Thiền và lẽ sống

Con đường tu tập của mỗi người chính là sự nhìn lại thân và tâm mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút với sự chánh niệm. Chúng ta hãy quán chiếu và cảm nhận con đường đi đến đạo lộ phạm hạnh.

THIỀN ĐỊNH ĐỂ NHẬN RÕ BẢN CHẤT CÁC PHÁP
Thiền chính là sự định tĩnh của thân và tâm. Lục Tổ Huệ Năng định nghĩa về thiền: “Này Thiện tri thức, ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn; ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh tự định”[1]. Cũng có nghĩa là sự nhận ra bản chất các pháp vô thường đến đi vẫn tự tại. Khổ là bản chất sự thật thì thiền sẽ giúp chúng ta nhìn thấy rõ nguyên nhân gây ra đau khổ do thân và tâm dính mắc tham ái, sân hận, si mê về cảnh, về đời sống, về tài vật, sắc dục. Vì bản thân đã cảm nhận được lẽ khổ của cuộc đời và chỉ cần sáng suốt nhìn lại thân tâm, thuần hoá con ngựa hoang thích du hí, chạy nhảy và ham mê dục vọng, không cho nó tuỳ ý, thì khổ đau có mặt hay không, chúng ta vẫn bình thản đón nhận.

Thiền chính là sự nhận rõ bản chất của thân và tâm. Tâm định tĩnh thì ác pháp hay thiện pháp có sanh, ta chỉ cần biết rõ nó sanh khởi.

Bản chất thứ ba chính là vô ngã: cũng là sự nhận ra ta đang sống trên quán trọ trần gian, chỉ cần thiền tập và nhìn lại thân tâm qua từng hơi thở. Cảm nhận từng hơi thở nó phải là của ta hay không, hay chỉ vay mượn bên ngoài. Cũng vậy, thức ăn hằng ngày do nhận được từ những người tốt và thiện tâm. Thức ăn ấy sau khi ăn sẽ còn hay tiêu hóa. Cũng vậy, áo quần, thuốc uống, căn phòng nhỏ, chiếc xe ta đi… nó phải thật sự của ta không hay chỉ do duyên sanh, nó phải thật sự của ta không. Chính khi nhìn nhận được điều đó, ta sẽ rời xa được tâm chấp ngã, rời xa tâm ngã mạn, kiến thủ cái biết về sở học, sở hành và tất cả đều do duyên mình vay mượn, hết duyên sẽ mất đi. Thiền chính là sự nhận rõ bản chất của thân và tâm. Tâm định tĩnh thì ác pháp hay thiện pháp có sanh, ta chỉ cần biết rõ nó sanh khởi. Những giờ phút trầm lắng với tư thế kiết già hoa sen, bán già, tuỳ khả năng mỗi vị và tư thế ngồi để nhìn lại bản chất của thân và tâm. Thiền chính là hình thái tu tập thuần chất, đơn giản, nhìn thẳng lại tâm mình và cảm nhận khổ đau khởi lên trong thân và tâm ta ghi nhận nó và thấy rõ sự sanh khởi của các pháp. Khi tọa thiền hành giả để tâm tự nhiên, tập cho mình sự thư thái, hít thở chậm rãi, cảm nhận từng hơi thở, ra vô liên tục, lúc nhanh lúc thì chậm rãi.

THIỀN ĐƯA ĐẾN TÂM AN TỊNH
Nhiều thiền giả cho rằng thiền giúp tâm đi đến sự an tịnh, không bị khuấy nhiễu bởi các duyên bên ngoài. Trong Kinh Ví Dụ Tấm Vải số 7, Đức Phật dạy cho người hành giả trên lộ trình tâm minh sát và soi sáng tâm mình với tuệ quán: “Tỳ kheo nào biết cấu uế của tâm để diệt trừ, vị ấy thành tựu lòng tin Tam bảo. Ngay đó, vị ấy từ bỏ, giải thoát, xả ly, chứng được pháp tín thọ, nghĩa tín thọ, sự hân hoan liên hệ đến pháp” [2]. Do đó, các hỷ lạc trong sự nỗ lực hành thiền của vị ấy đem đến những thành tựu trong pháp và đưa đến cho tâm vị ấy khinh an, có lạc, và đắc đến các trạng thái thiền định từ sơ thiền đến tứ thiền. Thế nên, Sư cô Trúc Lan Nhã cho rằng:

“Trăng rớt xuống dòng sông,
Người đưa tay nhặt lấy,
Đâu hay rằng lúc ấy,
Vỡ mất ánh trăng vàng,
Đạo vốn chẳng nghĩ bàn
Chỉ ở ngay cái thấy
Vì tâm niệm bỏ lấy
Mà xa mất đạo vàng!”.

Ngụ ý bài thơ mượn hình ảnh ánh trăng vàng để nói đến tâm người tu hành. Khi tâm sáng như ánh trăng sáng, nhờ Giới, Định, Tuệ mà soi sáng con đường thiền tập của chúng ta. Vì khi giữ giới trang nghiêm thì lúc đó sự thiền tập sẽ ngày càng tiến bộ và phát sanh trí tuệ. Cũng thế, “vì tâm niệm bỏ lấy, mà xa mất đạo vàng!”, tức khi ngồi thiền tâm hành, chúng ta không nên chấp lấy các cảm thọ dễ chịu hay khó chịu để khiến tâm trở nên mờ mịt. Dù biết thời tiết bên ngoài khi thì nóng đổ mồ hôi, khi lạnh toát đến buốt da thịt, chúng ta cũng không chấp niệm vui hay buồn, khó chịu hay dễ chịu. Chỉ cần quay lại trọn vẹn trên hơi thở, ta biết đang hít vào ngắn hay dài, thở ra nhanh hay chậm, thực tập với tâm chánh niệm, tỉnh thức như vậy sẽ không bị rơi vào chấp trước, chấp có, chấp còn, mất,… Như ánh trăng chỉ soi sáng thế gian, ta không cần đưa tay đón nhận nó, bình thản ngắm ánh trăng sáng mà không tham đắm niệm ánh trăng đẹp, tròn hay khuyết. Ánh trăng là ánh trăng, mà mình chỉ cần thấu suốt tâm tham hay sân nổi lên, chỉ cần thực tập như vậy, để biết mình còn khổ đau hay hạnh phúc. Tất nhiên, thiền định giúp tâm an trú, thì hạnh phúc chính là những giây phút tĩnh tại, bình lặng ngay chỗ ngồi thiền, ngay khi đi, ngay khi ăn. Trong tất cả sinh hoạt, ta vẫn cảm nhận được tất cả sự xoay chuyển của pháp xung quanh ta.

Người hành thiền luôn luôn kiểm soát thân và tâm một cách chuyên nhất, không để tâm chạy theo 5 triền cái. Vì năm món ấy ngăn cản lộ trình tâm, làm tâm trở nên mê mờ, thối thất, biếng nhác, thụ động trong việc gìn giữ đề mục thiền và quán sát tâm hành giả. Cũng vậy, mỗi triền cái như hôn trầm, làm cho tâm trở nên lu mờ, chậm lụt với các thiện pháp. Tức là khi thiện pháp sanh ra, nó ngăn cản, thân và tâm chúng ta sanh ra các cảm thọ khó chịu, mê mê, ảo giác, lười biếng tu tập, xao nhãng. Và người hành thiền cần nhất là giới, vì có giới sẽ hỗ trợ cho sự thực tập thiền định. Mỗi niệm sanh khởi khi thiền tập, hành giả cần chú tâm quán sát cẩn thận, chu toàn như khi đi chăn trâu không cho trâu ăn lúa nhà người. Thiền tông gọi đó là niệm, tức là thấy rõ bóng dáng của vọng tưởng, các niệm khởi lên bên ngoài, bên trong của thân và tâm. Hành giả luôn cần chú tâm quán sát và xoay lại tâm mình khi các vọng niệm sanh khởi, vì đó là cảnh sắc bên ngoài chi phối tâm hành bên trong. Trước khi ngồi thiền, hành giả cần gột sạch các công chuyện, chỉ chú tâm vào từng hơi thở và đề mục mình muốn tu tập, không cần nghĩ đến chuyện hôm nay đã làm, chuyện ngày mai sẽ làm, chuyện tương lai sẽ làm gì. Đây là công phu thực tập, dễ làm, chỉ cần biết dụng thân và tâm chân chính, hành giả sẽ đạt được đề mục thiền muốn hướng đến.

Nhiều Phật tử đi đến đạo tràng, tịnh xá để hành thiền nhưng vì công việc, cuộc sống, tiền bạc, gia đình, các mối quan hệ mà họ dần dần quên việc tu hành, chạy theo dục vọng, các ham muốn của bản thân và mối quan hệ cộng tác. Tuy biết rằng, tùy duyên thuận pháp và ứng dụng thiền trong cuộc sống sẽ hữu hiệu, nhưng có thời gian tĩnh tọa, an tịnh ở một đạo tràng sẽ giúp sự tu tập và con đường tiến bộ trên lộ trình tâm linh sẽ hữu hiệu hơn. Còn nếu công việc quá bận, xa chùa, xa tịnh xá thì người Phật tử nên thiết kế cho mình căn phòng tâm linh trống, nhỏ nhỏ, đủ giúp cho cả gia đình có thời gian nghỉ ngơi, suy nghĩ, đọc sách, đọc kinh và tập thiền tọa tại căn phòng đó, sẽ giúp quý vị tạo nên năng lượng bình an. Chính những giờ phút trầm lặng này, sẽ giúp cho quý vị sau một ngày làm việc căng thẳng có một năng lượng bình an và an yên. Những giờ phút thiền tập này sẽ giúp chúng ta hiểu ra giá trị của tình thương, sự chia sẻ, bao bọc và nhận ra lẽ sống thiền luôn song hành với chính cuộc đời quý Phật tử. Chính Đức Phật chứng ngộ chân lý qua lộ trình tu tập thiền định, minh sát tâm, tuệ quán soi sáng lại tâm mình mà Ngài dạy chư Tỳ kheo hãy tu tập thiền định: “Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Vị ấy do thành tựu thiền định nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người” [3]. Do đó, sự hành thiền đem đến lợi ích ngay trong đời sống thực tại, mà không hề viễn vông.

Lợi ích của sự tu tập thiền định hay thiền quán không thể nào dùng ngôn từ để biểu đạt một cách trọn vẹn. Chỉ có sự tu tập và chuyển hóa tâm thức của mỗi hành giả mới có thể cảm nhận những giá trị của thiền đem lại. Không nên tự mãn, ta có tu thiền, người khác không có công phu tu thiền định, vì sẽ dẫn đến những chấp thủ, kiến hoặc, phiền não và sự trói buộc cho tâm hành giả.
Cuộc sống vốn đã muôn màu, chỉ có người sớm tối nỗ lực tu tập thiền định thì con người ta mới xa rời mọi uế trược và phiền não ngủ ngầm trong tâm. Vì vậy, Đức Phật khuyên nhủ chúng ta hãy nương tựa chính mình và nỗ lực tu tập các thiện pháp ngày lẫn đêm mới có sự an lạc thật sự. Bình an hay không là do chính chúng ta, chứ không phải do một vị thần linh nào ban phước, giáng họa. Thiện pháp nên tu, ác pháp nên từ bỏ thì con đường thiền tập mới đi đến chỗ an nhiên.

Minh Kính

[1] Thích Tâm Hạnh (2022), Giáo trình Thiền học đại cương, Học viện Phật giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ, tr.13.
[2] Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung Bộ, Kinh Ví dụ tấm vải số 7, Học viện Phật giáo Việt Nam ấn hành, tr.163.
[3] Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung Bộ, Đại Kinh Thí dụ Lõi cây số 29, Học viện Phật giáo Việt Nam ấn hành, tr.772.

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online