PSO - Chiều nay tại Bảo Tàng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã diễn ra buổi chia sẻ của GS.TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ những câu chuyện sinh động, ý nghĩa về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ với các nội dung “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, tôn trọng tự do tín ngưỡng, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”.
Mở đầu Giáo sư đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể thầy trò Tăng Ni Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nói riêng cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khi đã Tổ chức đại lễ VESAK Liên Hợp Quốc 2019 tại chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam thành tựu viên mãn gây được những ấn tượng tốt đẹp đối với Đảng, Nhà nước ta và Quan khách, bạn bè của 112 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, nhân dân tín đồ Phật tử trong và ngoài nước. Tiếp đến là lời chia sẻ về một số những đoạn trích trong các bức thư của Hồ Chủ Tịch gửi tới chư Tôn đức Tăng Ni cũng như Hội Phật tử nhân dịp các ngày đại lễ của Phật giáo như: " Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang. Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tǎng Ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật. Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma"..... Đạo Phật rất gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân trong thời kì kháng chiến cũng như trong thời kì đất nước hoà bình với tư tưởng giáo lý sâu sắc: " Từ Bi Hỉ Xả, Vô Ngã Vị Tha,..." và Hồ Chủ tịch cũng đã dùng cái tư tưởng giáo lý này trong cả cuộc đời mình nhằm mục đích phục vụ đồng bào, phục vụ tổ quốc, giúp đỡ cho nhân loại thoát khỏi sự cai trị của Đế Quốc, Thực Dân để biến các nước thuộc địa thành nô lệ, bị áp bức bóc lột, giành độc lập tự do, hạnh phúc.
" Từ Bi Hỉ Xả" được thể hiện rất rõ trong cuộc kháng chiến tại Điện Biên Phủ Chân Không với sự thất bại nặng nề của tướng Pháp De Castries cùng đội quân lính Thực Dân Pháp bị bắt sống tại trận địa Điện Biên Phủ nhưng đã được tha và giao trả cho Thực Dân Pháp qua đường ngoại giao mà không bị đánh đập, hay tra tấn gì cả mà quân ta còn nuôi dưỡng, chăm sóc rất đàng hoàng, tử tế. Sự " Vô Ngã Vị Tha" đã được Bác thực hành cả cuộc đời không nghĩ cho mình, mà chỉ nghĩ cho Tổ Quốc, cho Đồng Bào, nhân dân mình tới khi bác mất trong bản di chúc của Bác dài khoảng 1000 từ thì Bác cũng chỉ đề cập, nói vỏn vẹn 79 từ nói về việc tổ chức tang lễ sau khi mất làm sao cho không tốn kém, tốn thời gian, tiền của của nhân dân, đất nước.




Giáo sư cũng có chia sẻ về thời gian Hồ Chủ tịch hoạt động cách mạng ở nước Xiêm ( Thái Lan) tại chùa Từ Tế do cố Đại lão Hòa thượng Thích Bình Lương Trụ trì, Chùa Từ Tế (còn gọi là chùa Cụ Ba hay Wat Lokanukor) nằm trên một con đường sầm uất ở trung tâm Bangkok. Chùa được xây dựng từ những năm 1850-1860. Chùa là nơi Bác Hồ với biệt danh Thầu Chín trú ngụ, tu tập " Khoác Áo Cà Sa", tụng niệm hành trì tu tập, hoạt động cách mạng vào tháng 7-1928 tại đây.
Và trước khi kết thúc buổi chia sẻ Giáo sư cũng đã gửi lời chúc sức khỏe tới quý vị Tăng Ni sinh tại học viện và chúc quý vị luôn luôn sống cống hiến theo phương châm " Phụng Đạo, yêu nước", " Tốt Đời Đẹp Đạo", " Đạo Pháp, Dân Tộc, Chủ Nghĩa Xã Hội" góp phần giúp cho đất nước hòa bình ổn định, phát triển vững mạnh, là chỗ dựa tinh thần hướng đạo cho bà con nhân dân, tín đồ Phật tử sống hành thiện, tích đức.



Hải Thịnh