Đà Nẵng: Chư Tôn đức Ban Tổ chức chia sẻ về Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng pháp

Nghe đọc bài:

PSO -  Trong 2 ngày 17-18/12/2023, tại chùa Pháp Lâm (TP. Đà Nẵng), Ban Hoằng Pháp TƯ phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN TP. Đà Nẵng tổ chức Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2023 cho khu vực miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên, Ban TT-TT GHPGVN TP. Đà Nẵng đã thực hiện cuộc phỏng vấn chư Tôn đức Ban Tổ chức về nội dung và công tác tổ chức, cũng như kỳ vọng về Khóa Tập huấn này.

HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BHP TƯ GHPGVN, Trưởng ban Tổ chức

– Kính bạch Hòa thượng, được biết, trong 2 ngày 17-18/12/2023, tại chùa Pháp Lâm, Ban Hoằng Pháp TƯ phối hợp Ban Trị sự GHPGVN TP. Đà Nẵng tổ chức Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp năm 2023 cho khu vực miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên; xin Hòa thượng cho biết mục đích và ý nghĩa của Khóa Tập huấn này.

Hoằng Pháp là môi trường rộng lớn, là sứ mệnh của tất cả Tăng Ni trong sự nghiệp hoằng truyền chánh Pháp, mang đạo vào đời. Mỗi một vị Tăng Ni trong công cuộc hoằng Pháp của mình gặp nhiều hoàn cảnh thuận lợi và khó khăn, từ đó rút ra được những kinh nghiệm khác nhau, học được cách ứng xử linh hoạt, hình tướng, giọng nói trong khi giảng ứng dụng vào những môi trường thuyết giảng khác nhau.

Vào năm 2018, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đưa ra năm tiêu chí cho một vị giảng sư là: Thân tâm hoằng Pháp, Phương tiện hoằng Pháp, Đối tượng hoằng Pháp, Môi trường hoằng Pháp và Thời đại hoằng Pháp. Năm tiêu chí hoằng Pháp kể trên được xem là nguyên tắc bất di bất dịch, thể hiện tinh thần phụng hành lời dạy của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN, tôn trọng nương tựa vào lời dạy của các bậc trưởng thượng nhiều năm trong ngành hoằng Pháp. Từ đó, chúng ta rút ra kinh nghiệm phù hợp để trở thành một vị giảng sư đúng với tinh thần “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, nói pháp Như Lai”.

Cho nên, mục đích của Khóa Tập huấn Hoằng Pháp kỳ này nhằm hiện thực hóa lời dạy của Hòa thượng Chủ tịch về hoằng Pháp trong thời đại mới, truyền tải đến mỗi người lời Phật dạy, truyền thống của Phật giáo nói chung, truyền thống Phật giáo Việt Nam và truyền thống Phật giáo vùng miền nói riêng tấm gương của các bậc tiền bối, các bậc Tổ sư… Chúng tôi mong rằng, qua Khóa Tập huấn này, chư Tăng Ni có thể học hỏi từ các bậc lãnh đạo Giáo hội, các bậc trưởng thượng để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cùng rút ra bài học quý báu truyền bá Chánh pháp; áp dụng một cách diệu dụng từ phương tiện, thân tâm trang nghiêm, môi trường hoàn cảnh truyền tải giáo lý của Đức Thế Tôn đến gần hơn với mọi người và là hình mẫu tiêu biểu cho quần chúng nương theo tu tập.

HT. Thích Từ Nghiêm – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng BHP TƯ, Trưởng BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng, đồng Trưởng ban Tổ chức:

– Thưa Hòa thượng, được biết, trong 2 ngày 17-18/12/2023, tại chùa Pháp Lâm, Ban Hoằng Pháp TƯ phối hợp Ban Trị sự GHPGVN TP. Đà Nẵng tổ chức Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp năm 2023 cho khu vực miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên, với vai trò Trưởng BTS, xin Hoà thượng cho biết nhân duyên có được sự kết hợp này.

Vào khoảng đầu tháng 9 âm lịch, BHP TƯ có phiên họp online ngành Hoằng Pháp, Hoà thượng Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp TƯ đã gợi ý về việc đăng cai tổ chức Khoá Tập huấn Hoằng Pháp liên tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Hoà thượng có nói: Các tỉnh thành đã tổ chức trước đây cũng nên tổ chức trở lại để ngành Hoằng Pháp được phát triển mạnh ở địa phương, như Đà Nẵng chẳng hạn. Từ nhân duyên này, chúng tôi đã họp BTS và quyết định đăng cai để tổ chức Khoá Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Và đến nay, sau nhiều lần họp với Ban Hoằng pháp TƯ, BTS đã triển khai để Khoá Tập huấn được thành công tốt đẹp.

– Thưa Hoà thượng, trong thời gian qua Phật giáo Đà Nẵng ít có các Phật sự xứng tầm với vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương. Nay với trách nhiệm đồng Trưởng ban tổ chức, cũng với vai trò Trưởng BTS GHPGVN tp. Đà Nẵng, qua Khoá Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp này, Hoà thượng có kì vọng gì để Phật giáo thành phố khởi sắc, đóng góp nhiều Phật sự trọng đại, thay đổi diện mạo Phật giáo Đà Nẵng.

Về tình hình sinh hoạt của BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng, những năm qua trong nhiệm kì trước do các vị lãnh đạo BTS về cảnh Phật rất sớm, từ Hoà thượng Trưởng ban Thích Thiện Nguyện, Thích Chí Mãn, Thích Từ Tánh đến HT. Thích Thiện Toàn, chỉ trong khoảng vài ba năm, nên Phật sự Đà Nẵng có phần ngưng trệ, kém phát triển. Năm nay, BTS mới thành lập, có nhiều thành viên trẻ, xuất sắc, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Giáo hội, nên chúng tôi hi vọng BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng sẽ vững mạnh, nhất là qua đợt Tập huấn do BHP TƯ phối hợp với BTS TP. ĐN tổ chức sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp; từ đây có thể làm bàn đạp vươn lên để hoàn thành các Phật sự mà BTS GHPGVN TP. ĐN đã đề ra trong nhiệm kì này.

TT. Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BHP TƯ GHPGVN

– Thưa Thượng tọa, với vai trò là Phó ban kiêm Chánh Thư ký BHP TƯ, xin Thượng tọa chia sẻ cho chúng con về nội dung Chương trình của Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp này.

Căn cứ vào chương trình hoạt động của Ban Hoằng Pháp (BHP) TƯ GHPGVN nhiệm kì IX, TƯGH tại Đại hội đã thông qua việc biểu quyết để tu chỉnh Hiến chương, trong đó có các văn kiện tu chỉnh quy chế hoạt động Ban Tăng sự TƯ, Ban Hoằng pháp TƯ. Nhằm kịp thời triển khai các văn kiện có liên quan tới Đại hội đến với chư Tăng Ni giảng sư của Ban Hoằng pháp TƯ, kịp thời làm công tác tuyên truyền, vận dụng một cách khéo léo, lồng ghép quy tắc vào thời giảng một cách phù hợp, BHP TƯ đã phân ra từng khu vực để tổ chức Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp.

Trong khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hoằng Pháp lần này chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực: Thứ nhất là kinh nghiệm hoằng pháp. Cung thỉnh chư Tôn đức cây cao bóng cả của ngành hoằng Pháp như HT. Thích Bảo Nghiêm, HT. Thích Huệ Phước, … thuyết giảng nội dung, kinh nghiệm Hoằng Pháp đến chư Tăng Ni giảng sư của ngành Hoằng Pháp. Thứ hai, cung thỉnh chư Tôn đức hệ thống hành chánh triển khai các văn kiện có liên quan tới Đại hội đã được tu chỉnh như: cung thỉnh TT. Thích Đức Thiện trình bày thành tựu của GHPGVN và một số công tác Phật sự trọng yếu trong thời gian tới của Giáo hội; cung thỉnh HT. Thích Huệ Thông giới thiệu Hiến chương tu chỉnh GHPGVN lần thứ VII; cung thỉnh HT. Thích Thiện Thống giới thiệu Quy chế hoạt động của Ban Tăng sự TƯ GHPGVN; cung thỉnh TT. Thích Phước Nguyên trình bày Nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, hoạt động của GHPGVN nhiệm kì 2022 – 2027.

– Thưa Thượng tọa, được biết trong Chương trình tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp tại Đà Nẵng có buổi tọa đàm “Hoằng Pháp thời đại kỹ thuật số: thuận lợi và thách thức” vào tối ngày 17/12/2023 (05/11/Quý Mão), xin Thượng tọa chia sẻ đôi chút về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của buổi tọa đàm để thính chúng được hiểu rõ hơn.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta thuận lợi trong việc xây dựng giảng đường, chùa chiền tịnh viện, xây dựng niệm Phật đường, thành lập thiền đường, để phục vụ nhu cầu hoằng Pháp và chuyên tu của quần chúng Phật tử. Cảnh trí thiền môn nghiêm tịnh, thanh thoát lắng sâu, sẽ là những bài pháp vô ngôn nhưng hữu hiệu đối với những tâm hồn nhạy cảm, sẽ hấp dẫn và níu chân họ trở về với cội nguồn nguyên sơ, mà những nơi khác ắt sẽ khó gợi lên trong tâm hồn họ những giây phút nội tĩnh lắng sâu như vậy. Đây là những điều kiện thuận lợi để giúp cho quần chúng đến với đạo Phật.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Sự phát triển này đã làm thay đổi cuộc sống, tầm nhìn và sinh hoạt của xã hội trong đó có sinh hoạt của giới Phật giáo chúng ta. Trong xã hội thời hiện đại, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao, khả năng cảm nhận và nguồn tri thức của quần chúng rất dồi dào phong phú. Do vậy nhu cầu thính pháp của quần chúng Phật tử hiện nay ở một tầng bậc rất cao, họ không đơn thuần là đến để nghe những bài giảng vốn đã đọc qua hay đã thông hiểu, mà còn cần được chia sẻ kinh nghiệm hành trì cũng như những pháp ngữ đậm tính khai mở nguồn tuệ giác. Cho nên họ rất cần những nhà Hoằng pháp thực tu, thực hành, mỗi lời nói ra đều là pháp ngữ, chứ không chỉ có quan tâm đến kỹ năng, nghệ thuật diễn giảng là có thể thu nhiếp được họ. Trong khi đó, các nhà Hoằng pháp hiện nay phần lớn chỉ chú trọng đến công tác truyền bá kiến thức giáo lý một cách chung chung, nặng về hình thức, chứ chưa quan tâm đến nhu cầu thực tiễn của thính chúng. Đồng thời, truyền thông cũng là con dao hai lưỡi, nếu không khôn khéo sẽ mai lại hậu quả khôn lường. Như vậy, phải chăng điều đó đặt ra cho ngành Hoằng Pháp một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực lẫn về mặt tổ chức, thuyết giảng, sử dụng công nghệ, điều hành chuyên ngành hoạt động của mình ngày càng đổi mới hơn.

Như vậy, hoằng Pháp là một trong những ngành mũi nhọn rất quan trọng trong các hoạt động phát triển của GHPGVN. Cho nên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản của GHPGVN đang có được, chúng tôi chỉ nói đến những thuận lợi và thách thức đối với công tác hoằng Pháp nên tổ chức buổi tọa đàm này.

TT. Thích Thông Đạo – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng

– Thưa Thượng tọa, với trách nhiệm đơn vị đăng cai tổ chức Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp, xin Thượng tọa cho biết đến nay các khâu chuẩn bị như thế nào rồi.

Vào sáng ngày 14/12/2023 (nhằm mồng 02/11/Quý Mão), BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng đã tổ chức phiên họp rà soát lại các ban chịu trách nhiệm trong khâu tổ chức. Buổi họp đặt dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Từ Nghiêm – Uỷ viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng, chư Tôn đức phụ trách các bộ phận báo cáo công tác chuẩn bị như tiếp đón, vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, hậu cần… Sau đó, chư Tôn đức Thường trực BTS cũng đã đến kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị của từng bộ phận để đảm bảo cho Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp năm 2023 được thành công viên mãn. Đến thời điểm này, mọi khâu đã chuẩn bị xong, giờ chỉ còn mong chờ thời gian để đón 328 đại biểu Tăng Ni lãnh đạo Trung ương Giáo hội và các tỉnh thành về tham dự.

– Qua Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp lần này, Thượng tọa có thể cho biết những khó khăn và trở ngại gì trong công tác tổ chức, và qua đây Thượng tọa có kỳ vọng gì để thời gian tới sẽ tổ chức nhiều các Hội nghị, góp phần đẩy mạnh phát triển các Phật sự của Phật giáo thành phố.

Trong công tác tổ chức Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp này, về cơ bản không có khó khăn hay thách thức nào đáng kể. Được sự đồng thuận của toàn Ban Trị sự và đồng tình cho phép của Chính quyền các cấp nên mọi công tác đều thuận lợi. Hi vọng trong tương lai, cũng với tinh thần Phật sự chung như thế này, Phật giáo Đà nẵng sẽ đăng cai tổ chức thêm các sự kiện trọng đại khác, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Đà nẵng nói riêng theo đúng phương châm: “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

TT. Thích Thông Đạt – Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP. Đà Nẵng

– Thưa Thượng tọa, với trách nhiệm của một vị Trưởng ban Hoằng pháp, qua Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp này, cảm nhận và mong muốn của Thượng tọa về Khóa Tập huấn như thế nào, và trong thời gian tới, Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP. Đà Nẵng có thực hiện chương trình Hoằng pháp tiêu biểu nào không?

Hoằng Pháp là nhiệm vụ quan trọng của người Tu sĩ Phật giáo. Hoằng Pháp là đem giáo Pháp của Đức Phật hoằng truyền đến mọi người trong xã hội. Do đó, tuỳ theo căn cơ – trình độ của mỗi người mà giảng dạy Phật Pháp, để người nghe hiểu được giáo Pháp ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày, nhằm mang lại lợi ích an lạc cho tự thân, gia đình và xã hội trong hiện tại, tương lai.

Khoá Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp lần này do Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, là điều kiện tốt để các thành viên Ban Hoằng pháp các tỉnh/thành miền Trung – Tây Nguyên nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ chư Tôn đức trong ngành Hoằng Pháp; đồng thời nắm rõ những quy chế hoạt động, quy tắc thuyết giảng để người thuyết giảng thực hiện. Ngoài ra trong dịp này cũng được chư Tôn đức TƯ triển khai về hành chánh Giáo hội và nội quy Ban Tăng sự TƯ, để mỗi thành viên nắm rõ khi làm công tác hoằng Pháp. Chúng tôi tin tưởng rằng sau khoá Tập huấn này, các thành viên BHP sẽ tiếp nhận được nhiều kiến thức bổ ích cho sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc quần sanh.

Thời gian tới Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Đà Nẵng tổ chức Khoá học Phật Pháp căn bản tại các quận/huyện cho Cư sĩ Phật tử trong toàn thành phố. Mục đích là để phổ cập giáo lý căn bản một cách có hệ thống và nền tảng, giúp cho các cư sĩ Phật tử có điều kiện hiểu đúng và biết cách ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày, ngõ hầu đạt được sự an lạc cho tự thân và góp phần đem lại lợi ích an vui cho gia đình và xã hội. Đến nay, khoá học đã có hơn 700 học viên Cư sĩ đăng ký tham gia và khai giảng vào ngày 24/12/2023. Đồng thời, BHP cũng dự kiến sẽ tổ chức Hội thi Giáo lý và khoá tu 01 ngày dành cho Cư sĩ Phật tử trong thành phố vào các dịp lễ lớn như: Phật đản, Vu lan, Thành đạo… nhằm khích lệ tinh thần cầu học Phật Pháp của người Phật tử.

TT. Thích Đạo Lực – Trưởng Ban TT-TT GHPGVN TP. Đà Nẵng

– Thưa Thượng tọa, với trách nhiệm là Trưởng Ban TT-TT GHPGVN TP. Đà Nẵng, xin Thượng tọa chia sẻ về công tác truyền thông Khóa Tập huấn này như thế nào và kì vọng gì qua Khóa Tập huấn này.

Khóa Tập huấn tại Đà Nẵng lần này do Ban Hoằng Pháp TƯ phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo TP. Đà Nẵng đồng tổ chức, nên công tác Truyền thông cũng đã được Trung ương chuẩn bị tỉ mỉ mà trực tiếp là kênh Phật sự Online. Ban Truyền thông Phật giáo Đà Nẵng từ hơn nửa tháng qua đã đưa tin về sự kiện này trên trang web Phật giáo Đà Nẵng, PSO và trên nền tảng xã hội facebook.

Khá lâu rồi Đà Nẵng mới lại tổ chức một sự kiện lớn nên công tác chuẩn bị đã được lên kịch bản rất kỹ. Ban TT-TT GHPGVN TP. ĐN đã có cuộc họp cuối vào tối hôm qua (15/12/2023) để rà soát lại công tác chuẩn bị, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Tại các địa điểm như: Chùa Pháp Lâm – Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN thành phố, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Khách sạn Mường Thanh (nơi chư Tôn đức lãnh đạo TƯ và đoàn Ban Hoằng Pháp của các tỉnh, thành lưu trú) chúng tôi cũng bố trí túc trực từ 14h00 chiều nay để cập nhật thông tin hình ảnh. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Khóa Tập huấn, chúng tôi đã bố trí CTV phụ trách từng buổi tập huấn, cập nhật nhanh nhất để thông tin kịp thời đến với độc giả.

Như chúng tôi đã nói ở trên, đây là sự kiện lớn mà nhiều năm rồi ĐN mới lại đăng cai tổ chức, nên các thành viên ai nấy đều phấn khởi, tinh thần sẵn sàng để phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Chúng con xin thành kính niệm ân chư Tôn đức!

 

Thực hiện: Ban TT-TT GHPGVN TP. Đà Nẵng 

Nguồn: phatgiaodanang.vn

Download Android Download iOS
BR-VT: Bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Nguyện trụ trì chùa Hội Phước (TP.Bà Rịa)

PSO - Sáng ngày 21-11, Tại phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa, tỉnh BR-VT đã long trọng tổ chức Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Hội Phước (chùa Cây Dương) đến Đại đức Thích Minh Nguyện và Lễ húy kỵ cố Hòa thượng Thích Tâm Thiệu.

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Bình Phước: Chùa Bảo Tạng (Q.12) trao 250 phần quà đến người nghèo và khuyết tật thị xã Bình Long

Chiều nay, ngày 22/11/2024, tại chùa Tân Minh (phường Phú Định, thị xã Bình Long, Bình Phước) HT.Thích Quảng Niệm, trụ trì chùa Bảo Tạng (Q.12, TP.HCM) cùng các Phật tử đã trao 250 phần quà trị giá 125 triệu đồng, đến các gia đình nghèo và người khuyết tật địa phương.

TP.HCM: 245 Phật tử tham dự Hội thi Giáo lý Phật tử 2024 tại quận Phú Nhuận

Sáng ngày 17/11/2024, tại Tổ đình Kim Sơn (phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận đã tổ chức Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện năm 2024 với sự tham gia của 245 thí sinh. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, có sự chứng minh và tham dự của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận cùng đông đảo Ph

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online