Tác phẩm dự thi “Nguyện Làm Con Thảo” – Tâm thư: “Về Đi Em” – Tác giả: Hạ Lam

VỀ ĐI EM…

Hạ Lam

Cành phượng già khẳng khiu thốc vào mái tôn kêu lên những tiếng rền rĩ, tiếng gió rít gào qua cửa sổ mỗi lúc một lớn làm nó giật mình tỉnh giấc. Lại một đêm mưa. Nó đứng dậy kéo lại chiếc áo khoác tìm chút hơi ấm, khẽ bước đến khép hờ ô cửa sổ đang mở toang để những giọt mưa lất phất bay vào. Trời mấy hôm rày mưa. Mưa rả rích suốt đêm như thế, để rồi miền Trung lại oằn mình với bão. Nó đưa đôi mắt nhìn ra bên ngoài, một vùng trời đen ngòm, chỉ còn leo lét ánh đèn xa xa của những mái nhà vọng lại. Tiếng gió. Tiếng mưa. Tiếng tắc kè buông dài. Trong căn nhà nho nhỏ, từ radio ngân lên giai điệu: “Má là vòng tay ấp ôm con qua những ngày đông, Má là dòng sông để con tắm mát trưa hè.” Nó miên man theo những câu hát để rồi hình ảnh về má, về căn nhà nhỏ, về những ngày mưa ùa về trong tâm trí. Nước mắt nó theo sóng mũi trượt xuống cằm, rơi xuống. Từ khi nó nhận thức được, nó đã ở mái ấm - nơi dành cho những đứa trẻ mồ côi rồi. Nó không có ba, cũng không có mẹ, không có bất kỳ một người thân nào. Người ta lượm nó trong cái thùng mì đặt trước cửa mái ấm khi nó đang khóc ré lên, trên người quấn một tấm khăn thô cũ kỹ. Nó lớn lên trong mái ấm như thế. Đến một ngày, có người đàn bà xa lạ tự xưng là má nó đến rước nó về. Nhưng đau thương khiến nó không thể chấp nhận được khi người đàn bà ấy đã vứt bỏ nó vào lúc nó cần sự yêu thương, chăm sóc của bà nhất. Nó lao đi khỏi nhà trong một đêm mưa giông tầm tã khi má giáng cho nó một cái tát tay đau điếng. Lúc đó nó đã nghĩ, giá như có chiếc xe nào chạy qua cán chết nó ngay lúc này để nó không phải sống những ngày tủi hổ. Giá như nó chưa bao giờ được sanh ra, giá như nó có thể chết ngay bây giờ để cho má phải day dứt và ân hận cả phần đời còn lại. Nó cứ lang thang vô định như thế, không có lấy cho mình một lẽ sống, một ước mơ dù là nhỏ nhoi nhất để vực mình ra khỏi cuộc sống chán chường ấy. Và nó định sẵn má không được phép hiện diện trong cuộc đời nó thêm bất kỳ một lần nào nữa. Để rồi mỗi khi bất chợt ai đó nhắc đến má, trong ánh mắt nó hiện lên không chỉ là sự căm hận mà còn là sự thờ ơ lạnh lùng. Cứ như thế nó khép lòng mình lại, không muốn tiếp xúc với ai và trở nên ngang bướng, ương ngạnh. Dần dần, chuyện không có má trở thành vết thương không bao giờ lành lại được với nó. Chuông điện thoại reo cắt ngang dòng hồi ức của nó, tiếng dì út nghẹn ngào qua điện thoại: - Về nhà đi, má bây không còn nhiều thời gian nữa. Chẳng nói chẳng rằng, nó vô thức dập máy đứng như trời trồng hồi lâu. Đây chẳng phải là điều nó mong ước bấy lâu sao, má sẽ mãi không xuất hiện trong cuộc đời nó nữa. Nhưng tại sao giây phút đó nó không cảm thấy hạnh phúc, trái tim nó tại sao lại đau đến như vậy, nước mắt nhòa đi, cuống họng nghẹn lại. Nó vội vàng đón chuyến xe sớm nhất trở về, quang cảnh xung quanh vẫn vậy, căn nhà nhỏ vẫn vậy như chẳng hề có cuộc chia cách bao năm. Vậy mà lòng người đã thay đổi quá nhiều. Má nằm đó, trên giường bệnh với ống truyền dịch đâm sâu vào đôi bàn tay chai sần, gầy guộc theo năm tháng. Khuôn mặt má hốc hác như già thêm chục tuổi, đôi mắt với những quầng thâm sâu trũng đến thương lòng, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì đó nghe không rõ. Vừa trông thấy nó, hai dòng nước mắt nóng hổi nơi má tuôn trào. Má cố gượng dậy để được nắm tay nó, để được sờ khuôn mặt của nó, để nhìn nó thật lâu cho thoả mãn nỗi niềm nhung nhớ, nhưng nó luôn né tránh đôi bàn tay đó. Nó ngồi bên má hồi lâu, chẳng nói chẳng rằng cho đến khi dì út hấp tấp trở vào với cặp cà - men cháo trên tay, phá tan bầu không khí ngột ngạt ấy. Nó về nhà sắp xếp thêm cho má vài bộ quần áo. Trong lúc tìm trong tủ quần áo của má, nó thấy một cuốn sổ đã bạc màu cùng một cuốn sổ tiết kiệm nhỏ nằm bên cạnh. Tò mò nó mở ra xem. Cuốn sổ tiết kiệm của má, nhưng người thừa hưởng lại mang tên nó. Nó lặng người đi. Mở cuốn sổ nhỏ màu bạc cũ bên cạnh, là cuốn nhật ký của má, cả đời má với những buồn – vui, yêu – ghét, xấu xa, tủi hổ cùng niềm ân hận – day dứt đều chất chứa trong đó. Nó lật từng trang rồi lại từng trang, đọc từng dòng, từng dòng rồi mắt nó nhoè đi theo con chữ. Nó ngồi thụp xuống, trái tim như bị ai đó bóp nghẹt làm nó không thể thở được nữa, hai dòng nước mắt nóng hổi nơi khóe mắt cứ thế tuôn ra. Nó hối hận vô cùng. Cuộc đời má được dệt lên bằng nước nước mắt, nước mắt đau khổ vì người đàn ông mình yêu thương nhất ruồng bỏ, nước mắt của sự ân hận day dứt vì phải bỏ lại đứa con chưa đầy hai tháng tuổi, lại đến những giọt nước mắt đau thương vì đứa con bất hiếu như nó. Những đau thương của má cùng nỗi day dứt chưa bao giờ mất đi, nó ngưng đọng bên dòng thời gian để má mang theo cả cuộc đời, để vương lên khoé mắt má những vết hằn của năm tháng, hay lẫn đâu đó vào nỗi buồn của những giọt lệ mỗi khi nhớ về chuyện cũ. Những lúc đó, đôi mắt má trở nên u sầu nhìn về một hướng xa xăm, buông tiếng thở dài nghe thật ão não. Bắt đầu từ ngày đó. Ngày chị biết tin mình có thai, chị vừa hoang mang lo sợ, vừa dấy lên một niềm vui ngọt ngào khôn tả ở trong tim. Thế là một sinh linh bé nhỏ đang cựa quậy trong bụng chị, là kết tinh tình yêu ngọt ngào của chị và anh - người chị đã dành cả thanh xuân để yêu, dành hết yêu thương để theo đuổi. Nhưng đáp lại niềm hạnh phúc của chị là thái độ lạnh lùng đến chua xót của anh “Anh đưa tiền, ngày mai em đến bệnh viện phá nó đi. Chúng ta còn quá trẻ”. Vậy là anh lẳng lặng quay lưng, để lại cho chị niềm tái tê đến cùng tận. Chị không biết đi đâu, chị không dám về nhà, không dám đối diện với ba má vì chị biết ba má chị luôn khinh bỉ những con người ăn cơm trước kẻng. Nếu biết con gái đang học mà lỡ có thai chắc họ chết mất. Chị lang thang suốt đêm. Chị khóc cạn nước mắt. Nhưng chị không muốn đứa trẻ phải chết, nó là một sinh linh vô tội. Thế rồi, chị rời đi, bỏ ngang giấc mơ còn dang dở nơi giảng đường đại học. Tìm một căn trọ nhỏ, chị làm tất cả mọi việc có thể để có tiền chờ đến ngày sinh, lo cho đứa nhỏ. Khi tưởng chừng những tháng ngày băng giá của đời chị dần tan bằng tiếng khóc non nớt của con trẻ thì trớ trêu thay, giây phút chị được nhìn thấy khuôn mặt đáng yêu của con trai cũng là giây phút chị hay tin sét đánh ngang tai từ bác sĩ “cháu bé mắc phải chứng bệnh tim bẩm sinh, cần phải thực hiện phẫu thuật”. Nước mắt giàn giụa, chị ôm chặt đứa con trai chưa đầy hai tháng tuổi mặt mày xanh ngắt như tàu lá đang khóc nhèo nhẹo vì khát sữa. Nó oằn mình lại, giơ đôi tay nhỏ bé chới với như đang cầu cứu, như đang vẫy vùng thoát khỏi cơn đau đứt ruột. Chị phải cứu nó, cứu lấy cuộc đời nó. Đứa con trai chị dứt ruột sinh ra... chị không thể chịu đựng nỗi việc nó sẽ chết trước mặt chị mà chị không làm được gì cho nó. Có người má nào không yêu con mình. Có người má nào không hạnh phúc khi lần đầu nghe tiếng con trẻ bi bô gọi “má ơi” trên đôi môi nhỏ nhắn. Có người má nào không vui sướng khi thấy con trẻ lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Có người má nào không sung sướng khi con yêu sà vào lòng má để được nũng nịu yêu thương, ríu rít kể cho má nghe về câu chuyện cô bạn bàn bên... Nhưng chị chọn cho mình tình yêu thương không giống ai. Chị không muốn vì sự ích kỷ của mình mà bán mạng sống con chị cho tử thần. Nó có quyền được sống những ngày tốt đẹp hơn, được ăn uống đầy đủ hơn, được chăm sóc tử tế hơn chứ không phải là những ngày cơ cực khát sữa như bây giờ. Rồi người ta sẽ cho nó những ngày ấm êm - hạnh phúc, hoặc ít ra nó cũng không phải oằn mình chịu đau đớn như lúc này. Chị quyết định bỏ nó, trước cổng cô nhi viện. Và cứ thế nước mắt nước mũi tuôn dài, chị không dám một lần quay đầu lại. Chị nghĩ, chị sẽ quên. Quên đi quá khứ để bắt đầu lại từ đầu. Nhưng càng cố quên thì nó càng khắc sâu hơn vào tâm trí chị mà thôi. Rồi từ năm đó, chưa bao giờ chị có thể trọn giấc. Tiếng khóc ngằn ngặt vì khát sữa, vì đau đớn cùng khuôn mặt xanh xao quá đỗi rõ ràng của đứa trẻ cứ bấu chặt lấy chị hằng đêm. Rồi giật mình tỉnh giấc, chị vô thức đưa đôi bàn tay quờ quạng trong màn đêm tìm chiếc mền đắp lại mảnh hình hài nhỏ bé của con. Rồi đến một ngày, khi không chịu đựng được nỗi việc chỉ có thể ngắm nhìn con trai từ xa cùng nỗi ân hận - day dứt khôn nguôi, khao khát yêu thương trỗi dậy mạnh mẽ trong chị. Chị quỳ sụp xuống trước mặt viện trưởng, nước mắt ướt đẫm trên khuôn mặt, giọng chị run run: - Có lẽ quá muộn màng, nhưng xin hãy cho con một cơ hội để chuộc lại những lỗi lầm con đã gây ra. Con sẽ yêu thương, bù đắp cho nó bằng cả quãng đời còn lại của mình. Nó chạy vào, đôi mắt to tròn nhìn chằm chặp vào người đàn bà đang quỳ trước mặt. Nó nhận ra bà, bà là người chiều nào cũng đứng trước cổng trường nó như đợi một ai đó, đôi mắt lúc nào cũng đỏ hoe như chực trào những giọt nước mắt. Đôi lúc bà mua cho nó vài cái bánh, đôi lúc là chai nước ngọt, nhưng chưa bao giờ nó thấy bà ta nói chuyện. Nhưng bà ta không phải là má nó. Nhất định không phải... Nước mắt nó rơi xuống, giọng đanh lại: - Bà sinh ra tôi rồi bỏ tôi. Bà lấy tư cách gì để nói, bà là má của tôi? Bà lấy tư cách gì để bắt tôi quay về nhà với bà? Bà lấy tư cách gì... Tiếng quát của viện trưởng cắt ngang lời nó: - Việt An, em không được hỗn với người lớn như thế. Nhưng dường như nó chẳng còn nghe viện trưởng nữa, nó gào lên: - Lúc tôi lên cơn sốt, lúc tôi đau đớn vì bệnh tật, bà ở đâu? Lúc tôi bị bạn bè dè bỉu, chế giễu vì không có ba mẹ, bà ở đâu? Nửa đêm tỉnh giấc tôi gọi mẹ, bà ở đâu?... Nghe những lời trách cứ từ con trai, trái tim chị dường như vỡ vụn, nước mắt lăn dài trên má, chỉ cảm nhận được sự nóng hổi và mặn chát. Đôi môi chị mím chặt không nói thành lời. Chị ôm chặt nỗi ân hận vào lòng, đem hết yêu thương để bù đắp cho nó nhưng nó không cần chị, không cần tình yêu thương đó. Và trong một đêm mưa tầm tã, dáng chị liêu xiêu tìm nó khắp mọi ngóc ngách. Cuối cùng chị thấy nó trong một quán Net ven đường, vì quá tức giận chị đã giáng cho nó một cái bạt tai. Nó vùng ra khỏi bàn tay chị, lao người trong cơn mưa. Khép cuốn nhật ký lại, nó lao thật nhanh đến bệnh viện, ôm má thật lâu trong sự ngỡ ngàng của má và dì út. Nước mắt nó tuôn rơi, nghẹn ngào trong tiếng nấc: - Má… Con xin lỗi má, xin lỗi vì đã từng hỗn hào với má, xin lỗi đã làm má khóc rất nhiều vì con, xin lỗi vì đã trách lầm má suốt bao nhiêu năm qua, xin lỗi má vì tất cả những lỗi lầm con gây nên cho má... Má ơi… má tha thứ cho con nghen má? Đôi môi run run, giọng chị đứt quãng nhỏ dần, rồi nấc lên nghẹn ngào: - Má xin lỗi con! Má xin lỗi! Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt chằng chịt những nếp thời gian cùng niềm hạnh phúc vô tận của chị khi được ôm con trai vào lòng. Đây là sự thật, không còn là giấc mơ của chị nữa rồi. — Về đi em, một chiều thứ bảy. Về đi em, bên má bên ba. Để được nhìn đôi tay gầy guộc của ba lâu hơn, để cảm nhận được những sợi đen sợi bạc trên đôi mái đầu của mẹ, về để thấy được dấu thời gian đang hằn lên khóe mắt ba mẹ, để được nằm trong vòng tay yêu thương ấy và nói rằng: - Má ơi, ba ơi! Người có biết hay chăng? Biết gì? - Biết là con thương Người nhiều không! Để ba má vỡ oà trong niềm hạnh phúc vô tận, để ba má trân trọng nâng niu món quà tình thương vô giá ấy, để ba má đem gói trọn tình yêu mầu nhiệm ấy cất giấu trong tim như báu vật ngàn đời. Về đi em, một chiều thứ bảy. Về bên tình yêu mầu nhiệm muôn đời để thấy được niềm hạnh phúc đang ngập tràn trong đôi mắt của mẹ, trong nụ cười của ba. Về đi em...
Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Trị sự PG cùng các Ban, Ngành Quận 3 và Công an Quận 10 chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội

PSO - Sáng ngày 20/1 năm 2025 (nhằm ngày 21/12 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra một buổi gặp gỡ chúc Tết giữa chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng các phái đoàn của Ban Trị sự Phật giáo Quận 3, Quận ủy, UBND, MTTQ Quận 3

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online