PSO – Trong bầu không khí của mùa An cư Kiết hạ trên toàn quốc nói chung và mùa an cư trên Tây nguyên nói riêng; mà đặc biệt mùa an cư kiết hạ tại Bắc Tây nguyên – nơi vùng biên giới sương mù giăng đầy núi rừng của mỗi bình mình lên, hoà quyện trong bầu không khí trong lành của đất trời, khiến chư hành giả an cư tại trường hạ chùa Huệ Chiếu (tọa lạc tổ 3 phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) càng thêm tinh tấn thúc liễm thân tâm, trau dồi Tam Vô lậu học (Giới- Định- Tuệ).
Trường hạ chùa Huệ Chiếu – TP.Kon Tum
Nhờ năng lực gia hộ của mười phương chư Phật, tất cả hành giả an cư nơi trường hạ Huệ Chiếu đều được nhiều thuận duyên tốt đẹp. Ngày tu tập an lạc được bắt đầu lúc 3:30 sáng, đây là thời gian của giấc ngủ đẹp, nhưng với chí nguyện xuất gia và mục đích tu tập cao thượng nên chư hành giả thực hành dậy sớm để hành trì các thời khóa đã ấn định.
Trường hạ chùa Huệ Chiếu – TP.Kon Tum
Tại Chánh điện trang nghiêm và thanh tịnh, hành giả an cư cùng nhau thực hành thời khóa Công Phu khuya, những câu kinh lăng nghiêm vang vọng phá tan màn vô minh tăm tối. Trong tiếng kệ kinh, chuông mõ vang vọng canh khuya, tiếng đại hồng chung ấm áp nhưng lại làm thức tỉnh mọi người để chuẩn bị cho ngày mới đầy năng lượng.
Mùa An cư là thời gian tốt để chư Tôn thiền đức tu tập, làm tăng thêm đạo lực; đây cũng là thời gian quý báu cho hàng Phật tử tại gia phát tâm cúng dường, gieo trồng ruộng phước để đạt thành sở nguyện.
Phật tử phát nguyện cúng dường
Vì những thắng duyên đó nên các đạo tràng Phật tử tại các tự viện thường tổ chức dâng cúng tịnh tài, tịnh vật để chư Tôn đức Tăng Ni để thuận duyên dụng công tu tập.
Buổi trưa, trước giờ thọ trai, chư Tôn đức hành giả an cư luôn trang nghiêm tác lễ cúng dường chư Phật; Thọ trai xong là thời kinh hành, niệm Phật.
Mặc khác An cư Kiết hạ còn có ý nghĩa là tụ hợp Tăng chúng ở chỗ thanh tịnh để cùng nhau tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ, y theo luật Phật mà hành trì. Trong một năm 9 tháng truyền bá chánh pháp, 3 tháng còn lại hoàn toàn dành cho sự tu học. An cư kiết hạ là dịp thọ tuổi của chúng Tăng, người đời lấy năm sinh mà kể tuổi, còn đối với người xuất gia trong đạo Phật lấy số kiết hạ hàng năm làm tuổi. Một người chưa kiết hạ là xem như chưa sinh ra thì chưa có tuổi nào. Người kiết hạ 2 lần thì được hai tuổi… và ngày Rằm tháng bảy là ngày thọ tuổi của người xuất gia.
Quy chế an cư nhằm tạo ra cơ hội tốt để chư vị Tỳ kheo tập trung vào sự tu tập trau dồi giới định tuệ, làm tấn tu đạo nghiệp hướng tới sự giác ngộ giải thoát. Do đó, thiết lập pháp an cư không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân Tăng mà còn làm tăng trưởng niềm tin vào Tam bảo cho người Phật tử tại gia. Ban hành pháp an cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư Phật trong quá khứ. Mùa an cư đã trở nên quan trọng và ý nghĩa đối với tứ chúng đệ tử Phật. Như vậy dù kiết Hạ hay kiết Đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức.
Sự khắt khe này cũng chỉ vì Đức Phật muốn bảo hộ sức sống của Tăng già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của Đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho Tăng đoàn. Cũng như người nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì người nông phu sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng xuất gia nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hòa hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh.
Kết thúc khóa an cư là lễ Tự tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn “Thấy – Nghe – Nghi”. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa. Pháp chế an cư tu học, nếu được đại chúng thực hành chí thành, đúng mức, thì đó thật là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng già.
Trưởng dưỡng tâm bồ đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam tín nữ cũng nương nhờ uy đức rộng lớn như biển của Đại Tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dầy, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.
Trên đây là những duyên khởi căn bản của Trường hạ chùa Huệ Chiếu tại tỉnh Kon Tum.
Tin và ảnh: Đạo Nguyên, Vạn Tùng
The post Kon Tum: Duyên khởi An cư tại Trường hạ Huệ Chiếu appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.