GÓP Ý CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỀ DỰ THẢO THÔNG TƯ QUẢN LÝ TIỀN CÔNG ĐỨC: “LẬP LUẬN ĐỀU ĐÚNG CẢ, KHÔNG SAI ĐIỂM NÀO, RẤT CÓ SỨC THUYẾT PHỤC”
PSO - Đó là đánh giá của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong tại hội đàm tối ngày 23/6/2021 trên VOV1 (https://vov1.vov.gov.vn/dong-chay-sk-cuoc-song-365/nha-nuoc-co-nen-quan-li-tien-cong-duc-hay-khong-2362021-c195-72834.aspx). Trước đó, ngày 17/6/2021, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Văn bản số 157/HĐTS-VP1 góp ý bày tỏ không đồng thuận với quy định của Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý tiền công đức. https://phatsuonline.com/trung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc/ Góp ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, trong đó có chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Mập mờ thuật ngữ “tiền công đức” Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc Dự thảo Thông tư sử dụng thuật ngữ “tiền công đức” trong khi thuật ngữ này chưa được định nghĩa, giải thích nội hàm trong chính Dự thảo Thông tư cũng như trong bất kì văn bản pháp luật nào của Nhà nước là không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật. Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng tên của Dự thảo Thông tư đã có quá nhiều thuật ngữ, vừa không được giải thích, vừa khá rắc rối. Tiến sĩ Minh Phong cho rằng thuật ngữ “quản lý thu chi tài chính” là rất rộng, bao gồm tất cả rồi, sau đó lại thêm thuật ngữ “tiền công đức”, “tài trợ”. Vấn đề ở chỗ, đúng lý thì ba thuật ngữ này cần được giải thích trong Dự thảo Thông tư, nhưng lại không được định nghĩa, nhất là thuật ngữ “tiền công đức” chỉ dành riêng cho Phật giáo và sử dụng trong đời thường, chứ chưa có quy phạm định nghĩa trong văn bản pháp lý nào. Cho nên việc sử dụng thật ngữ “tiền công đức” tạo ra sự băn khoăn, nghi ngại, đặc biệt là rất mập mờ, rất khó trong quá trình triển khai và rất dễ tạo kẽ hở hoặc tạo ra sự xung đột trong quan điểm. Bất bình đẳng đối với Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc Dự thảo Thông tư chỉ nhằm quản lý “tiền công đức” là phạm trù, văn hóa thực hành nghi lễ của Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng, mà bỏ qua, không điều chỉnh hoạt động quản lý các loại tiền của các tổ chức tôn giáo khác có cùng bản chất pháp lý là không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật. Chia sẻ với quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng Dự Thảo Thông tư chưa làm rõ được đối tượng điều chỉnh mà nó hướng tới. Ông cũng e ngại rằng nếu đối tượng tác động trực tiếp của Dự thảo Thông tư là tất cả các tôn giáo, bao gồm cả Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác thì “e rằng Dự thảo Thông tư chưa đạt tới”. Tiến sĩ Minh Phong chia sẻ quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng Dự thảo Thông tư tạo sự bất bình đẳng đối với Phật giáo có một phần căn cứ từ việc sử dụng thuật ngữ “tiền công đức”. Điều đó tạo ra những hiểu lầm không đáng có, vì thế việc thay thế hoặc giải thích thuật ngữ “tiền công đức” là cần thiết. Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đề nghị: nên có một văn bản pháp lý đủ tầm để định nghĩa “tiền công đức”. Lập luận đều đúng cả, không sai điểm nào và rất có sức thuyết phục Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viện dẫn các quy định của Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, viện dẫn niềm tin, giáo lý, lễ nghi Phật giáo để khẳng định việc Dự thảo Thông tư quy định Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng “tiền công đức” là không bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của Giáo hội và nhà tu hành thành viên Giáo hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính phân định rõ ràng, minh bạch “tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành” hoàn toàn khác với “tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội” và khuyến nghị Nhà nước không nên thế tục hóa tính thiêng của tiền công đức. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thành việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu chi “tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” và đề nghị Bộ Tài chính hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng: hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi “tiền công đức” hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa “tiền công đức” và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức” được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành. Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn của tất cả các tôn giáo tại Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có ý kiến đối với việc quản lý thu chi tài chính tại các cơ sở tín ngưỡng khác không phải là cơ sở tôn giáo của Giáo hội như đình, điện, miếu, phủ đồng thời là di tích hoặc có hoạt động lễ hội. Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá: phải khẳng định rằng những điều biện luận mà họ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đưa ra cả về Hiến pháp, cả về luật đều đúng cả, chúng ta hoàn toàn không thấy họ sai ở điểm nào, và những lập luận logic trên tinh thần của Hiến pháp và pháp luật thì cũng rất có sức thuyết phục. Những phản ứng của Phật giáo như vậy rõ ràng là có căn cứ cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Bởi vì, dường như Phật giáo cảm thấy từ nay trở đi, tiền cơm hàng ngày cũng bị quản lý rồi. Rõ ràng, đây là điều hoàn toàn không chấp nhận được, kể cả người dân thường, chứ không nói là tổ chức. Để một văn bản pháp lý được đồng thuận cao đòi hỏi phải thống nhất về mặt luật, tức là về nguyên tắc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu ra Dự thảo Thông tư này vượt cả quyền của Nghị định, của Luật. Bộ Tư pháp khi góp ý cho Dự thảo Thông tư này cũng thấy như vậy. Dự thảo Thông tư đưa vào cả những quy định về nguyên tắc cho tiền, nguyên tắc chia tiền. Đấy không phải là thẩm quyền quy định của Thông tư. Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đề nghị: phải thống nhất các cấp độ văn bản, Thông tư phải thống nhất với Nghị định, Nghị định phải thống nhất với Luật, chứ không thể có chuyện trên thì lỏng, dưới thì chặt hoặc trên hẹp, dưới mở, tức là tạo ra một sự bất nhất và như vậy sẽ không đúng phạm vi của luật. Làm đúng quy trình thì đỡ bị phản ứng quyết liệt như vừa rồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đối tượng tác động trực tiếp của Thông tư về quản lý tiền công đức nhưng không được Bộ Tài chính lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015."Rõ ràng, việc xây dựng Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính là chưa đúng quy trình, chưa lấy ý kiến của đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, do đó gặp phản ứng như vậy, rất không tốt, không có lợi cho vấn đề tuyên truyền." |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hằng
https://phatsuonline.com/trung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc/