PHƯƠNG XA NGHĨ VỀ BA
Ba ơi!
Thời gian thoáng chốc vụt qua, mau quá phải không ba? Mới ngày nào con chỉ là đứa nhỏ ngô nghê, giờ đây đã lớn, ba cũng già rồi. Ba biết không, những người từng gặp gỡ, lời quan tâm hay câu hứa hẹn con nghe cũng nhiều, nhưng thật lòng đối đãi thì được mấy ai? Có lẽ, không ai thay thế ba, đơn giản vì sự thật lòng và an toàn ba mang đến cho con.
Ba chưa từng nói lời yêu thương với mẹ hay con cái, ba không dịu dàng, không quan tâm hỏi han. Ba khô khan cứng nhắc, ba thường càm ràm nhiều thứ. Dường như ba không biết cảm thông hoặc lắng nghe! Mọi người thường nói như vậy về ba.
Thế nhưng trong kí ức của con, ba chẳng phải thế. Ngày đầu tiên vào lớp một, ba dắt con đến trường, đưa con vào tận lớp học. Ba chở con trên chiếc xe đạp cũ kỹ màu xám, chiếc áo sờn bạc che tấm lưng cao lớn của ba lấm tấm những giọt mồ hôi, con ngồi phía sau, đôi bàn tay bé xíu nắm chặt hai bên hông áo của ba. Ngày nắng ba đội cho con chiếc nón tai bèo, ngày mưa con lại rúc trong tà sau của áo mưa. Khi trời ngược gió, con sợ ba chở nặng nên ngồi nhổm lên với suy nghĩ như vậy sẽ nhẹ hơn, nhưng đâu biết rằng vẫn ngồi trên xe thì trọng lượng làm sao mất đi. Năm nắng tháng mưa hòa cùng gió cứ thế đi qua chuỗi ngày thơ bé của con!
Ngày Rằm lớn như lễ Phật Đản hoặc Vu Lan, ba chở con đến chùa, ba bảo: “
Lạy Phật, Phật gia hộ cho học giỏi!
”, con tin ba một cách trong veo, lên chánh điện lạy Phật cầu mong học giỏi nhưng vẫn không quên cầu cho ba khỏe mạnh. Những tối ba đến nhà người quen uống trà, ba chở con theo. Đi đám giỗ, ba chở con theo. Ngày nghỉ hè, con theo ba lên rẫy; con chơi một mình dưới gốc cây, ba ra cuốc đất giữa nắng trời oi ả, lâu lâu ba ngước lên nói vọng lại: “Khiêm, ở đó cho mát, đừng chạy ra nắng, ba làm thêm tí nữa rồi về”. Mỗi cái “tí nữa” của ba thế mà con chờ đợi thấy thật lâu, đôi lần con lủn đủn theo sau ba, ngồi đếm từng luống đất ba cuốc “một, hai, ba,…rồi lại một hai ba”, đếm mãi vẫn không hết bao khó nhọc đời ba. Chiếc lồng đèn trung thu đầu tiên trong cuộc đời con được làm từ lon sữa bò, đó không phải là chiếc lồng đèn đắt giá hay cầu kì nhưng là chiếc lồng đèn đẹp nhất vì được chính tay ba làm; về sau, con chẳng có thêm chiếc lồng đèn nào từ khi xa ba.
Năm tám tuổi con vào chùa ở, ba lại chở con trên chiếc xe đạp cũ kĩ ấy, con ôm túi quần áo ngồi phía sau ba, dọc đường ba mua cho con một gói bánh cốm. Lên cấp ba, con không muốn ở chùa nữa, con mượn điện thoại để gọi cho ba. Giữa trưa, cái nắng chan chát của xứ Phan Rang, ba đạp xe qua chùa để gặp con. Ba không nói gì chỉ lắng nghe những ấm ức của con, hai ba con ngồi dưới nắng suốt hai tiếng đồng hồ. Con đã nhìn thấy những giọt mồ hôi rơi trên khuôn mặt khắc khổ và nắng cháy của ba, đôi bàn tay chai sạn, lấm lem đất vì ba đang làm ở rẫy, thấy con gọi là ba qua chùa liền. Lúc đấy, con đã khóc thật nhiều, không phải khóc cho ấm ức của bản thân mà là khóc cho sự lam lũ của ba. Lần đầu tiên con khóc vì ba! Sau đó con không đòi về nữa vì thấy thương ba. Đôi khi hồi tưởng lại, có lẽ thời điểm đó nhờ có ba mà con đã kiên trì đi qua nỗi buồn trẻ dại.
Thời gian học ở Sài Gòn, con đã không gặp ba trong nhiều năm liền. Mãi đến mùa dịch Covid, ba có được một chiếc điện thoại cảm ứng cũ, ba đã gọi cho con. Quả thật con có chút bối rối vì không nhận ra giọng ba, cái giọng có vẻ chai sạn, già nua giống như ba, cái giọng mà lâu ngày không nghe con dường như quên mất. Ba gọi cho con vì sợ con ở Sài Gòn dễ bị mắc bệnh, dặn dò con phải uống nước gừng, ngậm muối loãng, con nói ba nhớ niệm Phật trong lúc đi làm… Khoảng thời gian đó, ba thường xuyên gọi con, cứ như thế đi qua hết mùa dịch. Sau dịch, ba bảo con làm giấy hiến tạng cho Trung Tâm Hiến Tạng Nhân Đạo, con hỏi vì sao ba lại hiến tạng. Ba nói: “
Ba không làm gì c
ó phước, ba nghĩ việc hiến tạng biết đâu giúp ai đó sống thêm và tạo ra phước, ba muốn đem phước ấy hồi hướng cho con tu hành tới nơi tới chốn! Cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp đó con!
”. Có lẽ vì sợ hại mạng chúng sanh, mà ba đã ăn chay trường, số năm ba ăn chay nhiều hơn số tuổi của con. Lại lần nữa con rơi nước mắt vì ba! Con chưa từng làm gì để báo hiếu cho ba, nhưng ngay đến lúc mất đi ba vẫn dành trọn thương yêu cho con.
Ba quan sát hành động của mỗi đứa con trong gia đình, ba luôn nói những lời khó nghe nhưng con biết trong lòng ba muốn các con tốt hơn. Ba luôn cộc cằn nhưng ba cũng có những nỗi buồn chẳng ai hiểu được! Con không sống nhiều bên ba, tuy nhiên năm tháng quá khứ của mình ba lại hoài niệm và chia sẻ với con, mong ước của ba cũng theo đó hiện lên. Con chưa thấy ba khóc bao giờ, nhưng con đã thấy những đêm khuya ba ngồi một mình trước hiên nhà với khói thuốc lá, đôi mắt xa xăm nhìn về khoảng không vô định. Ba đã già thật rồi, mái đầu không sợi đen, bờ vai không còn to lớn như lúc bé con ngồi phía sau xe đạp, bởi nhọc nhằn mưu sinh làm oằn đôi vai ba.
Con biết lúc nhỏ ba không được đi học nên ba muốn các con đi học để không chịu thiệt khi bước ra đời, đứa nào học được ba cũng mừng và cố gắng kiếm tiền đóng học phí. Ba không đi học nên những gì ba có là kinh nghiệm của một đời lam lũ tích lũy lại, nhưng kinh nghiệm của ba cũng chỉ xung quanh ruộng nương, con trâu cái cày, ba chưa từng đi những nơi xa lạ. Có thể với người khác, ba không phải là người đàn ông có chí lớn, nhưng với con ba là người ba tốt nhất với những gì ba có thể làm.
Khi biết tin con đi học nước ngoài nhờ học bổng, ba rất mừng. Thỉnh thoảng, ba gọi hỏi thăm tình hình của con và gửi thêm ít chi phí cho con bằng những đồng lương ít ỏi của ba. Đối với người có điều kiện, hai ba triệu chỉ là một bữa ăn nhà hàng, nhưng đó là nửa tháng lương thức đêm dưới sương gió của ba. Đến mùa táo, ba tranh thủ những ngày ra ca đi bán táo ở quảng trường thành phố kiếm thêm ít đồng cho gia đình. Có đêm trời trở lạnh, ba ngồi co ro mong bán hết sớm. Chính vì thấy ba bán hàng cực nhọc như vậy, nên khi mua hàng của bất kỳ ai con cũng không bao giờ trả giá, con thấy hình dáng ba qua người bán hàng. Ai cũng mong cuộc sống dễ chịu một chút!
Thỉnh thoảng, anh em ngồi trò chuyện cùng nhau, mới biết con là đứa duy nhất trong nhà chưa từng bị ba đánh đòn. Mẹ cũng hay nói, con là đứa được ba thương nhất nhà. Con không nghĩ vậy, con cái ba đều thương, nhưng nhân duyên, tính tình mỗi người không giống nên cách thể hiện cũng khác nhau. Có lẽ do con lắng nghe và hiểu phần nào tâm tư phía sau lời phàn nàn của ba, nhìn có vẻ như cộc cằn nhưng thực ra là sự yêu thương chân chất của ba diễn đạt một cách vụng về mà thôi. Con từng nói: “
Bây giờ ba cực,
chứ sau này ở với con là khỏe, ăn sơn hào hải vị không có chứ cơm rau cho người ăn chay như ba dễ ẹc
!”. Ba nói sợ già rồi lụm cụm làm phiền đến con. Một đời lam lũ, vất vả vì mưu sinh và đàn con thơ, vậy mà đến lúc già ba lại sợ phiền con cái.
Con không còn bé như xưa, nhưng trong tâm thức của ba con vẫn là đứa nhỏ cần được bảo vệ, ba luôn dặn dò mỗi khi con đi học xa. Đôi khi, con nghĩ mình không sinh trong gia đình đầy đủ điều kiện vật chất, nhưng được sinh trong gia đình có ba mẹ biết kính tin Tam Bảo, sống nhân hậu là một phước báu lớn của con mà không phải vật chất có thể đo lường được. Con tin vào nhân quả trong kiếp sống của mình cũng nhờ ba mẹ, dẫu năm tháng trôi qua có nhiều điều đau lòng nhưng niềm tin vào Phật pháp và nhân quả chưa từng lung lay.
Ba ơi! Con biết những lời này ba sẽ không đọc được, nhưng nhất định khi anh em trưởng thành, con sẽ tự mình đọc ba nghe. Giờ đây, con đã lớn, ba đã già, con chỉ cầu mong như lúc bé mà thôi: “
Nguyện trời P
hật gia hộ ba mạnh khỏe, bình an và tuổi già an nhàn bên con cháu
”.
Đêm khuya tĩnh lặng, viết vài dòng tâm tư về ba nơi quê nhà xa xôi…