PSO - Trải dài trên mảnh đất cong cong hình chữ S, với chiều dài lịch sử hơn 2000 năm, đi đến đâu chúng ta cũng có thể gặp, chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ, lâu đời với lớp ngói rêu phong, nằm yên tĩnh trang nghiêm giữa những tán cây cổ thụ. Chùa không chỉ là nơi truyền bá tư tưởng triết lý Phật giáo, dành cho các vị hành giả, tu sĩ đệ tử Phật, nơi thờ cúng, mà còn là nơi tất cả chúng ta cho dù đó là người Phật tử, nhân dân, già trẻ, nam nữ,... hướng đến để mong tìm thấy sự an lạc, tự tại thân tâm ở kiếp người.
Chùa Một Cột- Biểu tượng văn hóa nghìn năm Hà Nội
Theo thống kê của các nhà quản lí về mặt văn hóa tôn giáo, hiện nay cả nước có khoảng gần 15.000 ngôi chùa to nhỏ, chiếm tỉ lệ khá lớn về số lượng di tích lịch sử của Việt Nam. Những ngôi chùa cổ nhất được xây dựng tại nước ta như chùa Dâu, tên chữ là Diên Ứng tự, tọa lạc trên đất làng Dâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay theo như các nguồn dẫn chứng lịch sử thì Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226 đầu Tây lịch, những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh”, có niên đại 1753 cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam”, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/1962; chùa Trấn Quốc hay chùa Khai Quốc ( mở nước) ở Hà Nội, xây vào thời tiền Lý Nam Đế tức Lý Bí (544-548), trước khi có thành Thăng Long. Và Phật tử đầu tiên của nước ta là Chử Đồng Tử (theo Lĩnh Nam Trích Quái).
Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội
Trong phạm vi khuôn viên của chùa, bên cạnh các công trình kiến trúc như cổng tam quan (cổng chùa), nhà thượng điện, nhà thiêu hương, tiền đường, nhà tổ, tả vu, hữu vu, gác chuông… còn có bảo tháp, vườn chùa, ruộng lúa, hồ, ao chùa, giếng chùa. Trong chùa trồng nhiều cây cổ thụ, cây lưu niên, cây đại, hoa Ngọc lan, hoa mộc,.... Không chỉ có giá trị về kiến trúc, mà chùa còn là nơi lưu giữ những sáng tạo đặc sắc về mỹ thuật của cha ông ta qua các thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước. Ở đó, qua những hình chạm trổ, điêu khắc, gốm sứ người xưa đã gửi gắm khát vọng cuộc sống, tự do hạnh phúc,... bất chấp mọi áp bức của cường quyền, của quân xâm lược phương Bắc.
Chùa Tháp Phổ Minh- Nam Định
Đạo Phật được truyền bá vào nước ta ngay từ trong những buổi đầu dựng nước và là chỗ dựa về đời sống tinh thần, tình cảm, văn hóa của dân tộc Việt cổ khi bị giặc phương Bắc xâm lược, tình hình chính trị trong nước lúc đó lủng củng tranh giành giữa các phe phái phong kiến. Do đó, những ngôi chùa trở nên rất quen thuộc, gần gũi với người Việt. Trong ca dao, tục ngữ, vè phú, hình ảnh ngôi chùa, chốn già lam xuất hiện khá nhiều, như một biểu tượng không thể thiếu, không thể tách rời khỏi đời sống chung của cộng đồng người Việt. Ví dụ như câu :" Đất Vua, chùa Làng, phong cảnh Bụt".....Những câu ca dao phong phú ấy đã thể hiện rất rõ tầm ảnh ảnh hưởng của đạo Phật, của các ngôi chùa đối với đời sống sinh hoạt của người dân Việt. Hình ảnh ngôi chùa cổ là hình ảnh gần gũi thân thương nhất của bao trọn cả tâm hồn, toàn cảnh đời thường của nhân dân.

Chùa Dâu- Thuận Thành Bắc Ninh
Tư tưởng Giáo lý của Đức Phật răn dạy chúng sinh vạn loài hướng đến cái thiện, từ bỏ tập khí làm điều ác, sống phải biết quan tâm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cùng với nhau để cuộc đời bớt đi khổ đau, thêm nhiều điều tốt đẹp, sự tự tại, an lạc trong cuộc sống. Đức Phật ngài không ban phát, hay trao tặng điều này điều kia mà chỉ khuyên răn con người ta biết cách sống là một người tử tế. Phật có sinh, có tử. Vì thế Phật không phải là thánh thần, đơn giản ngài chỉ là một bậc đại giác ngộ, với tư tưởng và giáo lý của Ngài là từ bi, hỉ xả, phổ độ chúng sinh....
Thường thì mọi người có thể tới chùa lễ Phật, tham quan bất kể thời gian nào khi có nhã ý, nhưng thường thì những ngày tết đầu năm xuân mới hay những ngày đại lễ của Phật giáo hay đơn giản là ngày Tuần rằm mùng một là ta lại lên chùa thắp hương lễ Phật. Để xua vơi đi bao buồn vui của cuộc đời trầm luân, vất vả, bôn ba lăn lộn. Tạm gác lại trước cổng chùa mọi ưu phiền, để tĩnh tâm bước vào cửa Phật. Trong mùi hương trầm thơm ngát, trên tòa đức Phật nhìn ta với ánh mắt rộng lượng, bao dung. Và với tấm lòng thành kính, thành tâm, thì tất cả ai khi cung đối trước Ngài cũng đều chắp tay, cúi đầu thầm niệm “ Nam Mô A Di Đà Phật ”.

Hải Thịnh