PSO - Tối qua, tại Tòa nhà Mi Hồng, trong không gian trang nghiêm ấm cúng tại Tri Âm Phật Cảnh (số 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Doanh nghiệp tư nhân Lá Tía Tô đã có buổi họp mặt cuối năm với chủ đề “Tri Ân Người Phụng Sự” để kết nối và tri ân những huynh đệ đồng tu đã chung tay phụng sự trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM.

Buổi mạn đàm diễn ra không không gian ấm cúng tại Tầng Thượng Tri Âm Phật cảnh
Buổi lễ có sự chứng minh tham dự của Hòa thượng Thích Bửu Chánh, UVTT HĐTS, Phó Ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trụ trì Thiền Viện Phước Sơn, nhà Thơ, nhà Nghiên cứu Phật giáo Trụ Vũ, Bác sĩ Trần Quang Khang, Chuyên Khoa I, Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Quân Y 175, Bác sĩ Lê Thanh Nga, Chuyên Khoa I, Bệnh viện Lê Văn Việt, Giảng viên trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, cùng các Y, bác sỹ, lương y, và các tình nguyện viên tham gia trong công tác chống dịch tại các bệnh viện dã chiến và cứu trợ đồng bào trong dịch bệnh.
Buổi mạn đàm với chủ đề “Tri ân người phụng sự” cùng nhìn lại thời gian đầy khó khăn khi cả nước, đặc biệt là TP.HCM chìm trong đại dịch COVID- 19, với những chia sẻ xúc động và ý nghĩa từ các vị khách mời.

Các khách mời cùng thực tập thiền rải tâm từ trước khi diễn ra chương trình mạn đàm “Tri ân người phụng sự”
Tại đây, Bác sĩ Trần Quang Khang đã chia sẻ về khoảng thời gian đầy áp lực vừa qua, để cùng với các bệnh nhân vượt qua trận đại dịch của thế kỷ này. Những kỷ niệm xúc động khi phải chia tay đồng đội hy sinh nơi tuyến đầu và lòng tri ân đến những bữa cơm yêu thương, tình cảm của đồng bào gửi gắm vào nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đó có những bữa cơm chay thực dưỡng, thắm đượm nghĩa tình của doanh nghiệp Lá Tía Tô và các tổ chức Phật giáo.

Ca khúc “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” được các anh chị Phật tử hòa ca đầy cảm xúc
Đặc biệt, Bác sĩ Khang nhấn mạnh “Sự ra đi của những người mắc Covid 19 rất nhẹ nhàng, tuy không đau đớn nhưng phần lớn họ ra đi vì sự sợ hãi và hoảng loạn. Do vậy yếu tố tinh thần là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, một người Bác sĩ muốn làm cho bệnh nhân của mình an, thì trước hết, tâm bác sĩ phải an” Điều này thật không dễ chút nào khi hàng ngày đều phải đối mặt với những sự ra đi của các bệnh nhân, ở trong lớp bảo hộ nóng bức ngột ngạt, làm việc với công suất cao như vậy. Nhưng nhờ ăn chay và thực tập thiền mỗi ngày đã giúp bác sĩ Khang vượt qua áp lực một cách nhẹ nhàng hơn.
Là người trực tiếp chăm sóc các sản phụ bị nhiễm COVID- 19 và chứng kiến nhiều hoàn cảnh chia ly của các gia đình, Bác sĩ Lê Thanh Nga, vẫn còn bàng hoàng và xúc động cảm thấy mình là một trong những người hạnh phúc khi có mặt để chia sẻ lúc này. Thấy được sự vô thường hiện rõ hơn bao giờ hết, Bác sĩ Nga càng trân quý hơn những lời dạy của Đức Phật và Thiền sư Nhất Hạnh về thực tập hơi thở chánh niệm và sống yêu thương để cuộc đời thêm ý nghĩa.
Tại đây, HT. Thích Bửu Chánh đã có lời tán thán đến sự đóng góp của những người vì nhân sinh phụng sự. Phụng sự là việc làm thiết thực nhất để cúng dường lên Đức Phật. Việc làm này, thể hiện tấm lòng từ bi, cao cả, tình yêu thương vượt qua mọi sợ hãi để giúp người và cứu người, tất cả họ đều là hiện thân của các vị Bồ tát giữa đời thường.

Hòa thượng Bửu Chánh tặng hoa và quà lì xì cho các Tình nguyện viên và đại diện các nhóm phụng sự cộng đồng.
Hòa thượng cũng chia sẻ thêm về những đóng góp của Phật giáo trong thời gian qua, Tăng, Ni Phật tử cũng mang theo tình yêu thương Vô úy của chư Phật, chư Bồ Tát vào nơi tuyến đầu chống dịch, hàng chục ngàn suất cơm yêu thương của các chùa gửi đến người dân trong bối cảnh cách ly. Đại dịch tuy gây ra nhiều đau thương mất mát nhưng cũng làm tình yêu thương thêm lớn mạnh, tình người thêm thắm thiết, keo sơn. Nhân dịp năm mới, Hòa thượng đã có lời Pháp thoại ý nghĩa gửi đến đại chúng và trao những món quà nhỏ tri ân tấm lòng của những người đã dấn thân phụng sự.
Buổi lễ kết thúc, đọng lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng mọi người.
An Thảo