Bầu cử là việc chọn ra người tài đức, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, gánh vác trách nhiệm to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tăng Ni, Phật tử là công dân Việt Nam, đều hăng hái tham gia vào ngày hội toàn dân, đóng góp công sức cho cuộc bầu cử thành công trọn vẹn. Bài viết xin đề cập đến vấn đề phát huy vai trò của Tăng Ni đối với bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Từ “Bầu cử” hiểu một cách đơn giản là “lựa chọn” hoặc “quyết định” - một quyết định chọn người đại diện cho mình trong cơ quan lập pháp. Theo triết gia khai sáng Montesquieu: trong bầu cử, cử tri thay đổi vị trí từ người bị cai trị thành người cai trị, tức là thông qua hành vi bầu cử, người dân thực hiện chủ quyền của mình với tư cách là người chủ để lựa chọn ra chính quyền của mình.
Ở nước ta, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với Đại biểu. Trong Phật giáo, người ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải là người có uy tín, có mối quan hệ với các cấp chính quyền, được suy cử từ tổ chức Giáo hội các cấp, làm đại diện cho nguyện vọng của đông đảo Tăng Ni và Phật tử.
THAM GIA BẦU CỬ LÀ THỂ HIỆN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI XÃ HỘI
Là người tu hành, sinh hoạt trong một tôn giáo có chiều dài lịch sử cống hiến cho đất nước bằng tinh thần “cứu nhân độ thế”, Tăng Ni qua các thế hệ đã thực hiện nghĩa vụ của mình trước vận mệnh đất nước, góp công góp sức để đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng hơn, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Một trong những việc làm thiết thực là tham gia bầu chọn ra những người có tâm có đức, đủ điều kiện tham gia vào bộ máy lập pháp của nước ta, trong đó có những vị đang ứng cử đại diện cho nguyện vọng của hàng Tăng Ni, Phật tử khắp cả nước. Tăng Ni từ thành thị cho đến nông thôn, từ miền núi cho đến hải đảo xa xôi đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến để những người ứng cử ai cũng đều đủ tiêu chuẩn và đức hạnh khi được trúng cử, làm nhiệm vụ đại diện tiếng nói cho cử tri đã bầu mình. Đây cũng là việc thể hiện trách nhiệm trước đất nước trong giai đoạn mới.
ĐỘNG VIÊN ĐẠI CHÚNG THAM GIA VÀO CUỘC BẦU CỬ
Người con Phật còn nhớ lời dạy của Đức Phật:“…, các Tỳ kheo, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người, vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại… hãy hoằng dương Giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc Thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác” <1>. Tiếp bước con đường này, hàng Tăng Ni đang tiếp tục lan tỏa lời chân truyền ra khắp nơi. Năm 2019, thống kê cả nước có 3.243 đạo tràng cư sĩ 209.705 Phật tử, 1.061 gia đình Phật tử 69.429 đoàn sinh <2>, tín đồ quy y Tam bảo và người thờ cúng tổ tiên tin theo Phật giáo “khoảng 60%/93.000.000 dân số” <3>. Con số này cho thấy người có niềm tin vào Đạo Phật chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số Việt Nam. Như vậy, nhiệm vụ vận động Phật tử và nhân dân tham gia vào cuộc bầu cử đối với hàng Tăng Ni là khá quan trọng.
Tăng Ni đã thông qua các hình thức khóa tu, thuyết pháp, đối thoại, trò chuyện để thông tin công tác bầu cử đến đại chúng, giải thích và trả lời những quy định về bầu cử, trách nhiệm của người con Phật, người theo Phật phải nghiêm túc tham gia bầu cử đầy đủ để bầu chọn người ứng cử có trọng tâm, tập trung cao. Nhiều vị trụ trì đã tổ chức các hoạt động nêu gương, những ngày diễn ra bầu cử cho dừng các hoạt động tu tập vào sáng sớm để tạo thuận lợi cho Tăng Ni và Phật tử đi bầu cử.
Để thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, các vị cư sĩ, Phật tử tham gia động viên gia đình, hàng xóm tích cực tham gia vào các quy trình nhằm bầu những người có đức có tài đứng ra đại diện tiếng nói cho nhân dân, đệ trình những nguyện vọng, kiến nghị đến cơ quan lập pháp, giúp giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thúc đẩy xã hội tiến bộ hơn.
Theo mong muốn của nhiều vị trụ trì và đa số Tăng Ni, Gia đình Phật tử đã thông qua sinh hoạt để tuyên truyền về ý nghĩa bầu cử và nói về trách nhiệm của công dân trong ngôi nhà chung Phật pháp đối với các cuộc bầu cử. Từ đó, các em đủ tuổi bầu cử trở lên đã tích cực, năng nổ tham gia đi bầu cử.
Từ những hoạt động trên đây, Phật giáo đã thể hiện rõ nét thái độ “hộ quốc” của mình trong vận động công dân tham gia vào bẩu cử, góp phần vào thành công của các cuộc bầu cử, nhất là giúp đạt tỷ lệ người đi bỏ phiếu.
PHẬT GIÁO NÊU CAO VAI TRÒ TẠI CÁC KỲ QUỐC HỘI
Qua các khóa hoạt động, từ tổ chức Quốc hội cho đến Hội đồng nhân dân cấp xã, có nhiều Tăng Ni và Phật tử Phật giáo tham gia ứng cử và trúng cử, phục vụ đắc lực trong các cơ quan lập pháp ở các cấp chính quyền, có nhiều vị được tín nhiệm tái cử nhiều khóa liên tục. Đối với Quốc hội, qua 14 khóa hoạt động đã xuất hiện nhiều vị Tăng Ni tích cực.
Khi Chính phủ Lâm thời tổ chức tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Phật giáo có Thiền sư Thích Mật Thể, thế danh Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Thiền sư xuất gia tại Trúc Lâm tự với Thiền sư Giác Tiên, lúc đầu có pháp danh là Tâm Nhất. Thiền sư là một bậc Tăng tài học cao hiểu rộng, từng làm giảng sư ở nhiều giảng đường trong nước, có nhiều tác phẩm lịch sử Phật giáo lưu truyền hậu thế. Với sức trẻ, sự thông minh và chí khí của người con đất miền Trung, Ngài là người đầu tiên trong ngôi nhà Phật giáo ra ứng cử và trúng cử làm Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là vị Tăng đầu tiên trực tiếp tham gia vào nghị trường đất nước.
Cũng trong năm này, Thiền sư được mời giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Thừa Thiên. Thiền sư viên tịch tại Nghệ An, lúc 49 tuổi <4>.
Tại Quốc hội khóa I đã bầu lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước đầu tiên, thông qua Hiến pháp lần thứ nhất (Hiến pháp 1946) ngày 9/11/1946 (điều thứ 10 khẳng định: “...công dân Việt Nam có quyền - Tự do tín ngưỡng...”), thông qua Hiến pháp sửa đổi (Hiến pháp 1959) ngày 31/12/1959; ban hành 16 luật, trong đó có phê chuẩn Hiệp định Genève (khôi phục hòa bình ở Đông Dương).
Quốc hội khóa II bầu cử ngày 8/5/1960, gồm 453 Đại biểu, trong 8 kỳ họp đã thông qua 6 luật, 9 pháp lệnh và phê chuẩn 4 hiệp ước và hiệp định song phương, khóa này kết thúc vào tháng 4/1964. Giai đoạn này Phật giáo ở phía Bắc cử những vị có uy tín tham gia vào Quốc hội. Ở miền Trung và miền Nam Phật giáo gặp đại nạn, nhiều vị Tăng Ni tự thiêu phản đối sự đàn áp của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, thúc đẩy làn sóng đấu tranh dâng cao.
Quốc hội khóa III bầu cử ngày 26/4/1964, gồm 453 Đại biểu, sau 7 kỳ họp thông qua 1 luật, 5 pháp lệnh và phê chuẩn 4 hiệp định song phương. Đây là giai đoạn khó khăn chung của đất nước, Tăng Ni và Phật tử đồng lòng tham gia kháng chiến và hỗ trợ kháng chiến. Ở miền Bắc, với chủ trương “Vì miền Nam ruột thịt” Tăng gia sản xuất và vận động đóng góp tài vật gởi chính quyền chi viện cho miền Nam. Ở miền Trung và miền Nam, Tăng Ni và Phật tử động viên nhau ra trận hoặc nuôi chứa cán bộ hoạt động trong lòng địch, chờ thời cơ trổi dậy. Quốc hội khóa IV, V hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình khi đất nước được hòa bình thống nhất.
Quốc hội khóa VI bầu cử ngày 25/4/1976, gồm có 492 Đại biểu. Quốc hội đã quyết định đổi tên nước thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua Hiến pháp 1980, tại Điều 68 Hiến Pháp quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Khóa này thông qua 1 luật, 4 pháp lệnh và phê chuẩn 12 hiệp ước và hiệp định song phương. Trong 13 vị đại diện tôn giáo, Hòa thượng Thích Thiện Hào lần đầu tiên là đại diện Phật giáo giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là cơ quan thường trực cao nhất trong Quốc hội.
Quốc hội khóa VII bầu cử ngày 26/4/1981, gồm 496 Đại biểu, khóa này đã thông qua 10 bộ luật và luật, 15 pháp lệnh, phê chuẩn 19 hiệp định, hiệp ước, công ước song phương và quốc tế. Đây là thời kỳ khởi sắc của Phật giáo Việt Nam, với sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất các tổ chức hệ phái trong cả nước vào một ngôi nhà chung. Để có được sự thống nhất ý chí đi đến thành công của Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc tháng 11/1981, trước đó đã có sự hội ý vào tháng 2/1980, phiên hội ý này có sự hiện diện của ông Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, ông Trần Bạch Đằng là Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và ông Phạm Quang Hiệu ở Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng các vị niên cao lạp trưởng đại diện cho 09 tổ chức Phật giáo, cùng nhiều nhân sĩ, trí thức, cư sĩ, Phật tử về dự. Tại phiên hội ý, ông Nguyễn Văn Linh đã dành nhiều thời gian nói về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Phật giáo và nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc <5>.
Quốc hội khóa VIII bầu cử ngày 19/4/1987, gồm 496 Đại biểu, sau 11 kỳ họp đã thông qua Hiến pháp 1992, 31 bộ luật và luật, 42 pháp lệnh và phê chuẩn 1 hiệp định quốc tế. Hòa thượng Thích Minh Châu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo lần đầu tiên là đại diện Phật giáo được bầu vào Hội đồng bầu cử ở Trung ương, làm công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử khóa IX.
Quốc hội khóa IX bầu cử ngày 19/7/1992, gồm 395 Đại biểu, đã thông qua 39 bộ luật và luật, 41 pháp lệnh, phê chuẩn 3 hiệp định, công ước song phương và quốc tế. Tại Điều 70 Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định:
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Quốc hội khóa X bầu cử ngày 20/7/1997, gồm 450 Đại biểu, đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (ban hành ngày 7/1/2002), thông qua 31 bộ luật và luật, 36 pháp lệnh, phê chuẩn Hiệp ước biên giới đất liền với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hiệp định thương mại với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Kể từ khóa này, sự đi lại, học tập và giao lưu quốc tế Phật giáo được rộng mở, bắt đầu mở ra một chương mới cho Phật giáo vươn ra thế giới và ngược lại, tạo hình ảnh đẹp và thân thiện trong lòng các tông phái và tôn giáo trên toàn cầu.
Quốc hội khóa XI bầu cử ngày 19/5/2002, gồm 498 Đại biểu, đã thông qua 84 bộ luật và luật, 34 pháp lệnh, phê chuẩn 3 hiệp ước, hiệp định song phương và quốc tế, nổi bật là phê chuẩn Nghị định Thư gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo được thông qua vào ngày 18/6/2004. Kể từ đây, Phật giáo và một số tôn giáo khác đã tiếp cận các hoạt động “nhập thế thời hội nhập”, đẩy mạnh cải thiện chất lượng hoạt động các tự viện, nhiều tự viện mới bắt đầu xuất hiện. Chỉ riêng ở Kiên Giang, từ năm 2002 đến 2016 xuất hiện hơn 35 ngôi tự viện, nâng tổng số các tự viện lên 206 ngôi. Sự xuất hiện rộ lên các ngôi tự viện này thể hiện sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính sách mở của Nhà nước và sự tạo thuận lợi của các cấp chính quyền địa phương, đã đồng hành cùng Phật giáo phát triển bền vững trong thời đại mới.
Quốc hội khóa XII bầu cử ngày 20/5/2007, gồm 493 Đại biểu, khóa này rút ngắn thời gian hoạt động để tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIII cho cùng thời gian với cuộc bầu cử Đại biểu HĐND các cấp năm 2011.
Quốc hội khóa XIII bầu cử ngày 22/5/2011, gồm 500 Đại biểu, đã thông qua Hiến pháp năm 2013, tiếp tục khẳng định đến tín ngưỡng, tôn giáo ở Điều 24:
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”.
Phật giáo có sự đại diện của cả ba miền, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đoàn thành phố Hà Nội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đoàn Quảng Ninh và Hòa thượng Thạch Huôn đoàn Sóc Trăng. Khóa XIII hoạt động đến tháng 5/2016 kết thúc.
Quốc hội khóa XIV bầu cử ngày 22/5/2016, gồm 496 Đại biểu. Đây là khóa đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức 04 vị trí cấp cao Nhà nước, là nhiệm kỳ thành công về mặt ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), với 3 hiệp định đa phương quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Ngoài ra, còn có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định thương mại tự do song phương ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA). Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động tôn giáo được luật hóa, ngày 18 tháng 11 năm 2016 Quốc hội đã thông qua Luật số 02/2016/QH14 về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện Luật này, hàng Tăng Ni và Phật tử phấn khởi với sự thông thoáng và cởi mở, giúp tham gia sâu rộng vào các mặt đời sống xã hội, khẳng định hoạt động tôn giáo tiếp tục được thừa nhận và đồng hành cùng dân tộc <6>.
Đã nhiều năm nay, các cuộc bầu cử đều có lời kêu gọi, định hướng tham gia bầu cử của hàng lãnh đạo Giáo hội đến các tự viện. Tiếp nối truyền thống đó, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XV sắp tới, ngày 19/4/2021 Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay mặt Ban Thường trực ký Công văn số 82/HĐTS-VP1 về việc vận động Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026<7>. Tiếp tục khẳng định Phật giáo luôn đồng hành cùng chính quyền trong thực hiện nghĩa vụ công dân, phục vụ hoằng dương chánh pháp.
Những ngày này, Phật giáo cùng cả nước hướng về ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chúng ta cùng gửi gắm niềm tin vào những vị ứng cử để có được kết quả tốt nhất trong cuộc bầu cử này. Hy vọng rằng, những người ưu tú trúng cử sẽ là những đại diện xứng đáng cho chúng ta trên nghị trường lập pháp các cấp thời gian tới.
Chú thích:
* Lê Tô Nam: Thạc sĩ Tôn giáo học.
<1> Nãrada Mahã Thera (2020), Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb. Tôn giáo, tr.119. <2> Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2019), Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2019, mục 3, khoản 1 và 2. <3> Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2019), Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2019, mục II, khoản 1. <4> Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, toàn tập, Cty Sách Thời Đại và Nxb. Văn hóa, Hà Nội, tr.903-907. <5> Thích Huệ Thông (2020), 39 năm một chặn đường, Văn hóa Phật giáo (355), tr.10-11. <6> Quốc hội các khóa, trích từ dự thảo sách Lịch sử Quốc hội;. <7> Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2021), Vận động Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, công văn số 82/HĐTS-VP1, Hà Nội.