PSO - Trong 2 ngày 5–6/11/2024, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Châu Á (ABS) tại khách sạn Ashok, New Delhi, Ấn Độ. Với chủ đề "Vai trò của Phật Pháp trong việc củng cố Châu Á," sự kiện kéo dài hai ngày này đã thu hút sự quan tâm của hơn 1.000 đại biểu từ 30 quốc gia, là các nhà lãnh đạo Tăng đoàn, chuyên gia, học giả và hành giả từ nhiều truyền thống Phật giáo khắp Châu Á.
Hội nghị là diễn đàn quan trọng để thúc đẩy đối thoại, tăng cường sự thấu hiểu và cùng nhau giải quyết các thách thức mà cộng đồng Phật giáo đang đối mặt trong thế giới hiện đại. Trọng tâm của hội nghị là khám phá những điểm chung giữa các truyền thống, thực hành và tín ngưỡng trong khu vực Phật giáo Châu Á, nhằm xây dựng một câu chuyện thống nhất về Phật giáo cho hiện tại và tương lai.
Hội nghị ABS nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội dựa trên giá trị, đặc biệt chú trọng đến việc kết nối và nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Qua đó, sự kiện hướng đến một tương lai hài hòa, nơi các giá trị trường tồn của từ bi, hòa bình và trí tuệ tiếp tục lan tỏa, củng cố vai trò của Phật giáo không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Ấn Độ, bà Droupadi Murmu nhấn mạnh rằng Phật pháp có thể mang lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Bà đặc biệt đề cập đến vai trò của lòng từ bi (Karuna) trong việc giải quyết những mâu thuẫn xã hội hiện nay và tầm quan trọng của việc công nhận tiếng Pali như một ngôn ngữ cổ.
Đặc biệt, Tổng thống Ấn Độ đã cho ra mắt logo chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Châu Á (ABS), logo được tạo nên bởi sự phối hợp hoàn hảo các biểu tượng: thân Phật chính giữa với 3 vầng hào quang - tượng trưng thân khẩu ý; cây Bồ Đề - cội nguồn của trí tuệ cùng hình ảnh lá cờ Phật giáo ngũ sắc; 4 vòng tròn - Tứ diệu đế; hoa sen; 8 tay quay của bánh xe chuyển Pháp luân - Bát chánh đạo,...
Trong bài phát biểu đặc biệt, Hòa thượng Sitagu Sayadaw từ Myanmar, cũng ca ngợi tầm quan trọng của tiếng Pali trong việc bảo tồn lời dạy của Đức Phật.
Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch - Ngài Kiren Rijiju nhấn mạnh rằng Phật giáo Châu Á không chỉ là hệ giá trị tinh thần mà còn là nền tảng định hình xã hội trong hàng nghìn năm. Ông khẳng định, thông qua sự kiện này, các đại biểu quốc tế đang tiếp nối sứ mệnh của các đại sứ Phật pháp xưa.
Sự kiện đã khẳng định vai trò của Phật pháp trong việc thúc đẩy hòa bình bền vững, với sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia Phật giáo trong khu vực. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình toàn cầu và bảo tồn giá trị Phật pháp cho các thế hệ tương lai.
Ban Truyền thông IBC - Thái Hà