TÌNH THẦY TRÒ
(Thích Nữ Giác Phổ)
“Cảm ơn mẹ cho con thể xác
Để con cười con hát con ca
Cảm ơn công đức của cha
Cho con tình cảm bao la tuyệt vời”
Hạnh phúc thay khi được làm con của bố mẹ, lại được tiếp nối trong dòng họ có truyền thống xuất gia. Tuổi thơ của con đẹp biết bao với những hình ảnh của người tu sĩ trong nét đẹp hiền hòa, vững chãi và thảnh thơi. Nó đã hun đúc ý chí xuất gia của con ngay từ tấm bé. Năm con lên chín tuổi sau khi được sự đồng ý cho phép của ba mẹ, con vào chùa tu học và được lớn lên trong tình thương, sự bảo bọc nuôi dạy của sư phụ. Kể từ khi đó, con như được tái sinh lại một lần nữa, sinh ra trong giáo pháp của Như Lai, và có thêm một cuộc đời mới. Con sống trong mái chùa đầy ắp yêu thương của sư phụ, có được thứ tình cảm thiêng liêng, không chỉ là tình thầy trò mà còn là tình thân ruột thịt.
Mùa Vu Lan về , con xin cảm niệm công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành, trong đó có ân đức cao vời của Thầy. Người đã sinh con ra trong ngôi nhà Phật Pháp và dưỡng dục con trong Chánh Pháp của Như Lai. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của người tu là tiếp Tăng độ chúng để duy trì mạng mạch Phật pháp. Tuy nhiên, việc nuôi chúng, độ đệ tử, dạy môn sinh… chưa bao giờ dễ dàng. Con được tu học cùng với sư phụ lúc tuổi còn ấu thơ. Bây giờ đến tuổi trưởng thành nhìn lại chặng đường trẻ người non dại mà mình đã lớn lên trong sự yêu thương, nâng đỡ, bảo boc, che chở và nuôi dạy của sư phụ làm con bồi hồi xúc động.
Có rất nhiều kỉ niệm làm con nhớ mãi không quên. Trong đó, con vẫn nhớ sáng hôm đó, như mọi ngày trong khi đại chúng ai cũng thức dậy đi công phu và chấp tác, còn con thì vẫn còn say ngủ. Vì tuổi còn quá nhỏ và lại được sự yêu thương của sư phụ nên con không phải thức dậy sớm, được phép ngủ nướng. Đợi đến giờ ăn có tiếng thỉnh bảng tập hợp mới chịu dậy. Người ta thì công phu tu tập miên mật, chấp tác hành trì, công quả phước đức đã đâu vào đấy, còn con thì ngủ còn chưa dậy, vệ sinh cá nhân cũng chưa làm, đợi đến giờ ăn mới hốt hoảng nhảy ra khỏi giường. Ngồi vào bàn ăn thì mắt nhắm mắt mở, sau tiếng niệm Phật và bắt đầu ăn thì con bậc khóc toáng lên làm sư phụ và huynh đệ hoảng hồn. Con vốn là một đứa trẻ nhác ăn và ham chơi, nên đối với con khẩu phần ăn mà chúng Tăng đã chia và để con giải quyết hết phần cơm của mình là một vấn đề. Sư phụ thấy con khóc liền hiểu ngay cớ sự. Vì sợ con để thừa cơm còn lại sẽ bị trách phạt, Người ôn tồn bảo rằng: “Con hãy ăn theo ý muốn của con, nhưng khi con không muốn ăn nữa thì hãy ăn thêm một muỗng cơm cho ba, một thìa cơm cho me, một thìa cơm cho sư phụ, các thìa cơm còn lại cho các sư huynh. Đó là con đâu phải chỉ ăn cho riêng con đâu mà con đang ăn cho mọi người nữa đấy, con có thương mọi người không, vậy con hãy gắng ăn thêm vì tình thương hướng đến mọi người nữa nha!”. Có lẽ, nếu trong bữa cơm hôm đó không có lời sư phụ dạy bảo khéo léo, an ủi khuyến khích như vậy thì con đã bị một trận đòn của sư huynh và không thể vượt qua với ý chí ăn cơm vì tình thương như vậy. Bây giờ mỗi lần nhớ lại con thèm lắm cái cảm giác được sư phụ bảo bọc chở che. Hình ảnh sư phụ tự tay bón cơm cho con ăn lúc con đau ốm vẫn còn hiện lên mãi trong tâm trí con. Sư phụ như người mẹ hiền, chăm lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ.
Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện đức hạnh, sư phụ có lúc ân cần dịu dàng như người mẹ hiền ấp ủ cho chúng ta đỡ những lúc gió sương, vỗ về an ủi khi vấp ngã, lỗi lầm, săn sóc từng giấc ngủ bữa ăn, quan tâm đến những vui buồn của con trong cuộc sống. Có khi cũng cứng rắn, nghiêm khắc như người cha, che chở cho con những lúc bão giông, rầy la quở phạt khi con sai lầm, ương bướng, khi đệ tử bước thấp bước cao gập ghềnh nghiêng ngả. Đúng thật sư phụ là người vừa làm cha vừa làm mẹ lại vừa làm thầy, trong một lúc Người phải đóng rất nhiều vai trò, bây giờ nghĩ lại mà thấy hạnh phúc vô cùng khi được làm đệ tử của Người.
Giáo dưỡng đệ tử bằng khẩu giáo thôi chưa đủ, những hình ảnh uy nghiêm của sư phụ, sự thân giáo của Người đã tác động rất lớn đến tâm hồn trẻ thơ của con. Các thời khóa thiền tọa, thiền hành, tụng kinh, sám hối, dùng cơm, chấp tác... sư phụ luôn có mặt với đệ tử. Lúc nhỏ con luôn thắc mắc và thủ thỉ hỏi sư phụ rằng: “Vì sao Người lại thương con như vậy, đó không chỉ là tình thương của người thầy dạy đạo, nó còn làm cho con luôn cảm nhận được tình cảm mẹ, sự yêu thương bảo bọc che chở của cha, tình thương đó vô bờ bến và quá lớn!”.
Sư phụ không chỉ đảm nhận vai trò của người làm mẹ, làm cha, làm thầy mà có lúc sư phụ thân gần bên con như người sư huynh, có lúc lại như bạn để con có thể bày tỏ hết các nỗi niềm. Sự nuôi dưỡng bảo bọc và chở che của sư phụ thắm đậm bao đạo tình. Sư phụ thật tuyệt vời, làm sao cùng một lúc người có thể làm được nhiều vai trò và đóng nhiều vai như vậy! Mong mỏi đệ tử mình trưởng thành để khỏi phụ cái chí hướng ban đầu mà nó tự chọn.
Sư phụ là người không chỉ làm cho con phát khởi tâm Bồ đề mà Người còn giúp con nuôi dưỡng sơ tâm đó ngày một lớn mạnh để chú tiểu ngây thơ non dại năm nào trở thành vị Tỳ kheo có thể tiếp quản “gia tài” giáo pháp, trở thành bậc mô phạm như Thầy.
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
Đệ tử là sự tiếp nối của Thầy, vì vậy con xin nguyện tu học vững chãi như Người. Sau này dù gặp bao thử thách, khó khăn và dòng đời xô đẩy nhưng khi nhớ đến bao ân tình của sư phụ con sẽ không bao giờ thối tâm, con xin nguyện sẽ “truyền đăng tục diệm” làm sáng mãi ngọn đèn tuệ giác của Người, sống tốt đời, đẹp đạo và phụng sự lợi ích tha nhân.