Nguồn nhựa sống của Mẹ - Viết - Thích Nữ Như Thuận

Nghe đọc bài:

NGUỒN NHỰA SỐNG CỦA MẸ

 

Con trở về vào một buổi tối, cảnh vật và con đường làng dẫn về nhà có thể vẫn thế, nhưng con thấy lòng mình đổi khác, ánh đèn hắt mờ phản chiếu bóng dưới chân, nặng trịch... Cảnh vật về đêm thường trở về với sự yên tĩnh lạ kỳ, mọi âm thanh dù nhỏ dù lớn lại làm cho sự yên lặng của bóng đêm càng thêm sâu hơn là khác.
 

Hồi đó mẹ hay đạp xe qua lại trên con đường này, con đường mòn khắc khoải những bụi sương nắng gió. Con luôn nhớ hình ảnh mẹ nhỏ chỉ bằng nửa chiếc xe đạp, đạp từ tốn, chậm rãi; hoặc có khi mẹ cũng đi xe máy, con xe năm mươi phân khối nhỏ bé nhưng sao tiếng nổ lại lớn và nặng nề, nó nặng nề như chính cuộc đời mẹ, nhưng mẹ vẫn đi thật thản nhiên, thật tự tại.

 

Bước vào cổng, gửi lòng theo nén hương trầm vừa đốt, con thành kính dâng lên Đức Bồ Tát Quán Thế Âm Lộ Thiên, vài năm con mới trở về một lần, Đức Quán Thế Âm như người mẹ hiền sẵn sàng hiện thân làm tiêu tan bao nỗi khổ đau, lo âu của thế gian. Con hiểu sở dĩ người ta gọi Ngài là “Mẹ” vì đúng là hễ con gọi “Mẹ”, con liền cảm thấy được bao bọc, chở che và yêu thương. Con bỗng vang vọng trong tâm thức: “Mẹ ơi!”
 

Con đã thấy mẹ...
 

Con ngồi xuống bên mẹ, nhìn mẹ thật lâu, thật kĩ. Khuôn mặt mẹ trái xoan tròn nhỏ, đôi mắt nâu hằn vài nếp nhăn nơi khóe mắt, con luôn thích mẹ cười vì lúc ấy mẹ đẹp vô cùng, hẳn như vì sao chiếu toả rực sáng giữa bầu trời đêm dẫu có tăm tối. Búi tóc cao là thói quen của mẹ, tóc mẹ không dày nhưng đen huyền, nó lại cứng và xơ vì bao sương nắng đã nhuộm tóc mẹ mấy mươi năm qua, thế nên mẹ không thích ai chải đầu cho mẹ dù là con, khi ấy mẹ sẽ đau. Đôi bông tai hạt ngọc mẹ đeo cũng đã vài năm nên không còn sang và trắng, màu chuyển thành ngà vàng giống như làn da mẹ cũng đã sạm nhuộm cùng nắng và gió.


Mẹ là dân buôn bán nay đây mai đó, và vì thế trong mười hai năm học con phải chuyển trường liên tiếp đến mười lần suốt từ Bắc vào Nam. Mỗi lần con khóc lóc, van nài để xin mẹ đừng chuyển nhà nữa thì mẹ lại dỗ con: “Thôi nốt lần này!” Rồi mẹ cười, hàm răng của mẹ lộ ra, nó cũng hơi vàng nhưng lại đều như hạt bắp. Và mẹ lại tiếp tục vào sổ sách, chẳng để tâm vào con nữa, khuôn mặt mẹ dịu xuống, đôi mắt đăm chiêu và đôi tay bấm liên tục vào chiếc máy tính nhỏ. Con thương mẹ quá, con sẽ lại nghe lời mẹ.

 

Mẹ ngồi bán hàng ngoài chợ thì không có vị khách nào đi qua mà mẹ không chào mời. Giọng mẹ lanh lảnh, hơi đanh nhưng lời mẹ nói thì vô cùng khôn khéo, và trong khi nói, mẹ luôn kèm theo những cái cười rất duyên. Tay mẹ gân guốc gầy gò, liên tục lấy hàng cho khách xem. Mẹ khỏe lắm, tấm lưng nhỏ mà dẻo dai, còng xuống bê những thùng hàng chỉ những người đàn ông mới bê được.


Ít lâu sau mẹ mắc ung thư dạ dày, mẹ gầy rộc độ chục cân, thời gian ấy đã lấy đi bao nhiêu năng lượng, da thịt của mẹ. Nhưng nhờ kiên trì niệm Phật, sau kì mổ, mẹ đã hồi phục sức khỏe và không có dấu hiệu ung thư tiến triển. Mẹ đã không còn buôn bán, mẹ dành nhiều thời gian để xem Pháp, lạy Phật, niệm Phật hay đi nấu ăn cho đạo tràng. Những bộ đồ hoa ngày trước mẹ hay mặc đã được thay thế bằng những bộ đồ nâu hoặc lam dành cho Phật tử.


Một lần, con mơ thấy mẹ mất, đêm ấy con tỉnh dậy rồi nằm khóc đến sáng.

Cuộc đời con sẽ bất hạnh lắm khi mất mẹ. Mất mẹ như mất cả bầu trời. Vài ngày sau, con vừa tỉnh giấc lúc ban trưa, con bỗng nghe tiếng mẹ khóc. Con chạy tới, mẹ nghẹn ngào ôm con: “Anh mày chết rồi!” Con như chết lặng, từ ngày mẹ biết Phật Pháp, đây là lần đầu tiên con thấy mẹ khóc, sáu năm trước mẹ cũng từng khóc như thế này, khi bố mất.


Hai mẹ con thu xếp bay vào Cần Thơ lo lễ hỏa táng cho anh trai con, trước khi mở cửa nhà xác, con dặn mẹ: “Mẹ đừng khóc nhé, anh sẽ khó ra đi”. Nhưng điều kỳ lạ là, khi mẹ vừa nhìn thấy anh, mẹ bỗng trở nên bình tĩnh, còn con thì khóc không ngớt được. Mẹ đặt máy niệm Phật lên đầu giường, sau đó tìm một cái bàn nhỏ, đặt lên đó hình Phật, bát hương, bông trái, vài chum nước,... Mẹ xin bác sĩ cho phép quý Thầy đến hộ niệm cầu siêu cho anh ngay tại căn phòng này, nơi đây chỉ có một mình anh nằm, nhưng mẹ cũng nói rằng còn có rất nhiều hương linh khác đang ở quanh đây. Hai ngày, mẹ đã lo chu toàn mọi hậu sự cho anh. Mẹ chẳng cười, chẳng khóc, con chỉ thấy đầu mẹ rối bù, mắt sâu hoắm, mặt hốc hác thêm và bộ đồ vẫn còn chưa thay.

 

Bố con, anh trai con đã lần lượt từ giã cõi đời trong khi con còn chưa đủ lớn, vai mẹ còn chưa kịp buông gánh nợ đời với cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, tấm lưng trần nặng thêm gấp bội bởi mẹ chẳng còn ai để có thể dựa dẫm, cô đơn lạc lõng chơi vơi giữa đời cô quạnh, mồ hôi rơi chẳng thấu nỗi vất vả, nước mắt tràn lau vội biết chia sẻ cùng ai. Có lẽ vì thấm thía nỗi khổ cuộc đời, của những nỗi đau ly biệt khi mà hạnh phúc còn chưa kịp tới, mẹ đã một lần nữa hi sinh những năm tháng cuối đời của mình mà không cần đứa con gái duy nhất bên cạnh, mẹ cho con cơ hội được sống một cuộc đời bừng sáng như ánh mặt trời sau những cơn mưa u ám của kiếp người; con đã được xuất gia tu học đúng với nghĩa “sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chân nhập đạo”. Ân đức lớn lao của mẹ, núi cả bể sâu chẳng sánh bằng, trải bao đời bao kiếp để con có thể đáp đền được đây. Sự ra đi đột ngột của mẹ, có lẽ là nỗi đau lớn nhất cuộc đời con. Dù đã học về định luật tử sinh, chứng kiến bao cảnh vô thường ly biệt, nhưng trong con không thể phủ nhận nỗi đau mất mẹ, tâm can con vẫn trải dài với bao hoài niệm, thổn thức. 
 

Mẹ là người mẹ kiên cường, cuộc đời mẹ chưa bao giờ chịu khuất phục trước những khó nhọc cuộc đời, nguồn nhựa sống từ mẹ bỗng chực trào trong con, thôi thúc con rằng giây phút khổ đau này không phải để con gục ngã, mà như mẹ đã dạy dỗ, khó khăn cần phải đối mặt và chuyển hoá. Con hiểu vì sao mẹ luôn thôi thúc con đi xuất gia, có lẽ mẹ muốn con học cách vượt qua được khổ đau, biết hải đảo tự thân, biết nương tựa Chánh pháp để tự làm đời mình được an lạc.

 

Con luôn tự hào và tin tưởng vào niềm tin sâu dày, vững chắc với Tam Bảo nơi tâm thức mẹ, khi hiện tiền, mẹ là Phật tử thuần thành và vô cùng tinh tấn, vậy cho nên bao lần thập tử nhất sinh bởi những cơn bạo bệnh, mẹ đã vượt qua và sống mạnh khỏe, an vui những năm tháng cuối đời, mẹ chẳng quản khó nhọc, thức khuya dậy sớm để kịp làm những mẻ thuốc, những thực phẩm lợi dưỡng để cúng dường, lợi lạc cho bao người. Để rồi khi mẹ phải trả nghiệp quả cuối cùng khi làm thân người, tai nạn mà bao người cho là khủng khiếp ấy thì đối với mẹ lại nhẹ nhàng như không vì mẹ hiểu nhân quả, hiểu nghiệp lực luôn xoay vần và mẹ đã tha thiết cầu về với Phật.

 

Khi nghe tin mẹ gặp tai nạn khó qua khỏi, chặng đường từ miền Nam bay ra Bắc, con đã khóc không ngớt được. Chỉ cách đó hai hôm, mẹ đã gọi dặn con: “Con đến thăm bà ngoại, gửi bà tiền và tặng quà bánh thật nhiều, giúp mẹ vì mẹ đang không ở gần bà”. Bài học cuối cùng mẹ dạy con chính là bài học về chữ hiếu. Lúc gần đáp máy bay, con ngủ thiếp đi và thấy mẹ cười: “Mẹ lại đi đây nhé!” Giây phút đó ở một nơi xa, mẹ vừa tắt hơi thở. Giờ đây con hiểu rằng: mẹ không mất đi, mẹ đóng lại hành trì này và tiếp tục bước vào một hành trình khác, như thay chiếc áo cũ để mặc một chiếc áo mới tốt đẹp hơn; mẹ không mất đi, mẹ mãi ở trong con, con là sự tiếp nối của mẹ, từng tế bào của mẹ đang nuôi sống con từng ngày. 
 

Sự tiếp nối ấy diễn ra khi con bước vào nhà xác, con nhìn thấy mẹ và con hoàn toàn có được cảm giác của mẹ năm xưa khi mẹ trông thấy anh khi anh mất, con điềm tĩnh đến lạ thường, khai thị và dẫn dắt đạo tràng hộ niệm cho mẹ đến khi tứ đại mẹ lại hoà trở lại với cát bụi. 
 

Hậu sự của bà ngoại, con cũng vừa lo xong, các em của mẹ cũng dần đang được khai mở cùng với Chánh pháp. 

 

Cả một đời nỗ lực của mẹ, con nguyện noi gương sáng để xứng đáng với tấm lòng mẹ. Sứ mệnh cho kiếp nhân sinh này đã thoả, mẹ hãy buông bỏ vạn duyên để nhất tâm về với đất Tịnh Độ nơi chư Phật, mẹ không phải lo lắng điều gì nữa, không phải bận lòng điều gì nữa. Mọi người trông chờ vào sự giải thoát của mẹ! Mọi người tin tưởng mẹ!

 

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm lần thứ 25 Thiền sư Duy Lực – Tổ sư thiền Việt Nam

Sáng ngày 01/01/2025 (Nhằm mùng 2 tháng Chạp năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Đà (Quận 3, TP.HCM) Môn đồ pháp phái Tổ sư thiền đã trang nghiêm làm lễ tưởng niệm lần thứ 25 cố Thiền sư Hòa thượng Thích Duy Lực, người sáng lập pháp môn Tổ sư thiền tại Việt Nam.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Lễ hằng thuận tại chùa Thiên Tôn

PSO - Ngày 30/12/2024 (nhằm ngày 30/11/Giáp Thìn), Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM kết hợp chùa Thiên Tôn tổ chức lễ Hằng Thuận cho Phật tử Thanh Minh Trí, thế danh Nguyễn Hồng Sơn và Phật tử Hạnh Quang, thế danh Nguyễn Thị Bảo Châu.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online