Chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức Hòa thượng Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN: Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Đào Như; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban giáo dục Phật giáo TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức trong Ban thường trực HĐCM, HĐTS, lãnh đạo BTS GHPGVN 63 tỉnh thành trong cả nước.
Về phía lãnh đạo chính quyền có: Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Văn An – Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên thường vụ thường trực Bộ chính trị, nguyên ; bà Nguyễn Thị Doan – Nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cùng sự tham dự của quý vị đại biểu lãnh đạo các bộ, ban ngành TW.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có: ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch; ông Ngô Sai Thực – Phó chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Vũ Chiến Thắng – Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ; ông Ngô Hoàng Ân – Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh; bà Vũ Thị Thu Thủy – Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Quynh – nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức TW, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh; ông Lê Ngọc Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải; ông Hoàng Văn Nguyên – nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng quý vị lãnh đạo một số các tỉnh thành phía Bắc và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã về tham dự đại lễ.
Mở đầu chương trình, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cung tuyên tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trần Nhân Tông là nhân vật văn hóa lớn, là người anh hùng dân tộc, vị hoàng đế để lại sự nghiệp chính trị lẫy lừng, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, người nghệ sĩ lớn, nhà nhân văn chủ nghĩa và là một lãnh tụ tôn giáo. Ngài để lại nhiều dấu ấn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực. Ngài được các nước trong khu vực và trên thế giới biết tới ngay từ đương thời cho tới hiện tại và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng ngày càng lớn trong tương lai.
Tiếp đến, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN thay mặt GHPGVN đọc văn tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Nhân dịp này, ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam phát biểu bày tỏ niềm vinh dự khi được dự lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn trên đất thiêng Yên Tử. Ông cảm ơn GHPGVN nói chung và BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nói riêng, “tất cả các cơ quan đoàn thể, các cá nhân đã – đang và sẽ tiếp tục bằng những hành động thiết thực của mình để những điều tốt đẹp nhất của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại tiếp tục được trao truyền, lấy đó làm nhân tố hết sức quan trọng để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, để đất nước Việt Nam của chúng ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn. Điều quan trọng nhất là để tình yêu đồng loại, yêu hòa bình, yêu thiên nhiên được thể hiện trong mỗi việc làm của mọi người, mọi cơ quan. Nhất là trong điều kiện quá trình đổi mới hiện nay, bên cạnh việc khơi dậy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, chúng ta cần hết sức bằng cả tấm lòng và bằng sự tuân thủ pháp luật để tất cả những biểu hiện gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, gây mất ổn định xã hội hay những hành vi vì lợi ích của riêng mình mà xâm phạm tới lợi ích của cộng đồng thì phải cùng nhau đấu tranh để dẹp bỏ”. Ông mong rằng tất cả mọi người đều có tấm lòng và trí tuệ để cùng nhau tiếp bước viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, xứng đáng là con cháu của Phật hoàng Trần Nhân Tông, là con Lạc cháu Hồng.
Sau đó, Thượng tọa Thích Thanh Quyết công bố khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm Yên Tử và phát biểu cảm tạ.
Thượng tọa cho biết “Yên Tử được tôn vinh là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Năm 2005, được sự quan tâm của TW Giáo hội và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Quynh đã chuyển giao cho Phật giáo Quảng Ninh đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình Tôn giáo bằng nguồn vốn xã hội hóa. Sau hơn một năm tích cực thi công, ngày 12/12/ÂL (2006), Phật giáo Quảng Ninh tổ chức khánh thành Chùa Đồng, nặng hơn 70 tấn đồng nguyên chất, ở độ cao 1068m, đáp ứng tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử cả nước, nâng số lượng Phật tử về Yên Tử tăng gấp 3 lần so với trước. Phật giáo Quảng Ninh tiếp tục tiến hành đúc tượng Phật hoàng tại An Kỳ Sinh, nặng 138 tấn đồng nguyên chất, cao 12,6m nguyên khối, ở độ cao hơn 900m so với mặt nước biển. Ngày 01/11/ÂL(2013) nhân đại lễ tưởng niệm 705 năm, GHPGVN long trọng tổ chức khánh thành Bảo Tượng Phật hoàng. Nâng khách về Yên Tử đạt 2 triệu lượt/năm. Đây là 2 công trình tâm linh, kỳ vĩ, độc đáo nhất của Yên Tử và Phật giáo Việt Nam.
Tiếp theo, Phật giáo Quảng Ninh xin phép lãnh đạo tỉnh, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa Trúc Lâm tại bến xe Giải Oan cũ, bao gồm: khu văn hóa tâm linh, khu dịch vụ, phục vụ. Các công trình dịch vụ, phục vụ do công ty Tùng Lâm làm chủ đầu tư, quản lý, vận hành. Các công trình văn hóa tâm linh như Cung Trúc Lâm, Điện Giác Hoàng do Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó cung Trúc Lâm là công trình đồ sộ nhất với tổng diện tích hơn 6000m² xây dựng, kiến trúc bản sắc văn hóa dân tộc, vị trí lưng tựa vào dãy núi Yên Tử có chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng. Mặt hướng khê giao thủy tụ, lại có núi bình phong trước mặt. Tả Thanh Long Hữu Bạch Hổ, thực thể thế phong thủy hiếm có. Tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ, khởi công vào cuối năm 2016, khánh thành đúng vào dịp đại lễ tưởng niệm 710 năm. Cung Trúc Lâm khánh thành cùng với Chùa Đồng, tượng Phật hoàng và các công trình khác tạo cho Yên Tử một diện mạo mới, vừa bảo tồn vừa phát huy, nối liền quá khứ hiện tại và tương lai. Xứng tầm là kinh đô Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, để đồng bộ, Phật giáo Quảng Ninh vẫn song song trùng tu, nâng cấp các công trình xuống cấp …với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ. Đặc biệt năm 2008, Phật giáo Quảng Ninh đã đón Vesak về với Yên Tử, hình ảnh Yên Tử ra quốc tế từ đó. Cuối năm 2008, GHPGVN đã long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Với sự tham dự của hơn 7 vạn Tăng Ni, Phật tử, nhất là sự tham dự, phát biểu của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã làm cho Yên Tử như tiếp thêm một sinh khí mới. Sự kiện 700 năm đã để lại dấu ấn sâu sắc cho sự phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và Phật giáo Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Đồng thời, Thượng tọa cũng xúc động bày tỏ niềm tri ân tới Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ: “Đặc biệt trong dịp Đại lễ tưởng niệm 710 năm, lễ khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm cũng đúng vào dịp Giáo hội tưởng niệm 7 năm ngày viên tịch của cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ - nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHGVN, nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh. Hòa thượng đã định hướng, mở ra cho Phật giáo Quảng Ninh một trang sử mới. Những thành tựu mà chúng ta có được hôm nay mới chỉ là một phần nhỏ tâm nguyện của Người. Đặc biệt đối với Yên Tử, Người luôn mong được phục hưng, phát triển. Trước khi lâm bệnh, cuối năm 2009 Hòa thượng còn lên An Kỳ Sinh, đỉnh lễ mẫu tượng Phật hoàng và nhìn lên chùa Đồng, tâm tự mãn nguyện, như Đức vua Trần Nhân Tông hơn 700 trước lên núi Bảo Đài Sơn dạy: “Vạn sự thủy lưu thủy - Bách niên tâm ngữ tâm” nghĩa là: Trăm năm lòng mãi dặn lòng. Cuộc đời như nước xuôi dòng mà trôi”. Hòa thượng là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam, là trụ cột vững trãi đặt nền móng cho sự phát triển Phật giáo Quảng Ninh, là điểm tựa tâm linh, tinh thần cho Yên Tử. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nhất tâm suy tôn Ngài làm vị Tổ lớn của Yên Tử chúng con”.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, chư tôn đức Tăng Ni cùng quý quan khách và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, cung tiến Phật hoàng và cầu nguyện quốc thái dân an.
Sau đó, chư tôn đức giáo phẩm cùng quý quan khách đã thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành giai đoạn I cung Trúc Lâm Yên Tử.
Kết thúc buổi lễ, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cùng quý quan khách đã thả bóng bay và phóng sinh chim bồ câu cầu nguyện cho đất nước hòa bình, nhân dân an lạc hạnh phúc, khép lại đại lễ thành tựu viên mãn.
Thập Bát Công - Hoàng Tuấn - Diệu Tường