PSO - Trong 2 ngày 29-30/11/2019 (nhằm ngày 4-5/11 năm Kỷ Hợi), hơn 100 hành giả Khóa tu đã được HT. Giác Giới – Thiền chủ Khóa tu chia sẻ bài pháp “Manh mối để đặt chân vào chân lý cuộc sống” và phân tích bài kinh “Căn Tu Tập – số 152 Trung Bộ III” trong buổi chiều của ngày đầu Khóa tu và ngày thứ 2 của Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 30.
Vào buổi chiều của ngày tu thứ nhất, Hòa thượng Thiền chủ đã chia sẻ với các hành giả về "manh mối để đặt chân vào chân lý cuộc sống". Theo Hòa thượng khi chúng ta gặp cái gì khó khăn, muốn tháo gỡ thì phải tìm ra cái manh mối mới được. Chớ nếu không tìm ra manh mối thì khó tháo gỡ. Người bác sĩ khi chẩn đoán bệnh, chưa biết bệnh thì khó mà trị bệnh được. Cũng vậy, chúng ta chưa biết rành cái vấn đề, muốn tu tập, muốn đoạn trừ thì khó mà thực hiện được.
Hòa thượng cho rằng, đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni xuyên suốt thời gian đi giáo hóa, Ngài không nói gì khác hơn ngoài 2 điều: Khổ và đoạn tận khổ. Trong trường hợp khác, Ngài nói giáo pháp của Ngài giống như: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn mà thôi”. Toàn bộ giáo lý đức Phật thì chỉ có 1 vị giải thoát. Giải thoát cái khổ chứ không giải thoát cái gì khác. Nếu chúng ta chưa nắm được cái khổ, chưa biết khổ thì khó bề đoạn tận khổ. Chúng ta chưa thấy được cái khổ thì khó mà đoạn tận khổ.
Đồng thời Hòa thượng cũng chỉ ra, Đức Thế Tôn nói do vì không giác ngộ được Tứ Thánh đế, ta và các ngươi bị quanh đi quẩn lại trong 3 cõi khổ, trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
Vì thế vị Bác sĩ không trị được bệnh, thầy lương y không trị được bệnh là vì không đoán được bệnh, không định được bệnh. Nếu như định được bệnh, chúng ta mới có thể tìm cái phương án dứt bệnh được. Và phải tìm cái nguyên nhân và có lòng tin bệnh này trị được. Vì có lòng tin nên mới tìm phương án để đối trị. Đức Thế Tôn cũng thường dạy, Ta thuyết pháp để đoạn trừ các lậu hoặc cho người thấy, cho người biết, chứ không phải cho người không thấy, cho người không biết.
Theo Hòa thượng, đức Phật thuyết pháp đoạn trừ các lậu hoặc tức là các phiền não, cái khổ đau, điều này được ghi trong kinh Trung Bộ số 2 (Kinh Tất cả các lậu hoặc). Ngài cũng nói thêm về vấn đề như lý tác ý và phi như lý tác ý, có cái thấy biết đúng, cũng có cái thấy biết sai. Chúng ta cũng thấy biết hết, bác sĩ bệnh cũng có thấy biết nhưng biết sai trị bệnh không hết, biết đúng trị mới hết. Cho nên đức Phật có nói: Có như lý tác ý và có phi như lý tác ý. Trong đó như lý tác ý là tác ý đúng, hiểu đúng. Còn phi như lý tác ý là tác ý sai, hiểu sai.
Tức là pháp nào mình tác ý, khi nào mình khởi tâm mà nghĩ tới, mà những lậu hoặc chưa sanh, thì nó sanh khởi. Những phiền nào khi mình tác ý thì nó sanh. Còn cái phiền não đã sanh thì tăng trưởng. Đó là tác ý sai, gọi là phi như lý tác ý. Còn khi mình tác ý những điều gì mà phiền não chưa sanh nó không sanh, phiền não đã sanh nó đoạn trừ. Đó là như lý tác ý.
Hòa thượng cũng chỉ ra, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng từng nêu: Người có học, có biết, quý báu hơn người không học, không biết. Mình muốn có học, có biết không phải ngồi yên một chỗ mà có được, phải đứng lên, đi tới theo thời duyên cảnh ngộ. Phải ra đi cầu thiện tri thức. Vì có học, có biết mới hết mê lầm, chấp chắt, khổ sở, nạn tai.
Từ các điều trên, Hòa thượng Thiền chủ đặt câu hỏi: Chúng ta xét lại coi mình có nhiệt tâm tinh cần, ra đi yết kiến các bậc thiện tri thức, cầu nghe diệu pháp không? Hay chúng ta thụ động, hay đợi đem tới nơi, nhiều khi đưa tới giảng cho mình mà còn chưa nghe nữa. Minh chưa tác ý đúng.
Vấn đề cầu pháp, Hòa thượng cho rằng người xuất gia cần phải nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, tha thiết cầu pháp, giống như di mẫu của đức Phật là Ma Ha Ba Xà Ba Đề phải lội bộ đi cho xưng vù cái chân mới được thâu nhận vào hàng ngủ tu tập. Chứ nếu bản thân mỗi vị mà tu lôi thôi, không tha thiết, không nhiệt tình, không nỗ lực… thì giải thoát sao được. Hòa thượng cho rằng, nếu ai chưa có được cái tha thiết như vậy thì cầu pháp khó lắm. Vì thế, nếu mỗi vị xuất gia mà không có tâm thế này thì tổ chức bao nhiêu khóa tu, cũng hời hợt và không đạt gì cả.
Vị đi làm giáo thọ sư, đi giảng kinh cho đại chúng cũng vậy, cũng không được hời hợt. Vị ấy phải chuẩn bị bài giảng, phải tư duy, chọn lựa bài giảng… mới chia sẻ với đại chúng. Nếu hời hợt thì cũng chẳng có gì rồi nói cho xong mà thôi. Ngay như đức Phật khi để thuyết pháp cho các đệ tử cũng đã lội bộ vào khu rừng Sừng bò để thuyết pháp cho học trò. Bậc đạo sự mà còn như vậy. Đường xá xa xôi chứ không đợi thỉnh… Vì lòng thương tưởng đệ tử, lặn lội vào khu rừng Sừng bò… Các vị đệ tử khi gặp Ngài rất vui mừng, rất tha thiết, rất mong đợi để nghe giáo pháp. Người thuyết và người nghe cả hai đều nhiệt tình.
Hòa thượng cũng chỉ ra thêm ví dụ về việc đi tìm cầu học hỏi giáo lý của đức Phật: Đức Bổn sư ngày xưa hay đức Tổ sư Minh Đăng Quang ngày nay cũng vậy, muốn có học, có biết, các Ngài đâu ở yên một chỗ. Đức Thế Tôn cũng trải vô lượng kiếp để tìm cầu, kiếp sau cùng đức Thế Tôn rời hoàng cung đi vô rừng sâu tìm mấy sa môn, bà la môn, mấy đạo sĩ nổi tiếng, đề cầu học pháp. Cho nên thấy đức Thế Tôn đâu ngồi chờ một ai ban phát cho mình, Ngài phải đi tìm cầu. Nhưng Ngài thấy các pháp đó không đem lại sự ly tham đoạn diệt nên từ bỏ. Sau Ngài nghỉ muốn đoạn trừ đắm say dục lạc nên tìm đến tu khổ hạnh trong 6 năm. Kết quả Ngài thấy pháp đó không có như mong muốn nên đi tìm cầu đạo nữa, nên đâu phải muốn tìm cầu giáo lý giải thoát đâu phải đơn giản.
Hòa thượng cũng kể thời gian Ngài nghiên cứu kinh tạng Pali, thời đó kinh sách rất khó. Muốn có kinh sách phải đi kiếm giấy, mực mang lên đổi. Rồi việc đi học cũng rất khó khăn… Vì thế phải có sự tha thiết nhiệt tình mới có thể đạt được chứ đâu phải dễ. Cho nên sự cầu học cần phải có sự tha thiết, nhiệt tình.
Theo Hòa thượng, mỗi vị xuất gia cần phải có chánh kiến rồi mới khởi lòng tin, khi đó khởi tâm tha thiết nhiệt tình, nhàm chán thế gian pháp mà tha thiết với thánh pháp. Chính cái tha thiết đó làm động cơ cho mình tinh tấn. Nếu không có điều đó thì sao mà tinh tấn nổi. Cho nên người đệ tử Phật, xuất gia hay tại gia mà xứng đáng là đệ tử Phật, theo nghĩa của Phật tử là người có quyết định tánh. Nhưng động cơ nào đưa chúng ta đến quyết định tánh đó là nghe pháp. Cho nên chữ pháp là quyết định tánh. Chúng ta không học pháp thì không có quyết định tánh được. Vì thế chúng ta phải học chánh pháp, tha thiết học chánh pháp. Học để chứng ngộ được chánh pháp. Thì chúng ta mới xứng đáng là đệ tử của đức Thế Tôn, để có thể vô sơ quả, nhập lưu
Sau khi có quyết định tánh với chánh pháp rồi, người này mới hướng về chánh pháp. Mình hướng về vấn đề gì thì tâm nghiêng về vấn đề đó. Tâm mình có khuynh hướng về chánh pháp thì tâm nghiêng về chánh pháp. Cho nên có quyết định xuất gia, mới từ bỏ tài sản lớn nhỏ, từ bỏ bà con quyến thuộc, sống không gia đình. Vào chùa trở thành tỳ kheo hướng đến quả vị nhập lưu.
Theo Hòa thượng chúng ta phải đi theo con đường như vậy để chứng ngộ chơn lý. Ngoài con đường này ra thì Hòa thượng cho biết cũng có con đường khác, nhưng với những người như chúng ta hiện nay không đủ phước đức để đi con đường đó. Chỉ có Phật chánh đảng giác và Phật độc giác mới đi được. Các Ngài là những vị vô sư tự ngộ.
Cho nên chúng ta phải đi con đường Thanh văn giác, phải nghe pháp, phải có thầy. Chúng ta phải dựa trên lời dạy của đức Phật, của Tổ sư Minh Đăng Quang. Thay vì chúng ta nghe trực tiếp từ vị thầy nói pháp cho nghe nhưng giờ chúng ta chỉ xem được những pháp được xem là do đức Phật thuyết.
Theo Hòa thượng, chúng ta nếu quyết tâm đi tìm chân lý thì đừng ngại chi hết, luôn luôn tìm mọi cách để vượt lên, tiến lên, tìm cho đạt được chân lý. Hòa thượng cho rằng, nếu đã quyết tâm xuất gia thì phải sống chết nghiên cứu, học Tứ Thánh Đế, đây là pháp căn bản, cơ bản mà mỗi người tu tập cần phải thông hiểu Hòa thượng cũng nhắc lại 3 trường hợp giác ngộ chân lý này. Đó là Chánh đẳng giác (Phật Thích Ca), Độc giác (chư Phật độc giác), chúng ta đều là Thanh Văn giác thì phải nghe học mà thôi.
Phân tích về điều này, Hòa thượng nhắc lại 3 hạng người bệnh:
– Hạng người bệnh thứ nhất là dù có thuốc men thích hợp hay là không có, dù có sự chăm sóc thích đáng hay là không có. Người này đưa đến chết (có phương tiện, không phương tiện cũng chết). VD: Người bị bệnh nan y
– Hạng người bệnh thứ hai là dù có phương tiện hay không có phương tiện cũng hết
– Hạng người thứ ba là có phương tiện thì hết, không có phương tiện thì chết.
Giống như 3 hạng người bệnh trên thì có 3 hạng người tu: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát
+ Hạng người tu thứ nhất: Dù có thấy Như Lai hay không thấy Như Lai, thấy thiện tri thức hay không thấy thiện tri thức, dù có nghe diệu pháp hay không nghe diệu pháp thì cũng không đưa đến tán quyết định, tánh chơn chánh với thiện pháp. Tức là không có quyết định tánh được (tức là không xác định được con đường giải thoát nào hết
+ Hạng người tu thứ hai: có thể ví như Phật chánh đẳng giác hay Phật độc giác. Hạng này không có nghe. Dù có thấy có nghe, dù không thấy không nghe cũng đều giác ngộ chân lý được.
+ Hạng người tu thứ ba: là bắt buộc phải thấy Như Lai, hoặc thấy thiện tri thức, nghe thiện tri thức nói pháp (thiện tri thức chứ không phải người vô trí, vô minh). Bắt buộc phải yết kiến bậc thánh, bậc chân nhân, hoặc nghe pháp bậc thánh, hoặc bậc chân nhân thì mới khởi lên thiện tánh hoặc quyết định pháp. Mà như vậy là vô sơ quả, nhập lưu. Còn nếu không nghe thì không thể có được.
Qua đó Hòa thượng cho rằng chúng ta phải thấy rõ giá trị của việc nghe pháp, học pháp rất là cao. Mỗi vị xuất gia phải tinh cần tinh tấn nghiên cứu giáo lý, các vấn đề tu học. Điển hình như nghiên cứu cho thấu đáo Tứ Thánh Đế.
Bước qua ngày tu thứ 2 của Khóa tu, Hòa thượng Thiền chủ tiếp tục đến với các hành giả bài kinh Căn Tu Tập – số 152 (Trung bộ III). Hòa thượng cho rằng, một người bác sĩ nếu không biết bệnh thì không thể chữa bệnh, nếu biết thì cũng phải biết được nguyên nhân. Sau đó phải biết được phương pháp để chữa cho hết bệnh. Bác sĩ khéo chỉ cho sử dụng thuốc, uống trước, uống sau, uống thuốc nào, uống bằng cái gì… Nhiều khi chúng ta biết thuốc những không biết cách sử dụng, giống như có cổ xe để đi đến mục tiêu mà không biết cách sử dụng xe, không biết đi xe…
Trong sự tu tập, người xuất gia biết khổ đế, biết nguyên nhân của khổ, biết phương pháp để chấm dứt khổ (con đường 8 đạo, 8 ngành)… nhưng không biết sử dụng như thế nào? Không biết tu tập thế nào? Không biết tu cái gì trước cái gì sau.
Muốn giải quyết điều này, Hòa thượng cho rằng chúng ta phải dùng trí tuệ để có được chánh niệm tỉnh giác, sống luôn luôn ý thức đi đừng ngồi nằm, chúng ta cần có chánh niệm để không mê suyên xuốt từng sát na. Chúng ta dứt mê rồi mà nhờ chúng ta học thấu rõ được chơn tâm bản tánh, hiểu rõ pháp nhân duyên của Phật… không có lúc nào mà không có trí tuệ soi sáng, nhờ đó tiêu mòn cái phiền não
Vì thế thông qua bài kinh Căn Tu Tập – số 152 (Trung bộ III) Hòa thượng giúp đại chúng hiểu rõ hơn về căn tu tập, về vấn đề khả ý, bất khả ý… Ngoài ra Hòa thượng cũng phân tích kỹ: “Thế nào là đạo lộ của vị Hữu học? Thế nào là bậc Thánh các căn được tu tập?…”
Từ những yếu tố trên Hòa thượng cho rằng, mỗi người xuất gia cần phải có lòng tin đối với chứng thánh quả, tin vào tứ thánh đế. Theo Hòa thượng, mỗi vị xuất gia vô thánh quả thì tu mới đúng, mới có quyết định thánh.
Cuối cùng, Hòa thượng mong muốn các giáo đoàn nên có những tuần học như thế này để cho chư Tăng có điều kiện tu học nhiều hơn. Riêng Giáo đoàn I thời gian tới sẽ thực hiện. Còn đối với chư Tăng nên nhiệt tâm trong vấn đề tham vấn để nghiệm lại những cái mình cảm nhận được, xem có đúng hay đi lạc hay không?
Được biết, tại khóa tu ngoài thời gian nghe pháp buổi sáng, vào buổi chiều hội chúng hành giả Khóa tu được chư Tôn đức giáo phẩm Hệ phái chia sẻ những pháp đàm, những cảm nhận, những vấn đề mình đang vướng mắc khi tu học.
Giác Minh Chương
Ảnh: Thiện Dưỡng
The post
Tây Ninh: HT Giác Giới chia sẻ pháp đến các hành giả Khóa tu Khất sĩ lần thứ 30 appeared first on
Phật Sự Online Tây Nguyên.