Tác phẩm thi VIẾT: CHA MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG - Tác giả: Thích Nữ Thảo Nhã

Nghe đọc bài:

CHA MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG



Quê hương là gì hả mẹ. 


Mà cô giáo dạy phải yêu


Quê hương là gì hả mẹ.


Đi xa ai cũng nhớ nhiều”


Bạn đã từng nghe câu nói: “Cha mẹ ở đâu thì nơi đó chính là nhà”. Bạn nghĩ sao về một mái nhà? Có phải là nơi có cha và mẹ, nơi có tình thương, cho bạn cảm giác ấm áp và cũng là nơi để bạn trở về sau những vấp ngã. Nhưng nếu ngôi nhà ấy không còn cha mẹ nữa, cảm giác của bạn sẽ ra sao? Có phải là sự trống vắng, bởi nơi đó đã thiếu đi một tình cảm thiêng liêng cao quý.


Vâng đúng vậy tình thương mà cha mẹ dành cho con mình là thứ tình cảm vô giá, nó trong suốt như hạt mưa cứ thi nhau rơi để hạt mầm nảy nở. Con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiền hòa sông nước miền Tây, nơi có hai mùa mưa nắng với những người dân quê chơn chất thật thà, nơi có mái nhà thân thương, mỗi trưa hè bên cánh võng là lời ru của mẹ đưa con vào giấc ngủ say nồng, lời ru đó như dòng sữa ngọt đã nuôi con khôn lớn từng ngày. 


Ngày ấy nơi vùng quê còn nghèo khó, người nông dân thì chỉ biết bán lưng cho đất, bán mặt cho trời, và cha mẹ cũng vậy ngày ngày phải ra đồng từ sáng sớm, tần tảo trên mảnh ruộng, những giọt mồ hôi cha ướt cả áo và rơi xuống những cây lúa đang trổ bông. Con nhớ lúc đó nhà mình khó khăn lắm, mẹ đã phải làm rất nhiều nghề để có tiền nuôi đàn con thơ dại. Với gánh xôi trên vai, mỗi sáng mẹ phải dậy thật sớm để nấu đem ra chợ bán, không kể mưa gió, đường trơn. Đã vậy về nhà mẹ còn trồng thêm mấy luống rau để kiếm thêm thu nhập. Con thì chẳng giúp cha mẹ được nhiều chỉ có thể làm những công việc lặt vặt và trông nom các em. Vất vả là vậy nhưng cha mẹ không hề than phiền mà bàn tay mẹ vẫn ngày ngày chăm lo săn sóc, những bữa cơm đạm bạc muối dưa nhưng trong ngôi nhà vẫn tràn ngập tiếng cười.


Chị em con càng lớn thì gánh nặng của cha mẹ càng thêm nhiều, nên học xong cấp 3 con đã xin cha mẹ cho đi làm để phụ giúp gia đình. Con biết cha mẹ không muốn như vậy nhưng vì hoàn cảnh nên để con đi làm xa. Và từ đó con đã tạm xa rời vòng tay yêu thương của cha mẹ, tạm xa ba đứa em nhỏ thân thương. Những đồng tiền ít ỏi mỗi tháng con gởi về cũng giúp gia đình mình bớt đi phần nào gánh nặng áo cơm. 


Những ngày đầu xa nhà con nhớ lắm, không có cha mẹ ở bên con thấy mình bơ vơ như chú chim non rời tổ, nhưng rồi con cũng tập làm quen dần và sống tự lập hơn. Nghĩ lại sự vất vả của mẹ cha thì chút khó khăn của con có đáng là gì! Con nhớ cha vẫn thường hay nói “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” lời dạy đó cứ theo con mãi, giúp con khôn lớn nên người. 


Vì mải mê công việc nên con rất ít về thăm nhà, thế là mẹ lại gọi điện bảo: “Sao lâu quá không thấy về, dạo này con khỏe không?”. Con biết mẹ đang lo cho con, sẽ như thế nào giữa cuộc đời đầy cạm bẫy. Có những lúc buồn vui trong cuộc sống, sự va chạm với cuộc đời con mới hiểu chỉ có cha mẹ là người thương con vô điều kiện. Lúc nhỏ con ngây thơ hay ngước nhìn những đám mây trên bầu trời để mong tìm một vị Phật, nhưng con nào đâu biết có hai vị Phật luôn kề cận bên mình đó chính là cha và mẹ. Nhớ lại sự dại khờ của tuổi nhỏ, con đã không ít lần làm cho cha mẹ phải buồn, hãy tha lỗi cho con cha mẹ nhé, con yêu cha mẹ thật nhiều. Những ngày được sum vầy cùng gia đình, được quây quần bên cha mẹ và các em con hạnh phúc lắm. Thương con đi làm xa mẹ lại nấu cho những bữa cơm ngon, có món canh chua mà con ưa thích, món canh bình dị nhưng chứa đựng cả tình thương của mẹ. 


Năm tháng đi qua, các em giờ đã khôn lớn, hai đứa em đã trở thành cô giáo, một đứa đã yên bề gia thất, điều này làm con thật hạnh phúc vì con đã phần nào hoàn thành trách nhiệm một người chị hai. Ấy vậy mà con lại thấy buồn cha mẹ ạ, khi nhìn thấy tóc cha những sợi bạc đã nhiều hơn trước, xung quanh mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn, đôi bàn tay cũng chai sạm đi vì mưa nắng tảo tần.


“Mẹ cho con nắm bàn tay. 


Bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa.


Mẹ ơi, nếu lỡ một mai, 


Mẹ về với đất tay ai con cầm?”


Con đã tự hỏi lòng tại sao ngọn gió thời gian lại vô tình đến thế, chẳng thể nào giữ mãi thanh xuân của mẹ cha. Điều đó đã làm cho con nghĩ đến sự vô thường của một kiếp người mong manh giả tạm. 


Cho đến một ngày nhân duyên đầy đủ, con đã xin cha mẹ cho đi xuất gia. Cha không nói gì nhiều chỉ trầm tư bên tách trà, lo sợ con khổ cực, sợ con không kham nổi những thanh quy giới luật chốn thiền môn, còn mẹ thì lại khóc rất nhiều. Ngày mẹ tiễn con ra bến đò, giây phút chia tay con như muốn thời gian trôi thật chậm, để con được nhìn mẹ lâu hơn nữa, con thấy khóe mắt mẹ đã ngấn lệ, vì mẹ biết lần này con đi chắc sẽ thật lâu mới về thăm mẹ. Con bước đi mà lòng se thắt lại, tự nhiên con thấy mình có lỗi, thấy day dứt một điều gì, nó như làm bước chân con chùn lại. Đò đã ra giữa sông nhìn lên con vẫn thấy mẹ đứng đó, mắt con như nhòe đi, con thấy mẹ như một vị Bồ Tát đang hướng mắt nhìn về phía con. Cũng con đò này ngày xưa ngày hai buổi đưa con qua sông để đến trường, nhưng hôm nay nó đã đưa con gái mẹ đi xa, xa vòng tay của mẹ.


Mẹ à, con không đi xa đâu, bởi vì trong con vẫn luôn có cha mẹ, hình hài của con chính là sự hiện diện của mẹ cha. Ngày con xuất gia xung quanh bạn bè và mấy em ai cũng khóc, vì mừng cho con đã bước đi trên con đường lý tưởng, nhìn qua con thấy mẹ chỉ lặng lẽ rơi những giọt nước mắt. Con biết mẹ đã cố gắng kìm nén cảm xúc, mẹ không muốn con mềm lòng mà phải thật mạnh mẽ bước đi trên con đường đã chọn, còn cha thì thường ngày rất ít khi cúng lạy nhưng hôm nay cha đã chấp tay rất nghiêm trang trước tam bảo, để cầu nguyện cho con mình được thuận duyên trên bước đường tu học. Hình ảnh đó con làm sao quên được, con sẽ cất nó vào một ngăn của trái tim, để làm động lực trên hành trình vạn lý.


Xin cha mẹ hãy nhận nơi con ba lạy: “Lạy mẹ con đi xuất gia tu học kể từ đây, lạy mẹ con đi bước theo ánh đạo từ bi”. Mặc dù con đã đi ngược lại dòng thế tục, nhưng cha mẹ hãy yên lòng. Người thế gian thường bảo xuất gia là bất hiếu vì “Phụ mẫu tồn bất khả viễn du” cha mẹ còn tại thế phận làm con không được đi xa mà phải lo phụng dưỡng. Nhưng trong Hiếu kinh nói: “Dù một ngày giết đôi ba con vật để cúng hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ đưa nhau vào trầm luân, chịu muôn kiếp luân hồi. Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông ái sinh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ ngàn đời, đền ơn từ thân muôn kiếp.”


Thưa cha mẹ xin cho con được nói lời cảm ơn, điều mà từ lâu rồi con chưa dám nói. Cảm ơn cha mẹ vì đã sinh ra con trên cõi đời này, cho con có được hình hài vóc dáng, cho con một trái tim biết yêu thương và hơn hết là nhờ có được thân người này con mới có cơ hội theo bước Như Lai. Nguyện cho cha mẹ ngày càng tin sâu Phật pháp. Đó cũng chính là điều mà con tâm niệm nhất.


Lúc nhỏ mẹ hay dạy chị em con: “Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu, trăm việc ác không gì bằng bất hiếu”. Đạo đức luôn phát nguồn từ lòng hiếu thảo, nhất là những người con Phật, chúng ta lại càng phải đem hết tâm chân thành cung kính báo đáp ơn mẹ cha, Người đã hy sinh dạy dỗ ta nên người. Thật may mắn cho ai còn được cài bông hồng trên ngực áo, bởi lẽ khi bạn phải cài bông hoa màu trắng, trong lòng bạn sẽ có cảm giác nhung nhớ không nguôi. Có khi còn pha lẫn sự nuối tiếc, ân hận…Sự day dứt về điều gì đó chưa làm được cho cha mẹ. Vậy nên muốn làm điều gì cho hai đấng sinh thành thì hãy làm ngay bây giờ đi nhé, đừng chờ đợi bởi vì thời gian dành cho cha mẹ không còn nhiều. 


Con thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ luôn sống đời bình an vui vẻ với cháu con, để chị em con vẫn còn nơi nương tựa tâm hồn, để niềm hạnh phúc còn Cha mẹ vẫn luôn hiện hữu bên con. Và Cha Mẹ ơi, cho dù con có khôn lớn, có đi đâu chăng nữa thì đối với con Cha Mẹ vẫn mãi là quê hương là bến đỗ yên bình.


“Quê hương ơi hãy cho tôi gọi


Tiếng Mẹ Cha vọng mãi ngàn đời


Ôi thanh âm sao trầm hùng quá đỗi


Con nghẹn ngào gọi mãi không thôi!”












 


 

Download Android Download iOS
BR-VT: Bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Nguyện trụ trì chùa Hội Phước (TP.Bà Rịa)

PSO - Sáng ngày 21-11, Tại phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa, tỉnh BR-VT đã long trọng tổ chức Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Hội Phước (chùa Cây Dương) đến Đại đức Thích Minh Nguyện và Lễ húy kỵ cố Hòa thượng Thích Tâm Thiệu.

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Thiểu dục tri túc - Một góc nhìn về chủ nghĩa tiêu thụ và bảo vệ môi trường của Phật giáo

PSO - Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý.

TP.HCM: 245 Phật tử tham dự Hội thi Giáo lý Phật tử 2024 tại quận Phú Nhuận

Sáng ngày 17/11/2024, tại Tổ đình Kim Sơn (phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận đã tổ chức Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện năm 2024 với sự tham gia của 245 thí sinh. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, có sự chứng minh và tham dự của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận cùng đông đảo Ph

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online