Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý tiền Công đức

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ ---------------

Số: 133/HĐTS-VP1

V/v góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (lần 3)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------------

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2022

     
 
Kính gửi:   - Bộ Tài Chính; - Bộ Nội vụ; - Bộ Tư pháp; - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin gửi tới Quý Cơ quan lời chào trân trọng! Ngày 17/6/2021, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn số 157/HĐTS-VP1 góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Sau khi nhận được Công văn số 2838/BTC-HCSN ngày 29/3/2022 lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư (lần 3), Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục xin ý kiến góp ý của Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; Trụ trì các cơ sở tự viện, các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài nước. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin gửi tới Quý Cơ quan góp ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về Dự thảo Thông tư (lần 3) như sau: 1. Đề nghị Ban soạn thảo Thông tư làm rõ hơn định nghĩa về tiền công đức. Cần phải làm rõ bản chất, có sự phân biệt rõ ràng giữa tiền công đức với tiền tài trợ cho di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội. Đồng thời, cần nêu rõ tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: ba loại tiền gồm tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, được Nhà nước bảo hộ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Ba loại tiền nói trên là tài sản của tổ chức tôn giáo vì khoản 1 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định “Tài sản của… tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Ba loại tiền nói trên là tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo vì khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định tổ chức tôn giáo có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Ba loại tiền nói trên là sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo vì khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân”, mà tổ chức tôn giáo chính là pháp nhân phi thương mại, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình theo quy định tại khoản 5 Điều 21 và khoản 1 Điều 30 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Ba loại tiền nói trên của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ vì khoản 2 Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do… tôn giáo” và khoản 3 Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định “Nhà nước bảo hộ… cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của… tổ chức tôn giáo”.   Trong ba loại tiền nói trên, chỉ tiền công đức cho tổ chức tôn giáo mới được tặng cho theo lễ nghi tôn giáo, còn tiền tài trợ cho di tích và tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội không bắt buộc phải tặng cho theo lễ nghi tôn giáo. Mỗi loại tiền có mục đích sử dụng khác nhau: tiền công đức cho tổ chức tôn giáo có mục đích sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tiền tài trợ cho di tích có mục đích sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội có mục đích sử dụng cho hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 3 Dự thảo Thông tư (lần 3) không phân biệt được sự khác nhau về mục đích sử dụng giữa ba loại tiền nói trên, mà định nghĩa chung cả ba loại tiền đều được tặng cho “thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau” và đều có một mục đích sử dụng duy nhất là “cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích”. Đó là sai lầm của định nghĩa. Từ đó cho thấy định nghĩa này chưa thể hiện đúng nội hàm, bản chất về tiền công đức. Khoản 2 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 chỉ quy định: “tài sản của… tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật”, chứ không quy định chủ thể quản lý, sử dụng tài sản đó là Nhà nước. Do đó, để Thông tư được áp dụng trong thực tiễn, Nhà nước chỉ yêu cầu tổ chức tôn giáo với tư cách chủ sở hữu phải tự quản lý, sử dụng tài sản đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật chứ Nhà nước không quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức tôn giáo. Vì vậy, để không bị hiểu nhầm những điều khoản trong Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính quy định Nhà nước quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức tôn giáo thì tại Điểm b khoản 1 Điều 4, Dự thảo Thông tư (lần 3) khi xác định nguồn tài chính cho công tác tổ chức lễ hội cần ghi rõ: không áp dụng đối với các di tích là cơ sở tôn giáo thuộc sở hữu và sử dụng của các tổ chức tôn giáo. Khoản 3 Điều 10 Dự thảo Thông tư (lần 3) cho phép lấy tiền công đức của tổ chức tôn giáo, tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu để trích chi cho công tác tổ chức lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao chủ trì tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội. Mức trích và hình thức chuyển tiền do Trưởng Ban tổ chức lễ hội và người đại diện theo pháp luật của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc tại di tích thỏa thuận bằng văn bản. Số tiền còn lại, tổ chức tôn giáo mới được quản lý và sử dụng. Điều này rất cần phải xem xét lại vì khi áp dụng sẽ rất khó và có thể không áp dụng được ở một số cơ sở thờ tự của một số tôn giáo từ đó dẫn đến sự đối xử không công bằng đối với các tôn giáo, Thông tư sẽ không có tính khả thi trong thực tiễn khi áp dụng. Hơn nữa, việc quy định sử dụng tiền tài trợ cho di tích để chi cho công tác tổ chức lễ hội là không đúng bởi vì tiền tài trợ cho di tích chỉ được sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đó là những khoản hiến tặng có điều kiện. Tiền của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ để trùng tu các hạng mục của di tích là tiền tặng cho có điều kiện theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, không được tùy tiện sử dụng mà phải chi đúng mục đích. Tiền công đức tại di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu, quản lý, sử dụng luôn là tài sản của tổ chức tôn giáo, không phụ thuộc vào việc có lễ hội hay không có lễ hội, không phụ thuộc vào chủ thể tổ chức lễ hội là cơ quan nhà nước hay tổ chức tôn giáo. Vì vậy, tiền công đức không phải là đối tượng thỏa thuận phân chia giữa Trưởng Ban tổ chức lễ hội với đại diện của tổ chức tôn giáo. Nguồn tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức chỉ được trích từ nguồn tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội, tiền thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội, tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi từ hai loại tiền nói trên và tiền ngân sách nhà nước (nếu có). Ban tổ chức lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức chỉ được sử dụng tiền công đức của tổ chức tôn giáo để chi cho công tác tổ chức lễ hội trong trường hợp tổ chức tôn giáo tự nguyện sử dụng tiền công đức để tài trợ không hoàn lại cho hoạt động lễ hội hoặc tổ chức tôn giáo tự nguyện ứng trước cho công tác tổ chức lễ hội. Vì vậy, Bộ Tài chính phải quy định rõ là Thông tư này chỉ quy định quản lý đối với tiền công đức không phải của tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích không phải là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội không do tổ chức tôn giáo tổ chức. 2. Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo Thông tư (lần 3), tổ chức tôn giáo tổ chức lễ hội “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”, khi kết thúc lễ hội “phải tổng kết việc thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; nội dung tổng kết này được thể hiện trong báo cáo kết quả tổ chức lễ hội gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ”. Đại đa số các ý kiến góp ý không tán thành quy định nói trên của Dự thảo Thông tư (lần 3). Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Nhà nước chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc tổ chức tôn giáo “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”. Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức được thực hiện theo quy định của tổ chức tôn giáo. Giáo hội đồng ý việc hướng tới sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý, thu chi tài chính đối với các cơ sở thờ tự và cần có quy định rõ ràng trong ghi chép đầy đủ và các chế độ báo cáo tài chính trong nội bộ của Giáo hội. Khi cần thiết, Giáo hội sẽ làm việc với các cơ quan Nhà nước theo yêu cầu và theo quy định của pháp luật. Nguồn chi cho lễ hội và nguồn thu từ lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức đều là tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, không có bất cứ văn bản luật nào buộc tổ chức tôn giáo phải báo cáo với Nhà nước. Điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng không quy định phải báo cáo kết quả thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội. Tổ chức tôn giáo tổ chức lễ hội chỉ phải báo cáo kết quả tổ chức lễ hội căn cứ trên hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội hoặc văn bản thông báo tổ chức lễ hội quy định tại Điều 10 và Điều 15 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, mà hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội hoặc văn bản thông báo tổ chức lễ hội hoàn toàn không có nội dung thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội. Các Điều 18, 19 và 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội, trong đó không có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với báo cáo kết quả thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức. Vì vậy, Bộ Tài chính không thể ban hành Thông tư đứng trên Nghị định của Chính phủ, buộc tổ chức tôn giáo phải báo cáo kết quả thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức. Điều 15 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 chỉ quy định cơ sở tín ngưỡng (không phải cơ sở của tổ chức tôn giáo) phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoản thu và mục đích sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội do cơ sở tín ngưỡng (không phải cơ sở của tổ chức tôn giáo) tổ chức, chứ không quy định tổ chức tôn giáo phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoản thu và mục đích sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức. Vì vậy, Bộ Tài chính không thể ban hành Thông tư đứng trên Luật của Quốc hội, buộc tổ chức tôn giáo phải báo cáo kết quả thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức.    Tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không phải là loại tài sản phải đăng ký theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015, nên tổ chức tôn giáo không có nghĩa vụ công khai những khoản tiền đó. Tổ chức tôn giáo chỉ phải công khai tài sản trong trường hợp được tặng cho tài sản có điều kiện quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng đó là công khai tài sản đối với bên tặng cho có điều kiện. Vì vậy, việc Dự thảo Thông tư (lần 3) buộc tổ chức tôn giáo báo cáo kết quả thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là không có cơ sở pháp lý và dễ gây dư luận xã hội cho rằng có sự can thiệp vào công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo. Thông tư chỉ được quy định việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội không do tổ chức tôn giáo tổ chức. Tóm lại, Dự thảo Thông tư (lần 3) mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn những quy định không phù hợp với pháp luật hiện hành, không phù hợp và không khả thi trong thực tiễn. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kính đề nghị Bộ tài chính tiếp thu sửa đổi Điều 1 Dự thảo Thông tư (lần 3) như sau: “Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức; tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư”; đồng thời điều chỉnh tất cả những quy định trong Dự thảo Thông tư (lần 3) trái với nguyên tắc nêu trên. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thành và đề cao việc minh bạch tiền công đức và tài sản trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Trân trọng!
Nơi nhận: -      Như trên; -      Bộ Nội vụ; -      Bộ VH,TT&DL; -      Bộ Tư pháp; -      Ban Tôn giáo Chính phủ; -      Ban TTr HĐTS; -      Lưu VP1,VP2.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH - TỔNG THƯ KÝ

 

  

Thượng tọa Thích Đức Thiện

Download Android Download iOS
Kỷ niệm 30 năm Lớp Sơ cấp Phật học Quận 3 - Hành trình ba thập kỷ truyền đăng tục diệm

Sáng ngày 24/11/2024, tại chùa Phước Hòa (Quận 3, TP.HCM), buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Lớp Sơ cấp Phật học Quận 3 đã diễn ra trang trọng, đánh dấu hành trình ba thập kỷ phụng sự giáo dục Phật học và đào tạo Tăng Ni sinh.

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Bình Phước: Phật giáo huyện Bù Gia Mập tưởng niệm 716 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn

Sáng nay, ngày 24/11/2024, tại Thiền Tự Trúc Lâm Thiên Sơn (thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) Thường trực Ban Trị sự Phật giáo huyện Bù Gia Mập đã tổ chức khóa tu lần thứ 10 cho Tăng Ni Phật tử huyện nhà và tưởng niệm 716 năm ngày Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308-2024).

TP.HCM: 245 Phật tử tham dự Hội thi Giáo lý Phật tử 2024 tại quận Phú Nhuận

Sáng ngày 17/11/2024, tại Tổ đình Kim Sơn (phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận đã tổ chức Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện năm 2024 với sự tham gia của 245 thí sinh. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, có sự chứng minh và tham dự của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận cùng đông đảo Ph

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online