chiếc lá Thu rơi rụng đã xếp thành đồi úa vàng trong lòng con. Biết bao giờ con mới xua tan được niềm hối hận nầy!

 

        Ba Má ơi! Mùa Vu Lan lại về! Đang bùng cháy những hồi ức, những kỉ niệm về Ba Má trong  con. Xương thịt nầy, sự lớn khôn già dặn nầy có được từ sự vắt cạn dòng sữa ngọt ngào của Má , từ những gióng gánh xách bưng tảo tần trên đôi vai gầy gò của Má , từ bàn tay chai sạn và tấm lưng cõng nắng của Ba. Con làm sao quên được những lúc con ốm đau Má đã sắc cho con từng chén thuốc, mỗi lần cho con uống thuốc Má đều bưng chén thuốc đưa lên trán nguyện cầu ơn trên gia hộ cho con hết bệnh , và đã thức thâu đêm khi con nóng sốt mê sản để an ủi vỗ về và lau nóng cho con… Con quên sao được hình ảnh ngày đầu tiên Ba đưa con tới trường, dìu dắt những bước đầu đời cho con chập chửng đi vào tri thức.Ba phải dỗ dành con mãi vì sự rụt rè nhút nhát của con.Vào mùa nước nổi , nước đổ siết , Ba đã quằn tay bơi chiếc xuồng dựng ngược trên dòng nước băng băng đưa rước con đi học ngày hai bận…Rồi con trưởng thành từng ngày từ sự học hành và sự rèn tập của Ba Má. Lúc đó con quá dại khờ đã nghĩ rằng sao Má quá khó khăn , sao Ba quá giáo điều khi uốn nắn cho con từng chút từng chút công ăn việc làm , từng chút từng chút lời ăn tiếng nói, từng chút từng chút cách ứng xử tử tế với mọi người… Ba Má thương con không những lo phần cun cút cho con  miếng ăn, giấc ngủ, tấm áo, mảnh khăn như bao bậc cha mẹ khác mà còn chu toàn rèn tập cho con những kỷ năng sống hợp lẽ đời , hợp lẽ đạo , để con được là nguồn vui cho mọi người quanh con hơn là muốn mọi người là nguồn vui của con , một đạo lý tuyệt vời mà mãi về sau  nầy con mới nhận biết .Con nhớ lúc con đã có gia đình rồi , một lần về quê thăm Ba Má, vì là mùa nước nổi phải lội nước ngang ống chân , con bận bế em bé để chồng xách dùm con đôi dép, con đã bị Má rầy quá chừng, con đã không hiểu cho là Má khó khăn cổ hủ phong kiến, đâu nghĩ rằng Má đang dạy con sự tôn trọng trong tình vợ chồng… Còn Ba thì hể vào mâm cơm là đem chuyện giáo dục nhân cách , sống hay sống đẹp ra rỉ rả lai rai khéo léo kể hết câu chuyện nầy đến câu chuyện khác để dẫn dắt con cái noi theo. Má là sự cần kiệm , tảo tần, chịu thương chịu khó,  chịu cực hy sinh  như hình ảnh cái cò trong dân gian. Còn Ba là sự tốt bụng, rộng lượng, bao dung lúc nào cũng sẳn sàng giúp đỡ mọi người. Cây cầu dưới bến sông do Ba bắt cho cả xóm dùng, có một chiếc ghe không bao giờ Ba khóa vì sợ mất , mà để cho những người nghèo khó trong xóm cậy nhờ để đưa đò mỗi khi cần thì có liền khỏi phải hỏi han lâu lắc. Trong xóm ai ốm đau bệnh hoạn đều đến nhờ Ba giúp làm gió, cho thuốc hoặc chở đi cấp cứu, Ba có sẳn một số thuốc Đông Y để dành hầu sơ cứu người bệnh khi khẩn cấp… Cả xóm ai cũng quí mến gia đình mình nhờ cách sống tốt của Ba Má và khen ngợi sự thuận hòa của anh chị em  con nhờ vào Ba Má khéo giáo dục…

 

        Giờ con mới hiểu , những điều con cho là Má khó khăn , Ba giáo điều đã làm thành hạnh phúc của đời con. Má đã dạy con đủ mọi kỷ năng sống , từ việc bếp núc cho tới may vá, cách ứng xử với kẻ trên người dưới và còn chuẩn bị cho con cả khi sẽ lấy chồng làm dâu , làm vợ và làm mẹ. Con vô cùng ngạc nhiên khi Má từng sống mồ côi từ khi còn rất bé vì ông bà Ngoại mất rất sớm, sao mà thần kỳ vậy hở Má? Vừa côi cút vừa không được học hành mà Má lại là vị thầy vĩ đại của con. Khi Má về làm dâu cho Bà Nội , Má chỉ mới mười chín tuổi mà Bà Nội rất hài lòng và tự hào về Má từ  Công Dung Ngôn Hạnh của Má, con làm sao đủ lời để bày tỏ lòng khâm phục và ngưỡng mộ Má đây?... Con nhớ Má vẫn thường nói với con rằng Má rất ham sống chỉ vì Má sợ con phải mồ côi giống Má. Má không hề than thở , nhưng qua đó , con cảm nhận được sự cơ cực của Má, một con người kiên cường lớn lên và trưởng thành vượt bậc từ sự cút côi. Con càng đầy đủ bên Má bao nhiêu, con càng nghĩ mà thương Má biết chừng nào! Và con đã hiểu vì sao ngày trước mỗi lần con về quê cùng Má, những trẻ đồng lứa ở quê nhìn con như nhìn một nàng công chúa. Dù con có kiến thức bao nhiêu đi nữa, dù con đã từng là thầy của bao lớp trẻ, con cũng khó lý giải nổi chuyện thần kỳ của Má. Chỉ còn cách đem tình yêu thương ra giải nghĩa, vâng ! Có lẽ mọi xuất phát của Má là từ tình yêu thương, chỉ có tình yêu thương thiết tha cuộc sống nầy mới có thể lý giải được những điều Má đã làm. Và hơn ai hết, Ba con và chúng con đã cho Má cuộc trải nghiệm ấy, một cuộc trải nghiệm đầy cống hiến, đầy phụng sự.Và, Má cũng đã truyền trao cho con cuộc sống như thế. Nói vậy không có nghĩa là bỏ quên Ba con, nếu Má đã truyền trao cho con bằng hành động thì Ba đã truyền trao cho con bằng lời nói và cả bằng việc làm. Vâng, sống là yêu thương, yêu thương là hiến dâng, hiến dâng là đạo lý của yêu thương, là cội nguồn của hạnh phúc.

 

        Con đã lớn lên trong bối cảnh như thế , con đã thừa hưởng hết những tinh hoa từ Ba Má, và con đã làm được những điều giống Má, Ba Má chồng con rất hài lòng về con. Con đã sống trong gia đình chồng bằng tất cả tình thương yêu chân thật, mặc dù lúc giăng mùng trải chiếu cho Ba Má chồng , con rất chạnh nhớ việc nầy con từng làm cho Ba Má, nhưng không phải bằng sự tủi buồn mà bằng một niềm hảnh diện của người con được dạy dỗ và biết vâng lời  Và ngược lại con cũng được thọ hưởng tình yêu thương và sự chăm sóc từ chồng và cha mẹ chồng. Cho đi là nhận lại tất cả mà còn hơn thế nữa. Con biết, Ba Má chỉ cần có thế ở con , nó đã vượt lên trên mọi sự đền đáp. Điều đã làm con  hạnh phúc nhất là con được Ba Má chồng nhường cho con  phụng dưỡng Ba Má trước vì Ba Má lớn tuổi hơn dù chồng con là con trai duy nhất, và hai vị đã coi Ba Má như là người thân. Thậm chí Má chồng còn giúp con chăm sóc Má vì sợ con nhiều việc sinh ra sơ suất . Con đã thọ hưởng ân nghĩa trên cõi đời nầy nhiều thứ lắm.mà nguồn hạnh phúc lớn nhất của con là từ Ba Má ban cho.
 

        Vậy mà trước đây vì mãi theo đuổi cơm áo gạo tiền , lo toan cuộc sống, con đã không biết chăm sóc phần tâm linh cho Ba Má, Ba Má chưa từng được con làm lễ chúc thọ cho Ba Má tại chùa , một niềm vinh hạnh lớn lao của người Phật Tử. Đến khi không còn Ba Má nữa, từ việc đến chùa cầu nguyện cho Ba Má, con mới biết được điều nầy, con mới biết được sự vi diệu , nhiệm mầu  khi quì trước ngôi Tam Bảo để tôn vinh công lao trời biển của cha mẹ trong ngày lễ Vu Lan thiêng liêng… Thôi thì đừng quá tự trách mình, hành động tuy có muộn màng nhưng lòng tri ân thì không bao giờ muộn và vơi cạn. Thay vào đó , con đã làm tất cả cho Ba Má chồng con để nơi cõi trời nào đó Ba Má cũng được hài lòng ngậm cười mãn nguyện. Mùa Vu Lan nầy cũng như bao mùa Vu Lan hằng năm, con chân thành  gửi đến Ba Má lời tạ lỗi và lòng tri ân thiết tha về những gì Ba Má đã làm cho con , đó là mạch nguồn ,là cội nguồn  hạnh phúc của đời con .


 

         Con Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.



 

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm lần thứ 25 Thiền sư Duy Lực – Tổ sư thiền Việt Nam

Sáng ngày 01/01/2025 (Nhằm mùng 2 tháng Chạp năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Đà (Quận 3, TP.HCM) Môn đồ pháp phái Tổ sư thiền đã trang nghiêm làm lễ tưởng niệm lần thứ 25 cố Thiền sư Hòa thượng Thích Duy Lực, người sáng lập pháp môn Tổ sư thiền tại Việt Nam.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Lễ hằng thuận tại chùa Thiên Tôn

PSO - Ngày 30/12/2024 (nhằm ngày 30/11/Giáp Thìn), Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM kết hợp chùa Thiên Tôn tổ chức lễ Hằng Thuận cho Phật tử Thanh Minh Trí, thế danh Nguyễn Hồng Sơn và Phật tử Hạnh Quang, thế danh Nguyễn Thị Bảo Châu.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online