PSO - Sáng ngày 15/08/2024 ( Nhằm ngày 12/07/Giáp Thìn) Tịnh Nghiệp đạo trang An Cư Kiết hạ Chùa Liên Hoa ( số 62 Dương Quang Đông, phường 5, Tp. Trà Vinh) trang nghiêm tổ chức lễ Tự Tứ.
Quang lâm chứng minh lễ tự tứ có: NT. Thích nữ Như Thiền – Chứng minh PBNG tỉnh Trà Vinh, Thiền chủ Hạ trường Ni; NT. Thích nữ Như Liên – Chứng minh PBNG tỉnh, Phó Thiền chủ kiêm giám luật Hạ trường Ni; NT. Thích nữ Như Giáo – Chứng minh PBNG tỉnh, Phó Thiền chủ Hạ trường Ni; NS. Thích Nữ Như Thức - Trưởng Phân ban Ni giới, Phó Thiền chủ Hạ trường Ni; NS. Thích nữ Huệ Chơn – Phó Phân ban Thường trực PBNG tỉnh, cùng chư Ni Trụ trì các cơ sở tự viện trong tỉnh, chư ni Hành giả An cư.
Theo như chương trình do Ban Tổ chức khóa An cư Phật lịch 2568 tại tỉnh Trà Vinh đã ấn định, vào lúc 8g00 ngày 15/8/2024 (12/7 năm Giáp Thìn), 160 chư Ni hành giả An cư tại điểm trường hạ tập trung chùa Liên Hoa dành cho Chư Ni trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tác pháp Tự tứ, giải chế mùa An cư Kiết hạ năm 2024.
diện chư Ni tại Trường hạ Chùa Liên Hoa cũng đã đến Đại Tăng cầu giáo giới theo đúng với tinh thần Tỳ ni Luật tạng quy định.
Lễ Tự tứ (Pavāraṇā) là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, đánh dấu sự kết thúc của ba tháng An cư. Pavāraṇā thường được dịch là Tự tứ, ý nghĩa chính thức và chủ yếu của từ Pavāraṇā là sự thỉnh cầu (pavāreti), sự yêu cầu hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức là thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm Từ bi do thấy, do nghe, do nghi để vị Tỳ kheo đương sự thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân.
Pavāraṇā cũng có nghĩa là sự soi sáng, thức tỉnh cho nhau, cho khỏi phạm tội để làm gương cho nhau và cho kẻ hậu lai noi theo. Đức Phật dạy trong Luật tạng như sau: “Này các Tỳ-khưu, đối với các Tỳ-khưu đã sống qua mùa mưa (An cư), Ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật.”
Theo tinh thần của Phật giáo, lễ Tự tứ hay thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân. Từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ miệng, thậm chí là những suy nghĩ từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật, phải thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của nhân thiên.
Lễ Tự tứ, là hình thức thú lỗi lẫn nhau, vì trong thời gian an cư chắc chắn ít nhiều có những lỗi lầm do thấy, do nghe, do nghi nên thú lỗi với chư Tăng trước khi từ giã lên đường hành đạo. Nghi thức tuy đơn giản nhưng rất thâm thúy và đầy đạo vị của những người xuất gia sống đời phạm hạnh. Giống như cánh đại bàng tự do giữa bầu trời thênh thang, sư tử oai hùng tự tại giữa cánh rừng đại ngàn, bậc xuất gia cũng tự do ung dung trong nội tâm; trước khi nhập hạ cũng diễn ra trong niệm đoàn kết, kết thúc cũng thể hiện lục hòa bằng hình thức Tự tứ. Truyền thống An cư và Tự tứ trong Phật giáo diễn ra hàng năm. Nơi nào có trú xứ chư Tăng thì nơi đó có pháp An cư và Tự tứ. Đây có thể nói là một nét đẹp truyền thống được người xuất gia đệ tử Phật giữ gìn qua bao thế hệ. Không vì bất cứ lý do gì mà hủy bỏ nghi lễ quan trọng này.
Hình ảnh quý Tăng, Ni đối thú nhau để xưng tội cầu sám hối nếu thấy, nghe, nghi diễn ra vào chiều hôm nay như toát lên sự trang nghiêm, linh thiêng, mầu nhiệm. Nghi lễ này cũng đồng thời đánh dấu một chặng đường tu học của hành giả An cư trong ba tháng miên mật hành trì giới, định, tuệ để tấn tu đạo nghiệp.
Sau lễ Tự tứ mọi người đều tăng trưởng hạ lạp, tức thêm một tuổi đạo. Đây là niềm vui lớn nhất của người xuất gia học Phật. Từ đây chư Tăng, Ni lại bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ của sứ giả Như Lai, hoằng truyền Phật pháp, làm lợi lạc cho nhân sinh.
Tin, ảnh: SC.TN Thức Ngọc