Hà Nội: Họp báo về Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019

PSO - Chiều ngày 18/4/2019 (nhằm ngày 14/3/Kỷ Hợi), tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) – chùa Quán Sứ (Hà Nội), GHPGVN, Ủy ban Tổ chức Quốc gia (UBTCQG) Đại lễ Vesak 2019 đã tổ chức buổi họp báo thông tin về Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019.

Quang cảnh buổi họp báo

Chủ tọa và tham dự buổi họp báo có HT. Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin truyền thông GHPGVN, Phó Chủ tịch đặc trách Thông tin Truyền thông UBTCQG Vesak 2019; TT. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTCQG Đại lễ Vesak 2019; HT. Thích Huệ Thông - Phó tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH, Phó Tổng Thư ký UBTCQG Đại lễ Vesak 2019; TT. Thích Nhật Từ - Ủy viên HĐTS, Phó Ban Phật giáo Quốc tế; Phó Tổng Thư ký UBTCQG Đại lễ Vesak 2019 ; ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban tổ chức, đông đảo phóng viên các đài truyền hình, báo đài trong và ngoài nước.

HT. Thích Gia Quang phát biểu khai mạc
TT. Thích Đức Thiện phát biểu thông tin về Đại lễ Phật đản Vesak

Sau lời phát biểu khai mạc của HT. Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin truyền thông GHPGVN, TT. Thích Đức Thiện đã chính thức thông tin các nội dung liên quan đến đại lễ Vesak và trả lời các câu hỏi của phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước xung quanh các vấn đề công tác tổ chức, hỗ trợ tác nghiệp, kinh phí tổ chức, công tác truyền thông, hậu cần, an ninh và vai trò của Nhà nước.

HT. Thích Huệ Thông phát biểu
TT. Thích Nhật Từ phát biểu
Ông Bùi Hữu Dược phát biểu
Chư Tôn đức trong Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019

TT. Thích Đức Thiện cho biết, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 do GHPGVN đăng cai chủ trì với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam. Nguồn kinh phí chính cho công tác chuẩn bị và tổ chức Đại lễ do GHPGVN vận động và thực hiện xã hội hóa. Đại lễ sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với chủ đề: "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững".

Đại lễ dự kiến đón tiếp 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 105 nước và vùng lãnh thổ và 1 tổ chức quốc tế là Liên Hợp Quốc. Các nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự có Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Các quan chức Bộ trưởng của các nước sẽ tham dự Đại lễ. Ngài Phó Tổng thống Ấn Độ H.E. Mr. M.Venkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ. Bên cạnh đó, sẽ có 20.000 đại biểu trong nước gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành; chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN; Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tiêu biểu 63 tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài; lãnh đạo các tôn giáo bạn…

Các chương trình Khai mạc, Bế mạc, chương trình nghệ thuật: Giao hưởng “Hào quang Giác ng”; Giao lưu nghệ thuật Quốc tế đêm khai mạc 12/5 và màn bắn pháo hoa sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Các chương trình, sự kiện xung quanh Đại lễ cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh Facebook, Youtube Phật Sự Online TV.

Trong khuôn khổ Đại lễ còn có Hội thảo khoa học Quốc tế và các hoạt động văn hóa tâm linh như: Lễ tắm Phật; lễ cầu quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, cổ vật Phật giáo…

Các phóng viên đặt câu hỏi với Ban tổ chức

TT. Thích Đức Thiện cũng cho biết các thông tin chính thức của Vesak 2019 thường xuyên cập nhật tại các trang web: www.undv2019vietnam.com, www.phatgiao.org, www.phatsuonline.com. Đồng thời trong thời gian diễn ra Đại lễ, Ban Tổ chức có thiết lập Trung tâm báo chí tại khu vực trước Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế Tam Chúc (tòa nhà thủy đình) để thuận tiện cho các cơ quan báo đài tác nghiệp.

Đây là lần thứ 3 Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak được tổ chức tại Việt Nam sau 2 lần đăng cai và tổ chức thành công vào năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, và năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam…

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo. Khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo.

Đồng thời, Đại lễ nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ. Phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Xem thêm một số hình ảnh buổi họp báo:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

_____________________

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

VỀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HỢP QUỐC

VESAK 2019

TẠI TAM CHÚC, HÀ NAM, VIỆT NAM

GHPGVN ĐĂNG CAI ĐẠI LỄ VESAK LHQ LẦN THỨ 3

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức có nghị quyết tổ chức Đại lễ Vesak hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Đức Phật Thành đạo và Đức Phật Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 Dương lịch) là đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, và hàng năm được tổ chức trọng thể tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại New York, cũng như các văn phòng Liên Hợp Quốc tại các khu vực. Chính phủ và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia và Hội đồng Tăng vương Thái Lan, Chính phủ và Tăng Già Phật giáo Srilanka cũng như cộng đồng Phật tử, các giáo hội, hệ phái Phật giáo của các nước trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm sự kiện trọng đại này hằng năm, ở cấp quốc gia và quốc tế.

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.

Sau 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễPhật đản Liên Hợp Quốc Vesak năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, và năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.Đây là lần thứ 3 Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak được tổ chức tại Việt Nam. Đại lễPhật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 – 14/05/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Namvới chủ đề: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững (Buddhist Approach to Global Leadership anh Shared Responsibilities for Sustainable Societies).

  1. SỐ LƯỢNG QUỐC GIA, ĐẠI BIỂU VÀ BÀI THAM LUẬN

Theo Đề án tổng thể Vesak LHQ 2019 và Hội thảo khoa học Quốc tế tổ chức tại Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê chuẩn vào ngày 08/4/2019, qua văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ số: 853/VPCP thì số lượng các phái đoàn đại biểu tham dự bao gồm như sau:

  1. Số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ: 105 nước và vùng lãnh thổ.
  2. Số lượng phái đoàn: Hơn 500 phái đoàn quốc tế và cá nhân.
  3. Số lượng đại biểu quốc tế: 1500 đại biểu bao gồm: Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo.
  4. Các nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Các quan chức Bộ trưởng của các nước sẽ tham dự Đại lễ. Ngài Phó Tổng thống Ấn Độ E. Mr. M.Venkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ.
  5. Các đại sứ và các tổ chức quốc tế: Khoảng 60 vị Đại sứ và đại diện các các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam.
  6. VIP trong nước: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương; Đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước;
  7. Lãnh đạo GHPGVN: Pháp chủ, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Lãnh đạo Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự; Lãnh đạo Viện TƯ GHPGVN; Lãnh đạo các Ban Trị sự GHPGVN 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; các Tăng Ni tiêu biểu.
  8. Số lượng đại biểu trong nước: 15.000 đến 20.000 người. Đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu. Lãnh đạo các tôn giáo bạn. Đồng bào Phật tử, nhân dân cả nước.
  9. Các tham luận: 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước.

Trong công tác chuẩn bị, tính đến hôm nay Ban Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được sự xác nhận tham dự Đại lễ tại Hà Nam của 1.405 đại biểu quốc tế đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ.

III. CHỦ ĐỀ ĐẠI LỄ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

  1. Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019:

Về nội dung của Đại lễ, chủ đề chính của Đại lễ: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” (Buddhist Approach to Global Leadership and Shared Responsibilities for Sustainable Societies) là nội dung chủ đạo xuyên suốt Vesak LHQ 2019. Các chủ đề diễn đàn của Vesak LHQ 2019 gồm:

(i). Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững

(ii). Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp

(iii). Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục

(iv). Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0

(v). Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.

  1. Các hoạt động văn hóa

Nội dung của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 còn có các nội dung văn hóa tâm linh diễn ra tại Khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan) gồm:

(i) Lễ tắm Phật truyền thống,

(ii) Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc, Trung, Nam;

(iii) Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới;

(iv) Các triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam thế và Tòa Hội thảo quốc tế.

(v) Đêm giao lưu nghệ thuật Phật giáo Quốc tế, dự kiến phát sóng trực tiếp trên VTV vào lúc 20:10 ngày 12-5-2019.

Đây sẽ là những nội dung được đông đảo đồng bào Phật tử và bà con nhân dân đặc biệt quan tâm trong Đại lễ Vesak năm nay tại Hà Nam.

  1. KHÁCH SẠN, DU LỊCH VÀ TÌNH NGUYỆN VIÊN
  2. Khách sạn: Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại Hà Nam vinh dự được đón tiếp sự hiện diện tham dự và phát biểu trong phiên khai mạc của các vị nguyên thủ các quốc gia: Các đại biểu chính thức tham dự Đại lễ được Ban Tổ chức sắp xếp ăn nghỉ tại các khách sạn ở Hà Nam, Hà Nội, và Ninh Bình. Công ty lữ hành Viettravel được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ chăm lo về lưu trú và vận chuyển các đại biểu trong suốt thời gian Đại lễ.
  3. Các Tour du lịch văn hóa và lịch sử: Ban Tổ chức tài trợ 3 tour miễn phí cho các đại biểu quốc tế gồm: (i) Tràng An - Bái Đính; (ii) Yên Tử, (iii) Fansipan Sa Pa. Ngoài ra, còn có Package Tour trả phí theo yêu cầu của đại biểu quốc tế (i) Hà Nội, (ii) Vịnh Hạ Long.
  4. Phụng sự viên: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam giúp đỡ giao cho Trung tâm tình nguyện quốc gia và Đoàn các trường Đại học bố trí lực lượng hàng nghìn sinh viên tình nguyện để phục vụ lễ tân đón tiễn Đại biểu.

Ngoài ra còn có hàng ngàn Phật tử trẻ đến từ các đạo tràng Phật tử toàn quốc phát tâm tham gia phục vụ Đại lễ.

  1. AN NINH, TRUYỀN THÔNG VÀ HẬU CẦN
  2. Về công tác hậu cần an ninh: Bộ Công an và các Cục chức năng, Công an các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình đã có các kế hoạch, phương án về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ…cho Đại lễ. Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã hỗ trợ, giúp đỡ in ấn, phát hành, quản lý các loại thẻ như: thẻ đại biểu, thẻ Ban Tổ chức, thẻ phóng viên, thẻ phục vụ, và các loại phù hiệu…Ban Tổ chức có thiết lập Trung tâm điều hành an ninh tại khu vực trước Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế Tam Chúc (Tòa nhà thủy đình).
  3. Về hậu cần ẩm thực: Hàng nghìn Phật tử và tình nguyện viên từ khắp các địa phương sẽ tham gia công tác ẩm thực. Ban Tổ chức đã phân khu riêng biệt rộng hơn 4000 m2 dành riêng cho đầu bếp và chế biến nấu các món chay. Một khu nhà ăn rộng 3200 m2 dành cho tiệc buffet cho các đại biểu chính thức trong suốt 03 ngày diễn ra Đại lễ. Các Phật tử và nhân dân tham dự Đại lễ sẽ được Ban Tổ chức phát cơm hộp tại khu vực Chùa Tam Chúc. Bộ Y tế giúp đỡ Ban Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm cho Đại lễ.
  4. Về thông tin, tuyên truyền: Ban Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có xây dựng trang web chính thức của Vesak 2019 thường xuyên cập nhật thông tin tại địa chỉ: www.undv2019vietnam.com/

Đồng thời trong thời gian diễn ra Đại lễ, Ban Tổ chức có thiết lập Trung tâm báo chí tại khu vực trước Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế Tam Chúc (Tòa nhà thủy đình). Các chương trình Khai mạc, Bế mạc, chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc: Giao hưởng “Hào quang Giác ngộ”; Giao lưu nghệ thuật Quốc tế đêm khai mạc 12/5 và màn bắn pháo hoa sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Các nội dung của Đại lễ sẽ được chuyển tải trên các báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội và các truyền thống Phật giáo các nước trên toàn thế giới. Khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức hợp pháp duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo.Khẳng định vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa.Thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, Đại lễ nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ. Phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Tin: Minh Triết

Download Android Download iOS
QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online