Tác phẩm dự thi “Nguyện Làm Con Thảo” – Tựa đề: “Hoài niệm hoa lau và cuộc đời của Mẹ" – Tác giả: Thích Thanh Tâm

HOÀI NIỆM HOA LAU VÀ CUỘC ĐỜI CỦA MẸ

Tỳ kheo Thích Thanh Tâm

  Một chiều mưa, cơn mưa nhẹ nhàng mà dai dẳng, âm ỉ. Không gian buồn, nhìn những cây lau với màu trắng không điểm xuyến sắc gì, nằm giữa triền đồi, cứ phất phơ như trêu cợt cuộc đời. Hoài niệm thân phận kiếp người sao lại nhỏ nhoi, mỏng manh và cô đơn thế! Nghe mưa rơi đếm lại thời gian cũ, Kỷ niệm nào mà mưa mãi lao xao. Chiều ký ức có còn như ký ức, Thời gian về và ai hết chiêm bao! Hoài niệm vần thơ giữa đôi bờ sóng vỗ, Bằng lăng rơi sao tím cả sắc trời. Đời mẹ đến và đi như nỗi nhớ, Trĩu nặng gầy lau trắng mãi phất phơ. Thời gian xoay vần không dừng nghỉ trong dòng chảy miên viễn của cuộc đời. Kỷ niệm buồn vui, thương nhớ, đố ai biết và nắm bắt được cho riêng mình. Hoài niệm, nghe thật đơn giản nhưng nặng trĩu lòng. Những kỷ niệm cũ đã một lần trôi qua, tưởng chừng như vết nhạn trên bầu trời không lưu dấu giữa dòng sông, song đã có những vết hằn lưu lại thì mỗi khi tái hiện trong dòng ký ức sẽ mang hương vị mới, đằm thắm và êm đềm như hơi thở. Đã bao mùa Vu lan trôi qua, con không còn mẹ. Đóa hoa trắng mùa Vu lan đã đi theo con suốt tháng năm dài. Kể từ hôm nhận giấy báo Đại học, là lúc mẹ về bên kia thế giới. Con chỉ kịp run rẩy để lên bàn thờ, không biết mừng hay tủi thân phận mìn. Bao con trăng đi qua, dòng sông Hương đã mấy lần bên bồi bên lở. Cái ngày định mệnh ấy, con chạy dọc bờ sông gào tên mẹ, chân con rỉ máu mà bóng mẹ nơi đâu. Chỉ có âm thanh con vọng lại như bỡn cợt một kiếp người. Từ đó với con, dòng Hương giang thơ mộng là ác mộng đời mình. Con lấy đá ném vào lòng sông, nó có biết đau không mẹ nhỉ, mà nhiều khi thấy tội nghiệp, nó oằn mình run rẩy mỗi lúc đông về. Con thu mình trong góc giảng đường khi nghe tụi bạn rôm rả rủ nhau về nhà sau mấy tháng rong ruổi vun vén tri thức. Con chẳng biết về đâu. Quê ngoại trong con là hình ảnh nhạt nhòa, mỗi lúc chiều về, có những lần, mẹ nhìn cánh cò trắng giữa trời không mà nước mắt như chảy ngược vào lòng. Nhà cũng đã ra đi theo mẹ khi con bước vào ngưỡng cửa Đại học, với hành trang chỉ vỏn vẹn bức hình mẹ thời con gái đã bị hoen ố bởi khói hương sậm màu tang tóc. Mẹ ơi, cuộc đời này đầy cám dỗ. Nhiều đứa rủ con chơi game, dùng thử ma túy, bài bạc, rượu chè, hút xách v.v... May mắn là con của mẹ có duyên với các khóa tu mùa hè nên không bị lôi cuốn. Nếu không có những khóa tu đó, không biết bây giờ con của mẹ đi về đâu? Mẹ biết không, con cũng bị xoáy vào dòng chảy xã hội, lấy người này người kia làm “thần tượng” rồi sống theo kiểu cách của họ. May thay trong một khóa tu mùa Hè ở chùa Bằng - Hà Nội, trong giờ Pháp đàm, có một vị Thầy trẻ chia sẻ khiến con không còn chạy theo ảo mộng đó nữa. Thầy dạy, “có một vấn đề xã hội nóng bỏng mà các con bây giờ đang nằm trong vòng xoáy đó. Nếu không nhận thức được vấn đề, các con sẽ bị chìm đắm trong cái phù du ấy. Ai cũng muốn mình học theo cách ăn mặc, làm theo kiểu dáng của những người nổi tiếng để tỏ ra ta đây là người hiện đại. Song các con thấy đó, cứ chạy theo hình dáng bên ngoài của thần tượng để rồi khi hình dáng bên ngoài của thần tượng thay đổi theo thời gian thì các con sẽ hụt hẫng, sẽ thất vọng, vì Thầy thấy, đa phần những người nổi tiếng mà các con bắt chước theo đó đều bị chê bai về vấn đề đạo đức. Người đam mê vẻ bên ngoài thường trống rỗng về đạo đức, về nét đẹp bên trong. Các con biết không, cái nết đánh chết cái đẹp, cho nên theo Thầy, các con muốn làm theo thần tượng thì nên học theo nhân cách đạo đức chứ đừng theo hình dáng bên ngoài. Các con muốn mình đẹp như người ta thì đừng mô phỏng theo hình dáng mà hãy vun bồi phước đức. Người đẹp là người có chút phước về sắc mà nếu không nhận ra để tiếp tục vun bồi thì cái đẹp đó sẽ biến mất. Cho nên, các con muốn mình đẹp như thần tượng thì nên nỗ lực tu phước để có thân tướng đẹp. Hãy tạo nên cái nhân tốt để có quả đẹp, chứ đừng chạy theo quả đẹp mà không vun bồi nhân tốt thì mãi mãi các con không bao giờ có được cái đẹp ấy. Các con muốn có cái phước để đạt được cái đẹp thì trong gia đình phải kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; ngoài xã hội thì giúp đở mọi người. Luôn hướng đến điều thiện để sống và hành động. Riêng đối với bản thân, phải kiên trì để vượt qua những thú vui mang lại khổ đau cho mình và cho gia đình, xã hội, hãy vui với niềm vui an lành mà các con đã được thấm nhuần trong nếp sống gia đình và trong những gì học hỏi được từ những khóa tu. Các con làm được như vậy, chính là báo được ân cha mẹ, báo được ân Tam Bảo, ân Thầy Tổ. Các con không cần tốn nhiều lời, tốn nhiều nước mắt để khóc mới thể hiện lòng biết ơn đó, hãy thể hiện bằng hành động trong cuộc sống, trong nếp nghĩ. Thầy không mong nhìn thấy các con khóc mà muốn các con sống xứng đáng với những gì đã được học hỏi và tu tập trong khóa tu này, để cha mẹ các con tự hào về nếp sống của con mình.” Nhờ những lời dạy trong khóa tu mùa hè đó mà con của mẹ trưởng thành, không bị dòng đời sai xử, không bị cuốn vào dòng chảy mê lầm. Con đã thấy được con đường an lành, đã có nơi nương tựa mỗi lúc bão giông về, khi mẹ không còn bên con. Mẹ ơi, lại một mùa Vu lan này con không còn Mẹ trên đời, nhưng năm nay, cầm đóa hoa trắng cài lên ngực và con hứa sẽ không khóc như mọi năm. Con đã thấy mẹ giữa cuộc đời con, thấy mẹ trong con. Ngày xưa, khi đọc “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy. Có thấy hồn lau nẻo bến bờ,” con hay khóc, hay quay quắt nhớ mẹ trước cảnh trời chiều, bởi cỏ hoa lúc đó đã trở thành một niềm đồng điệu. Mẹ ơi, linh hồn của hoa lau là biểu hiện của khí sắc, thần thái, hồn vía giữa đại ngàn. Con hay ngẫm nghĩ câu thơ ấy mỗi khi nhìn hoa lau và tưởng tượng như một bức tranh thủy mặc có dáng người mẹ mờ nhạt với màu cỏ trắng như màu tóc mẹ trải cùng thời gian cho đời con trưởng thành. Và mẹ ơi, hoa lau được ví như đời mẹ, cũng là đời con sau này và cũng là thân phận vô thường của kiếp nhân sinh. Hoa ôm nỗi cô đơn khủng khiếp lan tỏa từ bóng lau cô lạnh. Sắc hoa trắng run run cố giấu trong lòng hoa một niềm kiêu hãnh riêng tư. Mặc cho mưa gió dập vùi, cây lau nhỏ vẫn bi tráng đứng giữa trời đất. Hoa tự làm ấm mình trong lạnh lẽo, uống trọn sương mù để nuôi lấy một màu hoa, trắng suốt ngày nắng, trắng suốt đêm mưa và trắng trong bóng tối u hoài. Màu trắng cỏ lau đã vượt qua sự thanh khiết, vượt qua cả định mệnh an bài để cất tiếng nói hồn nhiên giữa ngàn trùng mây núi. Có gì nhỏ nhoi và mỏng manh hơn cỏ lau, nhưng có gì hùng tráng, hi sinh hơn cỏ lau khi một mình cỏ đứng giữa trần ai, vươn chiếc ngực khô khắc lau sậy đón nhận cuồng nộ của những trận phong ba bão táp. Từ đó, qua hình ảnh hoa lau, con đã nhận chân được ân sâu của mẹ, sự hi sinh thầm lặng để con nên người và cũng là lời dạy vô thường của Đức Phật về sự mong manh của kiếp người. Mẹ ơi, màu trắng đóa hoa Vu lan năm nay, màu trắng cỏ lau mong manh giữa núi đồi, màu trắng của kiếp người, màu trắng trinh nguyên của đời mẹ, tất cả con đều ôm vào lòng. Mẹ ơi, lại một mùa Vu lan nhớ mẹ!

Trung ẩn sơn, Thiệu Long tự, mùa Vu lan 2020 Thích Thanh Tâm

Mời quý vị cùng lắng nghe bài dự thi của tác giả Thích Thanh Tâm qua giọng đọc của MC Duy Vũ:
Download Android Download iOS
Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024

Chiều ngày 22-12-2024, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và đầy cảm xúc với lễ bế mạc và trao giải thưởng. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những nỗ lực vượt bậc của các Phật tử mà còn là lời khẳng định cho giá trị bền vững của giáo lý Phật Đà trong đời sống cộng đồn

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Cà Mau: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh khánh thành cầu và tặng quà cho đồng bào nghèo xã Tân Đức

Sáng nay, ngày 22/12/2024 tại huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, Ni sư Thích Nữ Diệu Chánh, Phó Ban Trị sự, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh, phối hợp cùng chánh quyền địa phương tổ chức khánh thành cầu nông thôn và tặng 60 phần quà đến đồng bào xã Tân Đức.

Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024

Chiều ngày 22-12-2024, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và đầy cảm xúc với lễ bế mạc và trao giải thưởng. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những nỗ lực vượt bậc của các Phật tử mà còn là lời khẳng định cho giá trị bền vững của giáo lý Phật Đà trong đời sống cộng đồn

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online