28/04/2020 18:36

Bài dự thi số 66 - ĐĐ. Thích Chơn Khánh

NỤ CƯỜI CỦA PHẬT

Những cơn mưa đầu mùa bao giờ cũng mang theo nhiều niềm phấn khởi, cỏ cây được tắm mình cuốn đi lớp bụi bặm, ruộng đồng thay áo mới sau những ngày khô hạn và cả con người cũng tươi mới hơn sau những tháng ngày oi bức. Và những cơn mưa đầu mùa còn đánh thức những người con Phật, báo hiệu mùa Phật Đản lại về. 

Từ những ngày đầu Xuân 2020, cuộc đời đã gửi cho ta nhiều thông điệp bất an: chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh… Đặc biệt, với sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đang hoành hành khắp thế giới, vòng quay của trái đất dường như cũng chậm lại, nhịp sống thường nhật phải đổi thay để thích nghi với thực tại. Cùng với những thay đổi lịch sử ấy, chúng ta sẽ đón một mùa Phật Đản thật khác so với những mùa Phật Đản đã đi qua. Một mùa Phật đản thầm lặng nhưng không hề tổn giảm giá trị thiêng liêng, mà đó còn là cơ hội để chúng ta có thể trở về thế giới tâm linh mầu nhiệm của chính mình. Là cơ hội để gác lại những bộn bề và thảnh thơi bày tỏ nguồn tâm của mình với Thế Tôn. Và dưới đây là những lời bộc bạch của con kính dâng lên Đức Phật.

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Kể từ ngày được khoác trên mình chiếc áo của người xuất gia, con biết mình sẽ sống một cuộc đời rất khác, từ tư duy đến hành động. Trong chuỗi ngày đó con cũng đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, nếm trải đủ đầy những gia vị của hành trình người tu sĩ.

Có những khi va vấp với muộn phiền, đơn độc trong những ngày buồn, con đã đến bên Phật thủ thỉ với người những vò tơ gút chặt trong lòng mình. Trên đài sen ấy, Phật vẫn điềm nhiên mỉm cười không nói lời nào, nhưng cũng đủ để con an yên đi qua ngày khốn khó.

Có những ngày vui, hân hoan với trang kinh mầu nhiệm, tâm tư con chấn động bởi tìm được những lời kinh gần gũi với đời mình. Con thấy cuộc đời mình trong đấy, những lời Phật dạy cho riêng con, tháo gỡ bao nhiêu khúc mắc của cuộc đời. Rưng rưng cõi lòng, con lặng lẽ ngước nhìn Người với lòng biết ơn vô hạn. Phật vẫn vậy, điềm nhiên tĩnh lặng trên đài sen thanh thoát, mỉm cười!

Từ những ngày đầu Xuân, khi thế giới bắt đầu nhịp sống mới đầy chông chênh để ứng phó với cơn bão của cuộc đời. Khi thế gian bắt đầu nhận ra sau tất cả những giá trị phấn đấu cố để đạt được, dường như vô nghĩa trước cơn lốc dịch bệnh Covid-19 này. Khi nhận ra thân phận người vốn nhỏ bé mong manh và vật chất xung quanh mình cũng là sương là khói. Người ta trở về với Phật nhiều hơn, sụp lạy trước tôn tượng của Người mong cầu chút bình an. Trước những hiện tượng biến dịch của cuộc đời, Phật vẫn vậy, điềm nhiên tĩnh lặng.

Không phải vô tâm, càng không là hờ hững. Vì con biết tất cả những gì có thể lợi ích cho chúng sanh, những dược liệu chế tác bình an cho cuộc đời, Người đã dạy cả từ hơn 26 thế kỉ trước. Hiện tượng của hôm nay cũng là hệ quả mà con người đã cùng nhau kết tạo, dù là thiên tai hay nhân họa cũng là hệ quả của hành vi con người tác động vào tự nhiên. 

“Ta như Thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Còn việc uống thuốc ấy hay không chẳng phải lỗi của Thầy thuốc. Cũng như người khéo chỉ đường, biết được con đường tốt chỉ cho rồi mà chẳng chịu đi theo. Đó chẳng phải lỗi của người chỉ đường.” Con vẫn hằng luôn ghi nhớ lời này trên chặng đường nương theo nếp sống của Người, thưa Thế Tôn!

Con vẫn biết Người sẽ mãi mãi như thế, vẫn an nhiên với nụ cười đại bi, không buồn vì mùa Phật Đản năm nay sẽ lặng thầm không huyên náo năm châu, nhưng không vì vậy mà giá trị thiêng liêng của mùa Phật Đản vơi đi. Vượt ngoài những hình thức lễ nghi, mùa Phật Đản còn đóng một vai trò to lớn như lời dạy của Đức Pháp Chủ trong mùa Phật Đản: “Mùa Phật Đản là cơ hội quí báu để chúng ta cùng tăng trưởng niềm tin và chân lí giải thoát. Là thời điểm chúng ta cùng phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế Tôn đã để lại cho nhân loại chúng ta…” Và trong gia tài di sản vô giá ấy, hãy tùy thuận chọn lấy mà phát huy để thăng hoa trong hiện tại này. Đó là tinh thần Từ bi, là Tuệ giác Giải thoát… Hay chỉ đơn thuần là liệu pháp để chữa lành những vết thương trong tâm hồn, hàn gắn những đổ vỡ, dựng dậy những gì đã sụp đổ… tất cả đã có sẵn trên những trang kinh, đã có sẵn trên trang sử về cuộc đời Đức Phật.

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Con sẽ không nói nữa những lời biết ơn ấy, chỉ xin nguyện trân quý hiện tại này, giữ gìn vẹn nguyên nét đẹp của đời người xuất sĩ, dẫu sức mọn tài hèn cũng xin góp những hạt cát nhỏ nhoi tô điểm cho tượng đài Phật pháp. Và con nghĩ rằng khi đã khoác trên mình chiếc Y vàng cao quý, ai ai cũng sẽ hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình vì những lí tưởng tuyệt vời, phấn đấu một đời đến chân trời cao rộng, nơi đó có Thế Tôn. Trên con đường tỉnh thức này chúng con không đơn độc, luôn có Người dõi theo từng bước, không phải bằng âm thanh sắc tướng mà bằng pháp thân bất diệt.

Con đã từng mất dấu của Người, khi tập khí tuổi trẻ cuồn cuộn cuốn con vào vòng xoáy của tri thức, cốt để tranh đua, hơn thua rồi đưa đến tị hiềm tranh đấu. Cứ ngỡ với những tích lũy đạt được, những thành quả mà nhiều người mong ước đó là thành tựu lớn lao dâng lên cho Người. Nhưng đó lại là lúc con xa Người nhất và rồi chơi vơi trên trang kinh mất dấu của Người.

“Này Gia Du Đà La, Như Lai vẫn không khác xưa lắm đâu, Như Lai vẫn là con người cũ đó thôi. Nhưng bây giờ tâm Như Lai đã thanh tịnh hơn, trí Như Lai đã quang rạng hơn. Như Lai đã tìm ra giá trị cuộc sống mà chúng ta đã cùng nhau thao thức, cùng nhau trăn trở…” Thế nên hôm nay, trong chuỗi ngày dài đầy bộn bề lo toan này, phút giây nào nuôi dưỡng được thanh tịnh trong cõi lòng, phút giây ấy con biết mình đang gần Phật. Phút giây nào trí tuệ định tĩnh sáng suốt, mà quan sát cuộc sống xung quanh, phút giây ấy con biết mình đang tìm thấy Phật. Thì ra Người vẫn nơi đây trong hiện tại nhiệm mầu này, không phải một hạnh phúc khác ở nơi xa xôi nào khác.

Nói đến hiện tại, Kính bạch Đức Thế Tôn!

Dẫu biết rằng chúng con cùng cộng nghiệp với thế giới này, cùng đi qua những khốn khó của bão bệnh đang hoành hành. Đó là hệ lụy do chính chúng con đã kết tập từ hiện tại hay quá khứ. Nhưng nhịp mõ, hồi chuông nơi cửa Thiền dù vô tình cũng đôi lần lỡ nhịp, tiếng chuông u buồn cứ vang lên khi những con số bất an cứ tăng dần theo nỗi lo sợ của xã hội.

Nhân mùa Phật Đản thiêng liêng, ngày kỉ niệm một sự kiện hy hữu, sự xuất hiện của một bậc Thầy vĩ đại mang lại ánh sáng giải thoát cho cuộc đời, mùa Phật đản trở về trong thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết, thời khắc mà loài người cần tiếp thêm nhiều niềm tin và sức mạnh. Như một điềm lành cát tường của ngày Phật Đản mang lại niềm tin bình an và niềm hy vọng vào một thế giới đoàn kết, chiến thắng dịch bệnh. Và chúng con cũng vững tin như lời Phật dạy “Các pháp vô thường” có đến ắt có đi. Sau cơn khốn đốn này, con người lại có cơ hội để thay đổi cách sống của mình ý nghĩa hơn từng ngày. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói “Là một người đệ tử của Phật, tôi tin vào luật vô thường. Cuối cùng thì nạn virut này cũng sẽ qua, như tôi đã từng thấy những cuộc chiến tranh và các nỗi đe dọa khủng khiếp đã đi qua trong đời tôi; và chúng ta sẽ có cơ hội để xây dựng lại cộng đồng toàn cầu của mình như chúng ta đã từng thực hiện nhiều lần trước đây…” 

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Thế là mùa Phật Đản năm nay, kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Thế Tôn, cộng đồng Phật giáo và những người hướng theo giáo lý của Đức Phật sẽ được trải nghiệm một mùa Phật Đản rất khác. Một mùa Phật Đản sâu sắc trong tâm hồn, được chiêm nghiệm lịch sử và lời dạy của Người để tăng trưởng niềm tin và phát triển thành hành động, thực tập những gì đã học được trong suốt quá trình nương theo Người. 

Con đã từng đặt chân đến BodhGaya, được nép mình dưới bóng mát cội Bồ đề thiêng liêng, và nhận ra rằng dù có thăng trầm biến dịch theo lịch sử nhân loại, nhưng Ánh Đạo Vàng vẫn rực rỡ, niềm tin của nhân loại các thế hệ vẫn vững vàng như cội Bồ đề thiêng nép mình bên Đại Tháp. Sở dĩ niềm tin ấy vững mạnh muôn đời bởi sự xuất hiện của Đức Thế Tôn là hy hữu và đầy sự thuyết phục, như Max Miller từng ca ngợi: “Đức Phật là hiện thân của mọi đức hạnh mà người đã thuyết giảng. Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Người đã biến lời nói của người thành hành động”.

Kính lạy Đức Thế Tôn, nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đời!

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Cà Mau: Khởi công xây dựng 3 nhà tình thương cho hộ nghèo xã Tam Giang

Sáng nay, ngày 26/12/2024, tại xã Tam Giang huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau, ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh phối hợp cùng sở Tư pháp tổ chức khởi công xây dựng 3 căn nhà tình thương, trị giá gần 200 triệu cho hộ nghèo.

Hải Dương: Chùa An Đức và chùa Khánh Linh thực hiện chương trình Đông Ấm Hà Giang

Ngày 22/12/2024, tại xã Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, chư Tôn đức Ni và Phật tử CLB Liên Hoa chùa An Đức và CLB Từ Tâm chùa Khánh Linh huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương đã thực hiện chương trình Đông Ấm Hà Giang, trao gần 300 phần quà đến đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online