03/10/2024 08:26

Giá trị bình đẳng qua sự giác ngộ của Đức Phật và những ưu điểm so với các tư tưởng đương thời

Nghe đọc bài:

PSO - Đức Phật thành đạo là một sự kiện quan trọng nhất của tín đồ Phật giáo, bởi từ thành đạo mà giáo pháp được truyền bá cho đến ngày nay. Từ sự giác ngộ vĩ đại của Phật, con người ngày nay đã thừa hưởng được một di sản tiến bộ vĩ đại từ Ngài – đó là giá trị “bình đẳng”, bình đẳng trên cả phương diện xã hội lẫn giải thoát tâm linh. Tư tưởng “bình đẳng” này ra đời trong lòng xã hội Ấn Độ được phân tầng thành bốn giai cấp, bốn tầng lớp với những thiết chế chính trị – xã hội bất công. Với ánh sáng của trí tuệ giác ngộ, Đức Phật đã xóa ranh giới giai cấp, thiết lập nhận thức bình đẳng cho những ai đến với giáo pháp của Ngài, từ giới tu sĩ đến hàng cư sĩ và quần chúng nhân dân…

NHẬN THỨC VỀ BÌNH ĐẲNG TRONG PHẬT GIÁO

“Bình đẳng” có nghĩa là ngang bằng hoặc bằng nhau. Điều đáng nói là, thuật ngữ này đã trở thành một học thuyết quan trọng, đó là học thuyết bình đẳng giữa con người với nội hàm bao quát các hình thái xã hội.

Một khi đề cập đến vấn đề bình đẳng, điều đó có nghĩa là đã có sự hiện hữu của bất công xã hội, đã có sự phân tầng giai cấp. Và cũng chính vì mang tính xã hội – giai cấp, tính bình đẳng trong nhận thức của con người vẫn chưa thoát ra được ý thức xã hội hiện tượng, nghĩa là với một hình thái xã hội nào thì sẽ có ý niệm về bình đẳng tương ứng, điều đó đã làm cho học thuyết bình đẳng đi đôi với đấu tranh giữa các giai cấp về bất đồng lợi ích.

Trong Phật giáo, tính bình đẳng được lột tả rõ nét ngay từ buổi sơ kì, khái niệm “bình đẳng” dưới tuệ nhãn của Đức Phật đã mang đến một hàm nghĩa mới, tiến bộ và nhân văn. Phật giáo không đề cao giai cấp, ngược lại chính Phật giáo xiển dương các yếu tố liên quan đến con người mà yếu tố bình đẳng đã được nhấn mạnh hơn hết với tinh thần không có sự sai khác giữa những con người có dòng máu cùng đỏ và nước mắt mặn.

Không như những tư tưởng, học thuyết hay những tôn giáo khác, trước nhất, nhìn nhận con người với một ý niệm về sáng tạo chủ hay với một ý niệm thần quyền tối thượng chi phối số phận con người, để rồi nhìn nhận số phận con người như một định phận bất dịch, bất biến và xem con người là sản phẩm của sáng tạo chủ; từ đó, con người được bình đẳng dựa trên ý chỉ chủ quan của đấng tạo hóa, của sự phân tầng trong xã hội với những định danh định phận khác nhau. Phật giáo thì ngược lại, Đức Phật không nhìn nhận con người là một sản phẩm của thần linh, là công cụ của giá trị thần quyền.

Ở nhiều phương diện, tinh thần bình đẳng luôn là mục tiêu hướng tới của nhân loại, và cũng vì tinh thần đó, các khía cạnh xung đột, đấu tranh xã hội xảy ra như một hệ quả tất yếu cho những nguyên nhân bất bình đẳng…. Ngay từ thời cổ đại, các cuộc đấu tranh giữa các giai tầng xã hội đã diễn ra và tiếp nối đến một chiều dài lịch sử và tương ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau. Bất cứ ở đâu, sự đấu tranh cũng xuất hiện ở nơi bất bình đẳng. Nói vậy để thấy rằng, bình đẳng là thước đo cho sự tiến bộ của một xã hội…

Nhưng học thuyết bình đẳng trong Phật giáo không phải được xác lập qua đấu tranh; ngược lại, nó được biểu hiện bằng con đường luận lí, cốt yếu làm cho con người hiểu rõ về bản chất thực tại của mình, về sự sai khác của nghiệp báo, về sự bất đồng về màu da, chủng tộc. Hiểu được luận lí đó, con người sẽ có thể cảm thông và từ ái với nhau, đó mới là bình đẳng thực chất và cũng là luận lí chung nhất của Phật giáo.

TƯ TƯỞNG BÌNH ĐẲNG TRONG PHẬT GIÁO SO VỚI NHỮNG TƯ TƯỞNG, TÔN GIÁO KHÁC

Tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo là một phạm trù mang tính giáo lí nên có sự khác biệt so với các tư tưởng khác cùng thời, đây là một hệ quả tất yếu. Trong sự tồn tại và cùng phát triển đó, tư tưởng Phật giáo khác biệt với các tư tưởng Bà-la-môn giáo, Khổng giáo hay một số triết gia Hy Lạp cổ đại như Socrates.

Thứ nhất, nói về tư tưởng Bà-la-môn, tư tưởng này chủ trương bốn giai cấp có giá trị bất di bất dịch trong xã hội Ấn Độ, trong đó, Bà-la-môn là giai cấp cao quý nhất và thuần tịnh nhất. Giai cấp này đòi hỏi sự phục tùng của các giai cấp dưới, đặc biệt về mặt tư tưởng. Trong bốn giai cấp đó, giai cấp Thủ-đà-la mất hết quyền tự chủ tinh thần. Như vậy, có thể thấy, tư tưởng Bà-la-môn phân chia con người thành các tầng lớp thượng đẳng – hạ đẳng. Đức Phật và tư tưởng của Ngài không nhượng bộ cho khuynh hướng đó, Ngài đã từng lên tiếng, “Này Bà-tư-tra, nếu ai chủ trương thọ sanh, chủ trương chủng tộc, chủ trương kiêu mạn, người ấy cách biệt quá xa đối với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của Ta”[1].

Nhưng sự tiến bộ trong tư tưởng Phật giáo không dừng lại ở sự công nhận những giá trị xã hội của một con người, mà Đức Phật còn đưa ra luận điểm mọi con người đều có quyền sống hạnh phúc, mọi con người đều có cơ hội giải thoát khổ đau nếu như chịu thực hành phạm hạnh. Đây là một cuộc cách mạng tâm linh, bởi trước đó, tư tưởng Bà-la-môn chủ trương giai cấp thường hằng, nghĩa là giai cấp thuần tịnh thì mãi thuần tịnh, giai cấp tiện dân thì mãi tiện dân, vì thế họ đóng lại cánh cửa chứng ngộ tâm linh với giai cấp hạ đẳng.

Đức Phật bằng tuệ giác, Ngài đã tuyên bố, “Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp”[2]. Có thể nói, Đức Phật đã tạo ra cuộc đại cách mạng tâm linh trong dòng chảy tín ngưỡng của xã hội Ấn Độ, sự tiến bộ này đại diện cho ước mơ của toàn nhân loại chứ không riêng gì giai cấp bần dân Ấn Độ, bằng chứng là khi Phật giáo truyền ra khỏi biên thổ nước nhà đã được nhân dân các nước đón nhận, đặc biệt là giai cấp bình dân, họ đón nhận Phật giáo như chỗ dựa tinh thần, như một trú địa từ bi để nương náu.

Nói đến những tư tưởng ngoài Ấn Độ, mặc dù Đức Phật không đề cập trực tiếp, nhưng nếu đối chiếu với Phật giáo vẫn có thể thấy nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là với Khổng giáo chủ trương thuyết chính danh để xác lập mối tương quan xã hội. Khi Tử Lộ hỏi Khổng Tử sẽ làm gì khi được vua nước Vệ mời về giúp cai trị, Khổng Tử đã nói, “Ắt ta sẽ làm cho ra chính danh chính phận”[3]. Và ông giải thích rằng, “Người quân tử hễ điều gì chẳng biết thì bỏ qua mà chẳng nói. Này, nếu danh mà chẳng chính, chẳng hạp nghĩa, thì lời nói chẳng thuận; lời nói chẳng thuận thì công việc chẳng thành,…”[4].

Nhận xét về thuyết này, theo Nguyễn Hiến Lê, “Thuyết chính danh của ông (Khổng Tử) đẻ ra thuyết giết một bạo chúa là giết một tên thất phu của Mạnh, bắt bọn cầm quyền phải có đức, phải thương dân; ông điều chỉnh lại quyền lợi, nghĩa vụ của vua tôi…”[5].

Nhưng hạn chế của thuyết chính danh chính là tinh thần bình đẳng xã hội từ học thuyết này phần nào làm con người trong xã hội có ý tưởng an phận, quá chú trọng tính trật tự xã hội nên người nào chỉ cần làm trọn bổn phận của người đó, vì thuyết chính danh không thể tách rời học thuyết “thiên mệnh” và các cơ chế bắt buộc như Tam cương – là mối quan hệ giữa vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, ba mối quan hệ này nhiều khi trở thành gánh nặng luân lí vô hình, khi sự phục tùng của người dưới như “Tôi – Con – Vợ” đối với người trên “Vua – Cha – Chồng” trở nên khắc nghiệt và giáo điều; chính vì vậy đã ít nhiều hạn chế sự tiến bộ trong học thuyết của Khổng Tử. Phê phán học thuyết Khổng Tử có tư tưởng Hàn Phi Tử, vốn chủ trương pháp trị, ông cho rằng, “… vị vua chúa có đạo thì tránh xa nhân nghĩa, gạt bỏ khôn ngoan, tài giỏi, mà dùng pháp luật làm cho người ta phục theo”[6].

Như vậy, đủ thấy không chỉ riêng xã hội Ấn Độ mới có nhiều tư tưởng chống trái nhau mà ở xã hội Trung Hoa cũng vậy. Với việc Phật giáo góp mình vào hệ thống tư tưởng đa dạng này, Đức Phật đã nêu lên quan điểm riêng biệt về các ý thức hệ cá nhân cũng như xã hội. Ngài đã bác bỏ quan niệm định khung giai cấp cũng như các học thuyết chính trị đương thời còn có nhiều ưu, khuyết điểm xen tạp.

Ở Phương Tây, triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates cũng đã đưa ra học thuyết “đạo đức”, triết học của ông hướng đến sự công chính và đề cao phẩm hạnh. Song, triết học của ông bị giới chức cầm quyền thành bang bức hại, thậm chí, ông đã phải chịu án tử hình bằng li rượu độc, và thậm chí khi được bạn bè ngõ lời cứu giúp vượt ngục, ông đã từ chối để vẹn toàn danh dự của mình.

Có thể thấy, nhiều tư tưởng triết học đã được sản sinh ra nhưng điểm hạn chế là điều khó tránh khỏi, và ít nhiều chịu sự chi phối của quyền lực chính trị. Phật pháp đã không hướng đến đời sống chính trị ngay từ lúc đầu. Mặc dù, Phật sinh thời vẫn có sự tiếp đón vua chúa, quý tộc nhưng Ngài chỉ dạy đạo cho họ, nghĩa là hướng giới chính trị vào đạo chứ không phục vụ chính trị như Khổng Tử, Hàn Phi,…. Vì lẽ đó tư tưởng bình đằng của Phật giáo đón nhận nhiều thiện cảm từ xã hội. Đó là điểm khác biệt nổi bật.

GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG BÌNH ĐẲNG MÀ ĐỨC PHẬT VÀ GIÁO PHÁP CỦA NGÀI MANG LẠI

Con người là một sinh vật có ngôn ngữ và có khả năng truyền tải ngôn ngữ bằng hình thái giao tiếp. Chính vì vậy, con người nhận diện được nhiều sự sai khác trong nhân loại với nhiều chủng tộc, ngôn ngữ và hình thái chính trị – kinh tế – xã hội riêng.

Phật giáo ghi nhận chúng sanh có thể khác nhau về chủng loài do sai khác về nghiệp báo. Song không thể vì vậy mà chúng sanh bị phân tầng cao thượng hay hạ liệt. Ngay ở trong đời sống con người, thế giới nhân loại là sự hiện diện của nhiều chủng tộc người, nhưng ở đó điểm chung nhất của các chủng tộc đó là sự chung nhất về cấu trúc, về các thân phần; vì thế không có sự khác biệt về cấu trúc sinh học giữa người da đen hay da trắng,… Từ đó trong Phật giáo không chủ trương sự cao thượng hay hạ liệt của một chúng sanh bằng nguồn gốc xuất thân; và từ đó bác bỏ các luận thuyết xuất xứ nhân thân hẹp hòi và vị kỉ của học thuyết mà giai cấp Bà-la-môn chủ trương – một trong những tư tưởng nội sinh của xã hội Ấn Độ.

Như vậy, khởi nguyên con người không có sai khác về giai cấp hay xuất thân, nhưng vì tham ái, con người dần hình thành nên các nhóm lợi ích và lập thành những tổ chức có những quyền lợi riêng, hình thái tư hữu xuất hiện rồi đến hình thái chiếm hữu; từ đó, con người đã tạo ra sự khác biệt. Điều này được đề cập rất rõ trong giáo lí “Nghiệp” của Phật giáo, “Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu” [7]. Như vậy, theo Phật giáo thì “Nghiệp” chi phối tạo ra hoàn cảnh mỗi chúng sanh chứ không phải giai tầng xã hội quy định.

Đặc biệt, bình đẳng trong Phật giáo không có nghĩa là bình đẳng một cách cào bằng, mà mang giá trị nhân văn hiện thực: bình đẳng về cơ hội cho mọi người. Phật giáo hướng đến bình đẳng dựa trên bình đằng về giá trị của nghiệp đã tạo, nghĩa là “nghiệp nhân gì thì nghiệp quả sẽ tương ưng như thế ấy”. Kinh văn đã chỉ rõ sự bình đẳng về nghiệp như sau, “sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục” [8]. Đó là hệ quả cho những chúng sanh tạo ác nghiệp. Nhưng nếu chúng sanh từ bỏ sát sanh, nuôi dưỡng lòng từ, vun trồng thiện nghiệp thì sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi lành.
Đức Phật chưa bao giờ tán thành việc định danh bất biến về thân phận của một ai bất kì, hơn ai hết Ngài thấy rằng chúng sanh có sai khác chẳng qua là vì các yếu tố của nghiệp, của đặc thù xã hội – chính trị mà con người hình thành và trải qua. Ngài không bao giờ chủ trương bất bình đẳng chủng tộc. Và Ngài cũng chỉ rõ con đường mà con người tái sanh vào thế gian này, tất cả chỉ bằng một con đường không khác biệt, chẳng có một chủng tộc nào có một cuộc tái sanh khác biệt với phần nhân loại còn lại, và đặc tính thiện – ác của mỗi người không phụ thuộc vào chủng tộc hay xuất thân của họ. Trong kinh Trung A Hàm, Phật đã bác bỏ con đường sinh hữu thuần tịnh của chủng tộc Bà-la-môn, điều mà họ vẫn thường tự đắc bằng tuyên bố,“Này Bà-tư-tra, như vậy, các Phạm chí cũng y theo pháp thế gian sanh ra từ sản đạo, thế nhưng họ lại nói láo, vu báng Phạm thiên mà nói như thế này, Phạm chí chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên”[9].

Như vậy, có thể thấy, giai cấp Bà-la-môn thời đó đã dùng đức tin thánh thần để sáng tạo nên bốn giai cấp mà tính bất bình đẳng đã trở nên độc đoán và phản nhân văn. Vì lẽ đó dưới ngôn thuyết của Phật và Tăng đoàn của Ngài, Phật giáo đã góp tiếng nói công bình cho xã hội đầy tính nhân bản và nhân quyền.

Tóm lại, bình đẳng không chỉ là một học thuyết triết học xã hội đơn thuần về mặt luận lí; mà nó còn là sự khao khát của những con người tiến bộ trong xã hội. Từ xưa con người đấu tranh hay hòa hợp với nhau đều phụ thuộc yếu tố bình đẳng. Nếu xã hội thượng tôn bình đẳng theo giá trị thì xã hội sẽ ổn định, nếu tính bình đẳng không được tôn trọng thì xã hội sẽ bất ổn. Vì vậy, trong suốt thời gian dài trụ thế giáo hóa, kinh điển ghi lại lời Phật dạy đã lưu giữ rất nhiều bài kinh nói về bình đẳng quyền lợi giai cấp, nhân phẩm và bình đẳng trong cả việc tu hành.

Từ đó, có thể nhận định, học thuyết bình đẳng đóng vai trò quyết định chủ đạo trong việc hình thành và ổn định một hình thái xã hội hay một hình thái tôn giáo. Đó cũng là một học thuyết tiến bộ được triển khai rõ nét qua hệ thống giáo pháp của Đức Phật – được Ngài tuyên thuyết sau khi đã giác ngộ viên mãn.

Thích Phước Tánh

Chú thích:

[1] “Kinh Bà la bà đường,” Trung A Hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb. Phương Đông, 2013, tr.1609.
[2] “Kinh Phạm chí A Nhiếp Hòa,” Trung A Hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb. Phương Đông, 2013, tr.1547-1548.
[3] Tứ Thư, Đoàn Trung Còn dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2013, tr.197.
[4] Sách đã dẫn, tr.197-199
[5] Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, tái bản lần thứ 6, Nxb. Văn học, 2006, tr.722.
[6] Hàn Phi, Hàn Phi Tử, Phan Ngọc dịch, Nxb. Văn học, 2011, tr.547.
[7] Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, “Kinh Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt,” Trung Bộ Kinh, HT. Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr.539-540.
[8] Sách đã dẫn, tr.540
[9] “Kinh Bà – la – bà – đường,” Trung A Hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb. Phương Đông, tr.1611.

Tài liệu tham khảo:

– Trung A Hàm, HT. Tuệ Sỹ dịch và chú, Nxb. Phương Đông, 2013.
– Tứ Thư, Đoàn Trung Còn dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2013.
– Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, tái bản lần thứ 6, Nxb. Văn học, 2006.
– Hàn Phi, Hàn Phi Tử, Phan Ngọc dịch, Nxb.Văn học, 2011.
– Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Trung Bộ Kinh, HT. Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, 2018.
– Plato, Ngày Cuối Trong Đời Socrates, Đỗ Khánh Hoan dịch, Nxb.Thế giới, 2013.

Download Android Download iOS
Yên Bái: Phân ban Phật tử dân tộc TƯ khởi công xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết

Sáng ngày 12/10/2024 (10/9 Giáp Thìn), Phân ban Phật tử dân tộc Trung ương (PTDT TƯ) phối kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái khởi công xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình người đồng bào tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái,

Long An: Chùa Giác Nguyên tưởng niệm 11 năm Trưởng lão Hòa Thượng Thích Thiện Chơn, Thành viên HĐCM GHPGVN

Sáng ngày 13/10/2024 (nhằm mùng 11/5 năm Giáp Thìn), tại chùa Giác Nguyên (thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An) môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ Tưởng niệm lần thứ 11 của cố Hòa thượng Thích Thiện Chơn – Thành viên HĐCM GHPGVN.

Đồng Tháp: Lễ khởi công xây dựng tịnh xá Ngọc Phước huyện Tân Hồng

Sáng ngày 11/10/2024, (nhằm ngày 9 tháng 9 năm Giáp Thìn) tại Ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, Ni trưởng Tín Liên, UV HĐTS, trụ trì tịnh xá Ngọc Phước, đã long trọng tổ chức Lễ Đặt đá khởi công xây dựng tịnh xá.

Hà Nội: Chùa Quán Thế Âm tổ chức khoá tu mùa Thu “Tìm chút bình yên”

PSO - Tại chùa Quán Thế Âm (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra hai ngày khoá tu mùa Thu từ ngày 5 - 6/10/2024 với chủ đề “Tìm chút bình yên“ cho 200 bạn sinh viên đến từ các trường Đại học khác nhau do sư Thầy Thích Diệu Quang - Trụ trì chùa Quan Thế Âm tổ chức.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online