PSO - Sáng ngày 26/03/2024 DL, tại Văn phòng, Ths Bác sĩ Đặng Duy Hiển – Khoa Hồi sức Tích Cực và chị Vũ Ngọc Anh Thư – đại diện Phòng Công tác Xã hội cùng nhiều Y Bác sĩ, cán bộ nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã đón tiếp TT. TS Thích Thanh Huân, Uỷ viên Thư ký HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Chánh VP TW GHPGVN, Phó Ban Phật giáo Quốc Tế; Trụ trì chùa Pháp Vân, số 1299, đường Giải Phóng, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội; Đại đức Tiến sĩ Thích Quảng Bình, Ủy Viên Ban Trị Sự Tỉnh Hà Nam, Phó Thư kí huyện Bình Lục Hà Nam; trụ trì chùa Khánh Long, thôn Mỹ Đô, xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cùng các Tình Nguyện Viên (TNV) Thiện nguyện Thabarwa VN (đại diện là chị Nguyễn Thị Thanh Loan) kết hợp trao 20 triệu đồng chia sẻ đến Bệnh Nhân đặc biệt khó khăn của Khoa. Được biết, hiện tại Khoa đang chăm sóc khoảng 100 người bệnh nặng.
Đại diện các gia đình Bệnh Nhân chia sẻ cảm động, tri ân sâu sắc quý chức sắc chư Tăng và Phật tử đã quan tâm. Ông của bé Trương Khánh Ly 12 tuổi bày tỏ lòng biết ơn, kính quý đạo Phật luôn là nguồn động viên tinh thần để gia đình ông nói riêng cũng như gia đình các bệnh nhân nói chung vơi bớt những lo lắng trong tâm, cân đối lại tinh thần, giảm bớt áp lực do gánh nặng bệnh tật mang lại.
Theo quan điểm Phật giáo, chăm sóc người bệnh dù là người thân hay người lạ chính là hạnh Bồ-tát ban vui cứu khổ. Việc sẻ chia tịnh tài đến người bệnh khi họ cần, được coi là bố thí tối thượng.
Đức Phật dạy: “Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh… Người hành bố thí này mới đúng là thí, thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn” (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.142).
TT Thích Thanh Huân thay mặt đoàn tặng quà đã có lời chia sẻ, động viên, khích lệ các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân bằng việc hiểu biết về Nhân Qủa trong các kiếp sống, Nghiệp Lực và vòng luân hồi, cũng như giải thích rõ các pháp Duyên khởi hữu vi không thực thể, để người nhà và bệnh nhân không quá sợ hãi bệnh tật. Đồng thời, TT chỉ dạy phương pháp Thiền Sổ tức mà mọi căn cơ có thể đều sử dụng, chỉ đơn thuần chánh niệm trên sự nhận biết hơi thở vào ra để tâm không vọng động khi phan duyên 6 căn với 6 trần tạo ra 6 thức điên đảo; nhấn mạnh thiền định và thiền tuệ.
Thượng tọa chia sẻ kĩ về các phương pháp đếm hơi thở cho đại chúng trong bệnh viện: hoặc là đếm theo cách thứ nhất là thở ra đếm một, thở vào đếm hai, thở ra đếm ba, thở vào đếm bốn, cho đến mười, rồi bắt đầu đếm lại, khoảng nửa giờ, hoặc tùy ý. Hoặc cách thứ hai, thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cho đến mười lại lặp lại đến khi tự chìm vào giấc ngủ. Cách thứ ba, đếm theo hai cách trên, tuần tự từ một đến mười. Cách thứ tư, dùng hai cách đếm trên, đếm ngược từ mười đến một. Mục đích của các phương pháp đếm hơi thở này là để trị tâm tán loạn.
Thượng tọa Thanh Huân cũng chỉ dạy tinh thần tu tập thiền theo Kinh Đại Niệm Xứ (pi. Mahāsatipaṭṭhāna-sutta), tán thán phương pháp Thiền Tứ niệm xứ “là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn”. TT giới thiệu, liệt kê, giải thích, nhắc lại các phương pháp quán niệm của Phật giáo: Quán Thân bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở, tỉnh giác trong đi, đứng, nằm, ngồi; trong mọi hoạt động của thân thể; quán sát 32 phần thân thể, các yếu tố tạo cấu tạo thân, quán tử thi. Quán Thọ nhận biết rõ những cảm giác trong tâm: lạc thọ, khổ thọ, trung tính; nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, thấy rõ vô thường của hữu vi tướng. Quán Tâm, chú ý các ý nghĩ, nhận thức đó là tâm tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si (Tâm sở); thấy rõ tâm đang thâu nhiếp hay tán loạn, tâm quảng đại hay không quảng đại, tâm hữu hạn hay không hữu hạn, tâm vô thượng hay không vô thượng, tâm định hay không định, tâm giải thoát hay không giải thoát. Quán Pháp để thấy rõ Vô ngã, Năm Triền Cái như thế nào; thấy rõ con người chỉ là Ngũ uẩn, hiểu rõ Tứ diệu đế. Trong Đại thừa, các phép Niệm xứ là quán thân, thọ, tâm, pháp; đều ở dạng của tính Không.
Ngoài ra, đối với các bệnh nhân có duyên sâu hơn với tinh thần Đại thừa, TT cũng dạy cách niệm Phật: trì danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, thật tướng niệm Phật. Trì danh niệm Phật được TT khuyến khích bệnh nhân nên thực hành, vì dễ hành trì. Và chỉ rõ, đức Phật dạy: “Có một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật” (Kinh Tăng chi bộ, phẩm Một pháp, phần Niệm Phật). TT cũng nhấn mạnh, cả hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy đều tu tập pháp môn Niệm Phật; cách thức niệm khác nhau nhưng mục đích, tác dụng, lợi ích thì khá tương đồng.
Thượng tọa giới thiệu bệnh nhân có thể trì danh niệm một vị Phật, Bồ-tát như, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ-tát Quán Thế Âm v.v… Và có thể Niệm thành tiếng, niệm thầm, niệm đủ nghe, niệm soi chiếu tự tâm, niệm quán tưởng hình dung Đức Phật, niệm khi lạy Phật v.v… ; trong đó nhấn mạnh việc chú tâm vào đề mục, tỉnh giác, nhất tâm; tự lực và tha lực tương ứng. Phật giáo có khả năng chuyển hóa và chữa lành bệnh tật, nhấn là chỉ ra sức mạnh của tâm; có thể tu tập ngay trên giường bệnh, cả lúc ốm đau.
Buổi thăm hỏi và chia sẻ lưu đọng nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với Y Bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân; thể hiện Phật Pháp không yếm thế mà hết sức tích cực, trí tuệ, hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm bớt áp lực; chung tay vì cộng đồng xã hội, một cách tự nguyện của những người con Phật ở khắp mọi nơi.
TN Viên Giác