Tháng 4 - Mùa hoa Sala về!
Tháng 4, khi mùa hoa Sala thơm ngào ngạt cũng là thời điểm tôi tìm về Huế, về chùa Tổ nơi có mái nhà tâm linh của tôi! Từ nơi đó, tôi đã được học và hành những lời của Đức Phật dạy. Tuy không phải là người có tôn giáo, nhưng đối với tôi Đức Phật là người thầy vĩ đại nhất. Tôi một lòng tôn kính Người - Bậc Giác Ngộ. Người đã dạy cho tôi, dù đau khổ là có thật thì con đường vượt thoát khổ cũng là có thật; dù bão giông trong cuộc đời là có thật thì tâm bình an vượt nghìn trùng bão giông cũng là có thật.
Khi đất nước không thể trở mình đổi mới cùng thời gian, phải “đứng yên”, phải “đóng cửa”, phải “cách ly” từng nhà, từng người vì dịch bệnh Covid- 19, thì việc trở về Huế của tôi cũng không thể. Tôi không thể quỳ dưới chân Bụt để dâng lên niềm biết ơn tha thiết với Người, nhưng tôi có thể trở về ngay trong chính nội tâm mà lặng lẽ ngắm nhìn những lo lắng, hoang mang của riêng mình, của gia đình, của mọi người giữa mùa hoa Sala.
Tôi là điều dưỡng trong một bệnh viện. Cách đây không lâu, bác sĩ trưởng phân tôi trực trong phòng “đặc biệt”. Đây là căn phòng dành cho những bệnh nhân “hết cơ hội cứu chữa”. Chuyển vào phòng này thì cao lắm là 15 ngày 1 tháng, các bệnh nhân sẽ ra đi. Người nhà, có khi chấp nhận được sự thật nên đưa họ về nhà chăm sóc; có khi vẫn để nằm đó với những hy vọng mong manh. Chăm sóc họ với một ý thức đặc biệt về dài ngắn của đời người khiến tôi thấm thía hơn ý nghĩa của chữ vô thường. Tôi bắt đầu học cách đối diện với cái chết!
Khi bắt đầu học cách đối diện với cái chết, cũng là lúc tôi nhận ra bản thân mình nhiều nhất. Tôi nhận ra những cảm xúc từ vui, buồn, đến bất an, lo lắng, hờn giận. Từ yêu thương đến ghen ghét, đố kỵ. Nhận ra nhiều mới thấy, bản thân mình còn nhiều tính xấu, sao có thể đòi hỏi thêm ở người khác và ở cuộc đời cơ chứ?! Thế là tôi học thêm cách bao dung và tha thứ!
Điều chúng ta sợ nhất không phải là chết mà là sống không thể trọn vẹn, không thể an nhiên, không thể hòa hợp, tương giao cùng mọi người, cùng trời đất! Nếu sống có rất nhiều thứ, có địa vị, có nhà cao (cửa rộng), có gia đình, có con cái thế nhưng mỗi ngày đều phải rơi nước mắt, đều phải đấu tranh giữa chốn thị phi của hồng trần, đêm về cũng không thể yên giấc thì đó cũng không phải là sống. Dù không có lệnh cách li từ chính phủ, cũng là chính mình tự cách ly bản thân với sự sống. Thế cho nên, cho dù như thế nào cũng hãy cảm nhận sự sống nơi chính mình trong từng giây, từng phút.
Sự sống lại gói gọn trong một hơi thở.
Chuyện kể rằng: “Khi ngồi dưới bóng của một cái cây lớn, Đức Phật bất ngờ hỏi một môn đồ ngồi gần nhất, là một Shramana (nhà sư, tu sĩ khổ hạnh) rằng, "Đời người dài bao lâu?".
Bất ngờ trước câu hỏi của Đức Phật, môn đồ này chẳng kịp suy nghĩ gì, đã trả lời rất nhanh như một phản xạ: "Thưa Đức Phật, đời người có lẽ dài được vài chục năm, nếu người nào sống thọ thì có lẽ được hơn như thế một chút".
Đức Phật nói, "Vậy là ngươi chưa hiểu gì rồi". Sau đó, Đức Phật lại hỏi một môn đồ khác, người này trả lời rằng, "Thưa Đức Phật, chẳng phải ai cũng có thể sống được tới vài chục năm. Có những người chỉ sống được vài năm mà thôi". Đức Phật vẫn nói, "Chưa đúng".
"Vậy vài tháng?"…
"Vài tuần?"…
"Vài ngày?"…
Đức Phật trả lời: "Các ngươi chưa hiểu gì về Phật pháp rồi". Cuối cùng, chỉ còn lại một môn đồ im lặng từ lúc đầu đến giờ. Đức Phật nhìn anh ta, rồi hỏi, "Còn ngươi, ngươi nghĩ đời người dài bao lâu?".
Người này nhìn Đức Phật, lễ phép nói: "Thưa Đức Phật, con nghĩ đời người chỉ dài bằng một hơi thở mà thôi".
Nghe thấy thế, tất cả các môn đồ khác đều quay lại nhìn người đã đưa ra đáp án, tỏ vẻ kinh ngạc. Thật sự đời người chỉ ngắn thế thôi sao? Họ hoài nghi, rồi nhìn Đức Phật, lúc này Ngài đang mỉm cười, gật đầu đồng tình, "Tốt lắm. Ngươi đã hiểu được đạo lý trên đời rồi đó".”(1)
Vậy đó, học biết bao nhiêu kiến thức để trở thành người có chuyên môn, đọc biết bao kinh sách để trở thành người có đạo đức, nhưng quên đi một hơi thở, là quên đi sự sống.
Chúng ta thở như một bản năng. Khi mệt thở gấp gáp, thở yếu ớt. Khi buồn phiền lại thở dài mệt mỏi. Khi đau đớn thì thở đứt quãng. Từng nhịp độ của hơi thở là nhịp độ của tâm thức, là nhịp độ của sự sống mà ta nào hay nào biết. Như một quán tính, bản năng cứ thở và tồn tại. Tồn tại và thở.
Hơi thở là một trong hai tên cảnh vệ có mặt từ khi chúng ta bắt đầu những tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời cho đến giây phút cuối cùng nhắm mắt rời bỏ nhân sinh vậy mà ta lãng quên như quên một người qua đường.
Để tâm đến hơi thở là để tâm đến sự sống. Nương vào hơi thở là nương vào hiện tại. Nếu như mỗi người chúng ta chỉ có thể sống một ngày trong cuộc đời thì sao? Và nếu mỗi người chúng ta chỉ còn đúng một hơi thở thì sao? Có còn tâm trí để lo lắng nữa không? Có còn giận hờn, tranh đấu nữa không? Không còn ngày mai nữa, chúng ta thôi không muốn được thêm gì nữa từ bên ngoài của cuộc đời vật chất. Chúng ta chỉ muốn bình an đi qua một ngày cuối cùng đó, đi qua một hơi thở cuối cùng đó. Chúng ta trở nên trọn vẹn hơn!
Một ai đó sẽ nói rằng: Rõ ràng, chúng ta vẫn không chết, đây không phải là một ngày cuối cùng, còn ngày mai nữa, rồi ngày mốt nữa. Đúng! Có thể còn, nhưng có thể mất. Không ai đoán định trước định mệnh dài, ngắn của đời mình.
Một trong những người trong phòng “đặc biệt” đó ra đi ở tuổi 30. Anh ta đang sống rất khỏe mạnh, hạnh phúc. Vì một hiểu lầm nho nhỏ, anh cãi nhau với em trai ruột của mình. Quá tức giận, anh ấy lên cơn đau đầu, đưa vào bệnh viện thì đã vỡ mạch máu, mất liền ngày sau đó. Cũng bắt đầu từ đó, tôi học cách yêu thương và bao dung. Một cơn giận thôi đã cướp đi mạng sống của chính mình, để lại đứa con thơ và người vợ trẻ. Thế cho nên, thọ mạng dài hay ngắn không còn quan trọng nữa. Sống sao cho bao dung, cho yêu thương để nhẹ lòng đi qua kiếp nhân sinh này mới là quan trọng.
Nương theo hơi thở, để nhận ra khi nào mình buồn, vui, hờn, giận rồi tập dần, tập dần để sống tỉnh thức hơn, chánh niệm hơn. Tâm bình thế giới bình. Bức tranh bình yên nhất là bức tranh giữa giông bão, chú chim mẹ che chở cho chim con. Giữa cảnh vô thường vì dịch bệnh, chúng ta càng giữ vững niềm tin sống và thực hành theo lời dạy của Người - của bậc Giác Ngộ.