1.Thân thế
Hòa thượng pháp hiệu Thiện Phương, húy Nhựt Hiếu, nối pháp đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ. Thế danh: Lê Văn Thắng, sinh năm Giáp Thân (1944), tại làng Bình Hàng Trung, tổng Phong Nẫm, tỉnh Kiến Phong (nay thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Sẳn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Tám. Hòa thượng là người con thứ tư trong gia đình có sáu anh chị em.
2. Thời kỳ xuất gia học đạo
Thuở nhỏ, Hòa thượng thường theo mẹ đến Bửu Lâm Cổ Tự (Chùa Tổ), rạch Cái Bèo, huyện Cao Lãnh để lễ Phật, tụng kinh, làm công quả kết duyên với Tam Bảo. Mặc dù sinh ra vào thời kỳ đất nước chiến tranh loạn lạc, đời sống khó khăn về mọi mặt nhưng nhờ túc duyên sẵn có, nên Hòa thượng vẫn vững tâm hướng Phật, sớm nhận thức được lẽ vô thường tan hợp, sinh ly tử biệt của cuộc đời.
Năm 1960, khi vừa tròn 16 tuổi, được sự chấp thuận của song thân, Hòa thượng phát tâm xuất gia, được Đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Tài, húy Hồng Thanh- Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Kiến Phong, trụ trì chùa Bửu Lâm thâu nhận làm đệ tử, ban cho pháp danh là Thiện Phương.
Sau bao năm chấp lao phục dịch, sớm hôm bên cạnh hầu thầy, ngày 01 tháng 06 năm 1966, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Sa- di tại Đại Giới đàn do Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Kiến Phong tổ chức tại Chùa Hòa Long, Hòa thượng Thích Thiện Tài làm Hòa thượng Đàn đầu.
Năm 1967, Ngài được Hòa thượng Bổn sư gửi đến tu học tại Chùa Quan Âm, Sa Đéc. Tại đây, Hòa thượng đã được học luật Trường Hàng với HT Thích Pháp Nghĩa (xuất thân từ Tổ đình Phi Lai).
Năm 1969, Hòa thượng cùng các huynh đệ khác được Hòa thượng Bổn Sư gửi đến tu học tại chùa Thiền Lâm, Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Khi mới nhập chúng, ba huynh đệ được Hòa thượng Huệ Từ (trụ trì Chùa Thiền Lâm và Chùa Phước Long) sách tấn bằng bài thơ theo thể thất ngôn, bát cú, ngũ vận như sau:
Đi đến Thiền Lâm học chuẩn thằng
Cơm thiền hai bữa mỗi ngày ăn
Gắng công mài sắt Thông, Phương, Phát
Nên tre nhờ thuở lúc còn măng
Đem thân bồi đắp ngôi Tam bảo
Bỏ thói điêu ngoa sự bá nhăng
Cặn kẽ lời thầy đà dạy bảo
Đem vào lòng dạ để mà răn.
Từ đó, cả ba huynh đệ Thiện Phương, Bửu Thông, Bửu Phát đều dốc chí học tập và được Hòa thượng Huệ Từ lần lượt truyền dạy các bộ kinh như: Kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Pháp Bảo Đàn, kinh Kim Cang.
Năm 1973, Hòa thượng Thích Huyền Vi- Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp mở khóa huấn luyện giảng sư tại Chùa Phật Quang, đường Đào Duy Từ, quận 10, Sài Gòn để đào tạo Như Lai sứ giả- hoằng truyền chánh pháp. Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép tham gia khóa học này và được thọ giáo với các bậc danh Tăng lỗi lạc về Phật học đương thời như: Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thuyền Ấn, Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Trí Châu…
Năm 1974, Hòa thượng được đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới Đàn Khánh Anh tổ chức tại Chùa Bồ Đề, Long Xuyên, tỉnh An Giang, do Hòa Thượng Luật sư Thiện Hòa làm Hòa Thượng Đàn đầu.
3. Thời kỳ hành đạo
Sau khi lãnh thọ giới pháp, chính thức dự vào hàng Trưởng tử Như Lai, Hòa thượng trở về tiếp tục tu học và hóa đạo tại chùa Thiền Lâm.
Cuối năm 1975, nhận thấy cần phải có thời gian để chuyên tu nhằm tư duy lại tất cả sở học trong những năm qua, Hòa thượng trở về quê nhà, hối tích thao danh, xây thất tịnh tu.
Trong những năm chiến tranh, Chùa Bửu Lâm bị tàn phá hư hoại rất nhiều. Vì vậy, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng Thích Thiện Tài đã ra sức trùng hưng ngôi Tam bảo.
Năm 1980, Hòa thượng trở về tổ đình Bửu Lâm cùng các huynh đệ phụ giúp Hòa thượng Bổn sư xây dựng lại ngôi Tổ đường còn đang dang dở.
Năm 1985, Hòa thượng Bổn sư thượng Thiện hạ Tài viên tịch, trách nhiệm trụ trì Tổ đình Bửu Lâm được giao lại cho pháp huynh Thích Chơn Hỷ. Trong thời gian này, Hòa thượng đã cùng với pháp huynh tiếp tục thực hiện di nguyện của ân sư: trùng hưng ngôi Tam bảo, tiếp Tăng độ chúng.
Năm 1987, Hòa thượng Thích Chơn Hỷ viên tịch. Ngài được tông môn huynh đệ suy cử kế nhiệm trụ trì Tổ đình Bửu Lâm.
Năm 1997, được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI.
Từ năm 1996 đến năm 2011, Hòa thượng được suy cử giữ chức vụ Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Cao Lãnh nhiệm kỳ IV, V, VI.
Năm 2012, được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.
Năm 2017, Hòa thượng được suy tôn vào hàng Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp.
Năm 2022, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX, Hòa thượng được suy tôn lên hàng Trưởng lão thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Từ năm 2007 đến năm 2020, với tinh thần “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, Hòa thượng đã nhiều lần được cung thỉnh vào ngôi vị Tôn chứng Tăng- già tại các Đại Giới đàn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Hơn 30 năm giữ nhiệm vụ trụ trì, Hòa thượng đã dốc một lòng giữ gìn và phát triển chốn tổ. Chùa Bửu Lâm nhiều lần được trùng tu, xây dựng trở thành một ngôi già- lam trang nghiêm tố hảo và được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh vào năm 2001. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn tổ chức đạo tràng tu học cho Phật tử gần xa, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa đạo và đời.
4. Thời kỳ viên tịch
Trong những năm cuối đời, Hòa thượng luôn nghĩ đến lời dạy của chư Tổ:
“Nhất nhật vô thường đáo,
Phương tri mộng lý nhân.”
Cuối đông năm 2017, nhận thấy tuổi cao sức khỏe kém, lại thêm bệnh duyên nên Hòa thượng đã giao trọng trách trụ trì Tổ đình Bửu Lâm cho pháp tử là Đại đức Thích Lệ Ngộ gánh vác. Từ đây:
Tay cầm tràng hạt Bồ-đề,
Tiêu mòn nhân ngã đặng về Tây phương.
Hòa thượng đã gác lại mọi ngoại duyên, để dành trọn thời gian còn lại nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Thế rồi, nhân duyên với cuộc đời đã mãn, Hòa thượng an nhiên viên tịch vào lúc 7 giờ 40 phút sáng ngày mùng 9 tháng Chạp năm Quý Mão (nhằm ngày 19/01/2024) trong tiếng hộ niệm của hàng đệ tử xung quanh, trụ thế 80 năm, hạ lạp 50 năm.
Nhạn về đầm lắng bóng in
Nhạn đi bóng cũng theo liền đầm không.
Nam mô Bửu Lâm đường thượng, Từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập nhất thế, húy Nhựt Hiếu, thượng Thiện hạ Phương, Lê công Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.
Ban Tổ Chức